ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước

Ngày đăng: 14 | 05 | 2012

Tình hình sản xuất, tiêu thụ trong tháng 4 vẫn không có dấu hiệu cải thiện đáng kể khi những chỉ số quan trọng về sản xuất công nghiệp, thương mại vẫn thấp. Đặc biệt, lượng hàng tồn kho đang ở mức cao. Năm 2012, Việt Nam đặt mục tiêu tăng 13% giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước, tương đương 108,8 tỷ USD.

Sản xuất các sản phẩm từ cói ở DNTN Thành Hóa (Yên Nhạc-Yên Khánh-Ninh Bình).
Để đạt được mục tiêu này, vai trò Nhà nước cần được thể hiện rõ qua việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp (DN) cũng như tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng chính sách sản xuất và xuất khẩu thích ứng với hoàn cảnh hiện tại.
Ám ảnh hàng tồn kho
Thông thường thời điểm này hàng năm, Công ty Dệt may Phú Vĩnh Hưng, chuyên sản xuất xuất khẩu các sản phẩm bít tất đi một số thị trường châu Á và Đông Âu đã nhận được đơn hàng đến hết quý III. Tuy nhiên, năm nay, lượng đơn hàng nhận được mới chỉ đến khoảng giữa tháng 5. Tuy vậy, lãnh đạo DN này vẫn chỉ cho công nhân sản xuất cầm chừng, thậm chí phải cắt giảm nhân công một số bộ phận vì lượng hàng tồn kho nhiều.
Ông Trịnh Xuân Tùng, Giám đốc Công ty cho biết: “Lượng hàng tồn kho của DN hiện nay có thể đáp ứng cho nhu cầu đơn hàng đến hết quý II. Do vậy, DN chỉ tập trung sản xuất những sản phẩm đã không còn hàng theo đơn đặt hàng mới. Mặc dù đã đẩy mạnh phân phối ra thị trường nội địa, nhưng do đây là mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm càng thấp, nên vẫn không cải thiện tình hình tồn kho”.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện nhiều ngành vẫn đang gặp khó khăn do chỉ số tồn kho tăng cao, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến tăng tới 32,1% so với cùng kỳ năm trước (giảm nhẹ 0,5% so với tháng trước). Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao, như: sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 101,5%; chế biến và bảo quản rau quả 94,8%; các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào 90,8%; phân bón và hợp chất nitơ 63,4%; xay xát và sản xuất bột thô 51,5%; xi măng 44,2%; môtô, xe máy 38,9%; trang phục (trừ quần áo da lông thú) 35,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản 35,2%; xe có động cơ 31,6%.
Đặc biệt, hiện có nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng và thị trường tiêu thụ. Đơn cử như ngành dệt may, DN tiếp tục gặp khó khăn về lao động, vốn và đơn hàng. Dù bước vào mùa cao điểm trong năm, nhưng hầu hết DN mới chỉ có đơn hàng đến quý II, một số ít ký được đơn hàng đến quý III hoặc đang đàm phán hợp đồng.
Thêm vào đó, các DN sợi gặp thêm khó khăn về nhập khẩu bông rơi chải kỹ do thuế suất tăng từ 0% lên 10%, khiến DN phải tăng giá sản phẩm và giảm khả năng cạnh tranh trên chính thị trường nội địa.
Tập trung hỗ trợ trực tiếp cho DN
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, bên cạnh việc bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô, nhà nước cần có những hành động kịp thời nhằm khắc phục biểu hiện đình đốn của sản xuất trong nước. Trong đó, cần tập trung hỗ trợ trực tiếp cho DN, làm sao để DN có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Việc cần làm là khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cho DN, tiếp đó là xem xét cung cấp tín dụng cho các DN, ưu tiên DN xuất khẩu, DN vừa và nhỏ. Cùng với đó là các chính sách ân hạn thuế, giảm và miễn thuế cho một số DN.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, nằm trong các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo đảm duy trì nguồn nguyên liệu, thúc đẩy các biện pháp để đầu vào của hàng hóa không bị đẩy giá lên cao. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống cũng như tăng cường tìm kiếm các thị trường mới. Trong đó, đặc biệt tập trung vào việc tìm hiểu thông tin, tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh sự thâm nhập của hàng hóa vào các thị trường châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc… Mặt khác, xem xét xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân; tăng cường nghiên cứu áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ giá để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN trong nước, phù hợp với các nguyên tắc của WTO.
Gói giải pháp “miễn, giảm, giãn thuế” với tổng trị giá khoảng 25.000 tỉ đồng vừa được Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất để cứu doanh nghiệp sau khi đánh giá tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với các DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản, da giày, dệt may... Đồng thời cũng nên gia hạn thuế VAT tháng 4, 5 và 6 trong sáu tháng đối các DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động; giảm 50% tiền thuê đất đối với các DN kinh doanh lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại.
Về lâu dài, theo khuyến nghị chính sách thúc đẩy XK do nhóm chuyên gia kinh tế, đứng đầu là nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đưa ra, cần phải xây dựng khung chính sách thương mại mới, bảo đảm các nguyên tắc đồng bộ với các chính sách thương mại hiện hành. Chính sách thương mại nên chiếm lĩnh cả những ngành hàng, xâm nhập vào chuỗi giá trị, xây dựng năng lực thể chế để thực hiện các biện pháp bảo hộ hợp pháp tinh tế và ưu tiên xây dựng một số liên minh ngành hàng chiến lược…
Để có thể thành công trong sân chơi chung của thế giới, cần phải cơ cấu lại DN theo hướng quản lý lành mạnh, tạo nội lực lớn, đủ tầm thâm nhập thị trường, cũng như nắm bắt đầy đủ thông tin của thị trường đối tác, trong đó cần phải nắm rõ văn hóa đặc trưng của từng thị trường, hiểu rõ tiềm lực đối thủ cạnh tranh, cũng như những quy định mang tính bảo hộ của các quốc gia để bảo đảm hàng hóa có thể vượt qua các rào cản, thâm nhập sâu vào các thị trường lớn trên thế giới.
Theo Kinh tế nông thôn

