THỊ TRƯỜNG

Những khó khăn trong xuất khẩu cao su năm 2012

Ngày đăng: 15 | 02 | 2012

Xuất khẩu cao su năm 2011 khép lại với những khó khăn, đặc biệt là việc xuống giá của cao su trong những tháng cuối năm. Năm 2012, các chuyên gia dự báo xuất khẩu cao su vẫn không tránh khỏi những khó khăn do tác động của thị trường thế giới cũng như trong nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khối lượng cao su xuất khẩu tháng 1/2012 đạt 60 ngàn tấn với giá trị đạt 200 triệu USD, giảm 19,3% về lượng và 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của cao su Việt Nam, chiếm 60% tổng khối lượng cao su xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Nghiên cứu Cao su, nhu cầu cao su trên toàn thế giới năm 2012 vào khoảng 27,2 triệu tấn, tăng 5,84% so với năm 2011. Nhưng do nhu cầu sử dụng cao su tổng hợp tăng cao, cộng với sản lượng cao su tự nhiên tăng mạnh ở nhiều nước nên thị trường cao su tự nhiên trong năm 2012 được dự báo sẽ ở vào tình trạng cung vượt cầu. Theo đó, các chuyên gia cao su Việt Nam cũng như quốc tế dự báo trong quý I năm 2012 giá cao su xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm sâu và phải tới quý II thậm chí là quý III mới có thể phục hồi trở lại. Giá cao su xuất khẩu hiện chỉ còn khoảng 3.300 USD/tấn, và dự báo giá sẽ giảm sâu xuống mức dưới 3.000 USD/tấn trong quý I/2012.
Tình hình này đã gây ra nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp ngành cao su trong nước. Được biết, năm 2012, Công ty Cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC) sẽ giảm diện tích khai thác cao su và tập trung thanh lý lượng cao su tồn trong năm 2011 nên hiệu quả kinh doanh dự kiến sẽ không bằng năm 2011. Bởi vậy, HRC đã đặt các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2012 thấp hơn so với năm 2011. Đại diện CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) cũng cho biết, mặc dù đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2012 cao hơn năm 2011 nhưng TRC xác định năm 2012 sẽ khó khăn hơn năm 2011.
Trong khi đó theo Hãng tin Bloomberg, tại thị trường thế giới, thặng dư cao su toàn cầu năm 2012 sẽ ở mức 413.000 tấn, dư thừa rất nhiều so với mức thiếu hụt 87.000 tấn trong năm 2011. Nguồn cung cao su toàn cầu sẽ tăng 7% lên 11,8 triệu tấn trong khi nhu cầu cao su chỉ tăng 3%, lên mức 11,4 triệu tấn.
Cùng với đó, trong năm nay sản lượng cao su của Thái Lan được dự báo tăng 8% lên mức 3,7 triệu tấn, Indonesia dự kiến tăng 5,1% lên mức 3,1 triệu tấn và Malaysia sẽ duy trì xung quanh mức 1 triệu tấn. Cả ba nước này chiếm 70% sản lượng cao su toàn cầu.
Năm 2012, mặc dù nhu cầu cao su của ngành công nghiệp ô tô vẫn tăng cao nhưng giá cao su tiếp tục chịu áp lực giảm, do tác động của tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Hơn nữa, ảnh hưởng từ thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản và lũ lụt ở Thái Lan trong năm 2011 cũng ảnh hưởng đáng kể đến giá cao su do việc sản xuất ô tô bị gián đoạn.
Giá cao su trên thị trường hàng hóa Tokyo đang giao dịch ở mức 272,7 yên (74.000 đồng/kg), giảm 49% so với mức kỷ lục 535,7 yên (146.000 đồng/kg) trong tháng 2/2011. Giá cao su đã giảm liên tục trong 10 tháng qua. Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg, giá cao su có thể tiếp tục giảm thêm 10% xuống mức 240 yên (65.500 đồng/kg) trong năm nay - đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2009.
Mặc dù chiếm ưu thế nhưng nhiều thách thức vẫn đang chờ đợi các doanh nghiệp ngành cao su như biến động giá, diễn biến thời tiết thất thường... Để đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất, các doanh nghiệp cần luôn theo dõi sát sao diễn biến giá thị trường cao su trong nước và trên thế giới để có kế hoạch phát triển diện tích trồng cao su phù hợp.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=506349

NỘI DUNG KHÁC

Đồng bằng sông Cửu Long xuất 290.000 tấn gạo

15-2-2012

Theo ngành thương mại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, toàn vùng vừa xuất 43.000 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo đã xuất từ đầu năm đến nay đạt 290.000 tấn, trị giá 165,6 triệu USD.

