ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Xuất khẩu gạo: Lại lo doanh nghiệp “xé rào”

Ngày đăng: 09 | 05 | 2012

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính tới 30/4/2012, tổng số hợp đồng xuất khẩu gạo các doanh nghiệp ký là 4,4 triệu tấn gạo.

Trong tháng 4 các doanh nghiệp đã giao 670 nghìn tấn gạo và lũy kế 4 tháng qua đã giao được 1,8 triệu tấn gạo. Trong 2 tháng còn lại, dự kiến mỗi tháng sẽ giao 750.000 tấn gạo và như vậy, các doanh nghiệp sẽ giao khoảng 2,1 triệu tấn gạo trong quý 2/2012.
Tại cuộc họp thường kỳ hàng tháng tổ chức cuối tuần qua, VFA đã lưu ý các doanh nghiệp hai vấn đề quan trọng đang xảy ra. Đó là việc “xé rào” bán gạo giá thấp vào thị trường tập trung Malaysia và bán gạo qua Campuchia. 
Ách tắc giao hàng, mối lo doanh nghiệp
VFA cho biết, kết quả xuất khẩu gạo tính từ 1/4 - 30/4 đạt 671.394 tấn, trị giá FOB 290,952 triệu USD, trị giá CIF 294,877 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu tính từ ngày 1/1 – 30/4 đạt 1,758 triệu tấn gạo, trị giá FOB 820,280 triệu USD. Trị giá CIF đạt 841,817 USD.
Lượng gạo đang tồn trong kho của các doanh nghiệp khoảng 2,4 triệu tấn, so với hợp đồng đã ký (4,4 triệu tấn, đã giao 1,8 còn lại 2,6 triệu tấn) thì còn thiếu 200.000 tấn gạo. 
Hiện nay, sản lượng lúa gạo trong dân không còn nhiều nên tiến độ thu mua lúa gạo đang rất chậm. Cân đối giữa năng suất của vụ lúa đông xuân 2011-2012 do Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn công bố và sản lượng lúa gạo đã thu mua cho thấy lượng gạo còn trong dân khoảng 500.000 tấn, chủ yếu ở những hộ dân có vốn, hàng xáo và nhà máy xay xát. 
Hiện cân đối giữa lượng gạo tồn kho trong doanh nghiệp và lượng gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu vẫn còn thiếu 200.000 tấn và doanh nghiệp phải đẩy mạnh thu mua vào để có đủ gạo giao theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, đó không phải là áp lực đối với doanh nghiệp vì một số hợp đồng tập trung sẽ giao hàng kéo dài đến tháng 8/2012. 
Khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là tiến độ giao hàng quá chậm và khách hàng cũng đang phàn nàn về vấn đề này. Tốc độ giao hàng chậm khiến lượng gạo tồn kho lớn, vòng quay đồng vốn chậm khiến doanh nghiệp gánh thêm khoản tiền trả lãi ngân hàng càng lớn.
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp đều cho biết, tình hình giao hàng đang bị ách tắc dẫn đến ứ đọng hàng hóa tại các cảng. Trước đây, kế hoạch giao hàng trong tháng Tư là 700.000 tấn gạo nhưng do ách tắc trong khâu giao nhận nên không đạt chỉ tiêu. 
Trước tình trạng đó, VFA khuyến cáo các doanh nghiệp đàm phán với đối tác chuyển qua đi tàu. Đồng thời, các doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long nên kéo container về các cảng ở miền Tây đóng hàng, như cảng Trà Nóc, cảng Cái Cui (Cần Thơ), cảng Mỹ Thới (An Giang). Với những giải pháp trên, VAF dự kiến sẽ giao hàng trong quý 2này được 2,1 triệu tấn gạo.
Không chấp nhận doanh nghiệp “xé rào”
Tuần qua, giá lúa khô tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 5.400 – 5.500 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.600 – 5.700 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.200 – 7.300 đồng/kg, tăng 200 – 300đồng/kg. Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.000 – 7.100 đ/kg nhưng vẫn không mua được. 
Giá lúa gạo nội địa đang tăng mạnh song giá gạo xuất khẩu vẫn không tăng. Mặc dù thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu gạo rất lớn nhưng do ách tắc trong khâu giao nhận nên các doanh nghiệp Trung Quốc đang muốn “dìm” giá mua gạo của Việt Nam xuống. 
