TIN TỨC-SỰ KIỆN

KHCN cần chủ động gắn với cuộc sống sôi động của đất nước

Ngày đăng: 11 | 01 | 2008

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển - người được các doanh nhân kính trọng, yêu mến không chỉ vì có những đóng góp vào sự đổi mới thể chế, môi trường kinh tế mà còn vì sự thẳng thắn, sâu sắc, khiêm tốn và cởi mở của bà. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà về chất lượng tăng trưởng kinh tế và những vấn đề đặt ra đối với KH&CN trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Ngày càng có nhiều người cho rằng GDP của chúng ta liên tục tăng nhưng chất lượng tăng trưởng ngày càng thấp. Ý kiến của bà?

Đúng là có những dấu hiệu cho thấy chất lượng tăng trưởng của chúng ta ngày càng thấp: hệ số giữa đầu tư và tốc độ tăng trưởng ngày càng tăng (nghĩa là muốn tăng 1%GDP thì phải đổ thêm nhiều tiền của hơn. Nếu năm 1995-1996 GDP đạt 9% thì hệ số này là 2,2; hiện nay GDP cũng như vậy nhưng hệ số đó là 4,4); chỉ số năng suất lao động thấp so với các nước trong khu vực; ô nhiễm, tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn bao giờ hết; chỉ số giá cả tăng quá cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư ngày càng tăng nhất là giữa nông thôn và thành thị... Trên cơ sở những kinh nghiệm của nước ngoài và thực tiễn của nước ta, chúng tôi sẽ triển khai nghiên cứu vấn đề này một cách thấu đáo hơn.

Nhưng theo bà, vì sao tại các kỳ họp Quốc hội, các hội nghị của Chính phủ hầu như chỉ thấy bàn đến các giải pháp tăng GDP, ít thấy đề cập đến biện pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng?

Đây là điều đáng tiếc ở nước ta (nếu không muốn nói là đáng buồn). Khái niệm và ý thức quan tâm đến chất lượng phát triển đã được đề cập đến trong Nghị quyết Đại hội 8. Có nghĩa là cách đây 10 năm, chúng ta đã thấy chất lượng tăng trưởng có vấn đề, đã có định hướng không chỉ theo đuổi tốc độ mà phải lo đến cải thiện chất lượng tăng trưởng. Nhưng cho đến nay, chúng ta hầu như chưa làm được điều gì theo định hướng đó. Ngay tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, không ít đại biểu còn đòi đưa tốc độ tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra (thậm chí có đại biểu muốn GDP của chúng ta đạt tới hai con số). Tuy vậy gần đây trong cuộc họp với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến các việc cần thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả, cải thiện môi trường, đời sống của nhân dân... Nhưng tôi e rằng vì bị sức ép, bị ám ảnh bới tốc độ tăng trưởng, nên trên thực tế những yếu tố liên quan đến chất lượng sẽ vẫn bị sao lãng.

Hẳn các nhà quản lý đều biết “nguy cơ” của tăng trưởng chất lượng thấp, nhưng tại sao họ chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng. Phải chăng đó cũng là biểu hiện của bệnh thành tích?

Đúng vậy. Đó là căn bệnh chung của nhiều bộ phận xã hội chứ không phải của riêng ngành giáo dục. Nó phát sinh nhiều tiêu cực, lây lan nhanh nhưng ít được quan tâm khắc phục. Ngoài ra có thể một số chuyên gia giúp việc cho Chính phủ, Quốc hội cũng chưa có được nhận thức một cách đầy đủ về tư duy phát triển. Tôi cho rằng nếu trong điều hành của Chính phủ còn có những điều chưa ổn, thì không nên chỉ trách những người đứng đầu Chính phủ mà phải thấy trách nhiệm của bộ máy giúp việc.

KHCN được coi là quốc sách hàng đầu, động lực của phát triển, nhưng tại các hội nghị về kinh tế của các cấp chỉ thấy bàn đến thể chế, chính sách. Tại nhiều Kỳ họp Quốc hội chẳng có mấy ý kiến yêu cầu chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN. Đó là ví dụ điển hình về sự thiếu quan tâm đến sự phát triển KHCN. Theo bà vì sao?

