TIN TỨC-SỰ KIỆN

Số phận của nông nghiệp có phải là "đáng chết"?

Ngày đăng: 19 | 01 | 2009

Năm 2008, nếu nông nghiệp mất mùa, thì dẫu chúng ta có thực hiện nhóm 8 giải pháp của Chính phủ tốt đến bao nhiêu, chỉ số giá cả cũng không thể giảm như thế được. Nông dân đã cứu đất nước 1 lần nữa, nhưng bản thân nông dân thì "bị thương nặng".

Phải nhìn nhận nông thôn là vấn đề chính trị

TS. Đặng Kim Sơn

Trong đại hội XVI năm 2002, Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu lý luận "hai xu hướng".

"Trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, nông nghiệp hỗ trợ công nghiệp, tích lũy cho công nghiệp là xu hướng có tính phổ biến. Sau khi công nghiệp hóa đạt trình độ nhất định, công nghiệp trở lại nuôi sống nông nghiệp, thành thị hỗ trợ nông thôn, thực hiện phát triển nhịp nhàng giữa công nghiệp và nông nghiệp, thành thị và nông thôn, cũng là xu hướng có tính phổ biến."

Cũng trong năm đó, Bí thư đảng ủy xã Lý Xương Bình viết thư lên Thủ tướng Chu Dung Cơ: "Nông thôn thật nghèo, nông dân thật khổ, nông nghiệp đang gặp nguy hiểm".

Đến năm 2004, Trung Quốc bắt đầu đặt lại vấn đề: câu chuyện đi theo 2 bước có ổn không? Từ đó, vấn đề nền kinh tế hài hòa được đưa lên.

Câu trả lời rõ ràng ở hầu hết các nước đang công nghiệp hóa: đẩy công nghiệp và đô thị đi trước, chênh lệch thu nhập, đẩy đô thị phình ra, cả vấn đề đô thị và nông thôn đều rất khó giải quyết.

"Người nông dân luôn phải lao đao về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khi thì đào ao nuôi cá, lúc thì bỏ ruộng trồng bắp, nhưng hầu như không mang lại hiệu quả...Do hầu hết chi phí sản xuất đều phải vay nợ nên nông dân không thể trữ lúa chờ giá tăng, tâm trạng chúng tôi hiện giờ như đứa trẻ đứng trước mâm cỗ mà không được ăn".

Trích thư nông dân Lê Văn Lam gửi thư cho Thủ tướng, tháng 5/2008

Nông dân nghèo bị lôi kéo vào các cuộc chiến về tôn giáo, sắc tộc. Chính sách công nghiệp - nông nghiệp chênh lệch, tạo ra giai đoạn đầu phát triển nhanh, sau đó đến mức 3 - 4 ngàn USD thì chững lại, nảy sinh bất ổn chính trị.

Đây là một quy luật không thể tránh khỏi, dẫn đến kinh tế khủng hoảng ở châu Mỹ La tinh, Đông Nam Á, Nam á... bạo lực, sắc tộc, phá hoại môi trường, bất ổn chính trị.

Điều đó cho thấy, câu chuyện về nông nghiệp và nông thôn không chỉ là vấn đề kinh tế, nó đã là vấn đề chính trị

Vòng luẩn quẩn nông thôn - thành thị

Ở Việt nam, hiện nay có 3 kiểu nhận thức chính về nông nghiệp: (1) Nông nghiệp là lĩnh vực lạc hậu, muốn kinh tế phát triển phải tăng công nghiệp, sau này thị trường sẽ giải quyết mọi vấn đề cho nông nghiệp, nông thôn. (2) Nông nghiệp là mầm mống bất ổn, tranh chấp ruộng đất, dân tộc ít người, nhà nước phải thắt chặt quản lý nông dân, nông thôn và tài nguyên (3) Nông nghiệp nông dân là thiệt thòi, cần phải trợ cấp nhân đạo hơn là cần đưa nông nghiệp phát triển chủ động

Quan điểm thứ 1 đã bộc lộ rõ sai lầm khi nhiều lần liên tiếp nông nghiệp cứu cả nền kinh tế, làm chỗ dựa cho công nghiệp và dịch vụ phát triển.

