Tăng trưởng "đồng hành" với mâu thuẫn
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám đánh giá, 2008 là năm ngành nông nghiệp nước ta được mùa, giá trị tăng thêm của nông, lâm, thuỷ sản đạt 3,79%, trong khi năm 2007 là 3,4%. Sản lượng nông sản tăng 5,62% so với năm 2007, trong đó sản lượng lúa vượt kế hoạch 5 năm; đã có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm gạo, càphê, điều, cao su, thuỷ sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ...
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến nay cả nước đã ký hợp đồng xuất khẩu được 5,1 triệu tấn gạo. Mặc dù sản lượng xuất khẩu tương đương năm ngoái nhưng kim ngạch đã tăng hơn 1,7 tỷ USD và vượt 1 tỷ USD so với dự báo hồi đầu năm.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2008 sản xuất cá tra tăng 70% về sản lượng, 50% về giá trị xuất khẩu. Với tổng diện tích 6.000ha, cá tra đã mang về 1,4 tỷ USD, trong khi tôm nuôi có diện tích 600.000ha nhưng chỉ làm ra 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, đi kèm với tăng trưởng là bài toán về cung -cầu thị trường, ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết triệt để. Ông Dũng cho rằng: “Năm 2008, con cá tra đã phải trả giá cho sự phát triển quá ồ ạt. Nguyên nhân là do công tác dự báo thị trường và điều hành của chúng ta chưa tốt”. Dự kiến, phải hết quý I/2009, tình hình tiêu thụ cá tra mới ổn định trở lại.
Trong khi đó, mặt hàng cao su đang có xu hướng chững lại, đặc biệt, giá xuất khẩu đã giảm rất thấp so với hồi tháng 8/2008. Tiêu, điều, càphê cũng trong tình trạng tương tự. Giải thích về tình trạng này, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra 3 nguyên nhân chính: sức cạnh tranh của nông sản nước ta thấp; hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, nông dân còn lỏng lẻo và hời hợt. Chính vì thế, mục tiêu tăng xuất khẩu lên 13% trong năm 2009, giá trị kim ngạch 72 tỷ USD, sẽ gặp nhiều khó khăn. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2009 chỉ đạt 12,5 tỷ USD, giảm 3,7 tỷ so với năm 2008.
Rõ ràng, dù sản xuất nông nghiệp đạt được thành tích cao hơn năm 2007 nhưng tình hình thực tế đã bộc lộ những hạn chế lớn. Theo ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, trong nông nghiệp đầu tư vẫn rất thấp, sản xuất manh mún; chưa có quy hoạch, phân vùng rõ ràng. Nếu không hạn chế được những điểm yếu này, ngành nông nghiệp sẽ khó đạt mục tiêu đề ra của năm 2009.
Làm thế nào để chủ động trước biến cố?
Một trong những vấn đề nóng được nhiều người quan tâm là tình hình tiêu thụ lúa gạo và các sản phẩm thuỷ sản cho nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Phong cảnh báo: “Xuất khẩu lúa gạo năm 2009 sẽ khó khăn bởi tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, lượng lúa gạo tồn kho của các nước khá lớn. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, khoảng 6 tháng cuối năm 2009, bức tranh xuất khẩu nông sản sẽ sáng sủa hơn. Điều quan trọng là chúng ta phải nhạy bén, linh động để nắm bắt đúng các dấu hiệu của thị trường, từ đó đưa ra quyết định đúng. Tránh lặp lại bài học xuất khẩu gạo vừa qua”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ lớn của năm 2009 là phải lo đầu ra cho các sản phẩm nông sản, tìm mọi cách vượt qua khó khăn về thị trường tiêu thụ, đặc biệt là đối với các sản phẩm như lúa gạo, cá tra, ba sa. “Chúng ta phải điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất theo thị trường chứ không phải có gì làm nấy. Trong đó, có thể tăng mạnh diện tích ngô, đậu tương vì nhu cầu trong nước rất lớn. Đối với chăn nuôi, tập trung phát triển gia cầm và gia súc lớn. Tập trung cao độ để làm vụ đông xuân thắng lợi. Đối với vụ hè thu và thu đông (vụ 3) cần cân nhắc tại Đồng bằng sông Cửu Long. Với công tác dự báo, điều đầu tiên là phải thống kê đúng, sát thực tế, tập trung tìm kiếm thị trường”, ông Phát đưa ra giải pháp.
Lường trước những khó khăn về sản xuất và tiêu thụ nông sản trong năm 2009, đặc biệt là mặt hàng lúa gạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Điều quan trọng là làm sao để nông dân không bị lỗ. Ngành nông nghiệp phải khẩn trương thu mua lúa gạo cho bà con, đảm bảo nông dân có lãi 30%, chấm dứt tình trạng doanh nghiệp ép giá, còn nông dân phải vội vàng bán lúa non”.
“Năm 2009, phải đạt chỉ tiêu xuất khẩu 4 triệu tấn lương thực”, Thủ tướng yêu cầu. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng hệ thống kho chứa lương thực đảm bảo mỗi năm bình quân xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn lúa, 2 triệu tấn gạo. Để làm được việc đó, Thủ tướng lưu ý, cần lập quy hoạch cụ thể và giao cho từng địa phương giải phóng mặt bằng để xây dựng.
Đối với lĩnh vực thủy sản, phải phát huy lợi thế nguồn lợi và tiềm năng nuôi trồng, duy trì sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho nông dân.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Cần đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp và phát triển nông thôn, đời sống của nông dân, kiên quyết không để bà con khó khăn thêm, đặc biệt phải tăng cường hỗ trợ 61 huyện nghèo nhất. Phấn đấu vượt qua khó khăn, trở ngại để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch 5 năm. Trong tam nông, đây là vấn đề căn cơ, Bộ Nông nghiệp và PTNT phải triển khai đề án một cách hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, tăng cường thống kê, dự báo để điều hành chính xác...”.
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn