ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Tận dụng lợi thế đẩy mạnh hàng nông nghiệp vào Nhật Bản

Ngày đăng: 30 | 05 | 2011

Xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản sẽ tăng mạnh nếu doanh nghiệp biết tận dụng lợi thế từ VJEPA; hiểu biết thị trường và nắm bắt được phương thức kinh doanh tại Nhật Bản.

Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản Việt Nam đạt 19,5 tỷ USD, là kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay, trong đó, thị trường Nhật Bản đạt 1,5 tỷ USD, tăng hơn 18% so với năm 2009. Riêng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật đạt 900 triệu USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2009.
Theo ông Võ Thanh Hà - Trưởng phòng Đông Bắc Á - Vụ Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nhật Bản sẽ còn tăng mạnh nếu doanh nghiệp Việt Nam biết tận dụng lợi thế từ Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA).
Tận dụng lợi thế
Ông Võ Thanh Hà cho biết, nông sản là nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ VJEPA. Cụ thể, theo VJEPA, Nhật Bản đã cam kết giảm thuế đối với các mặt hàng tương đương với gần 84% giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Đây là cam kết cao nhất của Nhật Bản về hàng nông sản so với các nước ASEAN khác mà Nhật Bản đã ký kết hiệp định tự do thương mại.
Trong đó, ngay khi VJEPA có hiệu lực (1/10/2009), trong số 2.020 dòng thuế nông sản, Nhật Bản đã xóa bỏ ngay đối với 784 dòng, chiếm 36% tổng số dòng thuế nông sản và chiếm 67,6% giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các dòng thuế có lộ trình giảm từ 3-5 năm bao gồm 14 sản phẩm có nhiều tiềm năng xuất khẩu như mì chính, đậu tương, gừng, cùng các loại hoa quả là chuối, sầu riêng, chôm chôm… Kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm này chiếm khoảng 14% tổng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Nhật.
Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục giảm và loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 72 dòng nông sản trong 7 năm và 214 dòng có lộ trình giảm và loại bỏ thuế quan trong 10 năm. Trong đó, đáng chú ý là có các mặt hàng rau, quả chế biến, ngô, sắn chế biến, các loại gia vị, nước sốt là những mặt hàng mà thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam có khá nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang thị trường này.
Đối với mặt hàng thủy sản, trong số 330 mặt hàng, đã có 64 mặt hàng được giảm thuế ngay khi hiệp định được thực thi, chiếm tới 71% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản. Riêng tôm Việt Nam vào Nhật Bản được hưởng thuế 0%.
Ông Võ Thanh Hà cho biết, trong số các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản, hiện tôm và mực đang là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao và được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản đạt trên 581 triệu USD, tăng 27,6% so với năm 2009, chiếm hơn 23% thị phần nhập khẩu của Nhật Bản và trở thành đối tác cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản.
Đối với mặt hàng mực (và các loài nhuyễn thể), kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản năm 2010 đạt hơn gần 114 triệu USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 23,3%/năm so với năm 2009. Hiện Việt Nam đang chiếm khoảng 8% thị phần và đứng thứ 5 trong số các nước xuất khẩu mực vào Nhật Bản.
“Theo diễn biến mới đây, các đơn hàng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam vào Nhật Bản tăng nhanh, giá vẫn giữ ở mức cao. Hiện tại, người dân Nhật rất cần thực phẩm sạch, trong đó có tôm đông lạnh, cá tra phi lê… Thêm vào đó, hậu quả sau thảm hoạ động đất có thể dẫn đến một số loài thủy sản có thể bị cấm khai thác tại nước này do nhiễm phóng xạ và các nhà máy chế biến thủy sản vùng phía Bắc Tokyo có khả năng đóng cửa, nên đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam”- ông Hà nói.
Trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ cũng rất tiềm năng tại thị trường Nhật Bản. Hiện mặt hàng này đang tăng trưởng với tốc độ nhanh, chiếm 8,3% thị phần nhập khẩu đồ gỗ của thị trường này và đang có xu hướng tăng hơn nữa. Nếu như năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của ta mới đạt 286 triệu USD thì năm 2010, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Nhật Bản đã đạt 455 triệu USD, tăng 28% so với năm 2009 và là một trong những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.
Riêng 4 tháng năm 2011, kim ngạch này đã đạt 163 triệu USD tăng 29% so với cùng kỳ năm 2010.