Hiện các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ chào mua ở mức giá dao động từ 430 – 435 USD/tấn gạo 5% tấm, trong khi đó giá thành gạo nội địa tại cảng đã là 435 USD/tấn. Nếu doanh nghiệp ký bán giá 435 USD/tấn thì xem như hòa vốn.
Tình hình thị trường gạo xuất khẩu trên thế giới đang khá trầm lắng. Để đẩy mạnh bán ra, Ấn Độ đã hạ giá bán gạo. Trước đây, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ là 440 USD/tấn nhưng nay đã hạ giá xuống còn 430 USD/tấn, thấp hơn gạo cùng loại của Việt Nam là 5 USD/tấn. Gạo 25% tấm Ấn Độ có giá là 360 USD/tấn thấp hơn gạo 25% tấm của Việt Nam đến 40 USD/tấn (400 USD/tấn). 
Trong tháng 4/2012, các doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tăng thêm khoảng 700 – 800 nghìn tấn, chưa bằng 1/2 so với tháng 3 (2 triệu tấn). Theo các doanh nghiệp, sở dĩ lượng hợp đồng ký trong tháng 4 thấp là do lượng lúa gạo hàng hóa trong nước không còn nhiều và giá gạo nội địa đang tăng lên, nên họ chỉ ký hợp đồng khi bán được giá tốt.
Tại thị trường tập trung Malaysia đã xuất hiện tình huống mới. Theo hợp đồng đã ký thì các doanh nghiệp giao hàng đến hết tháng 8/2012 là hoàn tất hợp đồng nhưng mới đây, Malaysia thông báo tạm ngừng nhận hàng trong tháng 6 chờ Chính phủ cấp quota mới. 
Lý do phía Malaysia đưa ra không phù hợp với thông lệ giao dịch từ trước đến nay, bên cạnh đó lại xuất hiện thông tin doanh nghiệp Việt Nam “xé rào” bán gạo với giá thấp vào thị trường này, khiến Malaysia trì hoãn không nhận hàng. 
“Chiêu” mà doanh nghiệp sử dụng ở thị trường tập trung Malaysia không khác gì so với thị trường Philippines. Đó là doanh nghiệp ký hợp đồng bán gạo vào nước nào đó, sau khi tàu rời bến sẽ đổi bộ chứng từ để nhập vào cảng của Malaysia.
Kết thúc cuộc họp, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA đã lưu ý các doanh nghiệp thành viên, việc “xé rào” bán gạo giá thấp vào các thị trường tập trung là không thể chấp nhận. Việc làm này đang làm phương hại đến lợi ích của quốc gia cũng như của bà con nông dân. Nếu phát hiện, Bộ Công Thương sẽ xử lý bằng cách rút giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. 
Bên cạnh đó, mới đây Philippines thông báo sẽ đấu thầu 120 nghìn tấn gạo với 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Tuy nhiên theo đánh giá của VFA, sản lượng lúa gạo của Campuchia khó lòng đáp ứng. Do vậy, rất có khả năng Campuchia sẽ mua gạo của các doanh nghiệp Việt Nam để đấu thầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lưu ý vấn đề này.
Cũng liên quan đến tình hình xuất khẩu gạo, tại thông báo mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, kiểm tra chặt chẽ và kiên quyết rút giấy chứng nhận đối với thương nhân không duy trì đúng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP.
Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới, dự báo nhu cầu nhập khẩu của các thị trường để chủ động, kịp thời chuẩn bị hàng hóa và có giải pháp khắc phục khó khăn nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu xuất khẩu gạo của năm 2012, tiêu thụ tốt lúa, gạo và góp phần ổn định cuộc sống của người nông dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo VnEconomy

 

NỘI DUNG KHÁC

Ký hợp đồng xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo

9-5-2012

Những ngày đầu tháng 5, giá gạo thế giới tăng mạnh kéo giá gạo trong nước cũng tăng theo. Tuy nhiên, lượng lúa còn tồn trong dân không đáng kể, hoạt động xuất khẩu vì thế cũng gặp một số khó khăn lớn.

