THỊ TRƯỜNG

Chè xuất khẩu: Để vừa “có tiếng” vừa “có miếng”

Ngày đăng: 09 | 05 | 2011

Thứ cây hướng mạnh về xuất khẩu phát triển bền vững nhất này có giá xuất khẩu không chỉ “bèo” có lẽ bậc nhất, mà còn đang trên đà tụt dốc.

Trong số vòng xoáy “trồng - chặt” không ít các loại cây trồng chủ yếu của nước ta nhiều năm qua, chè là loại cây công nghiệp lâu năm “may mắn” bậc nhất. Bởi lẽ, tình trạng phát triển nóng của nó kém xa và cũng chưa bao giờ bị “trảm” mạnh như tất cả các loại cây công nghiệp lâu năm chủ yếu khác. Thế nhưng, nghịch lý là ở chỗ, thứ cây hướng mạnh về xuất khẩu phát triển bền vững nhất này lại có giá xuất khẩu không chỉ “bèo” có lẽ bậc nhất, mà còn đang trên đà tụt dốc. Cho nên chè xuất khẩu của nước ta hàng chục năm qua vẫn ở trong tình trạng “có tiếng nhưng ít miếng”.
Nhịp độ tăng trưởng “đẹp” Các số liệu thống kê 35 năm qua cho thấy, kỷ lục tăng nóng của diện tích chè được ghi nhận năm 1986 chỉ là 14,4%, trong khi năm loại cây công nghiệp lâu năm chủ yếu còn lại đều tăng cao ngất ngưởng: với 80% năm 2000 có lẽ cây hồ tiêu đạt kỷ lục “mọi thời đại” của nước ta; điều với 55,1% năm 1993; cà phê với 52% năm 1985; dừa với 41,2% năm 1977 và cây cao su với 36,7% năm 1997. Không những vậy, trong khi năm loại cây trồng này đạt mức tăng cao trong ít nhất là ba năm, thậm chí là sáu năm liên tiếp, thì diện tích chè chỉ tăng liên tiếp trên 10%/năm trong hai năm.
Theo chiều ngược lại, sau khi phải chứng kiến kỷ lục tăng trưởng âm liên tiếp trong giai đoạn đất nước bắt đầu rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội hồi cuối thập kỷ 1970 và đầu thập kỷ 1980, cây chè cũng chưa bao giờ bị chặt phá trên quy mô lớn tới cả ngàn, thậm chí hàng chục ngàn héc ta như cả năm loại cây nói trên. Các kết quả tính toán cho thấy, bình quân trong thập kỷ 1990, diện tích chè tăng bình quân khiêm tốn 3,9%/năm, còn trong thập kỷ vừa qua nhích lên 4%/năm. Đây chính là nhịp độ tăng trưởng “đẹp” nhất so với bất cứ loại cây trồng nào của nước ta trong hai thập kỷ gần đây.
Những điều nói trên có nghĩa là, dù cũng không thoát khỏi vòng xoáy “trồng - chặt”, nhưng chè vẫn là loại cây trồng phát triển bền vững bậc nhất.
Bên cạnh đó, đáng mừng là năng suất chè ngày càng tăng nhanh hơn. Nếu như năng suất chè trong thập kỷ 1980 tăng bình quân 2%/năm đã là điều đáng mừng, còn thập kỷ 1990 tăng rất mạnh 3,9%/năm còn đáng mừng hơn, nhưng nhịp độ tăng kỷ lục 5,7%/năm trong thập kỷ vừa qua và đạt 1.331 ki lô gam/héc ta vào năm 2010 chính là bước nhảy vọt mang tính quyết định giúp năng suất chè của nước ta vượt qua năng suất bình quân 1.297 ki lô gam/héc ta của thế giới.
Chính nhờ sự cộng hưởng của hai yếu tố tăng diện tích và tăng năng suất, nên sản lượng chè trong thập kỷ 1990 cũng đã tăng bình quân 7,9%/năm, còn trong thập kỷ vừa qua đã tăng vượt trội 10,1%/năm và đạt kỷ lục 180.700 tấn vào năm 2010.
Cũng chính vì vậy, cho dù tỷ trọng diện tích chè trong tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm của nước ta “rơi tự do” từ 20,8% năm 1976 xuống chỉ còn 6,6% năm 2010, nhưng cho đến nay chè vẫn duy trì được vị trí mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong “rổ hàng hóa nông sản xuất khẩu” ngày càng đa dạng và càng tăng nhanh của nước ta.
Không những vậy, khối lượng chè xuất khẩu năm 1990 chỉ mới dừng lại ở kỷ lục 16.000 tấn cho dù đã nỗ lực rất lớn trong suốt ba thập kỷ của “thời bao cấp”, nhưng với việc tăng tốc xuất khẩu chỉ từ năm 1996 trở lại đây, vị trí của nước ta trên thị trường chè thế giới đã có bước tiến vượt bậc.
