ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Độc quyền phân phối phân đạm

Ngày đăng: 10 | 02 | 2012

Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) vừa trình Chính phủ về việc giao cho công ty con của tập đoàn này độc quyền phân phối đạm Cà Mau. Văn phòng Chính phủ đang yêu cầu các bộ liên quan và Hiệp hội Phân bón VN có ý kiến.

Đã có nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất này khi cho rằng sự độc quyền không chỉ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nông dân.
Thâu tóm thị trường phân đạm
Theo đề xuất của PVN, Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) sẽ được độc quyền phân phối đạm Cà Mau. Đơn vị này cũng đang phân phối đạm Phú Mỹ. Nếu đề xuất này được thông qua, PVN mà trực tiếp là PVFCCo nắm toàn bộ việc điều hành cung ứng phân bón của cả nước vì công suất hai nhà máy Phú Mỹ và Cà Mau đã chiếm 85-90% thị phần đạm cả nước.
Một cán bộ của Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng ngay trường hợp PVFCCo chấp hành tốt mọi chủ trương của Nhà nước nhưng vì một trục trặc gì đó, doanh nghiệp này “hắt hơi, sổ mũi” cũng có thể làm thị trường phân bón cả nước “sôi lên sùng sục”.
Đáng nói là đề xuất để công ty thành viên giữ vai trò độc quyền phân phối mặt hàng của chính mình không phải là sáng kiến mới của PVN. Trước đây, khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới đi vào hoạt động, PVN cũng từng có đề xuất để cho Tổng công ty Dầu (PVOil - đơn vị thành viên PVN) giữ vai trò phân phối. Các doanh nghiệp khác như Petrolimex, Xăng dầu Quân đội, Saigon Petro... muốn mua cũng phải qua PVOil.
Liên quan đến vấn đề độc quyền phân phối phân đạm, ông Đỗ Văn Hậu, tổng giám đốc PVN, cho biết PVN chỉ báo cáo để Chính phủ biết, còn việc PVFCCo phân phối đạm Cà Mau thì đã... triển khai rồi. Còn liệu có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất đạm trong nước hay không, theo ông Hậu: “Đạm trong nước cạnh tranh với đạm nhập khẩu là chính. Nhà nước cho phép PVN sản xuất đến 90% sản lượng đạm của cả nước thì PVN phải lo tiêu thụ. Qua hệ thống phân phối của đạm Phú Mỹ, PVN muốn PVFCCo phân phối luôn cả đạm Cà Mau. Như thế sẽ hiệu quả hơn”.
Không nên độc quyền
Hiệp hội Phân bón VN băn khoăn với cách cung ứng của PVN, phân bón sẽ phải qua nhiều cấp trung gian mới đến tay người tiêu dùng. Như hiện nay, nếu theo đề xuất của PVN, đạm sẽ phải qua khâu phân phối của PVFCCo, tổng công ty này bán lại cho các công ty thành viên, các công ty thành viên lại bán cho công ty thương mại và đại lý cấp 1. Sau đó các công ty thương mại và đại lý cấp 1 lại bán cho đại lý cấp 2, 3, 4, 5. Qua mỗi cấp đều tốn kém chi phí khiến giá bán phân bón đến tay nông dân luôn bị đội lên.
Để góp phần bình ổn thị trường phân bón, Hiệp hội Phân bón VN cho rằng đạm Cà Mau nên tổ chức cung ứng tại nhà máy hoặc khách hàng có nhu cầu sẽ tổ chức cung ứng tận nơi, tránh để xảy ra trường hợp phân phối quá nhiều khâu trung gian. Đến nay có gần 20 tổng công ty và công ty kinh doanh phân bón có văn bản đề nghị được mua hàng trực tiếp tại Nhà máy đạm Cà Mau. Tổng sản lượng mua lên gần 800.000 tấn, xấp xỉ công suất của đạm Cà Mau.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải:
Không ổn thì phải điều chỉnh
Hiện vấn đề này chưa giải quyết, nên để thêm một thời gian để giữa các đơn vị liên quan cân nhắc, tính toán xem có thí điểm được không, nếu không ổn thì chúng ta phải xem xét để điều chỉnh lại. Phân bón là mặt hàng phục vụ nông nghiệp, vì vậy bộ sẽ cân nhắc để góp ý với PVN về hệ thống phân phối làm thế nào để cung ứng phân bón cho bình ổn, kịp thời phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp nhưng đồng thời cũng đảm bảo được quyền lợi của các doanh nghiệp tham gia.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN, cho rằng theo Luật cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường. Chiếm vị trí thống lĩnh thị trường thì luật không cấm nhưng xét về mặt kinh tế thì nên cân nhắc. Thị trường sẽ minh bạch khi có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau. Hơn nữa, phân đạm là mặt hàng nằm trong danh mục nhóm mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, ông Trần Hữu Huỳnh đề nghị để ngăn chặn những hành vi lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường như bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh hay hạn chế phân phối hàng hóa... không nên để một doanh nghiệp độc quyền phân phối tới 85-90% thị phần phân đạm của cả nước.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/2/32573.html

