THỊ TRƯỜNG

2 tỉ USD - đích đến cho con cá tra

Ngày đăng: 15 | 02 | 2012

Con cá tra, ba sa Việt Nam đã có mặt ở 135 thị trường trên thế giới, chỉ với khoảng 6.000ha mặt nước. Năm 2011, mặt hàng cá tra mang về kim ngạch xuất khẩu trên 1,8 tỉ USD, xếp vị trí thứ 2 sau mặt hàng tôm trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Song, vụ kiện chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vẫn chưa có phán quyết cuối cùng, những rào cản kỹ thuật, thương mại của các nước EU... là những thách thức lớn mà ngành công nghiệp phải vượt qua để về đích 2 tỉ USD trong năm 2012.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (KCN Trà Nóc 2 - TP Cần Thơ).
Đo “ni” thị trường
Năm 2011 xuất khẩu cá tra trên 600.000 tấn, với kim ngạch đạt trên 1,8 tỉ USD, tăng khoảng 27% so với năm 2010. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã xuất khẩu cá tra, ba sa sang 135 thị trường trên thế giới. Trong đó, thị trường nhập khẩu chính cá tra vẫn là EU và Mỹ, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Kim ngạch sang EU hơn 526 triệu USD, Mỹ gần 331,7 triệu USD; ASEAN trên 110,8 triệu USD (chiếm 6,1% và tăng 41,1% so với năm 2010)... Thị trường EU giảm 1% so với năm 2010 do suy thoái kinh tế tại các các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu, còn Mỹ tăng 87,8% so với năm 2010, do sản lượng cá da trơn nội địa giảm mạnh, trong khi đó thị phần của Trung Quốc giảm mạnh từ 25,1% xuống còn 8%. Thị trường xuất khẩu cá tra có mức tăng trưởng mạnh nhất năm 2011 là Brazil tăng 149% (đạt 84,52 triệu USD), Arabie Séoudite tăng 48,8% (58,56 triệu USD), Trung Quốc và Hồng Công tăng 29,2% (gần 55,5 triệu USD), Mexico tăng 26,4% (đạt 109 triệu USD), các thị trường khác tăng 26,5% (447,56 triệu USD).
Theo khẳng định của Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL, năm qua không xảy ra hiện tượng cá nguyên liệu tồn đọng. Thêm vào đó, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chủ động áp dụng giá sàn xuất khẩu đã góp phần ổn định giá bán cá tra sang 1 số thị trường chính. Mức chênh lệch tăng giá xuất khẩu mặt hàng này thể hiện rõ qua các tháng 5, 6, 7, 8 và 10 tăng khoảng 26% so với đầu năm 2010, các tháng cuối năm 2011 tăng khoảng 15%. Song, trên thực tế sản phẩm cá tra xuất khẩu năm 2011 chủ yếu là hàng fillet đông lạnh, với giá trị 1,79 tỉ USD chiếm đến 99% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra, các sản phẩm giá trị gia tăng chỉ khoảng 1%.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, năm 2011, mở rộng thị trường ở châu Mỹ, đặc biệt là Nam Mỹ, giá xuất khẩu tăng 23,5% so với năm 2010 đã tạo bước chuyển biến trong nuôi trồng- chế biến cá tra. Sự cố trong năm 2011 mà WWF tạo ra, nhiều DN, các nhà quản lý... đã trực tiếp tham gia đấu tranh để giữ thị trường Bắc Mỹ, đề nghị DOC xem lại việc áp thuế chống bán phá giá bằng đàm phán cấp cao của các nhà lãnh đạo Việt Nam với Mỹ và chúng ta đã làm được. Song, thách thức của thị trường vẫn chưa dừng lại. Hiện việc xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra lần 7 đối với cá tra fillet đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam kéo dài từ 1-8-2009 đến 31-7-2010 và quyết định cuối cùng của DOC dự kiến đưa ra ngày 7-1-2012. Tuy nhiên, DOC sẽ kéo dài thời hạn công bố quyết định cuối cùng vào ngày 7-3-2012 nhằm thu thập thêm thông tin, nguồn dữ liệu thay thế; các bên cần thêm thời gian xem xét và đệ trình ý kiến phản biện, hồ sơ vụ kiện.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, thị trường xuất khẩu cá tra vẫn chưa bị ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính của một số quốc gia EU, nhưng sản phẩm cá tra, ba sa Việt Nam không phải duy nhất, mà đối thủ cạnh tranh của nó là con cá da trơn của Mỹ, một số quốc gia châu Á cũng nuôi được cá tra. Còn theo một DN chế biến cá tra xuất khẩu ở tỉnh Hậu Giang, thì từng thị trường có những đòi hỏi khác nhau, size cá, cách thanh toán cũng khác nhau. Do vậy, nếu DN không chủ động sẽ rơi vào thế bị động trước những thay đổi từ các nhà nhập khẩu. Chỉ thị trường Mỹ năm qua ngoài vụ kiện chống bán phá giá, thì yêu cầu size cá lớn, nhỏ cũng làm DN đau đầu.