Vĩnh Phúc: “Bến đỗ” của nhiều doanh nghiệp FDI

4-5-2012

Từ nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc được coi là “Bình Dương của miền Bắc” với nhiều chính sách thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Kiểm tra thủy sản XK: Nafiqad nói cần, doanh nghiệp nói không

4-5-2012

Các doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) thủy sản và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) đã tranh cãi nhau dữ dội về việc lấy mẫu kiểm tra các lô hàng thủy sản XK hiện nay.

Một số lưu ý khi đưa hàng vào Hoa Kỳ

4-5-2012

Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Cơ quan Quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2012 đã đặt ra yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ, song nếu nhìn ở góc độ tích cực, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng hàng hóa để chuẩn bị cho chiến lược xuất khẩu bền vững.

XK cá tra sang châu Âu gặp khó

3-5-2012

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chính sách siết chặt tín dụng tại các nước châu Âu đang thực hiện đã ít nhiều tác động đến XK cá tra Việt Nam vào thị trường này.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nên vội vàng ký hợp đồng với giá thấp

3-5-2012

Đó là khuyến cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sau khi đưa ra nhận định giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng trong thời gian tới.

VFA: Không nên vội ký hợp đồng xuất khẩu gạo

25-4-2012

Lượng hợp đồng xuất khẩu gạo tăng dồn dập trong tháng 3 đã đánh dấu đây là tháng có hợp đồng ký nhiều nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng các doanh nghiệp không nên vội vã ký tiếp để hạn chế rủi ro khi giá gạo có xu hướng tăng.

Doanh nghiệp cà phê vỡ nợ hàng loạt

25-4-2012

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2012 đến nay có hơn 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên đã và đang vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng. Thiệt hại vẫn thuộc về người dân, bởi hầu hết khi ký gửi cà phê, cho vay tiền mặt họ chỉ có giấy nợ viết tay.

Gỡ khó cho cá tra xuất khẩu

24-4-2012

Giá cá tra nguyên liệu liên tục biến động theo chiều giảm, hiện đứng ở mức từ 23.000 - 25.000 đồng/kg. Đây là mức thấp nhất trong nhiều tháng qua và với mức giá trên, người nuôi cá cầm chắc lỗ. Thế nhưng, nghịch lý khác là các khoản chi phí đầu vào tăng và tăng liên tục. Đây chính là thách thức lớn, nếu không nhanh chóng tìm biện pháp tháo gỡ, chắc chắn nghề nuôi và chế biến cá tra ở khu vực ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng sẽ còn gặp khó...

Các doanh nghiệp đã mua tạm trữ được 1,08 triệu tấn gạo

24-4-2012

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa cho biết, tính đến ngày 16/4, các doanh nghiệp đã mua tạm trữ được 1,08 triệu tấn gạo, đạt 108% so với kế hoạch Chính phủ giao.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp - lời giải cho phát triển bền vững

23-4-2012

Hơn 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, nhất là vào năm 2011 xuất khẩu nông sản đạt 25 tỷ USD, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện.

"Bão" vỡ nợ cà phê ở Tây Nguyên: Phải trị bệnh từ gốc

23-4-2012

Đa số cà phê ký gửi ở Tây Nguyên cho phép doanh nghiệp sử dụng “tùy tâm - tùy ý - tùy thích”, nên chuyện vỡ nợ là điều tất yếu.