Quan điểm thứ 2 đổ lên chính quyền địa phương trách nhiệm quá nặng nề, dẫn đến quá tải - tăng biến chế - phình to bộ máy hành chính.

Quan điểm thứ 3 tạo nên những phản ứng tiêu cực trong nông dân, làm nên cái gọi là "Bệnh Sóc Sơn" (một vùng nghèo thuộc Hà Nội). Khi đó, những người ở vùng nghèo, quen được trợ cấp lớn, dân chỉ ngồi đợi dự án, có tiền thì tiêu phí. Thậm chí, có nghịch cảnh gia đình có tivi, xe máy đầy đủ nhưng... không có giường, vì không có tổ chức nào... cho giường.

Chi tiêu công cho nông nghiệp ở VN thấp thê thảm. Năm 2006, thu nhập trung bình 506 ngàn/người/tháng, mức tích lũy 5tr/hộ gia đình/năm.

Năng suất lao động thấp, dù tốc độ tăng trưởng cao gần nhất thế giới - tức chỉ huy động sức người, đất đai, chứ không phải dựa vào khoa học công nghệ.

Người nông dân cùng lúc đối mặt với nguy cơ mất đất, mất nước, vật tư phân bón tăng theo giá dầu thế giới, chính sách đất đai bất cập, nông lâm trường kém hiệu quả (hơn 4tr ha, trong khi toàn dân chỉ có hơn 9tr ha), đầu tư thấp, giá đầu vào tăng liên tục.

Nông dân khó khăn dẫn đến di cư tự phát, tham gia vào thị trường lao động không hoàn thiện, việc làm chính thức bất công, việc không chính thức rủi ro. Các thành phố lớn nơi có đông người đổ vè lại xảy ra tắc nghẽn giao thông, lụt lội - đầu tư công lại đổ vào để giải quyết - kéo đến đầu tư chênh lệch giữa 2 khu vực thành thị và nông thôn.

Trong khi đó, ở nhiều vùng nông thôn, đất đai bỏ hoang hóa. Ở lại chỉ là cộng đồng nông thôn yếu ớt - gánh nặng cho chính quyền địa phương - tăng biên chế - phình to bộ máy hành chính.

Ở vùng nông thôn thiếu điện, thiếu nước, giao thông kém, không thể lôi kéo doanh nghiệp về đầu tư.

Vòng luẩn quẩn này khiến cho vấn đề nông thôn trở nên rối ren hơn bao giờ hết, và xảy ra ở khắp nơi như Ấn Độ, Nam Mỹ, Philippines, Thái Lan...

Chi tiêu công cho nông nghiệp ở VN thấp thê thảm

Ảnh: Theo site của Nguyễn Nam Sơn

Nông thôn giàu có sẽ mua nhiều hàng hóa của công nghiệp sản xuất ra, đồng thời sẽ cung cấp được đầy đủ lương thực nguyên liệu cho công nghiệp và thành thị, như thế nông thôn giàu có sẽ giúp công nghiệp phát triển. Công nghiệp phát triển lại thúc đẩy nông nghiệp mạnh hơn nữa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Số phận của nông nghiệp có phải là "đáng chết"?

Câu hỏi đặt ra là, vậy nền nông nghiệp nước ta có sức mạnh thật sự không? Số phận của nó có phải là "đáng chết" không? Liệu rằng nó có phải như cách kết luận của 3 loại quan điểm nói trên hay không? Câu trả lời nằm trong thực tế.

Suốt 22 năm sau đổi mới, nền kinh tế nước ta đã 3 lần gần rơi vào khủng hoảng. Lần thứ nhất vào cuối năm 1988, chính sách khoán 10 đã khiến cho nông nghiệp đứng thẳng dậy, phát triển như vũ bão, làm chỗ dựa cho cả công nghiệp, dịch vụ vượt qua khó khăn.

Lần thứ 2 là cuối những năm 1990, khu vực Đông Nam Á khủng hoảng, cả công nghiệp và dịch vụ đều suy thoái, nhưng nông nghiệp nước ta vẫn tăng trưởng rất tốt, những người bị dội lại" từ công nghiệp lại về với nông nghiệp để kiếm sống.