Liên kết sản xuất
Năm 2011, hầu hết các DN chế biến đã xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, có DN tự chủ nguyên liệu được 60-70% công suất chế biến. So với năm 2010, mối liên kết trong chuỗi sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực, điển hình như mô hình liên kết chuỗi tại An Giang; mô hình liên kết, Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất và xúc tiến thành lập Hội nuôi cá tra ở TP Cần Thơ. Đến nay, có khoảng 2.000ha đạt chứng nhận Global GAP (chiếm gần 40% tổng diện tích nuôi), các địa phương có diện tích đạt cao gồm An Giang 214ha/1.160ha đạt 18,5%, TP Cần Thơ, Vĩnh Long... Năm 2012, theo kế hoạch dự kiến, sản lượng cá tra vùng ĐBSCL đạt mức 1,2-1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỉ USD. Đây là đích đến đầy cam go cho con cá tra.
Hiện nay, sản phẩm cá tra được các nước nhập khẩu tăng cường kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm, đặc biệt là dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm. Năm 2011, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho hơn 270.000 tấn cá tra xuất khẩu sang các thị trường. Công nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và được phép xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu lập danh sách (EU, Hàn Quốc, Trung Quốc) hiện nay là 192 cơ sở, tăng 42 cơ sở so với năm 2010. Đối với Liên bang Nga, số lượng các cơ sở chế biến cá tra xuất khẩu sang thị trường này vẫn là 10 cơ sở, giữ nguyên số lượng so với năm 2010... Do vậy, việc kiểm soát từ gốc đối với sản phẩm cá tra, ba sa Việt Nam đang rất bức thiết hiện nay nhằm củng cố và xây dựng hình ảnh sản phẩm đứng vững trên thị trường.
Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 100 cơ sở chế biến cá tra, công suất gần 1 triệu tấn sản phẩm/năm, các DN lớn công suất trung bình đạt 8.000 – 10.000 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chế biến ra sản phẩm thô sơ chế, tỷ lệ hàng giá trị gia tăng thấp nhất trong tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (1-5% sản phẩm GTGT). Công tác qui hoạch và quản lý qui hoạch tại một số địa phương chưa tốt, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Thống kê và dự báo trong sản xuất, tiêu thụ cá tra còn hạn chế nên sản xuất chưa thực sự gắn với thị trường; một số DN vì lợi nhuận của mình đã tìm mọi cách hạ giá bán sản phẩm tại một số thị trường ngoài nước. Các chương trình quảng cáo và xúc tiến thương mại chưa đủ mạnh để truyền tải thông tin kịp thời và chính xác đến khách hàng tiêu dùng trong, ngoài nước. Thêm vào đó, người nuôi rất cần vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi của Chính phủ (cho mức đầu tư 6-10 tỉ đồng/ha), nhưng ngân hàng chỉ cho vay vốn ngắn hạn, tài sản của người nuôi không đủ thế chấp để tiếp cận với nguồn vốn vay. Do vậy, để ngành hàng cá tra Việt Nam trụ vững trên thị trường cần giải quyết tốt các vướng mắc trên.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nêu quan điểm: “Năm 2012 tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả của con cá tra làm cơ sở duy trì, mở rộng thị trường. Các ngành chức năng và địa phương cần tăng cường kiểm soát chất lượng thức ăn thủy sản, đảm bảo cho người nuôi, DN có sản phẩm tốt nhất ra thị trường. Gia tăng kiểm soát ở cảng để đảm bảo uy tín cho con cá tra Việt Nam khi xuất khẩu, phải quản lý chuỗi sản xuất từ ao nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường liên kết “4 nhà” để nâng chuỗi giá trị cá tra”. Nghị định Quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra sẽ là bước đệm quan trọng để kiểm soát từ gốc đối với mặt hàng chiến lược này.
Theo Kinh tế nông thôn

NỘI DUNG KHÁC

Nông dân găm cà phê chờ giá cao

10-2-2012

Tuy các doanh nghiệp khó gom hàng xuất khẩu nhưng việc găm hàng cũng có mặt tích cực là khiến cà phê không rớt giá ngay đầu vụ.

