THỊ TRƯỜNG

Giá thu mua mía quá thấp, nông dân thất thu tiền tỷ

Ngày đăng: 09 | 02 | 2012

Nông dân thuộc vùng mía nguyên liệu của Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan đang gặp khó khăn do giá thu mua mía quá thấp. Trong năm 2011, thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng lớn đến việc trồng và chăm sóc mía, chi phí đầu tư cũng tăng cao. Bước vào vụ ép năm 2011-2012, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan vẫn thu mua mía nguyên liệu với giá thấp nên nông dân càng khốn đốn.

Ép dân
Có mặt tại vùng nguyên liệu mía của các xã Thạch Định, Thạch Kim (huyện Thạch Thành) thấy mía được mùa nhưng nông dân không vui, bà con đang chờ Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan điều chỉnh tăng giá thu mua mía bằng các vùng nguyên liệu khác nhưng chưa thấy Công ty đả động gì. Trong khi đó, mía hầu hết đã trỗ cờ, nếu không chặt bán ngay sẽ giảm chữ đường.
Cùng chung cảnh ngộ, tại Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung, những hộ công nhân và nông dân đang ngậm ngùi chặt mía. Bà Trần Thị Hằng cho biết: Gia đình tôi có 4 khẩu, hàng năm chỉ trông chờ vào 3ha mía, mọi năm còn có lãi chứ năm nay vất vả lắm, nhà máy chỉ thu mua với giá 950 đồng/kg, trong khi công chặt đã lên tới 150.000 đồng/ tấn, các khoản chi phí đầu tư chăm sóc cũng tăng cao. Giờ chúng tôi chỉ biết trông chờ vào chính sách hợp lý từ phía Công ty.
Gia đình anh Vũ Hoài cũng trồng gần 3ha mía, thời điểm này mới thu hoạch được một nửa. Anh tâm sự: “Công nhân chúng tôi chỉ trông chờ vào cây mía nhưng với cách làm này thì không thể nào theo đuổi cây mía được, 1ha mía chỉ lãi 7-9 triệu đồng, đấy là trong điều kiện giá vật tư và công chăm bón thấp như những năm trước, còn năm nay, giá thu mua của Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan đã làm gia đình tôi thất thu 6-7 triệu đồng/ha, chưa kể các khoản đầu tư khác”.
Thu hoạch mía tại Cty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung.
 