Lần thứ 3 là năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu, cả công nghiệp và dịch vụ lại suy giảm mạnh, nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng cứu nền kinh tế.

Giả sử, nếu năm 2008, nông nghiệp mất mùa, thì dẫu chúng ta có thực hiện nhóm 8 giải pháp của Chính phủ tốt đến bao nhiêu, chỉ số giá cả cũng không thể giảm như thế được. Đó là công lớn của ngành nông nghiệp. Lần này, nông dân cứu đã cho đất nước 1 lần nữa, nhưng bản thân nông dân thì "bị thương nặng".

Nếu cứ thế này, trong những cuộc khủng hoảng tới, lấy gì đỡ đòn cho nông dân?

Dễ thấy là hầu hết các chỉ tiêu xếp hạng của chúng ta đều là ở mức thấp nhất thế giới, nhưng ta lại thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất thế giới. Bởi vì nền nông nghiệp phát triển, kinh tế nông thôn ổn định đã cung cấp đủ lương thực thực phẩm toàn dân tạo giá nhân công rẻ, công tác xóa đói giảm nghèo tốt, tài nguyên môi trường thuận lợi dễ dàng và quản lý lỏng lẻo (lấy đất đi, đổ ô nhiễm về).

Các ngành sản xuất của ta luôn nhập siêu, chỉ riêng ngành nông nghiệp luôn xuất siêu, dù rất khó khăn. Đồng thời, chính nông nghiệp đã nhiều lần cứu kinh tế, giúp ổn định chính trị. Nông nghiệp là giá đỡ, là động lực cho sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.

Nếu cứ thế này, trong những cuộc khủng hoảng tới, lấy gì đỡ đòn cho nông dân?

Ảnh: Theo site của Nguyễn Nam Sơn

Bài học nhãn tiền về các nền kinh tế chuyển sang công nghiệp hóa thành công đã đầu tư cho nông thôn và nông nghiệp mạnh, trao quyền cho nông dân. Đặc biệt, không thể chấp nhận phương án hi sinh nông nghiệp lúc lúc đầu để phát triển các ngành khác, vì sự hi sinh lúc đầu đó mang lại những hậu quả nặng nề, không thể cứu vãn được về sau.

Cần phải gắn kết nông thôn và đô thị, nông nghiệp với thị trường; Đổi mới chính sách đất đai, mở rộng giới hạn thời gian và không gian; Phát triển tiếp thị; Phát triển khoa học kĩ thuật; Thực hiện dạy nghề, tổ chức lao động hiệu quả, chuyên môn hóa, chính thức hóa lao động.

  • Đặng Kim Sơn (Trình bày tại hội thảo Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam - Vai trò, vấn đề, giải pháp, Viện IDS ngày 09/01/2009)

Nguyên Phó Thủ tướng

Nguyễn Công Tạn

Nông thôn hiện nay không như mình thường nói và viết trên truyền hình, báo chí.

Sự thực là công nghiệp đang bắt nạt nông nghiệp. Doanh nghiệp đang bắt nạt nông dân. Doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân đang ép giá nông dân đủ điều, và bắt đầu xuất hiện những kẻ mạnh chi phối chính sách.

Khi xảy ra vụ sân golf Hòa Bình, đất bị chiếm hết làm sân golf, lấy cả đường, khiến nông dân không có đường mà đi.

Chúng ta đấu tranh để tránh những vết xe đổ của các nước về vấn đề nông nghiệp và nông thôn, nhưng không tránh được. Đó là một nỗi đau.

Tại sao các nước giàu cứ cổ vũ cho nước nghèo giữ đất đai, sản xuất nhiều lúa gạo, nhưng lại bảo hộ chặt chẽ nông nghiệp của nước mình, bắt nông dân các nước nghèo bán lương thực giá rẻ? Tại sao ta cứ đấu tranh giữ đất lúa, sản xuất ra nhiều lương thực để xuất khẩu cho các nước giàu với giá rẻ?

Do vậy, chúng ta phải đấu tranh trên lĩnh vực thế giới nữa. Trong nước, nông dân bị doanh nghiệp bắt nạt, ra ngoài nước thì bị các nước giàu chèn ép.

