THỊ TRƯỜNG

Mua bán lúa giống

Ngày đăng: 18 | 03 | 2011

Người đồng bằng có câu nói cửa miệng: “Tin (ai đó) chỉ có bán lúa giống” để biểu lộ sự thiếu tin cậy đối với đối tượng muốn ám chỉ. Ngày nay lúa giống trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu trong quy trình sản xuất lúa hàng hóa. Người nông dân phải thật tin (cá nhân hoặc đơn vị) mới dám mua lúa giống về gieo trồng.

Chuyện bán - mua lúa giống và niềm tin đặt vào đó đang là câu chuyện dài của những người nông dân.
Tin quá nên khổ
Nhiều hộ nông dân xã Tuyên Bình Tây (huyện Vĩnh Hưng, Long An) đang khốn khổ vì những thửa ruộng lúa đông xuân của họ trổ không đồng loạt. Cùng trên một đám ruộng, nhưng một nửa trổ trước, một nửa trổ sau đó cả tuần. Mà lúa trổ không đều vừa làm giảm năng suất, vừa khó khăn trong thu hoạch. Lúa trổ trước chín tới thì số trổ sau hãy còn xanh, còn đợi đến lúa trổ sau chín thì số lúa trổ trước đã chín rục, đụng tới là rụng.
Nông dân Nguyễn Văn Nhuần (ấp Đầu Sấu, xã Tuyên Bình Tây) gieo sạ giống lúa xác nhận OM-4218 trên 3ha ruộng. Số lúa giống này ông Nhuần mua của một đại lý ở chợ Trường Xuân (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) với giá 12.000đ/kg. Đến giai đoạn trổ bông, ban đầu chỉ có khoảng một nửa trổ bông, hơn một tuần sau số còn lại mới trổ tiếp.
Nhiều hộ nông dân khác cũng chịu chung số phận. Ông Nhuần và nhiều bà con đã báo cáo lên ngành chức năng địa phương và yêu cầu đại lý cung cấp lúa giống mời nhà sản xuất lúa giống tới hiện trường để lập biên bản và ghi nhận thiệt hại để giải quyết bồi thường. Thế nhưng, mời nhà sản xuất lúa giống tới giải quyết hậu quả không dễ. Vì vậy nên câu chuyện lúa ra bông không đồng loạt gây thiệt hại cho nông dân đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Những người dân này cho biết, trước đây họ từng mua lúa giống ở đại lý nói trên và chưa từng xảy ra sự cố tương tự, nên họ rất tin tưởng. Vì vậy mà không có giấy tờ ràng buộc trách nhiệm giữa người bán, người mua và nhà sản xuất giống, chủ yếu là dựa vào chữ tín.
Thay đổi tập quán
Dù người xưa quan niệm, trong sản xuất nông nghiệp “giống” thuộc hàng thứ yếu so với nước, phân (nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống), nhưng ông bà ta cũng dành nhiều công sức chọn lựa lúa giống cho mùa sau. Ngày nay, lúa giống càng trở nên thiết yếu trong nền sản xuất lúa hàng hóa, đòi hỏi chất lượng cao. Xu thế sử dụng giống nguyên chủng, giống xác nhận ngày càng phổ biến. Ngành nông nghiệp các địa phương đều đầu tư xây dựng khu nhân giống tập trung để sản xuất lúa giống xác nhận cung cấp cho nông dân.
Tại huyện Thạnh Hóa - một huyện vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An - Phòng NNPTNT huyện đã xây dựng 2 khu nhân giống tập trung với diện tích hơn 70ha. Ngoài ra, mỗi xã còn chọn ra 10 hộ nông dân tiêu biểu, mỗi hộ 500m2, để Phòng NNPTNT hướng dẫn họ nhân giống, chủ động nguồn giống sản xuất và từng bước thay đổi tập quán sử dụng giống gia đình trước đây. Với những nỗ lực ấy, năm 2010 toàn huyện đã sản xuất được 590 tấn lúa xác nhận gồm nhiều giống: MTL 499, OM 4088, OM 4498,...
Tuy nhiên, số lúa giống đó mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu trong huyện. Theo ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT Long An, các cơ sở sản xuất lúa giống xác nhận trong tỉnh chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu cho 450.000 hécta ruộng lúa. Do đó nhiều hộ nông dân vẫn còn tiếp tục sử dụng giống gia đình. Nhiều hộ khác mua giống trôi nổi, nhiều khi không rõ nguồn gốc, hậu quả là vụ mùa bị thất bát nếu chẳng may mua phải lúa giống “trời ơi”!
Sản xuất lúa giống
Các trung tâm sản xuất lúa giống của ngành NNPTNT các địa phương được nhà nước đầu tư phương tiện, cán bộ kỹ thuật, nhờ vậy lúa giống được sản xuất ra có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, số lượng trung tâm có hạn, lúa giống được sản xuất ra hiện chẳng thấm gì so với nhu cầu thực tế. Các kênh cung cấp lúa giống quan trọng khác là các tổ hợp tác, các hộ nông dân sản xuất lúa giống theo quy trình của ngành NNPTNT.
Nông dân Hồ Văn Lê (xã Hường Thọ Phú, TP.Tân An) là người có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất lúa giống bán cho nông dân. Anh Lê cho biết, sản xuất lúa giống đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận; vì vậy mà người trồng phải bỏ nhiều công sức hơn so với trồng lúa thương phẩm. Không ít nông dân phải rơi vào cảnh nợ nần vì sản xuất lúa giống không thành công. 7 hộ dân ở xã Hòa Phú (huyện Châu Thành, Long An) đã định đi tiên phong sản xuất giống nếp xác nhận cho vùng chuyên canh lúa nếp ở huyện Châu Thành.
Thế nhưng, do chưa làm chủ được kỹ thuật, nên sau một mùa đổ nhiều tiền bạc và công sức, nếp giống được sản xuất ra không đạt yêu cầu, chẳng khác gì lúa nếp thường, nên không được bán làm giống; phải đưa ra bán như lúa hàng hóa.
Ông Lê Minh Đức cho biết, tới đây Bộ NNPTNT sẽ có nhiều hỗ trợ các địa phương trồng nhiều lúa nước; trong đó có hỗ trợ kinh phí để mở rộng sản xuất giống xác nhận cho địa phương, giúp địa phương chủ động lúa giống, giúp nhà nông có nguồn lúa giống đạt chuẩn. Khi ấy người nông dân sẽ không còn phải đi xa tìm mua lúa giống chất lượng và cũng không phải phiền toái giải quyết hậu quả khi xui rủi mua nhầm lúa giống kém phẩm chất!
AGROINFO – Theo Báo Lao động

