THỊ TRƯỜNG

Tăng cường XK các sản phẩm sau dăm gỗ

Ngày đăng: 03 | 04 | 2013

Đó là một nội dung vừa được Bộ NN-PTNT đưa ra tại Diễn đàn DN trồng rừng, chế biến và XK gỗ 2013, do Bộ NN-PTNT cùng Hiệp hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP.HCM (HAWA) tổ chức mới đây tại TP.HCM.

XK vẫn ổn định
Theo Bộ NN-PTNT, trong quý 1 năm nay, XK gỗ vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ 2012. Đặc biệt, trong tháng 3, dù đã thực hiện XK gỗ sang EU theo quy chế FLEGT (DN phải giải trình nguồn gốc gỗ), nhưng giá trị XK gỗ vẫn ước đạt 448 triệu USD, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 30 triệu USD và chỉ thấp hơn 1 chút so với tháng 1 năm nay (488,78 triệu USD (không so với tháng 2 vì đây là tháng Tết). Như vậy, có thể thấy tình hình XK gỗ vẫn đang ổn định.
Ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch HAWA, cho biết, chỉ có những DN hay lô hàng sử dụng gỗ rừng trồng trong nước là gặp đôi chút khó khăn khi giải trình nguồn gốc gỗ theo quy chế FLEGT. Còn những DN hay lô hàng sử dụng gỗ NK thì không gặp phải vấn đề gì bởi phần lớn các DN đều đã có ý thức NK gỗ từ những nước có chứng chỉ rừng. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho hay, hiện nay đã không còn DN nào XK gỗ sang EU sử dụng nguồn gỗ khai thác từ rừng tự nhiên, mà chủ yếu dùng gỗ NK và gỗ rừng trồng. Chính vì thế, theo nhận định của một số DN gỗ tham gia diễn đàn, quy chế FLEGT đã không ảnh hưởng nhiều tới việc XK gỗ của nước ta.
Theo HAWA, kết quả khảo sát ở các DN là thành viên của Hiệp hội này, cho thấy, các DN đều đang có đơn hàng XK gỗ trong nhiều tháng tới. Cụ thể, trong 52 DN phản hồi về HAWA thì 80,8% có đơn hàng XK đến hết quý 2; 13,5% DN có đơn hàng XK đến hết quý 3 và 5,8% DN có đơn hàng XK đến hết năm nay.
Chế biến gỗ ở Bình Dương
 
Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh, trong năm nay, việc sản xuất, XK gỗ có thể tiếp tục gặp những khó khăn như nguồn nguyên liệu thiếu ổn định, DN khó tiếp cận vốn, lãi suất tín dụng tuy có giảm nhưng vẫn cao. Nhưng ngành gỗ phải tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định về XK. Năm nay, ngành gỗ phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10-15% để đạt giá trị 5,5 tỷ USD. Đồng thời các DN phải chú trọng đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, ngành gỗ phải đi sâu và chế biến, XK các sản phẩm sau dăm gỗ. Bởi hiện nay, việc XK dăm gỗ quá nhiều đang làm hạn chế hiệu quả kinh tế của ngành gỗ. Để XK 5,5 triệu m3 dăm gỗ, ngành gỗ đã ngốn tới 11 triệu m3 gỗ nguyên liệu. Trong khi đó, giá trị XK dăm gỗ lại khá khiêm tốn, chỉ chưa tới 700 triệu USD. Giá dăm gỗ XK lại không thể đẩy lên được. Hiện tại, chưa thể đánh thuế ngay vào dăm gỗ XK vì như thế sẽ ảnh hưởng ngay tới người trồng rừng, do DN sẽ trừ cái thuế đó vào giá thu mua gỗ nguyên liệu. Nhưng phải có những chính sách khuyến khích phát triển chế biến gỗ sau dăm để hạn chế XK dăm gỗ, và xa hơn là tiến tới đánh thuế vào dăm gỗ XK.
Sẽ tạm ngưng khai thác gỗ rừng tự nhiên
Nếu như những năm trước đây, ngành gỗ phụ thuộc quá nhiều vào gỗ nguyên liệu NK, thì hiện nay, tình trạng này đã được cải thiện đáng kể. Theo khảo sát của HAWA ở 47 DN hội viên, trong tổng khối lượng gỗ nguyên liệu mà các DN này đang sử dụng, có 33,4% là NK và 66,6% còn lại từ nguồn gỗ rừng trồng trong nước. Ván nhân tạo NK hiện cũng chỉ chiếm 22,7%, còn 77,3% là ván nhân tạo nội địa.
Số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy, ở nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ XK, nguồn nguyên liệu nội địa cũng không còn quá lép vế như trước đây. Trong năm 2012, để làm các sản phẩm đồ gỗ XK, các DN đã sử dụng khoảng 6 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó, gỗ NK là 4 triệu m3 (chiếm 66%), gỗ cao su và gỗ rừng trồng trong nước là 2 triệu m2 (34%). Riêng 11 triệu m3 gỗ nguyên liệu để làm 5,5 triệu m3 dăm gỗ XK, đều từ gỗ rừng trồng trong nước. Tổng nhu cầu nguyên liệu gỗ hiện nay khoảng 19 triệu m3, thì chỉ cần NK 4 triệu m3, 15 triệu m3 còn lại có thể cung ứng từ nguồn gỗ trong nước...
Thứ trưởng Hà Công Tuấn, cho hay, chủ trương của Bộ NN-PTNT là đã và sẽ hạn chế thấp nhất gỗ nhập không có xuất xứ, tăng NK từ những nước có chứng chỉ rừng. Đồng thời, sẽ tăng mạnh nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng tập trung và cây trồng phân tán. Rừng tự nhiên trong năm nay chỉ khai thác một cách hạn chế. Chỉ những DN nào có chỉ tiêu khai thác bền vững mới được cấp phép khai thác gỗ từ rừng tự nhiên. Thứ trưởng khẳng định sang năm 2014, sẽ tạm ngừng khai thác gỗ rừng tự nhiên một thời gian.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

 

NỘI DUNG KHÁC

Lượng gạo xuất khẩu tăng mạnh

4-3-2013

Hai tháng đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu gạo đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về lượng nhưng lại giảm mạnh về giá trị. Trong đó, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2 ước đạt 233 nghìn tấn, giá trị đạt 107 triệu USD.

Xuất khẩu cao su năm 2013: Nhiều thách thức

28-2-2013

Kết thúc năm 2012 với những nỗ lực không ngừng của toàn ngành, sản lượng cao su xuất khẩu tiếp tục tăng cao. Tính chung trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu cao su đã đạt 2,85 tỷ USD. Bước sang năm 2013, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn đối với xuất khẩu cao su…

Mất mùa điều do khô hạn

27-2-2013

Thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) ngày 26.2, do vụ mùa năm nay đến sớm nên ngay sau Tết Quý Tỵ, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều trong nước bắt đầu thu mua điều nguyên liệu niên vụ 2013.

Giá lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục tăng

27-2-2013

Ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Tổng giám đốc Công ty Gentraco Cần Thơ cho biết, sau 5 ngày triển khai chương trình mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các doanh nghiệp trong hiệp hội đã mua được khoảng 20% số gạo được giao mua.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản 2 tháng đầu năm giảm 2,1%

27-2-2013

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tháng 2 ước đạt 139 nghìn tấn, giảm 2,8% so với cùng kì năm ngoái, đưa tổng sản lượng NTTS 2 tháng đầu năm ước đạt 308,3, giảm 2,1 % so với cùng kì năm ngoái.

Sau Tết, lúa gạo chững giá

26-2-2013

Giá gạo tại thị trường châu Á tuần qua biến động trong biên độ hẹp, giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL cũng gần như không thay đổi so với trước Tết. Chương trình mua gạo tạm trữ của Chính phủ đang phát huy tác dụng hỗ trợ cho giá gạo.

Xuất khẩu hồ tiêu trước nguy cơ bị ép giá

26-2-2013

Hiệp hội Hồ tiêu cho rằng, lượng hồ tiêu xuất khẩu còn ít nên khách hàng nước ngoài chưa muốn nâng giá.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 31,5%

26-2-2013

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thuỷ sản tháng 2 ước đạt 2,26 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản 2 tháng đầu năm 2013 ước đạt 4,83 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Nông dân phập phồng chờ giá

20-2-2013

Bắt đầu từ ngày hôm nay (20.2), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sẽ triển khai thực hiện thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nghịch lý sản xuất hồ tiêu

24-1-2013

Trong khi hầu hết các mặt hàng nông sản khác đều sụt giảm về giá bán thì riêng xuất khẩu hồ tiêu năm 2012 tiếp tục giành thắng lợi khi kim ngạch tăng gần 10% và giá bán tăng tới gần 16%. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu nước ta đang đối mặt với tình trạng liên tục suy giảm sản lượng thu hoạch.

DOC khởi xướng vụ kiện chống trợ cấp tôm VN: Không công bằng

24-1-2013

Theo VASEP, ngày 18/1/2013, DOC đã chính thức tuyên bố khởi xướng và tiến hành điều tra vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, DOC sẽ tiến hành lựa chọn các bị đơn bắt buộc của Việt Nam căn cứ vào các số liệu thống kê của Hải quan Hoa Kỳ và sẽ cho công bố trong thời gian tới.

Mòn mỏi chờ bán lúa

24-1-2013

Ông Huỳnh Văn Bé Tư, nông dân xã Phú Điền, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), cho biết hơn một tuần qua, hơn 1,3ha lúa nhà ông đến kỳ thu hoạch, kêu thương lái đến mua ai cũng lắc đầu.