ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Giao dịch hàng hóa qua sàn: Lợi nhuận cao nhưng cần thận trọng

Ngày đăng: 31 | 08 | 2011

Đầu tư vào các loại hàng hóa như thép, càphê, cao su… trên sàn giao dịch được coi là lựa chọn tốt trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản… đang trở nên ảm đạm. Tuy lợi nhuận cao nhưng kênh giao dịch này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Kênh đầu tư mới nhiều thuận tiện
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, trong các tháng cuối năm, hoạt động của nền kinh tế, nhất là cộng đồng doanh nghiệp có thể ổn định hơn, tuy vẫn phải đối mặt với một số khó khăn như nhập siêu, giá nguyên liệu đầu vào tăng, tỷ giá không ổn định… Trong bối cảnh trên, các nhà đầu tư khó lựa chọn được kênh đầu tư hợp lý để bảo toàn vốn và sinh lãi. "Giao dịch hàng hóa tương lai" đang được xem là kênh đầu tư hiệu quả, tuy nhiên, trong lĩnh vực mới này, nhà đầu tư phải hết sức thận trọng.
Thu mua cà phê ở Cty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Đắk Lắk
 
Theo ông Nguyễn Duy Phương, Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX), lượng hợp đồng giao dịch hàng hóa các loại trên thế giới đang tăng mạnh trở lại, riêng năm 2010, tăng hơn 47% so với 3 năm trước. Hiện nay, hàng hóa được xem là kênh giao dịch thứ hai sau chứng khoán. Sự tăng trưởng này thể hiện tâm lý của các nhà đầu tư xem hàng hóa như một loại tài sản an toàn và là sự lựa chọn đầu tư phổ biến với nhiều tính ưu việt khi tham gia giao dịch.
Ở Việt Nam, VNX là sở giao dịch hàng hóa được Bộ Công Thương cấp phép đầu tiên vào ngày 1/9/2010. Sau 1 năm hoạt động, hiện có 3 nhóm sản phẩm giao dịch tại VNX là càphê, cao su và thép. Theo ông Phương, 3 nhóm sản phẩm này từ khi giao dịch tại VNX, doanh số tăng đáng kể.
"Là 1 trong 3 nhóm sản phẩm giao dịch tại VNX, 7 tháng đầu năm 2011, lượng xuất khẩu mặt hàng càphê của cả nước đạt khoảng 930.000 tấn, trị giá 2 tỷ USD, tăng 24% về lượng và 92,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010", ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam nhấn mạnh.
Với mặt hàng cao su, 7 tháng đầu năm, doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu gần 350.000 tấn, trị giá 1,5 tỉ USD và tăng tới gần 70% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giao dịch hàng hóa qua sàn có nhiều tiện lợi cho các nhà đầu tư, tiết kiệm thời gian, chi phí (làm thủ tục giao dịch, đi lại…) trong khi lại tiếp cận được nhiều thông tin khách hàng, nhiều thị trường…
Nhưng không thể lơ là
Theo TS. Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học kinh tế ứng dụng, giao dịch hàng hóa qua sàn là kênh đầu tư mới, rất khả quan đối với các nhà đầu tư Việt Nam. Hàng hóa giao dịch tại đây là sản phẩm chuyên biệt của thị trường tài chính và cũng là kênh đầu tư tương tự như chứng khoán. Mặc dù là giao dịch hàng hóa song không nhất thiết đòi hỏi nhà đầu tư phải có nguồn vốn lớn. Đặc biệt, kênh này mang đầy đủ yếu tố sinh lời nhanh không khác gì đầu tư chứng khoán theo kiểu lướt sóng.
"Chỉ với 5 triệu đồng ký quỹ là đã có cơ hội tham gia Sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam; và với 10 triệu đồng, nhà đầu tư đã có đủ tiền để thực hiện giao dịch", ông Phương nói. Hiện mức ký quỹ ở VNX chỉ là 10% tổng giá trị giao dịch, khối lượng giao dịch hàng hóa tối thiểu là 1 lần/lot nhằm tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia VNX.
Nói về cơ hội kiếm lời từ việc mua-bán càphê trên sàn, ông Tự cho biết: "Chỉ cần giá mua càphê trong nước thấp hơn giá thế giới 5% là nhà đầu tư đã có cơ hội sinh lời. Trong khi vào vụ, giá thu mua càphê trong nước luôn thấp hơn giá thế giới từ 20-30%. Điều đó đủ cho thấy cơ hội sinh lời khi đầu tư hàng hóa qua sàn là rất cao".
Ưu điểm là vậy nhưng giao dịch hàng hóa qua sàn cũng có rủi ro. Ông Frederick Wee, chuyên gia tài chính của Singapore cho rằng, giống như thị trường trái phiếu hay cổ phiếu, thị trường hàng hóa có thể có rủi ro cho nhà đầu tư do không dự báo đúng xu hướng giá cả hàng hóa hoặc rủi ro do giới đầu cơ lũng đoạn thị trường. Rủi ro cũng có thể xảy ra bất ngờ bởi thiên tai hoặc biến động chính trị, chiến tranh ở một quốc gia, khu vực nào đó tác động tới cung cầu trên thị trường hàng hóa. Vì thế, nhà đầu tư nên thận trọng và xem xét khả năng có thể chấp nhận rủi ro đến mức nào trước khi tham gia giao dịch hàng hóa trên sàn.
Trong số những loại hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới, hàng hóa của Việt Nam như dầu thô, gạo, càphê, cao su luôn được giao dịch với khối lượng lớn. "80% lượng càphê giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa London (Anh) là càphê Việt Nam", ông Phương đưa ra một ví vụ khiến nhiều người ngạc nhiên. Với khối lượng giao dịch như vậy, thậm chí Việt Nam có khả năng chi phối giá một vài mặt hàng trên thế giới. Theo ông Phương, VNX có tham vọng trở thành cầu nối liên thông để nhà đầu tư Việt Nam tham gia các sàn giao dịch hàng hóa thế giới. Đặc biệt, VNX không chỉ là cơ hội cho nhà đầu tư, đây cũng chính là kênh bán hàng hiệu quả của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, giúp họ chủ động tính toán được nhu cầu thị trường, khả năng tiêu thụ, giá cả hàng hóa trong tương lai thông qua diễn biến giao dịch hàng hóa trên thị trường.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/8/29937.html

