TIN TỨC-SỰ KIỆN

Củng cố lại “liên kết 4 nhà”

Ngày đăng: 12 | 01 | 2009

Thắt chặt quan hệ tương hỗ giữa Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông là một giải pháp quan trọng giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo, vươn lên. Đó là đề xuất của TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL

Đất canh tác giảm, nông dân nghèo

Phóng viên: Thưa ông, ĐBSCL rất giàu tiềm năng phát triển kinh tế nhưng vì sao đến nay vẫn được xem là “vùng trũng” của cả nước về nhiều mặt?

-Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: ĐBSCL có ba đặc sản. Thứ nhất là lúa, thứ hai là cá tôm và thứ ba là trái cây. Cả ba đều phụ thuộc vào đất đai cả, song đất đai ở đây ngày càng bị thu hẹp dần. Nông dân miền Tây xem đất đai là máu thịt. Ốm đau cũng bán đất lấy tiền trị bệnh. Con vào đại học, cha mẹ bán đất để lo học phí. Thế nên diện tích đất “teo” lại dần. Mà khi diện tích đất giảm thì đời sống nông dân sẽ nghèo đi. Thêm nữa, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã khiến một bộ phận nông dân mất đất. Nông dân mất đất là mất hết. Có người mất vài ha, lấy tiền đền bù mua nhà lầu, xe hơi... nhưng không biết làm gì để sống, vài ba năm sau thì tái nghèo. Mà đô thị hóa, công nghiệp hóa có đào tạo nghề được cho bao nhiêu lao động ĐBSCL đâu, chưa quá 10%. Do trình độ thấp nên nông dân bỏ lên TPHCM kiếm sống, mỗi tháng kiếm được từ 1 - 1,5 triệu đồng nhưng trừ tiền ăn, tiền thuê nhà trọ... là hết, đến Tết không còn tiền về quê!

Nông dân làm lúa cũng dễ giàu, nuôi cá hay trồng cây ăn trái cũng vậy. Nhưng sao lại nghèo? Một là do sản lượng ít. Hai là vì bán không được. Hiện nay, với 1 ha ruộng lúa, nông dân chi cho nhân công, phân bón khoảng 10 triệu đồng. Nếu thu được 6 tấn/ha, giá thành 4.000 đồng/kg thì lãi được 50% - 60%, bù lại vụ hè thu chỉ được 4 tấn/ha, bán giá 3.000 đồng/kg, lãi 20% - 30%. Bây giờ không đầu tư vào việc gì mà trong 3 - 4 tháng đã lãi 30% - 40%; chỉ có lúa là lãi, lãi dữ lắm. Thế mà vẫn nghèo! Tại vì trung bình mỗi một hộ có 1 ha đất, vụ đông xuân thu 6 tấn, vụ hè thu thu 4 tấn, tổng cộng được 10 tấn. Tạm tính mức lãi đạt được là 50% đi, tương đương 5 tấn. Với giá lúa 4.000 đồng/kg thì người trồng lúa chỉ được 20 triệu đồng/năm. Mỗi gia đình có năm miệng ăn thì tính bình quân một người được 4 triệu đồng/năm từ lúa, chia cho 12 tháng thì được khoảng 350.000 đồng/người/tháng. Với mức thu nhập đó thì làm sao khá nổi! Ngày nay, mỗi hộ nông dân ĐBSCL phải có từ 3 - 5 ha đất trở lên thì mới mong khá và tính chuyện cho con ăn học; còn 1 – 2 ha thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Vấn đề cốt lõi của cái nghèo là do diện tích đất canh tác trên đầu người quá ít.

Người trồng lúa ở ĐBSCL cần có “đại diện” để thay họ đứng ra ký hợp đồng bán lúa cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Ảnh: Ngọc Trinh

Tạo cầu nối giữa nông dân và DN mua lúa

Vì sao nông phẩm của nông dân ĐBSCL thời gian qua không bán được, trong khi chúng ta đã có nghị quyết về “liên kết 4 nhà” để hỗ trợ nông dân?

