TIN TỨC-SỰ KIỆN

Miền Bắc khởi động vụ đông xuân 2008-2009

Ngày đăng: 08 | 12 | 2008

Bộ NN-PTNT vừa tổng kết SX vụ đông xuân 2007-2008 và triển khai vụ đông xuân 2008-2009 các tỉnh miền Bắc. Có thể nói vụ ĐX 2007-2008 ở miền Bắc diễn ra trong một bối cảnh khó khăn chồng chất.

Đầu vụ đợt rét đậm, rét hại kỷ lục, cuối vụ sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu bùng phát trên diện rộng (BTB và ĐBSH).

Rồi giá phân bón tháng 3, tháng 4/2008 tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ 2007; giá thuốc BVTV tăng 20 – 30%; giá công lao động thời vụ tăng từ 50 – 100 % so với vụ trước, lạm phát tăng cao, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng leo thang, tín dụng thắt chặt, vốn đầu tư hạn chế…

Tuy nhiên theo Cục phó Cục Trồng trọt Phan Huy Thông, nhờ những nỗ lực của các cấp ngành và sự bền bỉ của hàng triệu nông dân, chúng ta đã có vụ ĐX 2007-2008 thắng lợi với năng suất và sản lượng đều tăng so với nhiều vụ trước: năng suất bình quân 59,3 tạ/ha, tăng 5,4 tạ/ha (11,0%) so với ĐX 06-07. Được mùa ở tất cả các vùng, tổng sản lượng thóc: 6,7 triệu tấn, tăng so với vụ ĐX trước 550 nghìn tấn: “Bài học từ vụ ĐX 07-08 là bố trí cơ cấu các trà lúa đông xuân để đảm bảo tính bền vững: Ưu thế nổi bật của trà lúa xuân muộn. Áp dụng các biện pháp bảo vệ mạ tốt. Chuẩn bị phương án dự phòng giống ngắn ngày. Thực hiện đúng kỹ thuật làm mạ xuân muộn. Mở rộng tối đa diện tích lúa lai vụ ĐX…”.

Vụ sản xuất ĐX 08-09, chúng ta có thuận lợi là: Nguồn nước tưới vụ ĐX đỡ căng thẳng hơn các vụ trước. Các chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn tiếp tục sẽ được bổ sung, đổi mới, tạo động lực mới cho sản xuất phát triển. Giá phân bón, xăng dầu giảm so với vụ trước... Tuy nhiên cũng có rất nhiều khó khăn: Khủng hoảng tài chính tác động mạnh đến lĩnh vực nông nghiệp, giá nhiều loại nông sản xuống thấp, tiêu thụ khó khăn.

Mưa lũ gây thiệt hại nặng cho sản xuất vụ đông, nguồn thu nhập của nông dân bị mất, khả năng đầu tư hạn chế. Theo Cục Trồng trọt, SX ĐX 08- 09 với định hướng chung: Thâm canh để tăng năng suất và sản lượng, bù đắp thiệt hại vụ đông, giữ vững ANLT, đặc biệt ở các vùng bị thiên tai. Đa dạng hoá cây trồng theo nhu cầu của thị trường, đạt hiệu quả kinh tế cao, chất lượng, VSATTP. Bố trí cơ cấu giống, thời vụ lúa xuân linh hoạt để chủ động ứng phó tốt với thời tiết ấm nóng hoặc rét hại. Tiết kiệm chi phí. Cây trồng chủ lực là lúa sẽ có diện tích gieo cấy 1.120 nghìn ha, giảm 8,5 nghìn ha, năng suất bình quân 59 tạ/ha, sản lượng 6,6 triệu tấn.

Một số giải pháp Cục Trồng trọt đưa ra trong vụ ĐX là thực hiện nghiêm túc kỹ thuật làm mạ xuân; mở rộng diện tích lúa gieo thẳng, đảm bảo các điều kiện như chủ động tưới tiêu, làm đất, đảm bảo mật độ, điều tiết nước hợp lý; áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa bền vững: Triển khai chương trình nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, tưới nước tiết kiệm. Các địa phương có chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc để cơ giới hoá trong sản xuất lúa…

Tại hội nghị, nhiều địa phương cũng có những kinh nghiệm hay để thúc đẩy sản xuất vụ đông xuân như tại Ninh Bình ngoài chính sách hỗ trợ giống cho bà con, mỗi cán bộ khuyến nông chỉ đạo sản xuất còn được hỗ trợ 1 triệu đồng/vụ; tại Nam Định để thúc đẩy việc dùng giống lúa ngắn ngày, lực lượng cán bộ nông nghiệp được tổ chức tăng cường cho các huyện còn tập quán cấy giống dài ngày nhằm tập huấn, đào tạo, thay đổi nhận thức cho nông dân; tăng cường cơ giới hoá vì có như vậy mới thúc đẩy dồn điền đổi thửa được…

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh vụ đông xuân này cần đẩy mạnh việc gieo thẳng ở những vùng thích hợp, đưa quy trình chăm sóc theo hướng tiết kiệm, tăng cường thu hoạch bằng máy, đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất bằng những chính sách kích thích…

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

NỘI DUNG KHÁC

Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT - tầm nhìn 2020

4-12-2008

Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD) tổ chức hội thảo tầm nhìn 2020 nhằm cung cấp thông tin về các định hướng, mục tiêu, tầm nhìn của viện đến 2020. Hội thảo diễn ra sáng ngày 4-12-2008 tại Hà Nội ( Sofitel Plaza, 1 Thanh Niên).

Bản tin Thị trường và Thương mại Lúa gạo Việt Nam (tuần 20/11 - 26/11)

2-12-2008

Việt Nam mới ký được hợp đồng xuất khẩu 100.000 tấn gạo 5% tấm cho Malaixia với giá bán 460 USD/tấn theo phương thức giao hàng CIF và 1 hợp đồng xuất khẩu bán 60.000 tấn gạo 5% tấm sang Irắc với giá CIF 500 USD/tấn giao hàng tháng 1/2009. Đây là hai hợp đồng gạo có khối lượng và trị giá lớn nhất trong vòng 2 tháng qua.

AGROINFO công bố Báo cáo Tiêu dùng Thịt và Thực phẩm: Dự báo nhu cầu dịp tết 2009

1-12-2008

10 tháng đầu năm 2008 được đánh giá là quãng thời gian đầy khó khăn và thách thức đối với ngành chăn nuôi Việt Nam. Đợt rét đậm, rét hại đầu năm tại các tỉnh phía bắc đã khiến số lượng gia súc bị suy giảm. Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao từ 40-60%, trong khi giá bán của sản phẩm chỉ tăng ở mức 5-20% đã đẩy ngành chăn nuôi rơi vào tình trạng không có lãi. Trước tình hình đó, nhiều người chăn nuôi đã bỏ nghề, các trang trại lớn thì thu hẹp quy mô. Nhằm ổn định nguồn cung, Chính phủ đã chủ động giảm thuế nhập khẩu thịt xuống thấp hơn mức quy định theo cam kết của WTO nhằm bổ sung sự thiếu hụt nguồn cung trong nước. Bài toán về chi phí đầu vào chưa được giải quyết, ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục phải gồng mình chống đỡ áp lực giá giảm, do thịt ngoại giá rẻ được nhập về ồ ạt, bán với giá chỉ bằng 2/3 giá của sản phẩm thịt cùng loại trong nước. Khó khăn chồng chất khó khăn đã khiến cho chăn nuôi trong nước không phát triển.