Nông dân phải mạnh lên, tự họ chi phối chính sách, tự họ chi phối kinh tế. Tất cả các hệ thống biện pháp phải nhắm vào làm cho nông dân tự mạnh lên, phải đưa giáo dục đến với họ, cho họ được học đến nơi đến chốn. Nông dân mạnh lên sẽ tự đòi được tiếng nói cho mình.

Nguyên Bộ trưởng

Bộ NN và PTNT Lê Huy Ngọ

Muốn vực nông nghiệp lên, không chờ đến khi ta có mức bình quân thu nhập đầu người đến 3000 USD, mà phải làm ngay. Phải quyết định ngay trong tháng 3 tới. Nếu lần này làm trượt, bao nhiêu điều hoa mỹ trên giấy cũng thế thôi. Nông thôn đang kiệt quệ lắm. Nông dân ta phải lao động cực khổ quá.

Hãy đến Lục Ngạn (Bắc Giang) mùa vải chính mà xem. 20 tr tấn vải cần thu mua, mà con đường vào chỉ rộng có 2,5 m. Xe tải chờ từ 3h sáng tới 3h chiều mới vào được đến nơi mà bốc hàng. Đó mà là nông thôn mới sao?

Nếu nông dân được vay vốn ngân hàng, được tiếp cận kĩ thuật, tôi đảm bảo họ không thua kém nông dân của bất kì nước nào.

Nông dân Việt Nam ư? Yêu nước thì không ai bằng họ rồi, chịu thương chịu khó cũng không ai bằng họ rồi. Vậy mà đường lối không đúng thì ông học đến tiến sĩ cũng thua. Nếu cứ giữ quy mô sản xuất chỉ có 3 ngàn ha thì đến mười tiến sĩ... cũng thua.

Nhà nước phải có chính sách đầu tư để họ làm, giải phóng đất đai để có đủ quy mô, phải để nông dân quyết định việc trọng đại trong cộng đồng của họ. Cùng với hệ thống chính trị, phải xây dựng bảo vệ cho bằng được lối tự quản cộng đồng ở nông thôn.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Cần phải tạo ra khuyếnh khích gì để cho người nông dân muốn làm nông nghiệp? - Phải là khuyến khích vật chất.

Ở ta hiện nay, cái gì cộng đồng làm thì rất ít thất thoát, còn cái gì để nhà nước làm, thì đảm bảo là chất lượng kém. Ngay cả đối với vấn đề giáo dục, y tế, cũng phải giao như thế.

Phải tìm cách tổ chức bà con lại, nhưng không theo mô hình nào cả, mà mỗi nơi tùy người dân làm ra mô hình hay nhất cho họ, rồi để tự nông dân học tập lẫn nhau. Xin các vị học giả đừng áp vào cho nông dân một "mô hình tự nghĩ" nào cả.

Phải sửa đổi hạn điền, phải dồn điền đổi thửa để nông dân sản xuất lớn. Nhà nước chuyển vốn về cho nông dân, cho nông dân vay vốn, cho họ tự quản với nhau về chuyện vay mượn.

Nguồn: www.tuanvietnam.net

NỘI DUNG KHÁC

Gặp gỡ cán bộ hưu trí nhân dịp tết Kỷ Sửu

16-1-2009

Giữ vững đạo lý uống nước nhớ nguồn, sáng ngày 16/01/2009, Viện Chính sách & Chiến lược Phát triển NNNT tổ chức gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp tết Kỷ Sửu.

Không để người dân phải đổ sữa

14-1-2009

Đây là khẳng định của lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại cuộc họp bàn giải pháp thu mua sữa tươi còn tồn đọng trong các hộ chăn nuôi

Củng cố lại “liên kết 4 nhà”

12-1-2009

Thắt chặt quan hệ tương hỗ giữa Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông là một giải pháp quan trọng giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo, vươn lên. Đó là đề xuất của TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL

Điểm lại - Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam

7-1-2009

Kết thúc một năm cũ và bắt đầu một năm mới là thời gian để “Điểm lại”. Báo cáo do nhóm soạn thảo của Ngân hàng Thế giới đã “Điểm lại” những câu chuyện nổi bật của Kinh tế Việt Nam trong năm 2008.