Theo ông Hà, hiện nay, nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ nội thất, ngoại thất của Nhật Bản là hơn 2 tỷ USD/năm. Cách đây hơn 5 năm, hàng đồ gỗ nội thất chủ yếu do các công ty trong nước Nhật cung cấp. Tuy nhiên, gần đây do nguồn nguyên liệu đang thiếu hụt, đồng thời, chi phí nhân công của Nhật Bản quá cao, Nhật Bản đang chuyển hướng sang nhập khẩu đồ gỗ nội thất từ các nước khác. Đây là điểm thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ của ta tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào các năm sau này.
Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật là cao su, chè…
Và giữ chân tại thị trường
Theo Phó vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lê Quang Lân, chất lượng hàng hoá nhập khẩu là quy định bắt buộc đối với mọi nhà xuất khẩu khi tiếp cận thị trường Nhật Bản và đây là vấn đề mà Nhật Bản không bao giờ đàm phán.
Với mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Nhật Bản là một trong những quốc gia đang áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe. Các tiêu chuẩn của Nhật Bản hầu như tương đương, thậm chí cao hơn cả những tiêu chuẩn quốc tế thông thường. Tuy nhiên các tiêu chuẩn chất lượng này được áp dụng phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không phân biệt đối xử giữa hàng hoá trong nước hay nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng, sau chuyến xúc tiến thương mại sang Nhật Bản để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hồi tháng 3/2011 cho biết: Các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm nhiều đến vấn đề kiểm soát chất lượng. Các câu hỏi tập trung nhiều nhất là xem nguồn hàng có đáp ứng được số lượng lớn không, xuất xứ thế nào, quy trình nuôi kiểm soát như thế nào...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chưa am hiểu tốt thị trường, chưa nắm bắt được phương thức kinh doanh tại Nhật Bản. Ví dụ, trong lĩnh vực cà phê, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ nhì thế giới, giá cạnh tranh được với cà phê Brazil, người Nhật Bản cũng rất thích cà phê Việt Nam, song muốn xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản phải qua sàn giao dịch, chứ không thể giao dịch trực tiếp. “Đây là điểm yếu mà doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm được”- Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng nói.
Ngoài ra, giữa các doanh nghiệp Nhật Bản thường có mối quan hệ rất chặt chẽ. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản nên thông qua các doanh nghiệp trong nước đã khẳng định được uy tín tại thị trường này. Đồng thời tạo mối quan hệ với doanh nghiệp nước bạn để họ giúp quảng bá thị trường, quảng bá thương hiệu.
Thị trường Nhật Bản hội tụ rất nhiều đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp cũng cần phải nghĩ đến chuyện chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu vào thị trường này thì mới có thể tăng mạnh xuất khẩu./.
Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản về Đối tác kinh tế (VJEPA) đã được Thủ tướng Chính phủ ký từ tháng 4/2009 tạo nhiều thuận lợi cho phát triển quan hệ giữa hai nước nói chung và quan hệ thương mại nói riêng.
VJEPA là một thoả thuận song phương mang tính toàn diện bao gồm các lĩnh vực như thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, di chuyển lao động, hợp tác về tiêu chuẩn kỹ thuật…
Cụ thể, Nhật Bản cam kết trong vòng 10 năm sẽ đưa thuế suất xuống bằng 0% đối với 94% giá trị hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản.
Đổi lại, trong vòng 10 năm, Việt Nam cũng đưa thuế suất về 0% đối với 87% giá trị hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam. Việt Nam vẫn giữ được quyền bảo hộ đối với những hàng hoá đang có lợi thế đồng thời chỉ nhập khẩu những sản phẩm hiện đang rất cần cho đầu tư và sản xuất ở Việt Nam, nhất là máy móc, thiết bị, công nghệ... Phần xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam có tính chất hỗ trợ rất nhiều cho Việt Nam.
Hiện nay, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất, nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu sang nước này 7,73 tỉ USD (tăng 22,82% so với năm 2009), chiếm 10,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản 8,1 tỷ USD (tăng 8,4% so với năm 2009), chiếm 11,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
 
AGROINFO - Theo VOVNEWS

NỘI DUNG KHÁC

Ngành mía đường xin miễn thuế vì đường lậu

27-5-2011

Đến hẹn lại lên, ngành mía đường năm nào cũng có kiến nghị để bảo vệ... ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy một ngành hàng... èo uột.

Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn

26-5-2011

Sau hơn 1 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia đã nhận thấy sự thay đổi tích cực từ thị trường nông thôn. Tuynhiên, họ cũng khẳng định, thị trường này vẫn chưa hoàn toàn thuộc về các doanh nghiệp Việt.

Xuất khẩu gỗ năm 2011 sẽ đạt khoảng 4 tỉ USD

26-5-2011

Nếu như năm 2000, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ là 219 triệu USD, đến năm 2010 đã đạt 3,4 tỷ USD, tính bình quân giá trị kim ngạch đồ mộc tăng 500 triệu USD/năm.

Dự án trồng 5 triệu ha rừng kết thúc: Doanh nghiệp và người trồng rừng lao đao

25-5-2011

Sau khi dự án trồng 5 triệu ha rừng kết thúc, các doanh nghiệp trồng rừng ở Hà Tĩnh cũng như người dân hợp đồng trồng rừng gặp vô vàn khó khăn. Tiền đầu tư chăm sóc không có, kế hoạch trồng rừng cũng bị đổ bể, người dân không có thu nhập vì thiếu việc làm…

Thành lập công ty thương mại để bình ổn giá đường?

24-5-2011

Nhà máy thiếu vốn để sản xuất, khi nguồn cung đường dồi dào giá lại giảm, thương nhân không muốn mua vào… Trên thị trường thì luôn tồn tại sự chênh lệch giá khá lớn giữa nhà máy và nhà phân phối.

Sẽ có thêm nhiều nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

24-5-2011

Thời gian tới, Mỹ xem xét để Việt Nam có thể xuất khẩu vải, nhãn vào thị trường này.

Cân đối cung cầu và điều hành nhập khẩu đường: Đảm bảo hài hòa quyền lợi người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng

16-5-2011

Thời gian qua, giá đường liên tục tăng, sau đó giảm nhẹ, trong khi doanh nghiệp sản xuất trong nước lại không tiêu thụ được. Nghịch lý này một lần nữa lại được người ta đổ thừa cho việc dự báo sai, cấp hạn ngạch thuế quan nhiều hơn so với nhu cầu... Vậy thực hư câu chuyện này ra sao?

Thức ăn chăn nuôi tăng giá: Doanh nghiệp cần "bắt tay" với nông dân

16-5-2011

Kể từ đầu năm 2011 đến nay, thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã 3 lần tăng giá, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của người dân. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn về vấn đề này, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết:

Vét sạch nguyên liệu thô để xuất khẩu

16-5-2011

Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, doanh nghiệp cao su chỉ tập trung xuất khẩu chứ không bán cho nhà sản xuất trong nước.

Xuất khẩu rau quả: Chuyên nghiệp hóa để nâng cao kim ngạch

16-5-2011

Thời gian qua việc xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có nhiều thuận lợi. Dự kiến, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả trong năm nay sẽ đạt 500-510 triệu USD do nhu cầu tại Nhật Bản, Trung Quốc, Inđônêxia… tăng mạnh.

DN mía đường: Dân nên chịu thiệt mua đường giá cao

16-5-2011

Nếu mỗi người chịu thiệt 1 ít, chẳng hạn mua đắt khoảng 4.000 đồng/kg nhân với mức tiêu thụ đường bình quân 10 kg đường/năm thì mỗi năm người tiêu dùng cũng chỉ thiệt 40.000 đồng. Giá này là có thể chấp nhận được để cho ngành sản xuất đường trong nước phát triển.

Đã ký hợp đồng xuất khẩu gần 4 triệu tấn gạo

13-5-2011

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nam (VFA), đến ngày 5-5, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 2,648 triệu tấn gạo (tháng 4 là 718.718 tấn), trị giá FOB 1,252 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2010 tăng 26% về lượng và 29% về giá trị.