Tôi nghĩ, thứ nhất, quá trình phát triển của nước ta là từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, phải vượt qua nhiều khó khăn to lớn do mới qua khỏi chiến tranh, do cơ chế quan liêu bao cấp... Vì vậy bước vào đổi mới mọi người cần phải lo nhiều đến hoàn thiện thể chế thì kinh tế mới có thể vượt qua khủng hoảng, vận hành và phát triển. Còn đối với doanh nghiệp thì mối quan tâm hàng đầu của họ là môi trường kinh doanh. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, môi trường kinh doanh vẫn còn quá nhiều bất cập, tranh tối, tranh sáng. Do vậy, đó vẫn là mối quan tâm hàng đầu cần phải tháo gỡ của lãnh đạo và doanh nghiệp. Thứ hai, bản thân trình độ phát triển của chúng ta chủ yếu còn dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... không có mấy yếu tố phát triển do tác động của KH&CN. Từ đó hoạt động KHCN bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Hiện nay, chúng ta đã gia nhập WTO, đã bước vào giai đoạn phát triển mới với những thời cơ lớn cùng không ít thách thức, khó khăn, trong đó KHCN đóng vai trò là yếu tố có tính sống còn của phát triển. Vì vậy tôi tin rằng lãnh đạo và chính quyền các cấp tới đây sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc thúc đẩy phát triển KHCN.

Như vậy phải chăng những yếu kém trong hoạt động khoa học chủ yếu là do chưa được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp?

Tôi nghĩ đó còn thuộc trách nhiệm của các nhà quản lý, các nhà khoa học. Được coi là động lực của phát triển, nhưng trong việc giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; khắc phục những sự cố về môi trường, dịch bệnh... còn mờ nhạt, chưa xứng với sự đầu tư của Nhà nước. Nếu chủ động gắn mọi hoạt động của mình vào cuộc sống sôi động của đất nước, đề ra các chương trình nghiên cứu có hiệu quả thiết thực chứ không phải nghiên cứu chỉ để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của bản thân, thì tôi tin là không cần nhà khoa học phải đòi hỏi, xã hội và nhà lãnh đạo cũng sẽ quan tâm đến phát triển KHCN.

Ngoài những điều bà vừa nói ở trên, nhiều nhà khoa học còn cho rằng thực trạng yếu kém trong hoạt động khoa học chủ yếu là do chậm đổi mới cơ chế. Bà có đồng tình với ý kiến này không?

Đúng là cơ chế, chính sách về KH&CN còn phải tiếp tục đổi mới nhất là cơ chế tài chính đang làm “khổ”, thậm chí buộc các nhà khoa học phải “nói dối”. Nhưng tôi cho rằng mấy năm gần đây, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành được một số Luật và nhiều Nghị định, chính sách theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm và ưu đãi cho các nhà khoa học. Trong đó Nghị định 115 được chính nhiều nhà khoa học cho là “khoán 10” trong khoa học. Nhưng việc tổ chức thực hiện Nghị định này đã diễn ra hết sức chậm chạp ở chính ngay các Trung tâm nghiên cứu lớn như: Viện KH&CN Việt Nam, Viện KHXH Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo... với lý do Nghị định còn nhiều điểm chưa hợp lý. Thực tế khi Luật Doanh nghiệp ra đời đã được các doanh nghiệp hết sức hưởng ứng và họ đã cùng các nhà quản lý tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, nên đã mang lại hiệu quả to lớn như chúng ta đã thấy. Nếu các tổ chức khoa học, các nhà khoa học cũng có tinh thần như vậy, dám từ bỏ bao cấp, dấn thân vào cuộc sống sôi động của đất nước thì tôi tin rằng Nghị định 115 sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển KHCN.

(Nguồn: Tia Sáng)

NỘI DUNG KHÁC

Nông nghiệp cần những chính sách đổi mới để thu hút vốn đầu tư nước ngoài

14-1-2008

Mặc dù đă mang lại những hiệu quả to lớn, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, song đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này đang có xu hướng chựng lại. Ngành cần thiết có một cơ chế chính sách mới, nhằm tạo môi trường ngày càng thuận lợi để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt Nam sau một năm gia nhập WTO: Nhiều phản ứng tích cực

10-1-2008

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, những lo ngại về nguy cơ mất thị phần, giảm tính cạnh tranh khi bước vào sân chơi lớn đã trở thành động lực để có những thay đổi khá tích cực.