Ông Nguyễn Văn Lễ, Đội trưởng đội 5 cũng chung nỗi bức xúc: “Trong tháng 12/2011, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có thông báo về giá mua mía nguyên liệu toàn tỉnh không dưới 1.050 đồng/kg, các nhà máy khác đã thực hiện chủ trương này, riêng Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan vẫn ép chúng tôi bán với giá 950 đồng/kg. Nếu không có sự can thiệp của các cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ thất thu lớn. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, mùa sau chúng tôi sẽ không ký hợp đồng với Công ty nữa”.
Theo báo cáo của lãnh đạo Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung, toàn Công ty trồng gần 770ha mía, chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan, dự kiến sản lượng đạt 45.000 tấn; nếu số lượng này đem so sánh với giá mua của các vùng khác trong tỉnh thì Công ty thất thu 4,5 tỷ đồng.
Tự tung tự tác
Tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân về sự việc đang diễn ra tại vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan, chúng tôi được biết, trong vụ ép 2010- 2011, việc sản xuất, thu mua mía nguyên liệu tồn tại một số khó khăn, hạn chế, năng suất mía thấp; việc tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu giữa các doanh nghiệp đã dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất trật tự tại một số nơi trong vùng nguyên liệu; mía nguyên liệu của tỉnh bị vận chuyển ra khỏi địa bàn gây thất thu cho người trồng, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến thu ngân sách, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh... Từ thực tế đó, ngày 19/12/2011, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất, thu mua mía nguyên liệu vụ ép 2010-2011 nhằm đưa ra giải pháp tổ chức sản xuất, thu mua và quản lý mía nguyên liệu vụ ép 2011-2012.
Sau cuộc họp, UBND tỉnh đã ra Công văn số 157/TB-UBND ngày 22/12/2011 với nội dung, từ vụ ép 2012-2013, 100% diện tích mía nguyên liệu phải được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; toàn bộ diện tích mía trồng mới phải được trồng bằng các loại giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt và được canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu… Giá thu mua nguyên liệu thấp nhất là 1.050.000 đồng/tấn (áp dụng từ đầu vụ ép 2011-2012 trên địa bàn toàn tỉnh). Đề nghị các doanh nghiệp tích cực, chủ động nâng giá thu mua mía nguyên liệu để khuyến khích người trồng mía mở rộng sản xuất, đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng.
Hưởng ứng chủ trương trên, ngay từ đầu vụ ép, các nhà máy đường trong tỉnh đã thực hiện nghiêm mức giá sàn thống nhất, thậm chí một số công ty còn thu mua với giá cao hơn như: Công ty Đường Nông Cống thu mua với giá 1.060.000 đồng/tấn, Công ty Lam Sơn 1.200.000 đồng/tấn (đường đạt 10 ccs), chỉ riêng Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan vẫn giữ nguyên giá mua đã ký hợp đồng từ trước đó (tạm thu mua mía nguyên liệu với giá 950.000 đồng/tấn). Khi giá đường bán buôn xuống dưới 15.800 đồng/kg, Công ty sẽ điều chỉnh giá mía nguyên liệu bằng 60% giá đường bán buôn. Như vậy, chỉ tính riêng vùng nguyên liệu mía Việt Nam- Đài Loan với diện tích khoảng 10.000ha, sản lượng 600.000 tấn, với giá thu mua chênh lệnh thấp hơn các công ty khác trong tỉnh 100 đồng/kg thì người trồng mía trong vùng bị thất thu tới 60 tỷ đồng, ấy là chưa kể vùng nguyên liệu ngoài tỉnh.
Cách làm này khiến nông dân thấy mình bị o ép nên đã lên tiếng đề nghị các cấp chính quyền bảo vệ quyền lợi. Ngày 04/1/2012, UBND huyện Thạch Thành đã có Công văn số 05/UBND-NN báo cáo UBND tỉnh về việc giá mua mía nguyên liệu vụ ép 2011-2012 với nội dung: Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan vẫn chưa thực hiện việc điều chỉnh giá mua mía nguyên liệu theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trước tình hình đó, ngày 13/1/2012, ông Nguyễn Đức Quyền ký tiếp Công văn số 285/UBND-NN với nội dung: “…Để đảm bảo quyền lợi của người trồng mía và hài hoà lợi ích giữa các bên, tạo cơ sở để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu Công ty TNHH Đường mía Việt Nam- Đài Loan thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hoá tại Thông báo số 157/TB-UBND ngày 22/12/2011”.
Mặc dù đã có công văn chỉ đạo trực tiếp nhưng đến nay Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan vẫn chưa có động thái gì, người dân vẫn phải ngậm ngùi bán mía với giá rẻ. Đề nghị các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc, đảm bảo công bằng cho nông dân.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/2/32547.html

NỘI DUNG KHÁC

Giá hồ tiêu có xu hướng giảm trong tháng đầu năm 2012

8-2-2012

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2012, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản sẽ giảm so với năm 2011. Thực tế, từ đầu năm đến nay giá hồ tiêu của thị trường trong nước và thế giới được ghi nhận là có xu hướng giảm so với năm 2011.

Thị trường cà phê tháng 1/2012 và dự báo

8-2-2012

Hoạt động đầu cơ khiến cho thị trường cà phê thế giới tháng qua biến động gần như trái chiều nhau. Dự báo giá sẽ tăng trong ngắn hạn, nhưng sau tháng 4 sẽ chịu sức ép đi xuống.