Nguồn:http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Mua-ban-lua-giong/36516

NỘI DUNG KHÁC

Khoảng trống thị trường cà phê trong nước

18-3-2011

Thế giới biết tới Việt Nam như nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil. Trong xu hướng cà phê nhân lên giá trong vài năm trở lại, các doanh nghiệp mải mê với xuất khẩu mà để quên thị trường nội địa sau lưng.

Xuất khẩu tôm sẽ tăng mạnh trong năm 2011

16-3-2011

Năm 2010 khép lại với những thành công đáng ghi nhận trong lĩnh vực xuất khẩu tôm. Bước sang năm 2011, xuất khẩu tôm của Việt Nam đang báo hiệu những bứt phá mới.

Xuất khẩu gạo có thể gặp khó

15-3-2011

Mặc dù xuất khẩu (XK) gạo của VN trong 2 tháng đầu năm khá thuận lợi cả về lượng và giá, song Bộ Công Thương vẫn dự báo, XK gạo của ta thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn.

Giải bài toán giá nông sản: Làm sao cho nông dân có lợi?

14-3-2011

Hiện giá nhiều loại nông sản ở mức cao nhưng làm thế nào để nông dân được hưởng lợi vẫn là câu hỏi khó. Bởi trên thực tế, việc sản xuất manh mún, giá vật tư đầu vào tăng cao đang khiến lợi nhuận của bà con bị thu hẹp.

Giá lúa gạo chỉ giảm trong ngắn hạn?

14-3-2011

Từ đầu tháng 3 đến nay, khi các tỉnh ĐBSCL bước vào đợt cao điểm thu hoạch vụ đông xuân, bà con nông dân cần bán nhiều thì giá lúa gạo lại quay đầu giảm khá mạnh. So với đầu tuần trước (ngày 7.3), giá lúa thường giảm khoảng 8%, tương đương 400-500 đồng/kg (hiện giá còn 5.300 - 5.400 đồng/kg); lúa hạt dài giảm mạnh hơn với khoảng 11%, từ trên 6.200 đồng xuống còn 5.500 đồng/kg.

Nên sớm lập quỹ bảo vệ người trồng café

14-3-2011

Chiếm khoảng 2% GDP, ngành café đã có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, là nguồn sống chủ yếu của hơn 2 triệu lao động, nhưng từ khâu sản xuất đến khâu xuất khẩu, café luôn tiềm ẩn những bất ổn.

Giá lương thực thế giới tăng: Việt Nam làm gì?

14-3-2011

Đây là thời điểm thuận lợi cho những nhà làm chính sách của Việt Nam hướng tới mục tiêu xa hơn. Hội thảo “Tác động của việc tăng giá lương thực đến nền kinh tế và đời sống nông dân Việt Nam” vừa diễn ra do Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức.

Cá tra giống thiếu về lượng - bất ổn về chất

10-3-2011

Việc kiểm soát chất lượng con giống còn thả nổi trong khi thị trường cá tra giống đang “nóng” và con giống có dấu hiệu suy thoái.

Vào mùa thu hoạch nhưng giá lúa gạo rục rịch tăng

8-3-2011

Ngay sau khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) triển khai kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, Công ty Lương thực Tiền Giang đã tiến hành thu mua 25 ngàn tấn gạo theo chỉ tiêu phân bố của VFA. Theo đó, giá lúa gạo trên thị trường Tiền Giang đã “nhích” lên so với tháng trước.

Xuất khẩu nông sản 2011: Những việc phải thay đổi

7-3-2011

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 2010 đạt 71,6 tỷ USD Mỹ, tăng 25,5% so với năm 2009 và 17% so với kế hoạch (60 tỷ USD Mỹ), gấp 3 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Trong 2 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 12,3 tỷ USD Mỹ, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước, gấp 4 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%).

Lúa đông xuân trúng mùa, trúng giá: Nông dân phấn khởi !

7-3-2011

Hiện nay, nông dân ở TP Cần Thơ bước vào thu hoạch lúa đông xuân 2010-2011. Năm nay, thời tiết thuận lợi ít sâu bệnh, nông dân tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hầu hết các diện tích lúa đông xuân trúng mùa. Niềm vui của người nông dân được nhân đôi khi giá lúa đang ở mức cao và dễ tiêu thụ...

Nhiều giải pháp nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi ở Cà Mau

7-3-2011

Từ đầu năm 2011 đến nay, tỉnh Cà Mau đã đề xuất, ban hành nhiều giải pháp nhằm phát triển, nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi, trong đó đặc biệt chú ý đến mô hình nuôi tôm công nghiệp.