Bản tin Thị trường và Thương mại thịt & thực phẩm (tuần 13/11-19/11)

28-11-2008

Trên thị trường giá một số mặt hàng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi đang ở mức thấp, giá ngô tại thị trường Chicago (Mỹ) dao động quanh 400 Uscent/bushel, giá khô đậu tương Ấn Độ tiếp tục giảm xuống còn 269-271 USD/tấn. Bên cạnh đó là giá con giống cũng giảm khoảng 10.000-20.000 đồng/kg so với hồi tháng 6 và dịch bệnh chỉ còn xuất hiện tại một số tỉnh nên các doanh nghiệp chế biến thức ăn đang tăng đầu tư, tích cực tăng đàn chuẩn bị cho nhu cầu dịp tết tăng cao.

Việt Nam: làm gì để đứng vững nếu khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài?

27-11-2008

Bài viết này đánh giá về cuộc khủng hoảng của hệ thống tín dụng toàn cầu đang xảy ra và những tác động tạm thời lên nền kinh tế Việt Nam trong 2 năm 2008 - 2009 dựa trên giả thuyết cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ được kiềm chế trong 6 - 9 tháng tới (với xác suất 80%, 20% xác suất sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng lớn hơn). Nếu cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn, sẽ phải xét lại việc đánh giá cho nền kinh tế Việt Nam năm 2009 theo hướng phân tích ảnh hưởng có phân bổ đối với toàn bộ nền kinh tế và thị trường tài chính.

Hội thảo "Các vấn đề Tam nông ở Trung Quốc và Việt Nam"

29-11-2008

Hội thảo của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam

Bản tin Thị trường và Thương mại Lúa gạo Việt Nam (tuần 17/11 - 23/11)

25-11-2008

Lúa gạo Campuchia tràn sang Việt Nam tạo thêm sức ép để nông dân ĐBSCL bán tháo lúa gạo tìm cách tự cứu mình. Điều này giúp hạ giá gạo trong nước, đưa cung cầu về mức ổn định hơn. Ngoài ra, sau đợt đại hạ giá của gạo Thái Lan trên thị trường xuất khẩu gạo, giá gạo Việt Nam tiếp tục xuống dốc trong bối cảnh chung là nhu cầu gạo thế giới giảm sút và ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tín dụng của các quốc gia, trong đó có các nước nhập khẩu gạo. Như vậy, nhờ giá rẻ, gạo Việt Nam có thể thuận lợi hơn trong xuất khẩu gạo vào tháng 11 và 12/2008, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm này.

AGROINFO công bố báo cáo “Thị trường gạo thế giới năm 2009 sau các cuộc đua tăng vụ”

24-11-2008

Những biến động của thị trường gạo thế giới trong những tháng đầu năm 2008 đã khiến cho các quốc gia có những thay đổi về chiến lược, đặc biệt là chính sách sản xuất lúa gạo. Xu hướng này sẽ làm thay đổi nguồn cung lúa gạo trong thời gian tới. Để cung cấp cho độc giả những thông tin toàn diện và cập nhật nhất những biến động trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam và thế giới hiện nay, cũng như dự báo nguồn cung trong những tháng sắp tới, Trung tâm Thông tin (AGROINFO) xin giới thiệu Báo cáo “Thị trường gạo thế giới năm 2009 sau các cuộc đua tăng vụ”.

Bản tin Thị trường và Thương mại thịt & thực phẩm (tuần 10/11-16/11)

21-11-2008

Ứng phó kịp thời với việc sức mua trên thị trường Hà Nội tăng vọt, các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ đã nhanh chóng đặt thêm hàng và mở rộng đối tượng cung cấp để tăng nguồn cung cho thị trường, giá cả các mặt hàng như thịt lợn, thịt gà theo đó cũng đang dần hạ nhiệt. Tuy nhiên, mưa lũ đã khiến chăn nuôi tại các huyện ngoại thành Hà Nội và nhiều tỉnh ở khu vực miền trung bị tổn thất nặng nề, cùng với diễn biến thời tiết bất thường liên tục xảy ra đang đẩy thị trường có nguy cơ rơi vào thiếu hụt nguồn cung thịt và thực phẩm trong dịp tết, đặc biệt là mặt hàng thịt gà.