Mục tiêu của ngành nông nghiệp năm 2009: Xuất khẩu 4 triệu tấn lương thực

7-1-2009

Có thể nói, 2008 là năm “sóng gió” của ngành nông nghiệp Việt Nam. Sản lượng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm; tiêu thụ gạo, cá tra, ba sa... khó khăn; nông dân bị bủa vây bởi chi phí đầu vào cao... Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2009, ngành tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Việt Nam đối phó thành công khủng hoảng kinh tế trong nước

5-1-2009

Hãng thông tấn Đức DPA vừa có bài tổng kết tình hình kinh tế Việt Nam năm 2008, nêu bật thành công của Việt Nam trong việc hóa giải nguy cơ khủng hoảng tài chính đến từ nạn lạm phát phi mã, nhưng đồng thời cũng cảnh báo những tác động không thể tránh khỏi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Chúng tôi xin trích dịch giới thiệu cùng bạn đọc.

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng

2-1-2009

2009 sẽ là một năm có nhiều thách thức trong tiến trình phát triển, nhưng với sự đoàn kết và chung sức, Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát đi thông điệp này trong những ngày đầu năm mới.

Nông nghiệp bàn kế hoạch năm tới

31-12-2008

Ngành nông nghiệp cần khắc phục những yếu kém trong công tác dự báo và thống kê.

Bảo vệ đất canh tác và tăng cường xây dựng thuỷ lợi

29-12-2008

Khống chế xây dựng phi nông nghiệp chiếm dụng đất canh tác, bảo đảm tổng lượng đồng ruộng cơ bản không bị giảm, chất lượng không giảm, mục đích sử dụng không thay đổi, và chắc chắn đến từng thửa ruộng từng hộ nông dân. Tập trung trọng điểm xây dựng công trình dẫn nước tháo nước ngoài ruộng, khu vực tưới nước mô hình nhỏ, công trình khu vực không tưới nước chống khô cạn nguồn nước.

13,5 triệu người đang sống nghèo khổ

25-12-2008

Hơn một năm trước có nhóm chuyên gia nước ngoài đến thăm một gia đình ở huyện Kong Chro, huyện nghèo nhất của tỉnh Gia Lai. Họ rất ngạc nhiên khi phát hiện gia đình tám người này chỉ sống dựa vào 2 hecta đất trồng ngô, sắn và vài con gà mà không có phương tiện kiếm sống nào khác. Như vậy, gia đình người nông dân này khó mà đảm bảo được nhu cầu tối thiểu là ăn uống, chứ đừng nói đến những nhu cầu khác.

Bản tin Thị trường và Thương mại Lúa gạo Việt Nam (tuần 15/12 - 21/12)

23-12-2008

ĐBSCL giá gạo tăng, đặc biệt là giống gạo thơm. Giá lúa gạo ở ĐBSCL hiện tại tăng bình quân khoảng 400 đồng/kg so với đầu tháng 12 do ảnh hưởng từ chính sách thu mua 1 triệu tấn lúa (tương đương 500.000 tấn gạo) của Chính phủ. Cuối tuần trước, giá lúa trung bình ở mức 3.200 đồng/kg. Tại Kiên Giang, gạo tẻ thường tăng 200 đồng/kg từ 5000đồng/kg lên 5200 đồng/kg. Tại Cần Thơ giá gạo tăng 300 đồng/kg từ 7700 đồng/kg lên 8000đồng/kg. Một số loại gạo thơm OM 3536, OMCS 2000,... tăng 500 đồng/kg lên mức 9.300 đồng/kg.

Người dân nông thôn miền núi trong bối cảnh biến động kinh tế vĩ mô 2008

18-12-2008

Hiện nay, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã và đang tác động mạnh mẽ đến tình hình sản xuất và thị trường nông sản Việt Nam: những tháng đầu năm giá lương thực tăng nhanh đột biến, nhưng đến nay giá lương thực và các nông sản chính đều biến động theo chiều hướng gây bất lợi cho người sản xuất. Người nghèo, đặc biệt là người dân miền núi, tiếp tục đối mặt với các cú sốc và rủi ro.