Lúa chững giá, nhà nông thêm khó

8-2-2012

Cánh hàng xáo ở ĐBSCL đã giảm tốc độ mua lúa, chỉ mua cầm chừng, chủ yếu xay xát tiêu thụ trong thời gian ngắn. Về phía nông dân, do ngay sau tết nhu cầu chi tiêu, sản xuất tăng nên không ít hộ đã chấp nhận bán lúa giá thấp.

Sớm có giải pháp tiêu thụ lúa gạo

8-2-2012

Hiện nay, ĐBSCL đang bắt đầu thu hoạch lúa đông - xuân sớm. Lúa IR 50404 khu vực Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu… dao động ở mức 5.500 - 5.700 đồng/kg (giảm hơn 200 đồng/kg so hạ tuần tháng 12 năm ngoái).

Lượng muối tồn kho tháng 1/2012 khoảng 93 nghìn tấn

2-2-2012

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất tính tới thời điểm 20/01 khoảng gần 93 nghìn tấn (bằng 42% so với cùng kỳ năm 2011).

Xuất khẩu cá tra có thể đạt 2 tỷ USD trong năm 2012

2-2-2012

Năm 2012 nếu ngành cá tra được ưu tiên vốn, đồng thời lãi suất về dưới 15%/năm thì giá thành sản xuất sẽ cạnh tranh được, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 2 tỉ USD.

Giá thực phẩm có xu hướng giảm

2-2-2012

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nhẹ, nguồn cung thực phẩm tăng, đã làm cho giá cả thực phẩm trong tháng 1/2012 có xu hướng giảm.

Ngành chè nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm mới

2-2-2012

Năm 2011 khép lại với những thành tựu nổi bật của ngành sản xuất chè Việt Nam. Năm qua, mặc dù diện tích chè cả nước giảm 2,8% so với năm 2010 song sản lượng thu hoạch vẫn đạt 888.600 tấn, tăng 6,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 198 triệu USD. Tiếp tục phát huy những điều kiện thuận lợi, năm 2012 hứa hẹn một năm thắng lợi hơn nữa của ngành chè Việt Nam.

Thời tiết ảnh hưởng đến sản lượng cà phê niên vụ 2012 – 2013

2-2-2012

Theo tin từ Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa): Dự báo năng suất và sản lượng cà phê niên vụ 2012 - 2013 sẽ giảm bởi cà phê đang ồ ạt bung hoa sớm do ảnh hưởng của các đợt áp thấp nhiệt đới, cơn bão số 7 và gió mùa đông bắc vừa qua tràn vào, gây mưa phùn tại khu vực Tây Nguyên.

Nông nghiệp xuất siêu: Chưa vội mừng

2-2-2012

Dù kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ, cán cân thương mại ngành nông nghiệp vẫn thặng dư trong tháng đầu năm 2012. Nhưng, quan ngại với xuất khẩu nông sản đến từ triển vọng thị trường thế giới khá mong manh.

Hướng đến sản phẩm chè an toàn

11-1-2012

Dù đứng thứ 5 thế giới về kim ngạch xuất khẩu nhưng thương hiệu chè Việt vẫn khá mờ nhạt, bởi những hạn chế trong phương thức canh tác, ý thức sản xuất sạch của người trồng chè. Chính vì thế, Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) và các doanh nghiệp (DN) đang đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cơ hội cạnh tranh cho sản phẩm chè.

Dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung thực phẩm dồi dào

11-1-2012

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, vấn đề người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay chính là nguồn cung thực phẩm trong đó có thịt và giá cả các mặt hàng này. Trước những lo lắng này, Bộ Nông nghiệp và PTNT một lần nữa cho biết sẽ đảm bảo đủ nguồn và không phải nhập thêm thực phẩm, đặc biệt sẽ không để xảy ra trình trạng giá tăng đột biến.