- Chính vì đất ít nên khi sản xuất, nông dân không tính đến đầu ra. Bán không được thì để ăn. Cây trái hay cá tôm cũng trong tình trạng như vậy. Thế nên Nghị định 80 mới ra đời, “liên kết 4 nhà” gồm nhà nông, nhà doanh nghiệp (DN), nhà khoa học và Nhà nước. Tuy nhiên, giữa 4 “nhà” vẫn hoạt động chưa ăn khớp. Ví dụ như “nhà” trên chỉ đạo chi 1.000 tỉ đồng mua cá tra, cá ba sa nhưng “nhà” dưới vẫn không mua. Hay “nhà” trên chỉ đạo thu mua lúa hàng hóa cho nông dân nhưng “nhà” dưới chẳng chấp hành. Còn các nhà khoa học thì sẵn sàng giúp nhưng “ông” nông dân không tiếp thu hoặc tiếp thu chậm. Chẳng hạn như hôm rồi các nhà khoa học công bố một số giống lúa chất lượng thấp nhưng một số nhà nông lại bảo rằng “tui bán được thì tui làm được, kệ tui”.

Quan trọng nhất là quan hệ giữa “ông” DN và “ông” nông dân. Hiện nay hai “ông” này phối hợp với nhau rất khó. Nói là phối hợp chứ thật ra là đối đầu nhau. Như trong chuyện mua lúa, trung bình mỗi hộ nông dân sản xuất 1 ha, thu hoạch được 10 tấn/ha/năm (2 vụ). Khi muốn mua 100.000 tấn lúa thì chẳng lẽ DN lại đi ký hợp đồng trực tiếp với... 10.000 hộ. Có DN nào cử người đi ký hợp đồng với hàng ngàn hộ nông dân đâu. Từ đó, các DN mới dùng “chiêu” huy động thương lái thu mua theo kiểu hàng xáo. Thương lái mua lúa của nông dân đủ loại, trộn lẫn, đem xay ra rồi lau gạo thật bóng, xong đem bán lại cho DN. Đến khi gạo được DN xuất khẩu thì bị đối tác nước ngoài phát hiện gạo tạp nham, trả lại hoặc ép giá.

Còn các ngân hàng (đại diện cho Nhà nước) thì có nhiều tiền đấy nhưng nông dân đến vay để mua phân bón, lúa giống, thuốc trừ sâu... không phải dễ. Tóm lại, chuyện “liên kết 4 nhà” đã được triển khai từ mấy năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, cần củng cố lại chứ không thì nông dân thiệt thòi dài dài.

Lập các vùng chuyên canh quy mô lớn

Vậy đâu là giải pháp khả thi giúp nông dân thoát nghèo?

- Chúng ta phải thay đổi bằng cách thành lập vùng chuyên canh cây lúa, cá, tôm... để khắc phục các vấn đề tồn tại nói trên; tập trung quỹ đất tạo nên vùng sản xuất có diện tích lớn, có đại diện của nông dân ký kết hợp đồng sản xuất với DN để giảm bớt rủi ro cho nông dân. Quan trọng là phải nâng cao chất lượng nông phẩm để cạnh tranh xuất khẩu. Việc này vừa làm thay đổi dần tập quán sản xuất của nông dân vừa hướng tới nền sản xuất bền vững trong thời kỳ hội nhập, chứ không thể để “thuyền nhỏ ra sóng lớn” mãi được.

Nếu làm từ bây giờ thì đến năm 2020 mới “ngon”. Không làm, không thay đổi thì nông dân ĐBSCL sẽ nghèo mãi.

