THỊ TRƯỜNG

Giá gạo tăng, thương lái lợi

Ngày đăng: 07 | 09 | 2012

Giá gạo xuất khẩu đang tăng cao nhưng cũng là lúc vụ hè thu ở ĐBSCL cơ bản đã thu hoạch xong, nông dân không còn nhiều lúa để bán.

Do có nhiều hợp đồng nên các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đang tăng giá thu mua gạo nguyên liệu. Tuy nhiên, việc giá tăng chỉ có lợi cho thương lái do phần lớn lúa gạo đang nằm trong tay họ.
Thương lái thu mua lúa tại Trà Vinh.
 
Thị trường rộng mở
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo xuất khẩu giao tại mạn tàu các cảng TPHCM đã tăng thêm 700 đồng - 800 đồng/kg so với tháng trước. Giá gạo thành phẩm loại 5% tấm 8.900 đồng - 9.000 đồng/kg, loại 15% tấm từ 8.500 đồng - 8.700 đồng/kg. Do đó, giá gạo nguyên liệu trong nước cũng đã lên 7.600 đồng - 7.800 đồng/kg, tăng khoảng 700 đồng/kg.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, cho biết sở dĩ giá lúa gạo trong nước tăng là do gần đây, các DN đã ký thêm nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc, Philippines, Malaysia, kể cả Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Phi. Trong khi đó, nguồn cung trong nước đã vào cuối vụ hè thu nên không còn dồi dào như trước.
Giá gạo thế giới gần đây cũng tăng lên do thời tiết bất lợi xảy ra ở nhiều nơi. Ấn Độ, Pakistan, Myanmar là những nước xuất khẩu gạo với số lượng lớn, mức giá thấp nhưng đang phải tính toán lại việc hạn chế xuất để cân đối lương thực trong nước. Nhiều nước khác phải lo nhập khẩu gạo để dự phòng rủi ro giá có thể bị đẩy lên cao... Bangladesh đang tiếp xúc với các nước xuất khẩu để mua gạo với số lượng lớn; Iran cũng cần nhập thêm 2 triệu tấn cho những tháng cuối năm và đầu năm sau; Philippines cần nhập thêm 700.000 tấn gạo do nguồn cung trong nước không thể đáp ứng được; Indonesia đang đàm phán nhập khẩu 500.000 tấn gạo…
Ngoài ra, giá tăng còn do một lượng gạo không nhỏ đang “chảy” sang Thái Lan và Trung Quốc. Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, chỉ trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Thái Lan vẫn tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ giá cho nông dân. Do đó, nhiều thương nhân Thái Lan tìm mua lúa gạo Việt Nam bằng đường Campuchia để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu của họ. Theo giới chuyên môn, có khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam đã xuất bán sang Campuchia để giao hàng cho thương nhân Thái Lan, trong khi thông thường hằng năm, Việt Nam mua từ Campuchia từ 500.000 tấn cho đến khoảng 1 triệu tấn gạo...
Nông dân hết lúa
Cũng theo VFA, so với cùng kỳ năm ngoái, số hợp đồng xuất khẩu 8 tháng đầu năm đã tăng hơn 13%. Chỉ trong tháng 8, các DN đã xuất khẩu được 928.175 tấn gạo, trong khi tháng 7 chỉ xuất được 765.000 tấn. Nếu tính lũy kế từ đầu năm đến nay, các DN đã xuất khẩu được trên 5,1 triệu tấn gạo, trị giá 2,264 tỉ USD. Khả năng xuất khẩu cả năm trên 7 triệu tấn gạo là có thể thực hiện được...
Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Trồng trọt, hiện nay, khu vực ĐBSCL đã thu hoạch được 1,420 triệu ha/ 1,678 triệu ha diện tích lúa hè thu. Như vậy, ĐBSCL cơ bản đã thu hoạch gần xong vụ hè thu này, tức nông dân cũng không còn nhiều lúa để bán với giá cao.
Hiện giá lúa loại thường thu mua tại các nhà máy ở ĐBSCL 5.800 đồng - 6.000 đồng/kg, lúa hạt dài 6.000 đồng - 6.200 đồng/kg, nếu so với tháng 7 thì đã tăng hơn 1.000 đồng/kg.
Giá lúa miền Bắc giảm nhẹ
Giá lúa ở nhiều tỉnh miền Bắc hiện không tăng, thậm chí giảm nhẹ. Theo VFA, sở dĩ có tình trạng này là do sản xuất lúa gạo ở khu vực miền Bắc chủ yếu tiêu thụ trong nước nên ít ảnh hưởng từ giá xuất khẩu. Nếu DN tìm mua gạo ở miền Bắc để xuất khẩu cũng không hiệu quả do chi phí vận chuyển cao. Theo giới thương lái, chỉ một số ít DN ở miền Bắc mua lúa chất lượng cao nhưng cũng không mặn mà tìm mua lúa gạo trong dân.
Nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL thừa nhận hầu hết nông dân đều bán lúa với giá thấp do không có điều kiện trữ lại chờ giá tăng. Ông Nguyễn Quốc Trực, Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, cho hay vụ hè thu trên địa bàn tỉnh này đã kết thúc cách nay gần cả tháng. Lúc đó, nông dân chỉ bán lúa với giá 4.500 đồng - 4.600 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất vụ hè thu này ở Tiền Giang lên tới 4.500 đồng/kg, nghĩa là họ chỉ hòa vốn, không thể lãi 30% như chỉ đạo của Chính phủ. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho hay vụ hè thu này, hầu hết nông dân đều bán lúa tươi tại ruộng với mức giá thấp.
Một số DN xuất khẩu cũng thừa nhận: Thường bà con nông dân “thu hoạch đến đâu bán hết đến đó” do không có điều kiện phơi phóng cũng như không có kho trữ. Hiện lúa gạo chỉ còn tồn nhiều trong các kho của thương lái và DN xuất khẩu gạo do họ mua gom với mức giá thấp từ tháng 7, tháng 8 để dự trữ. Nay giá lúa gạo tăng cao, họ bắt đầu bung hàng ra bán để hưởng lợi.
Theo LĐO