Đó là, với 20.800 tấn năm 1996, chúng ta chỉ mới đứng ở vị trí khiêm tốn thứ 11 trong “làng xuất khẩu chè thế giới”. Năm 2000 với việc tăng vọt lên 55.600 tấn, chúng ta đã tiến được năm bậc để vươn lên vị trí thứ sáu. Năm 2004, với việc mấp mé chạm ngưỡng 100.000 tấn, lần đầu tiên chúng ta đã vượt qua Indonesia để có mặt trong nhóm “ngũ đại gia” của “làng xuất khẩu chè thế giới” và vị trí này không ngừng được củng cố vững chắc từ năm 2006 đến nay (tức là chỉ chịu đứng sau bốn “người khổng lồ” Kenya, Trung Quốc, Sri Lanca và Ấn Độ với khối lượng xuất khẩu hàng năm lên tới 200.000-330.000 tấn).
“Có tiếng mà không có miếng”
Mặc dù vậy, “mặt trái của tấm huy chương” xuất khẩu chè của nước ta lại là điều không thể không quan tâm. Đó là, giá chè xuất khẩu của nước ta không chỉ “bèo” có lẽ bậc nhất trong “rổ hàng nông sản xuất khẩu” rất lớn lâu nay, mà tình trạng này là do hậu quả của quá trình “tụt dốc không phanh” trong những năm gần đây.
Các số liệu thống kê của hai tổ chức quốc tế FAO và ITC cho thấy, trong 35 năm qua, cho dù đã tăng rất nhanh về lượng để lọt vào nhóm “ngũ đại gia” như đã nói ở trên, nhưng giá chè xuất khẩu của Việt Nam lại thăng trầm theo chiều tụt dốc rất rõ nét.
Đó là, từ xuất phát điểm 83,4% giá thế giới năm 1961, sau 10 năm giá chè xuất khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục 110,9% giá thế giới, nhưng năm 1979 lại trở về xuất phát điểm, còn năm 1980 chạm đáy lần đầu tiên ở mức 47,4%. Tiếp theo, đó là hai chu kỳ thăng trầm khác với mức đỉnh chỉ còn là 76,3% năm 1987 và 71,1% năm 1996, còn mức đáy năm 1993 cũng chỉ là 50,6%, nhưng mức đáy năm 2009 gần đây chỉ còn là 45%, tức là thấp kỷ lục trong suốt 35 năm qua.
Theo cách tiếp cận khác, nếu tính bình quân trong 10 năm trở lại đây, giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ bằng 52,8% giá thế giới, quá thấp so với 84,9% của Trung Quốc và 88,3% của Kenya, cho nên càng thấp hơn so với 101,6% của Ấn Độ và 132,7% của Sri Lanca.
Như vậy, cho dù không thể phủ nhận thành tựu trong việc cung cấp khối lượng chè ngày càng lớn cho thị trường thế giới, nhưng ngành công nghiệp chè của chúng ta vẫn không chỉ ngày càng tụt dốc so với trình độ phát triển chung của thế giới, mà hoạt động xuất khẩu chè cũng ngày càng bất cập, dẫn đến hiệu quả xuất khẩu của mặt hàng nông sản chủ lực này ngày càng thấp so với của chính chúng ta trước đây.
Do đó, trọng tâm phát triển của lĩnh vực nông - công nghiệp này trong những năm tới không phải là tiếp tục tăng mạnh khối lượng chè xuất khẩu, mà là tăng nhanh hàm lượng khoa học, công nghệ, đa dạng hóa mặt hàng để tăng vọt giá và giá trị xuất khẩu. Bởi lẽ, trong khi tiềm năng đất đai để mở rộng diện tích chè rất hạn hẹp, năng suất chè cũng đã khá cao, cho nên khó có thể tăng mạnh khối lượng xuất khẩu. Còn khoảng cách “mênh mông” về giá xuất khẩu của chúng ta so với các cường quốc xuất khẩu chè chính là tiềm năng phát triển ở mặt hàng này cho đến nay vẫn chưa được khai thác. Đó là chưa nói tới khoảng cách về giá chè của bốn cường quốc này so với một số quốc gia có nền công nghiệp chè tiên tiến như Anh, Đức... thậm chí còn mênh mông hơn nữa.
Phải chăng trong điều kiện chúng ta chưa thể, hoặc không thể “tự lực cánh sinh” trong việc xây dựng ngành công nghiệp chè tiên tiến, với hai lợi thế rất cơ bản là khối lượng sản phẩm thô không hề nhỏ và rất ổn định, còn giá cũng rất bèo như hiện nay, thu hút các tập đoàn đa quốc gia vào lĩnh vực này là phương án khả thi nhất?
AGROINFO – Theo Cafef.vn

 

NỘI DUNG KHÁC

Mía đường được mùa không hẳn đã vui

9-5-2011

Ước tính sản lượng đường niên vụ 2010 - 2011 sẽ tăng khoảng 200.000 tấn so với vụ trước, song các nhà sản xuất mía đường vẫn âu lo.