Xuất khẩu hạt điều không lạc quan so với dự báo

10-2-2012

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đưa ra dự báo, trong năm 2012 có khả năng lượng điều nhân xuất khẩu đạt 200.000 tấn với kim ngạch 1,75 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, con số dự báo khá lạc quan này lại không phù hợp so với những diễn biến hiện nay của thị trường trong nước và thế giới.

Muối công nghiệp: Chưa tìm được “tiếng nói chung”

9-2-2012

Sản lượng muối công nghiệp sản xuất trong nước năm nay ước khoảng 280 nghìn tấn, còn nhu cầu của các DN hóa chất, y tế khoảng 222 nghìn tấn. Như vậy, lượng muối công nghiệp trong nước thừa cho nhu cầu, tại sao các DN tiêu thụ vẫn đề nghị NK?

Sau Tết, người trồng rau thu lãi tiền triệu

9-2-2012

Sau Tết Nguyên đán, mặc dù thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, nhưng người trồng rau vẫn mỉm cười bởi rau được giá, nhiều hộ lãi 6 - 7 triệu đồng/sào/lứa.

Giá thu mua mía quá thấp, nông dân thất thu tiền tỷ

9-2-2012

Nông dân thuộc vùng mía nguyên liệu của Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan đang gặp khó khăn do giá thu mua mía quá thấp. Trong năm 2011, thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng lớn đến việc trồng và chăm sóc mía, chi phí đầu tư cũng tăng cao. Bước vào vụ ép năm 2011-2012, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan vẫn thu mua mía nguyên liệu với giá thấp nên nông dân càng khốn đốn.

Giá hồ tiêu có xu hướng giảm trong tháng đầu năm 2012

8-2-2012

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2012, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản sẽ giảm so với năm 2011. Thực tế, từ đầu năm đến nay giá hồ tiêu của thị trường trong nước và thế giới được ghi nhận là có xu hướng giảm so với năm 2011.

Thị trường cà phê tháng 1/2012 và dự báo

8-2-2012

Hoạt động đầu cơ khiến cho thị trường cà phê thế giới tháng qua biến động gần như trái chiều nhau. Dự báo giá sẽ tăng trong ngắn hạn, nhưng sau tháng 4 sẽ chịu sức ép đi xuống.

Lúa chững giá, nhà nông thêm khó

8-2-2012

Cánh hàng xáo ở ĐBSCL đã giảm tốc độ mua lúa, chỉ mua cầm chừng, chủ yếu xay xát tiêu thụ trong thời gian ngắn. Về phía nông dân, do ngay sau tết nhu cầu chi tiêu, sản xuất tăng nên không ít hộ đã chấp nhận bán lúa giá thấp.

Sớm có giải pháp tiêu thụ lúa gạo

8-2-2012

Hiện nay, ĐBSCL đang bắt đầu thu hoạch lúa đông - xuân sớm. Lúa IR 50404 khu vực Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu… dao động ở mức 5.500 - 5.700 đồng/kg (giảm hơn 200 đồng/kg so hạ tuần tháng 12 năm ngoái).

Lượng muối tồn kho tháng 1/2012 khoảng 93 nghìn tấn

2-2-2012

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất tính tới thời điểm 20/01 khoảng gần 93 nghìn tấn (bằng 42% so với cùng kỳ năm 2011).

Xuất khẩu cá tra có thể đạt 2 tỷ USD trong năm 2012

2-2-2012

Năm 2012 nếu ngành cá tra được ưu tiên vốn, đồng thời lãi suất về dưới 15%/năm thì giá thành sản xuất sẽ cạnh tranh được, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 2 tỉ USD.

Giá thực phẩm có xu hướng giảm

2-2-2012

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nhẹ, nguồn cung thực phẩm tăng, đã làm cho giá cả thực phẩm trong tháng 1/2012 có xu hướng giảm.