NỘI DUNG KHÁC

Vì sao thừa nhưng vẫn phải nhập muối?

7-9-2012

Bộ Công Thương đã chính thức cấp hạn ngạch nhập khẩu 102.000 tấn muối trong năm 2012. Vì sao, một nước với chiều dài 3.200km bờ biển, nhưng năm nào cũng phải nhập khẩu muối?

Dự báo xuất khẩu cá tra sẽ tăng mạnh

29-8-2012

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, tình hình xuất khẩu thủy sản trong quý 3 sẽ khả quan.

Người trồng mía khốn khó!

29-8-2012

Nhà máy đường Phụng Hiệp và Vị Thanh (Cty CP Mía đường Cần Thơ - Casuco) chạy máy được hơn 5 ngày thì tạm dừng, đến 10-15/9/2012 mới hoạt động trở lại. Việc nhà máy tạm dừng khiến người trồng mía ở những vùng chưa có đê bao của tỉnh Hậu Giang cùng lãnh đạo địa phương rất bức xúc.

Cà phê Việt Nam vững giá dù thế giới giảm khá mạnh

28-8-2012

Các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam hiện đang “ngại” bán cà phê hạt tươi giao kỳ hạn vì lo ngại giá biến động. Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam vì thế vẫn vững trong tuần qua, bất chấp giá thế giới đi xuống.

Gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng đột biến

28-8-2012

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản 8 tháng đầu năm 2012 ước đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng gấp 5,2 lần về lượng và 4,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, sản lượng thịt giảm

28-8-2012

Cục Chăn nuôi vừa cho biết, sản xuất chăn nuôi trong tháng 8 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do diễn biến của dịch bệnh, ảnh hưởng của tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi khiến cho sức tiêu dùng giảm rõ rệt.

Giá lương thực thế giới tăng trở lại

10-8-2012

Theo Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), công bố ngày 9-8, thời tiết khắc nghiệt tại nhiều nơi trên thế giới đã khiến chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 7 tăng trở lại, cao hơn 6% so với mức trong tháng 6.

Nặng trĩu nỗi lo vụ mía mới

10-8-2012

Các tỉnh ĐBSCL sắp vào vụ mía mới năm 2012-2013 với nhiều nỗi lo, bởi lượng đường vụ trước còn tồn kho hơn 250.000 tấn, giá đường đang ở mức thấp.

Thương hiệu chè Việt: Vẫn còn là mơ ước?

6-8-2012

Chất lượng sản phẩm kém, không ổn định, số lượng không ra tấm ra món được coi là 3 "căn bệnh" làm cho thương hiệu chè Việt vẫn chỉ là mơ ước. Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị, cần phải thành lập Ủy ban Chè Việt Nam để xây dựng thương hiệu cho ngành.

Đường nội dội chợ vì đường ngoại

6-8-2012

Bị ép mạnh bởi đường ngoại, đường nội đang gặp khó khăn lớn trong việc tiêu thụ. Giá bán vì thế đang có xu hướng giảm mạnh và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới giá thu mua mía trong niên vụ 2012-2013.

Người nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn "treo" ao

6-8-2012

Giá cá thấp, giá thức ăn cho cá không ngừng tăng khiến nhiều hộ nuôi cá tiếp tục thua lỗ nặng nhiều năm nên hết vốn tái đầu tư…

XK rau, quả sang Châu Âu - Mỹ: Gian nan quản lý ATTP

2-8-2012

Hàng loạt rào cản về chất lượng, VSATTP được các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ đặt ra đang khiến rau quả của VN liên tục “gặp nạn”. Trong khi đó, tại buổi tọa đàm về VSATTP do Hiệp hội Rau quả VN tổ chức hôm qua 31/7 tại TPHCM, rất nhiều DN XK rau quả bức xúc kêu trời trước hàng loạt bất cập của các cơ quan quản lý, kiểm soát chất lượng nông sản VN hiện nay…