Lo được đầu ra, nông dân sẽ khá

Ở nước ngoài, khi thành lập công ty hay sản xuất cái gì, người ta đều tính trước chuyện bán cho ai, giá bao nhiêu? Trả lời được câu hỏi đó rồi thì mới tính lãi một năm được bao nhiêu. Nông dân ĐBSCL rất “liều mạng”. Họ không cần tính lãi - lỗ trước khi làm. Hơn nữa, nông dân mình chỉ làm theo kiểu kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm rất ít nên không quan tâm đến đầu ra. Ví dụ như trồng vườn xoài, xoài chín thì đem ra chợ bán nhưng với vườn xoài rộng, thu 5 - 7 tấn thì chẳng biết tiêu thụ ở đâu. Nuôi cá tra, cá ba sa cũng vậy. Nuôi ít, thấy người ta mua giá cao thì ùn ùn nuôi theo. Đến khi nuôi nhiều quá, không ai mua thì kêu trời vì có ai ký hợp đồng tiêu thụ đâu. Các nhà máy lợi dụng tình hình này mà tha hồ ép giá. Cái dở là trước khi gia nhập WTO, việc chuẩn bị của ta cho nông dân còn kém, do đó nông dân cứ sản xuất theo tập quán cũ.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn “Hiệp lực vượt sóng” của Báo Người Lao Động. Bài tham gia diễn đàn, vui lòng gửi về tòa soạn bằng e-mail qua địa chỉ: toasoan@nld.com.vn hoặc bằng thư qua địa chỉ: Báo Người Lao Động, 127 Võ Văn Tần, quận 3 - TPHCM.

Nguồn: Báo Người Lao Động

NỘI DUNG KHÁC

Điểm lại - Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam

7-1-2009

Kết thúc một năm cũ và bắt đầu một năm mới là thời gian để “Điểm lại”. Báo cáo do nhóm soạn thảo của Ngân hàng Thế giới đã “Điểm lại” những câu chuyện nổi bật của Kinh tế Việt Nam trong năm 2008.

Mục tiêu của ngành nông nghiệp năm 2009: Xuất khẩu 4 triệu tấn lương thực

7-1-2009

Có thể nói, 2008 là năm “sóng gió” của ngành nông nghiệp Việt Nam. Sản lượng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm; tiêu thụ gạo, cá tra, ba sa... khó khăn; nông dân bị bủa vây bởi chi phí đầu vào cao... Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2009, ngành tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Việt Nam đối phó thành công khủng hoảng kinh tế trong nước

5-1-2009

Hãng thông tấn Đức DPA vừa có bài tổng kết tình hình kinh tế Việt Nam năm 2008, nêu bật thành công của Việt Nam trong việc hóa giải nguy cơ khủng hoảng tài chính đến từ nạn lạm phát phi mã, nhưng đồng thời cũng cảnh báo những tác động không thể tránh khỏi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Chúng tôi xin trích dịch giới thiệu cùng bạn đọc.

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng

2-1-2009

2009 sẽ là một năm có nhiều thách thức trong tiến trình phát triển, nhưng với sự đoàn kết và chung sức, Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát đi thông điệp này trong những ngày đầu năm mới.

Nông nghiệp bàn kế hoạch năm tới

31-12-2008

Ngành nông nghiệp cần khắc phục những yếu kém trong công tác dự báo và thống kê.

Bảo vệ đất canh tác và tăng cường xây dựng thuỷ lợi

29-12-2008

Khống chế xây dựng phi nông nghiệp chiếm dụng đất canh tác, bảo đảm tổng lượng đồng ruộng cơ bản không bị giảm, chất lượng không giảm, mục đích sử dụng không thay đổi, và chắc chắn đến từng thửa ruộng từng hộ nông dân. Tập trung trọng điểm xây dựng công trình dẫn nước tháo nước ngoài ruộng, khu vực tưới nước mô hình nhỏ, công trình khu vực không tưới nước chống khô cạn nguồn nước.

13,5 triệu người đang sống nghèo khổ

25-12-2008

Hơn một năm trước có nhóm chuyên gia nước ngoài đến thăm một gia đình ở huyện Kong Chro, huyện nghèo nhất của tỉnh Gia Lai. Họ rất ngạc nhiên khi phát hiện gia đình tám người này chỉ sống dựa vào 2 hecta đất trồng ngô, sắn và vài con gà mà không có phương tiện kiếm sống nào khác. Như vậy, gia đình người nông dân này khó mà đảm bảo được nhu cầu tối thiểu là ăn uống, chứ đừng nói đến những nhu cầu khác.

Bản tin Thị trường và Thương mại Lúa gạo Việt Nam (tuần 15/12 - 21/12)

23-12-2008

ĐBSCL giá gạo tăng, đặc biệt là giống gạo thơm. Giá lúa gạo ở ĐBSCL hiện tại tăng bình quân khoảng 400 đồng/kg so với đầu tháng 12 do ảnh hưởng từ chính sách thu mua 1 triệu tấn lúa (tương đương 500.000 tấn gạo) của Chính phủ. Cuối tuần trước, giá lúa trung bình ở mức 3.200 đồng/kg. Tại Kiên Giang, gạo tẻ thường tăng 200 đồng/kg từ 5000đồng/kg lên 5200 đồng/kg. Tại Cần Thơ giá gạo tăng 300 đồng/kg từ 7700 đồng/kg lên 8000đồng/kg. Một số loại gạo thơm OM 3536, OMCS 2000,... tăng 500 đồng/kg lên mức 9.300 đồng/kg.

Người dân nông thôn miền núi trong bối cảnh biến động kinh tế vĩ mô 2008

18-12-2008

Hiện nay, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã và đang tác động mạnh mẽ đến tình hình sản xuất và thị trường nông sản Việt Nam: những tháng đầu năm giá lương thực tăng nhanh đột biến, nhưng đến nay giá lương thực và các nông sản chính đều biến động theo chiều hướng gây bất lợi cho người sản xuất. Người nghèo, đặc biệt là người dân miền núi, tiếp tục đối mặt với các cú sốc và rủi ro.

Bản tin Thị trường và Thương mại thịt & thực phẩm (tuần 1/12- 7/12/2008)

17-12-2008

Trong 2 tháng gần đây, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm mạnh, đẩy nhiều doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi vào thua lỗ do đã nhập hàng từ khi giá cao, trong khi tốc độ tiêu thụ chậm. Vì vậy, giá thức ăn chăn nuôi trong nước hiện vẫn cao so với thời điểm tháng 1/2008, trong khi giá heo hơi hiện xuống thấp ngang giá đầu năm, các trang trại chăn nuôi lớn và các hộ chăn nuôi đã khó càng khó hơn.

Quỹ Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách vùng cao: Sáng kiến IPSARD vì sự phát triển NNNTND miền núi

15-12-2008

Ngày 12 tháng 12 năm 2008, tại Thái Nguyên, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội thảo Quỹ Nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn nông dân miền núi phía Bắc. Hội thảo thu hút được sự tham gia của các đại biểu cơ quan làm công tác quản lý dân tộc: Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, các cán bộ nghiên cứu trong ngành của Đại học Thái Nguyên, Đại học Tây Bắc, Viện Dân tộc học, cùng đại diện các nhà quản lý ngành nông nghiệp ở Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu. TS.Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược PTNNNT chủ trì Hội thảo.

Bản tin Thị trường và Thương mại Lúa gạo Việt Nam (tuần 08/12 - 14/12)

15-12-2008

Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ổn định, gạo 5% tấm ở mức 410 USD/tấn ; gạo 25% tấm ở mức 310 USD/tấn. Hoạt động kí kết các hợp đồng xuất khẩu gạo của Việt nam trong tuần qua chững lại do cung gạo chất lượng cao của Việt Nam hạn chế và nhu cầu nhập khẩu giảm. Nhập khẩu gạo tháng 11/2008 ước đạt 250.000 tấn, kim ngạch đạt 119 triệu USD. Như vậy, tổng lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm ước đạt gần 4,3 triệu tấn với kim ngạch đạt 2,7 tỉ USD, giảm gần 4 % về lượng nhưng lại tăng hơn 88 % về giá trị so cùng kì năm 2007.