2 tỉ USD - đích đến cho con cá tra

15-2-2012

Con cá tra, ba sa Việt Nam đã có mặt ở 135 thị trường trên thế giới, chỉ với khoảng 6.000ha mặt nước. Năm 2011, mặt hàng cá tra mang về kim ngạch xuất khẩu trên 1,8 tỉ USD, xếp vị trí thứ 2 sau mặt hàng tôm trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Song, vụ kiện chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vẫn chưa có phán quyết cuối cùng, những rào cản kỹ thuật, thương mại của các nước EU... là những thách thức lớn mà ngành công nghiệp phải vượt qua để về đích 2 tỉ USD trong năm 2012.

Nông dân găm cà phê chờ giá cao

10-2-2012

Tuy các doanh nghiệp khó gom hàng xuất khẩu nhưng việc găm hàng cũng có mặt tích cực là khiến cà phê không rớt giá ngay đầu vụ.

Xuất khẩu hạt điều không lạc quan so với dự báo

10-2-2012

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đưa ra dự báo, trong năm 2012 có khả năng lượng điều nhân xuất khẩu đạt 200.000 tấn với kim ngạch 1,75 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, con số dự báo khá lạc quan này lại không phù hợp so với những diễn biến hiện nay của thị trường trong nước và thế giới.

Muối công nghiệp: Chưa tìm được “tiếng nói chung”

9-2-2012

Sản lượng muối công nghiệp sản xuất trong nước năm nay ước khoảng 280 nghìn tấn, còn nhu cầu của các DN hóa chất, y tế khoảng 222 nghìn tấn. Như vậy, lượng muối công nghiệp trong nước thừa cho nhu cầu, tại sao các DN tiêu thụ vẫn đề nghị NK?

Sau Tết, người trồng rau thu lãi tiền triệu

9-2-2012

Sau Tết Nguyên đán, mặc dù thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, nhưng người trồng rau vẫn mỉm cười bởi rau được giá, nhiều hộ lãi 6 - 7 triệu đồng/sào/lứa.

Giá thu mua mía quá thấp, nông dân thất thu tiền tỷ

9-2-2012

Nông dân thuộc vùng mía nguyên liệu của Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan đang gặp khó khăn do giá thu mua mía quá thấp. Trong năm 2011, thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng lớn đến việc trồng và chăm sóc mía, chi phí đầu tư cũng tăng cao. Bước vào vụ ép năm 2011-2012, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan vẫn thu mua mía nguyên liệu với giá thấp nên nông dân càng khốn đốn.

Giá hồ tiêu có xu hướng giảm trong tháng đầu năm 2012

8-2-2012

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2012, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản sẽ giảm so với năm 2011. Thực tế, từ đầu năm đến nay giá hồ tiêu của thị trường trong nước và thế giới được ghi nhận là có xu hướng giảm so với năm 2011.

Thị trường cà phê tháng 1/2012 và dự báo

8-2-2012

Hoạt động đầu cơ khiến cho thị trường cà phê thế giới tháng qua biến động gần như trái chiều nhau. Dự báo giá sẽ tăng trong ngắn hạn, nhưng sau tháng 4 sẽ chịu sức ép đi xuống.

Lúa chững giá, nhà nông thêm khó

8-2-2012

Cánh hàng xáo ở ĐBSCL đã giảm tốc độ mua lúa, chỉ mua cầm chừng, chủ yếu xay xát tiêu thụ trong thời gian ngắn. Về phía nông dân, do ngay sau tết nhu cầu chi tiêu, sản xuất tăng nên không ít hộ đã chấp nhận bán lúa giá thấp.

Sớm có giải pháp tiêu thụ lúa gạo

8-2-2012

Hiện nay, ĐBSCL đang bắt đầu thu hoạch lúa đông - xuân sớm. Lúa IR 50404 khu vực Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu… dao động ở mức 5.500 - 5.700 đồng/kg (giảm hơn 200 đồng/kg so hạ tuần tháng 12 năm ngoái).

Lượng muối tồn kho tháng 1/2012 khoảng 93 nghìn tấn

2-2-2012

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất tính tới thời điểm 20/01 khoảng gần 93 nghìn tấn (bằng 42% so với cùng kỳ năm 2011).