NỘI DUNG KHÁC

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đứng vững nhờ chủ động tạo nguồn nguyên liệu

14-5-2012

Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp ngành thủy sản lâm vào tình trạng khó khăn, phải ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu để sản xuất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định vì đã chú trọng tự đầu tư vùng nuôi thủy sản.

Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long

9-5-2012

Lúa và thủy sản là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn vùng ÐBSCL đạt 4 tỷ USD, chiếm hai phần ba tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Xuất khẩu gạo: Lại lo doanh nghiệp “xé rào”

9-5-2012

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính tới 30/4/2012, tổng số hợp đồng xuất khẩu gạo các doanh nghiệp ký là 4,4 triệu tấn gạo.

Ký hợp đồng xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo

9-5-2012

Những ngày đầu tháng 5, giá gạo thế giới tăng mạnh kéo giá gạo trong nước cũng tăng theo. Tuy nhiên, lượng lúa còn tồn trong dân không đáng kể, hoạt động xuất khẩu vì thế cũng gặp một số khó khăn lớn.

Vĩnh Phúc: “Bến đỗ” của nhiều doanh nghiệp FDI

4-5-2012

Từ nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc được coi là “Bình Dương của miền Bắc” với nhiều chính sách thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Kiểm tra thủy sản XK: Nafiqad nói cần, doanh nghiệp nói không

4-5-2012

Các doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) thủy sản và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) đã tranh cãi nhau dữ dội về việc lấy mẫu kiểm tra các lô hàng thủy sản XK hiện nay.

Một số lưu ý khi đưa hàng vào Hoa Kỳ

4-5-2012

Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Cơ quan Quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2012 đã đặt ra yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ, song nếu nhìn ở góc độ tích cực, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng hàng hóa để chuẩn bị cho chiến lược xuất khẩu bền vững.

XK cá tra sang châu Âu gặp khó

3-5-2012

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chính sách siết chặt tín dụng tại các nước châu Âu đang thực hiện đã ít nhiều tác động đến XK cá tra Việt Nam vào thị trường này.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nên vội vàng ký hợp đồng với giá thấp

3-5-2012

Đó là khuyến cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sau khi đưa ra nhận định giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng trong thời gian tới.

VFA: Không nên vội ký hợp đồng xuất khẩu gạo

25-4-2012

Lượng hợp đồng xuất khẩu gạo tăng dồn dập trong tháng 3 đã đánh dấu đây là tháng có hợp đồng ký nhiều nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng các doanh nghiệp không nên vội vã ký tiếp để hạn chế rủi ro khi giá gạo có xu hướng tăng.

Doanh nghiệp cà phê vỡ nợ hàng loạt

25-4-2012

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2012 đến nay có hơn 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên đã và đang vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng. Thiệt hại vẫn thuộc về người dân, bởi hầu hết khi ký gửi cà phê, cho vay tiền mặt họ chỉ có giấy nợ viết tay.

Gỡ khó cho cá tra xuất khẩu

24-4-2012

Giá cá tra nguyên liệu liên tục biến động theo chiều giảm, hiện đứng ở mức từ 23.000 - 25.000 đồng/kg. Đây là mức thấp nhất trong nhiều tháng qua và với mức giá trên, người nuôi cá cầm chắc lỗ. Thế nhưng, nghịch lý khác là các khoản chi phí đầu vào tăng và tăng liên tục. Đây chính là thách thức lớn, nếu không nhanh chóng tìm biện pháp tháo gỡ, chắc chắn nghề nuôi và chế biến cá tra ở khu vực ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng sẽ còn gặp khó...