NỘI DUNG KHÁC

Năm 2012: Cơ hội vàng cho cá tra xuất ngoại?

10-2-2012

Nếu khủng hoảng kinh tế đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, thì các doanh nghiệp nuôi và chế biến cá tra lại nhận định năm 2012 là cơ hội vàng cho cá tra xuất ngoại.

Muối công nghiệp: Bộ nói đủ, doanh nghiệp kêu thiếu

9-2-2012

Hôm qua (8.2), Bộ NNPTNT đã công bố dự báo sản lượng muối công nghiệp sản xuất trong nước năm 2012 ước đạt khoảng 280.000 tấn, dư gần 70.000 tấn.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang vượt Thái Lan

9-2-2012

Nhật báo Dân tộc vừa đưa tin xuất khẩu gạo của Thái Lan trong tháng 1/2012 đã giảm mạnh 57,96% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn gần 387.750 tấn. Đây là mức thấp nhất trong khoảng 10 năm nay.

Lời giải cho thách thức kinh tế toàn cầu

9-2-2012

Cách đây vài năm, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới họp thường niên tại Davos, một sáng kiến quan trọng được đưa ra lấy tên là “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” với sự tham gia của nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều tổ chức phát triển của thế giới. Mục tiêu của sáng kiến này có thể tóm tắt là: trong 10 năm, cố gắng tăng sản lượng nông nghiệp lên 20% trong khi giảm 20% tỷ lệ đói nghèo và giảm 20% mức phát thải các- bon.

XK thủy sản nguy cơ mất thị trường lớn

8-2-2012

Việc liên tục nhận được những cảnh báo từ các nước nhập khẩu về lượng thuốc tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản, đang đặt Việt Nam trước nguy cơ bị mất đi nhiều thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt là Mĩ, Nhật và EU…

Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn: Thủ tục còn rườm

8-2-2012

Được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, một số doanh nghiệp, trang trại trên địa bàn huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã vượt qua khó khăn trong bối cảnh tín dụng khó khăn.

Thái Lan muốn hợp tác với Việt Nam để giữ giá lúa gạo ở mức cao

8-2-2012

Một phái đoàn Thái Lan đến thăm Việt Nam vào tháng tới, để tìm kiếm sự hợp tác gần gũi hơn nữa giữa hai chính phủ trong thương mại thóc gạo.

Nhiều nhà máy đường hạ giá bán

8-2-2012

Thời điểm này, nhiều nhà máy đường tiếp tục giảm giá xuất xưởng thêm 1.000 đồng/kg so với tháng trước đó, để kích thích việc tiêu thụ.

Xuất khẩu gạo tháng 1 chỉ đạt trên 279.000 tấn

6-2-2012

Theo tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 1/2012, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 279.266 tấn, trị giá 153,650 triệu USD. Con số này chỉ bằng 50% cùng kỳ năm trước với lượng gạo xuất khẩu 541.000 tấn, thu về 282,08 triệu USD.

Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình: Chất lượng sản phẩm là hàng đầu

2-2-2012

Trong những năm qua, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) là một doanh nghiệp luôn “xông xáo” đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chọn tạo các giống lúa chất lượng cao cho miền Bắc. Đồng thời, TSC cũng thực hiện việc nhập khẩu, chuyển giao nhiều giống lúa lai “siêu” năng suất.

Từ 2012 Việt Nam có thể xuất khẩu phân đạm urê

2-2-2012

Từ một nước luôn phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn phân đạm urê nhập khẩu, bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam đã có thể tự chủ hoàn toàn được loại phân bón quan trọng này.

Xuất khẩu năm 2011: Nhiều kết quả khả quan

2-2-2012

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 96,3 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2010, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 41,8 tỷ USD, tăng 26,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 54,5 tỷ USD, tăng 39,3%.