NỘI DUNG KHÁC

Thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững: Cần tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước

30-8-2011

Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung hiện nay đang phổ biến là qui mô nhỏ, thiếu vốn, công nghệ sản xuất kinh doanh chưa hiện đại, chưa có kinh nghiệm và đào tạo bài bản về quản trị kinh doanh. Muốn tồn tại, và phát triển, tái cấu trúc doanh nghiệp là hết sức cần thiết, trong đó, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay nhằm vượt qua áp lực khủng hoảng, lãi suất cao đang hiện hữu...

Xuất khẩu cà phê: Trăm người bán, vài người mua

30-8-2011

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê của ta đã đạt 2 tỉ USD, hoàn thành 2/3 kế hoạch năm.

Thái Lan -Việt Nam bắt tay đưa ra chiến lược giá gạo

30-8-2011

Các nhà XK gạo Thái Lan dự kiến sẽ nhóm họp với các đối tác Việt Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vào giữa tháng 9 tới để thảo luận những tác động từ chính sách cho vay thế chấp hỗ trợ nông nghiệp mới của Chính phủ Thái Lan nhằm nâng cao thu nhập của người dân.

Xuất siêu nông sản đạt 6 tỷ USD

30-8-2011

Trong 8 tháng qua, xuất siêu nông, lâm, thủy sản lần đầu tiên đã đạt tới 6 tỷ USD. Nông nghiệp một lần nữa khẳng định là chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát.

Dự kiến năm 2011 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 500 triệu USD

19-8-2011

Theo báo cáo của Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự kiến năm 2011 kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước sẽ chỉ đạt khoảng 500 triệu USD, tăng 10% so với năm 2010. Tuy nhiên sẽ khó có thể hoàn thành chỉ tiêu đặt ra đối với mặt hàng này trong năm 2011 là 600-700 triệu USD.

Đã có 49/211 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo

17-8-2011

Thị trường xuất khẩu gạo trên thế giới đang sôi động, Việt Nam lại được mùa lúa. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 109/2010/NĐ–CP khá chậm, một số địa phương còn lúng túng trong hướng dẫn thi hành.

Không có chuyện thị trường chăn nuôi bị thâu tóm

17-8-2011

Ngày 15/8, công ty cổ phần Chăn Nuôi CP Việt Nam (gọi tắt là CP Việt Nam) đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để giải thích về việc công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi C.P Pokphand (CPP) (là công ty con của Tập đoàn CP Thái Lan - CP Group Thái Lan có trụ sở tại Hồng Kông - Trung Quốc) giành quyền kiểm soát CP Việt Nam.

Liên kết để không thua trên sân nhà

8-8-2011

Theo dự báo, năm 2011, lượng càphê xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt 1,3 triệu tấn cùng mức giá khá cao. Tuy nhiên, với thực tế như hiện nay, có lẽ phần lớn lợi nhuận sẽ rơi vào túi các doanh nghiệp (DN) sử dụng vốn nước ngoài…

Hiệp định FLEGT/VPA: Gỗ Việt Nam vào EU sẽ dễ hơn

8-8-2011

FLEGT/VPA là gì? Tham gia việc cấp Chứng chỉ này các doanh nghiệp được lợi gì?

Xuất khẩu cả năm sẽ đạt trên 90 tỷ USD?

8-8-2011

Với kim ngạch đạt khoảng 8,4 tỷ USD trong tháng 7, triển vọng xuất khẩu cả năm vượt ngưỡng 90 tỷ USD đang được toàn ngành công thương nỗ lực hiện thực hóa. Cán đích ấy sẽ được xem là thành tích thiết thực chào mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ XI, Quốc hội khoá XIII và cũng là sự khởi đầu ngoạn mục của kế hoạch ngoại thương giai đoạn 2011-2015.

Đổ bể do liên kết yếu

8-8-2011

Đông Nam bộ (ĐNB) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là những vùng nguyên liệu nông-thủy sản dồi dào. Tưởng chừng đây là lợi thế lớn để mời gọi các nhà đầu tư vào cuộc tạo dựng vùng nguyên liệu, NM chế biến. Thế nhưng nhiều năm qua các dự án mời gọi đầu tư vào lĩnh vực này đếm trên đầu ngón tay. Trong khi nhiều DN đã lỡ ngồi “lưng cọp” thì làm ăn lận đận, lỗ lã mãi.

Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo: Nhiều doanh nghiệp nhỏ phải “bỏ cuộc chơi”?

5-8-2011

Từ 1/10/2011, thương nhân không có Giấy chứng nhận không được hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong khi đó, đến nay mới có 44/200 doanh nghiệp được cấp Giấy đủ điều kiện kinh doanh.