Tự động lưu và sao lưu tập tin MS Word

10-1-2008

Bạn đang soạn thảo một văn bản quan trọng nhưng đột nhiên chiếc máy tính của bạn bị treo hoặc tắt vụt? Bạn đành đau đớn và bực tức làm lại từ đầu vì trót quên không lưu văn bản đó. Giờ đây bạn sẽ không còn phải sợ những triệu chứng thất thường của máy vi tính ảnh hưởng tới công việc của bạn nữa...

Hội thảo "Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu đến nông nghiệp Việt Nam"

10-1-2008

Bộ môn Nghiên cứu Kinh tế Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi trình bày kết quả nghiên cứu về "Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu đến nông nghiệp Việt Nam".

“Thay máu” cho nông - lâm trường quốc doanh, vẫn "bình mới rượu cũ"

9-1-2008

Việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông – lâm trường quốc doanh (NLTQD) dù đã được đặt ra từ lâu nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Đó là những yếu kém trong quản lý, sử dụng đất đai; thiếu vốn trầm trọng; chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo của các bộ ngành và địa phương. Rõ ràng việc “thay máu” cho NLT đang rất cần một chính sách mới.

Thương mại Việt -Trung tăng trưởng mạnh

9-1-2008

Kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc đã có sự tăng trưởng vượt trội trong vòng hơn 10 năm qua, từ trên 32 triệu USD năm 1991 lên 10,4 tỷ USD năm 2006. Tính đến tháng 10/2007, con số này là 12,1 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sửa Chỉ thị 03, khơi thêm vốn ngoại để kích thị trường chứng khoán

9-1-2008

Hàng loạt biện pháp như nới lỏng cho vay chứng khoán, tạo thêm thuận lợi cho luồng vốn ngoại vào thị trường, giãn tiến độ IPO các DN lớn... sẽ được UBCK Nhà nước đề xuất nhằm kích cầu, tạo bước phát triển mới cho thị trường chứng khoán.

Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT gặp mặt chia tay cán bộ nghỉ hưu

9-1-2008

AGROINFO - Sáng ngày 08/01/2008, tại Hội trường Viện Chính sách Chiến lược PTNNNT, Lãnh đạo Viện, Phòng Tổ chức Hành chính, BCH Công đoàn Viện đã tổ chức buổi gặp mặt chia tay đồng chí Ngô Thị Thảo đã hoàn thành nghĩa vụ lao động được Nhà nước cho nghỉ hưu. Đến dự buổi lễ chia tay có TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng, TS. Nguyễn Đình Long - Phó Viện trưởng cùng đông đảo các cán bộ đồng nghiệp của đồng chí Ngô Thị Thảo. Buổi gặp mặt chia tay diễn ra trong không khí lưu luyến và xúc động.

Tọa đàm về “Xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ nghiên cứu”

11-1-2008

Tạp chí Tia Sáng phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Đánh giá KH&CN tổ chức buổi Tọa đàm về “Xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ nghiên cứu”.

Phát triển Nông thôn nhìn từ Chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa

8-1-2008

Làm gì để khối doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn phát triển, từng bước trở thành trụ cột kinh tế, đưa đời sống nông dân nông thôn đi lên? Để trả lời cho câu hỏi này, vừa qua Đài truyền hình Việt Nam (VTV1), trong chương trình Nông thôn Ngày nay đã có phóng sự về nội dung đáng quan tâm này thông qua phỏng vấn đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các nhà khoa học thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn.

Nông nghiệp "trụ" được trước WTO, song không vững

8-1-2008

Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng nhận xét năm qua, nông nghiệp đã phát triển, cạnh tranh tốt khi Việt Nam gia nhập WTO. Thủ tướng yêu cầu, Bộ NN-PTNT cần tiếp tục rà soát, tính toán để biến thời cơ thuận lợi thành lực lượng sản xuất, sản phẩm và lợi thế cạnh tranh.

Thúc đẩy hàng nông sản chủ yếu phát triển ổn định

7-1-2008

Năm nay Trung Quốc sẽ hết sức thúc đẩy sản xuất hàng nông sản chủ yếu phát triển ổn định, phấn đấu để sản lượng lương thực ổn định ở trên 500 triệu tấn, thu nhập thuần bình quân đầu người nông dân tăng trên 6%.