Mở đầu hội thảo TS.Jikun Huang cho rằng, Việt Nam là nước tiến hành sự nghiệp đổi mới sau công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc khoảng 10 năm nên Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để chắt lọc, hạn chế những vấn đề tồn tại mà Trung Quốc đã gặp phải nhất là việc hoạch định và xây dựng đường lối phát triển xã hội ở nông thôn. TS. Huang chia sẻ một số kinh nghiệm mà Trung Quốc đặt ra trong việc giải quyết vấn đề tam nông như khoa học công nghệ, hội nhập thị trường, chính sách đất đai và đầu tư cho nông nghiệp.
Ông Huang kết luận, nguyên nhân của những thành tựu to lớn mà nông nghiệp Trung Quốc gặt hái được đầu tiên phải nhắc đến khoa học công nghệ. Trung Quốc đã đầu tư mạnh cho các hoạt động nghiên cứu nông nghiệp, trong đó tập trung vào công nghệ truyền thống và công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng giống. Hệ quả của chính sách đầu tư này là người nông dân được hưởng lợi từ việc tăng năng suất các cây trồng chính của họ như lúa gạo, lúa mì và ngô.
Đối với vấn đề thị trường trong nông nghiệp, trước năm 1980, chính phủ Trung Quốc mua tất cả nông sản và bán tất cả nguyên liệu đầu vào sản xuất cho người dân. Đến giữa năm 1985 và đặc biệt từ đầu những năm 2000, thị trường nông sản toàn quốc của Trung Quốc dần được tự do hóa. Đối với người nông dân, yếu tố quan trọng nhất để họ có thể tham gia thị trường đó là tính chuyên môn hóa. Người nông dân được hưởng lợi do tăng giá, tìm kiếm được các thị trường mới và sự gia nhập của nhiều thương gia mới. Chính phủ dần rút lui khỏi chuỗi cung cấp, khuyến khích sự tham gia của người bán buôn nhỏ…
Chính sách đất đai của Trung Quốc cũng bắt đầu được cải thiện đáng kể. Đất vẫn thuộc về nhà nước hoặc tập thể nhưng quyền tài sản đã linh hoạt hơn, thị trường cho thuê đất trở nên sôi động và hiệu quả do được sử dụng bởi đúng những người có nhu cầu. Những đối tượng có ít lao động và nhiều đất thì cho thuê, điều này đã hạn chế được một phần tính yếu kém của sản xuất qui mô nhỏ. Trong năm 2008, Chính phủ Trung Quốc cũng đã xây dựng những sáng kiến mới về chính sách đất đai như xác định quyền sở hữu đất, chính sách cho thuê đất dài hạn, chính sách hỗ trợ và các chính sách liên quan đến đất hợp tác xã.
Bên cạnh các chính sách về khoa học công nghệ, thị trường, chính sách đất đai, Chính phủ Trung Quốc còn đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ khác ngoài lĩnh vực nông nghiệp như tăng đầu tư công cho cơ sở hạ tầng, thuế và trợ cấp…
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, TS. Hoàng Thế Anh, Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện KHXH Việt Nam) đã đánh giá những bước đột phá về tư duy ĐCS Trung Quốc về xây dựng và phát triển xã hội ở nông thôn Trung Quốc. Những kinh nghiệm giải quyết vấn đề này cho thấy Trung Quốc chú trọng giải quyết một số vấn đề quan trọng ở nông thôn như việc làm, vấn đề giáo dục ở nông thôn và vấn đề an sinh xã hội ở nông thôn.
TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện CS&CL PTNNNT trình bày bài học phát triển nông nghiệp nông thôn từ kinh nghiệm quốc tế. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hóa ở nhiều nước trên thế giới, tác giả đã liên hệ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn, như vai trò của nông nghiệp trong công nghiệp hóa; vấn đề cơ cấu sản xuất; vấn đề đất đai, lao động, môi trường … trong công nghiệp hóa đất nước. Đây cũng chính là những vấn đề mà Việt Nam đang gặp vướng mắc trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa nhằm mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nghiên cứu các nền nông nghiệp, sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, những bài học kinh nghiệm của các nước và những dự báo về nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam, tác giả đưa ra một số bài học thực tiễn cho Việt Nam như: (i) đối với nông nghiệp có quan hệ mật thiết với công nghiệp hóa, muốn công nghiệp hóa thành công nhất thiết phải phát triển nông nghiệp; giai đoạn đầu nông nghiệp tăng trưởng nhờ cải cách ruộng đất, về lâu dài để tăng trưởng ổn định phải phát triển khoa học công nghệ, giai đoạn sau phải mở rộng qui mô sản xuất và cơ giới hóa; (ii) đối với nông dân: chỉ nên để người làm ăn giỏi ở lại sản xuất nông nghiệp; nâng cao vai trò của hợp tác xã trong việc cung cấp dịch vụ và tiếp cận thị trường; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đào tạo nghề cho lao động thoát khỏi nông nghiệp; (iii) đối với nông thôn: nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ; gắn công nghiệp và đô thị, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn…