HỘI THẢO

Làm cánh đồng mẫu lớn, lãi gấp đôi

Ngày đăng: 20 | 03 | 2012

Sau khi Bộ NN&PTNT chủ trương phát triển "cánh đồng mẫu lớn" (CĐML) ở miền Bắc, Thái Bình là một trong những tỉnh đi đầu xây dựng mô hình này. Làm CĐML, có thể lãi gấp đôi, nhưng việc triển khai ở miền Bắc không dễ.

Nở rộ "cánh đồng một màu"
Mô hình CĐML đầu tiên của miền Bắc do Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang triển khai tại thôn Ngô Xá, xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư, Thái Bình), với diện tích 46 ha lúa trong vụ đông xuân năm nay.
Nông dân tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật FF (Farmer’s Friends - kỹ sư "cùng nông dân ra đồng" của Cty) cắm chốt tại xã, hướng dẫn, tập huấn từng công đoạn, từ lúc chuẩn bị hạt giống đến lúc thu hoạch; được giảm giá 5% thuốc bảo vệ thực vật (cho nợ đầu vụ, trả cuối vụ), và chính quyền hỗ trợ đầu ra khi thu hoạch.
Cán bộ kỹ thuật FF hướng dẫn chăm sóc lúa mới sạ cho nông dân thôn Ngô Xá (Nguyên Xá, Vũ Thư, Thái Bình)
 
Chị Nguyễn Thị Hướng ở thôn Ngô Xá sau khi dự đợt tập huấn kỹ thuật, cho biết gia đình có 4 sào (2 thửa) nằm trong vùng CĐML.
"Tôi thấy cách làm khác xưa lắm. Trước đây, trên mảnh ruộng đó, thích giống gì, gieo cấy lúc nào là tự mình, lúc lúa chín thu hoạch thế nào, bán cho ai là quyền của tôi.
Nhưng khi tham gia CĐML, tôi được cán bộ hướng dẫn làm đất cùng đợt, gieo cùng một loại giống, được bày cho cách xử lý đất nhiễm độc, thời điểm phun thuốc… gần như các hoạt động triển khai đồng loạt cả cánh đồng. Chưa biết thu hoạch thế nào, nhưng thấy cách làm rất khoa học nên chúng tôi theo", chị nói.
Nhìn cánh khu CĐML ở Ngô Xá, thấy bờ vùng, bờ thửa đã ít dần, thửa ruộng được mở rộng, có đường bê tông đủ rộng để xe tải vào chở lúa, máy gặt đập liên hợp đi vào.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Chủ nhiệm HTX Nguyên Xá, cho biết, trước đây, cả xã có 300 ha canh tác, thì có tới 6.000 mảnh, nhưng năm 2011, đã đồn điền đổi thửa, còn lại 2.500 mảnh.
"Làm CĐML sẽ giúp điều tiết được nước, phòng trừ sâu bệnh và lúa chín đều cả cánh đồng. Có máy móc cơ giới vào, sẽ làm được đồng loạt, tránh mỗi ruộng một màu trên cánh đồng.
Hơn nữa, khi có máy gặt đập liên hợp, người trung niên, người già vẫn làm tốt, khắc phục cảnh thiếu hụt lao động trẻ ở nông thôn hiện nay", ông Hùng nói.
Về mô hình này, bà Đoàn Thị Kim Tứ, Phó giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, khuyến nông, khuyến ngư Thái Bình, cho biết, tỉnh đang làm cơ chế, chính sách cho phát triển mô hình CĐML.
Bà Tứ nói: "Do vụ này triển khai hơi cập rập, chưa hỗ trợ được đầu vào cho nông dân, còn đầu ra, tỉnh sẽ kêu gọi doanh nghiệp mua cho nông dân khi thu hoạch. Vụ mùa tới, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu cho nông dân làm CĐML".
Ngoài mô hình trên, dù trước đây chưa gọi CĐML nhưng ở Thái Bình, một số Cty đã đầu tư, làm theo CĐML. Tại xã Đông Quý (huyện Tiền Hải), ông Nguyễn Xuân Hưng, Chủ nhiệm HTX Đông Quý, cho biết xã đã phối hợp Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) làm cả chục năm nay, cả cánh đồng chỉ trồng một loại giống, trên diện tích lớn, được bao tiêu đầu ra. Theo ông Hưng, Đông Quý đang làm 110 ha (850 hộ) diện tích lúa giống cho TSC theo mô hình CĐML.
Cty cung cấp (cho dân nợ, cuối vụ trả) giống lúa siêu nguyên chủng, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, cam kết mua lúa sau khi thu hoạch, với tỷ lệ 1 kg bằng 1,25 kg thóc thịt, theo giá tại thời điểm thu hoạch. Còn HTX sẽ cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo hình thức trả chậm, không tính lãi.
Theo ông Hưng, mô hình này giúp nông dân lãi 1,2-1,4 triệu đồng/sào/vụ, giảm được 25% chi phí, ngày công lao động, trong khi làm lúa thường chỉ lãi 650-700 nghìn đồng/sào/vụ.
Vụ đông xuân 2012, cả nước có 20 tỉnh tham gia CĐML, với diện tích khoảng 19 nghìn hécta. Riêng ở miền Bắc, ba tỉnh đi đầu là Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, với tổng diện tích trên 1.000 ha.
Dự kiến, vụ mùa tới, ba tỉnh trên sẽ nâng diện tích CĐML lên 1.700 ha.
Phải tích tụ ruộng đất
Là đơn vị làm thành công CĐML ở miền Nam, nhưng khi đưa mô hình này ra Bắc, Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Viết Sáu, Phó Ban điều hành chương trình "Cùng nông dân ra đồng” của Cty, nói: "Chúng tôi không đặt nhiều tham vọng làm mô hình khép kín ở Thái Bình, là cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra.
Bước đầu, chỉ mong chuyển giao được quy trình kỹ thuật canh tác, giúp nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, tạo thói quen sử dụng một loại giống, nâng cao năng suất, giảm các chi phí, công lao động".
Theo ông Sáu, làm theo CĐML có thể giúp nông dân tăng thêm 5 triệu đồng/ha so với cách làm thông thường, nhờ tăng năng suất, giảm các chi phí khác.
"Tuy nhiên, ở miền Bắc, việc triển khai gặp khó, do ruộng manh mún, chỉ 46 ha nhưng của gần 400 hộ, trong khi CĐML ở miền Nam từ 400-500 ha, thậm chí hơn 1.000 ha/mô hình, số hộ cũng ít hơn. Ở miền Bắc, bà con quen kiểu bao cấp, chưa làm đã muốn hỗ trợ hiện vật, sản xuất chưa quen với cách làm hàng hóa, thu hoạch xong cứ về cất, lúc cần mới xúc ra bán. Trong khi CĐML là phải thu hoạch cùng lúc, để doanh nghiệp bao tiêu", ông Sản nói.
Chia sẻ cách làm CĐML ở miền Bắc, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình, muốn có CĐML phải có tích tụ ruộng đất một cách tự nhiên, theo định hướng của Nhà nước. Diện tích đất lớn, mới cơ giới hóa, áp dụng được khoa học kỹ thuật, hình thành nền sản xuất hàng hóa, trong đó doanh nghiệp là mắt xích quan trọng.
Theo ông Báo, việc thực hiện CĐML ở miền Bắc rất khó thực hiện, vì diện tích đất canh tác tính trên đầu người rất thấp, riêng ở Thái Bình chưa đến 0,5 sào/người.
"Cái khó nữa là tập quán tiêu dùng người miền Bắc khác với miền Nam, nông dân quen gặt về tích trữ, để vừa ăn vừa bán dần, nên không tạo thành thị trường hàng hóa. Muốn thay đổi tập quán canh tác, miền Bắc phải mất 5-10 năm nữa mới có thể bằng miền Nam được", ông Báo nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết, trước mắt, CĐML miền Bắc hướng tới là có diện tích đủ lớn, dồn điền đổi thửa, cơ sở hạ tầng phù hợp để áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới vào.
Cùng đó, kêu gọi doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông tham gia cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đặt hàng và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng khi nông dân có yêu cầu.
Không mở rộng tích tụ ruộng đất, khó làm ăn lớn
Trao đổi với Tiền Phong, ông Võ Minh Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (tỉnh làm CĐML từ năm 2010-2011), nói: Thực tế cho thấy, tích tụ ruộng đất càng lớn thì càng tạo điều kiện cho sản xuất lớn. Nên việc mở rộng hạn điền càng nhiều càng tốt cho sản xuất lớn.
Những nông dân không có kinh nghiệm sản xuất tốt, không có nhiều vốn và có nghề nghiệp khác thì nên bán ruộng cho những người có kinh nghiệm, điều kiện vốn liếng làm và người ta tích tụ ruộng đất được.
Nếu làm như thế thì nông nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn mới phát triển được. Chứ mỗi nông dân một khoảnh ruộng thì không làm ăn lớn được.
 
Theo Tiền phong

NỘI DUNG KHÁC

Ngư dân ở Bạc Liêu trúng đậm mùa ruốc

20-3-2012

Từ đầu tháng 3 đến nay, ngư dân các cửa biển Gành Hào (Đông Hải), Cái Cùng (Hòa Bình) và Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu) tỉnh Bạc Liêu đánh bắt trúng đậm mùa ruốc, mỗi tàu cho thu nhập cả trăm triệu đồng.

Đắc Sở: Làm giàu từ cây phật thủ

20-3-2012

Phật thủ đang là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân xã Đắc Sở (Hoài Đức - Hà Nội).

Gia Lai đầu tư khu giết mổ gia súc tư nhân đầu tiên

20-3-2012

Ở thị trấn Ia Kha thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, 2 gia đình anh Phạm Khắc Vĩnh và Lê Văn Hoàn đã chủ động đầu tư 600 triệu đồng xây dựng và đưa vào sử dụng lò giết mổ gia súc, được bà con trong vùng hoan nghênh.

Ruộng lúa, bờ hoa thân thiện môi trường

15-3-2012

Mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa” (gọi theo kiểu dân dã Nam bộ là “ruộng lúa bờ hoa”) đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc phòng chống rầy nâu, vàng lùn- lùn xoắn lá (VL- LXL).

Bắc Kạn xây dựng nông thôn mới: Lấy Nam Mẫu làm mẫu

15-3-2012

Là một xã nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể, xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể) được tỉnh Bắc Kạn chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới. Tuy còn nhiều khó khăn, song bước đầu Nam Mẫu đã dồn sức vào thực hiện chương trình để làm “mẫu” cho các xã khác.

Bắc Kạn: Nhiều diện tích đất nông nghiệp có nguy cơ bị hạn

12-3-2012

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Kạn, vụ đông - xuân 2012, toàn tỉnh có 1.319,82ha có nguy cơ bị hạn. Hiện nay đã đến thời vụ gieo trồng, nhưng số ruộng làm đất được mới vào khoảng 70% diện tích và gieo mạ được 60%. Số diện tích hạn trong công trình là 921,15ha, diện tích hạn ngoài công trình là 398,67ha, diện tích có khả năng khắc phục được bằng máy bơm là 878,00ha, diện tích chuyển đổi cây trồng là 414,82ha.

Hội thảo tổng kết dự án “Nghiên cứu xây dựng khuyến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp – giai đoạn 2 & 3”

27-2-2012

Hội thảo tổng kết dự án “Nghiên cứu xây dựng khuyến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp – giai đoạn 2 & 3” do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha tài trợ được tổ chức vào sáng thứ 2, ngày 27/2/2012 tại Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT.

Đắk Lắk: Ổn định diện tích cây lương thực có hạt đến năm 2015

21-2-2012

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, đến năm 2015, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt trên địa bàn trên 200.000 ha và đạt sản lượng trên 1,1 triệu tấn lương thực, tăng gần 4.000 ha so với hiện nay. Đây cũng là địa phương đầu tiên của khu vực Tây Nguyên đạt sản lượng lương thực trên 1 triệu tấn từ năm 2010 trở lại đây.

Biến đổi khí hậu: Muối thêm vị “đắng”!

21-2-2012

Bạc Liêu là tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn nhất nước. Hiện, diêm dân đang vào vụ sản xuất muối năm 2012. Nhiều cánh đồng thu hoạch chưa được bao nhiêu nhưng đã bị những cơn mưa trái mùa làm muối trôi về với biển.

HỘI THẢO TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG NGÀNH NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2012

14-2-2012

Kể từ năm 2007, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) đã tổ chức Hội thảo thường niên về Dự báo triển vọng thị trường ngành hàng cà phê và một số ngành hàng khác. Năm 2012, IPSARD phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tổ chức Hội thảo triển vọng thị trường Nông nghiệp Việt Nam, tập trung vào các ngành hàng quan trọng như: gạo, chăn nuôi, thủy sản, cà phê và ca cao.

Ra ngõ gặp điển hình

10-2-2012

Ông Trần Quang Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình), Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Bố Trạch, cho biết: “Chương trình xây dựng NTM được triển khai chưa lâu nhưng tại xã Hoàn Trạch đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào. Ở đây cứ ra ngõ là gặp điển hình hiến đất làm đường".

Yên Khoái (Lạng Sơn): Đất và người đổi mới

10-2-2012

Cửa khẩu quốc tế Chi Ma mở rộng, diện tích đất nông nghiệp của xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) phải thu hẹp, nhưng bù lại, những dự án dạy nghề tại chỗ, hướng dẫn kỹ thuật làm VAC đã giúp bà con xóa đói, giảm nghèo...