Thương hiệu và giá trị cho cà phê

6-5-2011

Ngày 29/4/2011, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (THV) về “Xây dựng mô hình thể chế ngành hàng, chỉ dẫn địa lý sản phẩm cà phê và HTX kiểu mới tại các vùng trồng cà phê tại 4 tỉnh Lâm Đồng, Quảng Trị, Sơn La và Điện Biên”.

Giá lúa cao, ai lợi?

6-5-2011

Tình hình mua bán lúa gạo lựng khựng trong những ngày qua ở ĐBSCL, song giá lúa gạo vẫn ở mức cao. Từ đầu tháng 5-2011 đến nay, lúa hàng hóa dao động 6.000 - 6.500 đồng/kg, gạo 7.850 - 8.000 đồng/kg. Hiện gần như nông dân ĐBSCL đã hết lúa đông-xuân. Trong khi nông dân bán lúa cách đây hơn 1 tháng, mất khoảng 1.000 - 1.500 đồng/kg so với hiện nay! Những phần chênh lệch này sẽ chảy vào túi ai?

Giải pháp bình ổn giá phân bón: Cân đối cung – cầu

6-5-2011

Mặc dù thuộc diện hàng hoá được bình ổn giá nhưng gần đây, giá bán các loại phân bón trên thị trường lại thay đổi liên tục. Ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, giải quyết vấn đề này không chỉ đơn giản bằng những thủ tục hành chính mà cần phải đẩy mạnh cân đối cung - cầu.

Cà phê, cao su diễn biến trái chiều

4-5-2011

Trong khi giá cà phê duy trì ở mức cao với nhiều dự báo lạc quan thì đối với mặt hàng cao su, sản lượng tiêu thụ và giá lại giảm mạnh, trong đó thị trường cao su lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang có những diễn biến phức tạp.

Nghịch lý xuất khẩu nông-lâm-thủy sản: Giá trị tăng cao, lãi giảm

4-5-2011

Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đạt 8 tỷ USD, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân không được hưởng lợi nhiều từ thành quả này.

Toàn bộ tài liệu khóa học tại ANU

4-5-2011

ANU Crawford School of Economics & Government

Đối phó với bão giá: Bớt heo, tăng gà

28-4-2011

Giá bán lẻ thịt heo trên thị trường mấy ngày qua vẫn duy trì ở mức từ 95.000 – 120.000 đồng/kg tùy loại, kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

VN chi phối giá hồ tiêu toàn cầu

28-4-2011

Trong hội nghị toàn ngành hồ tiêu hôm qua (26/4), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương khẳng định: Hồ tiêu là mặt hàng nông sản duy nhất của VN đã chủ động điều tiết được lượng bán ra và có được giá bán rất cao trên thị trường thế giới (lên đến 120 triệu đồng/tấn). Làm thế nào ngành hồ tiêu thực hiện được điều này?

Niên vụ 2010 – 2011: Xuất khẩu cà phê vẫn lệch pha

28-4-2011

Vụ cà phê 2010 – 2011 đước nhận định là nhiều dấu hiệu khả quan hơn khi giá liên tục tăng từ đàu năm đến nay. Tuy nhiên, sản lượng, chất lượng sản phẩm và tình hình tài chính của các doanh nghiệp cà phê vẫn là những yếu tố đáng lo ngại cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

VASEP nâng giá sàn cá tra xuất khẩu

27-4-2011

VASEP đề nghị thống nhất giá sàn xuất khẩu cá tra từ nay tới cuối năm 2011 là 3,2 USD/kg.

Xây dựng thương hiệu quốc gia cho thủy sản Việt Nam

27-4-2011

Thủy sản là một trong 4 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2010, xuất khẩu thủy sản đã đạt 4,95 tỷ USD, chiếm 6,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Tuy nhiên, hiện nay, những thách thức liên quan đến năng lực cạnh tranh của doanh nhiệp xuất khẩu thủy sản không nhỏ, đòi hỏi nhiều chuyển biến nhằm phát triển bền vững.