THỊ TRƯỜNG

Cho phép nhập khẩu 50.000 tấn muối

Ngày đăng: 12 | 09 | 2011

Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tới đây Bộ Công Thương sẽ phân giao đợt 2 lượng hạn ngạch nhập khẩu 50.000 tấn muối còn lại của năm 2011 cho các doanh nghiệp làm nguyên liệu sản xuất hoá chất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá sản lượng muối sản xuất trong nước năm 2011 chỉ đạt khoảng 800.000 tấn, giảm 200.000 tấn so với dự báo cuối năm 2010.
Theo Thông tư số 45/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối năm 2011 là 102.000 tấn (gồm 100.000 tấn muối công nghiệp cho sản xuất hóa chất và 2.000 tấn muối tinh khiết cho sản xuất thuốc, sản phẩm y tế). 
Nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ muối sản xuất trong nước, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thống nhất phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối phục vụ sản xuất hóa chất làm 2 đợt (đợt 1 đã phân giao 50.000 tấn vào đầu năm 2011 và đợt 2 phân giao 50.000 tấn còn lại sau khi các bộ trao đổi về sản lượng, chất lượng muối của năm 2011).
Theo nguyên tắc trên, ngày 6/6, Bộ Công Thương đã có công văn trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình sản lượng, chất lượng muối năm 2011 để tiến hành phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối đợt 2 cho các doanh nghiệp sản xuất hóa chất. Tại văn bản trả lời ngày 14/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá sản lượng muối sản xuất trong nước năm 2011 dự kiến khoảng 800.000 tấn (giảm khoảng 200.000 tấn so với dự báo cuối năm 2010), tồn kho muối khoảng 235.000 tấn, bằng 51% so với cùng kỳ năm 2010.
Do lượng muối tồn kho trong diêm dân và một số doanh nghiệp còn tương đối lớn và tháng 6, tháng 7 là những tháng cao điểm của sản xuất muối ở phía Bắc và miền Trung, để tạo điều kiện cho người sản xuất tiêu thụ muối với giá cả hợp lý, góp phần giảm bớt khó khăn cho diêm dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị chưa phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối đợt 2, ít nhất là trong tháng 6 và tháng 7. 
Ngày 13/7, để giải quyết khó khăn về nguyên liệu cho sản xuất hoá chất, đồng thời bảo đảm việc hỗ trợ tiêu thụ muối cho diêm dân, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mời một số doanh nghiệp sản xuất muối và 3 doanh nghiệp sử dụng muối công nghiệp để sản xuất hóa chất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất muối đã không đến dự. 
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp sản xuất hóa chất đã phản ánh tình trạng không mua được muối trong nước có chất lượng phù hợp mặc dù đã liên hệ với các doanh nghiệp sản xuất muối, đã gửi công văn đề nghị nhưng các doanh nghiệp này hoặc không trả lời hoặc trả lời không có khả năng cung cấp muối theo yêu cầu. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất hóa chất tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương xem xét phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối đợt 2 để bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất theo kế hoạch.
Trước tình hình trên, cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Đoàn công tác gồm đại diện Văn phòng Chính phủ và các đơn vị chức năng của 2 Bộ đã làm việc trực tiếp với các đơn vị sản xuất muối công nghiệp tại khu vực miền Trung và các đơn vị có nhu cầu dùng muối công nghiệp phục vụ sản xuất hoá chất.
Căn cứ kết quả làm việc của Đoàn công tác, ngày 15/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn trả lời Bộ Công Thương, trong đó nêu rõ: "Các doanh nghiệp sản xuất muối công nghiệp trong nước có thể sản xuất muối đạt chất lượng theo yêu cầu của ngành hoá chất. Tuy nhiên, hiện nay đã vào cuối vụ sản xuất muối năm 2011 nên các doanh nghiệp muối công nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng của các doanh nghiệp sản xuất hoá chất và đã có kế hoạch sản xuất muối phục vụ các ngành khác". 
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất phân giao đợt 2 lượng hạn ngạch nhập khẩu muối còn lại của năm 2011 (50.000 tấn) cho các doanh nghiệp làm nguyên liệu sản xuất hoá chất.
Trên cơ sở này, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đang tổng hợp  báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định việc phân giao đợt 2 lượng hạn ngạch nhập khẩu muối còn lại để phục vụ sản xuất hóa chất trên nguyên tắc phân giao đúng đối tượng là các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng muối cho sản xuất hóa chất, không được phép trao đổi kinh doanh thương mại và sử dụng cho các mục đích khác. 
Theo VnEconomy

Nguồn:http://vneconomy.vn/20110911090944297P0C10/cho-phep-nhap-khau-50000-tan-muoi.htm

NỘI DUNG KHÁC

Cần tổ chức lại ngành muối

12-9-2011

Ông Phạm Tất Thắng - chuyên gia kinh tế cao cấp, kiêm tư vấn chính sách của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), trả lời phỏng vấn NTNN về việc nhập khẩu muối gây bức xúc dư luận.

Người tiêu dùng mua dầu ăn chủ yếu tại siêu thị: Dầu ăn sản xuất trong nước được ưa chuộng

9-9-2011

Dầu ăn là sản phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, bình quân mỗi người dân ở các thành phố lớn của nước ta sử dụng 0,6-0,7 lít dầu ăn/tháng. Các sản phẩm dầu ăn trên thị trường hiện nay chưa hoàn toàn đáp ứng mức độ kỳ vọng của NTD về giá cả và chất lượng.

Thương lái “thao túng” đồng tôm

9-9-2011

Tôm sú nguyên liệu ĐBSCL khan hiếm nhưng nhiều ngày qua giá tôm nguyên liệu liên tục giảm. Làm ra sản phẩm nhưng giá cả hoàn toàn lệ thuộc vào thương lái và các nhà máy chế biến tôm.

Cá tra phải mạnh từ con giống

8-9-2011

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư quốc gia vừa tổ chức tại Đồng Tháp đã đưa vấn đề sản xuất giống cá tra chất lượng cao ra bàn khảo.

Giá hồ tiêu xuất khẩu “phi mã”: Chưa hẳn đã mừng

8-9-2011

Giá hồ tiêu tăng mạnh khiến "phong trào" trồng mới loại cây này đang phát triển ồ ạt, bất chấp hệ lụy về sau.

Sẽ mạnh tay với “chè bẩn”

8-9-2011

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu, các đơn vị có liên quan tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng giá trên 50%

8-9-2011

Trong 60,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt được trong 8 tháng qua, yếu tố giá tăng đã đóng góp gần 4 tỷ USD.

Thị trường bánh trung thu: Khó kiểm soát ATTP

8-9-2011

Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, điều quan trọng nhất là ý thức của người sản xuất chứ không phải sự “vào cuộc ráo riết” của thanh tra.

Thử nghiệm hỗ trợ nông dân trồng lúa 1 năm

7-9-2011

Theo Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng thương mại Thái Lan Kittiratt Na-Ranong, chính phủ mới của nước này sẽ chỉ thực hiện thử nghiệm cơ chế thu mua hỗ trợ trong vòng 1 năm nếu cơ chế này không gây ảnh hưởng lên giá gạo.

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ vượt 700 USD/tấn

7-9-2011

Theo Thư ký thường trực thương mại Thái Lan Yanyong Phuangrach, giá gạo xuất khẩu Thái Lan có thể vượt 700 USD/tấn do kế hoạch thu mua thóc từ nông dân với mức giá xác định của chính phủ nước này.

Giá trị xuất khẩu cao su năm 2011 có thể đạt mức 3,67 tỷ USD

7-9-2011

Theo dự báo của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), sản lượng cao su tăng khoảng 4% trong năm 2011 và với nguồn cao su bổ sung từ tạm nhập tái xuất, Việt Nam có thể xuất khẩu hơn 800.000 tấn. Một nghiên cứu xu thế biến động của chuỗi số liệu xuất khẩu cao su những năm qua dự báo, giá trị xuất khẩu cao su năm 2011 có thể đạt mức 3,67 tỷ USD.

Giải pháp gỡ khó cho ngành điều: Mở rộng mô hình năng suất cao

7-9-2011

Trước tình trạng điều mất mùa, ngành công nghiệp chế biến điều đang gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguyên liệu trầm trọng. Theo dự báo, năm 2011 này nước ta phải nhập khoảng 450.000 tấn điều thô.