HỘI THẢO

Vì sao có hai số liệu về chỉ số giá?

Ngày đăng: 27 | 12 | 2007

Hiện có đến hai con số về chỉ số giá tiêu dùng, lại chênh nhau khá lớn, gây khó hiểu cho người dân. Ông Nguyễn Đức Thắng, phó vụ trưởng Vụ thương mại, dịch vụ và giá cả - Tổng cục Thống kê, người thực hiện các số liệu này, cho biết:

- Chỉ số giá tiêu dùng của tháng mười hai này so với tháng mười hai năm ngoái tăng 12,63%, so với tháng trước tăng 2,91%. Như vậy sau 12 tháng, giá cả đã trượt giá 12,63%. Tổng cục Thống kê còn một con số nữa là chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2007 so với 2006 tăng 8,3%.

Nhóm cao nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tiền thuê nhà, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Lưu ý là giá bất động sản không nằm trong chỉ số giá tiêu dùng.

* Chính phủ đang dùng chỉ số giá cả bình quân cả năm thay vì chỉ số tháng mười hai như thường lệ. Nếu dùng chỉ số giá cả bình quân cả năm thì lạm phát dưới mức tăng trưởng GDP chứ không ở mức hai con số như dùng chỉ số cũ?

- Cho đến năm nay, Tổng cục Thống kê vẫn dùng chỉ số giá tiêu dùng là tháng mười hai năm nay so với tháng mười hai năm trước, và con số năm nay là giá cả tăng 12,63%. Hằng năm, Tổng cục Thống kê vẫn tính và công bố cả hai con số về chỉ số tháng mười hai và chỉ số bình quân cả năm. Nhưng các cơ quan chính phủ vẫn quen dùng con số tháng mười hai chứ không dùng con số bình quân năm gần 20 năm nay.

Khi đánh giá thành tích, kiểm soát lạm phát năm thì các cơ quan dùng chỉ số tháng mười hai. Nhưng khi dùng số liệu cho các chỉ tiêu tổng hợp như GDP lại dùng số bình quân năm. Nếu năm nay dùng số bình quân năm thì lạm phát dưới tốc độ tăng trưởng, nếu dùng số tháng mười hai thì cao hơn tốc độ tăng trưởng.

Đầu năm khi đặt mục tiêu chung thì vẫn tính theo chỉ số tháng mười hai. Nhưng đến tháng tám năm nay, khi giá cả tăng rất cao thì chính phủ ra chỉ thị 18 về kiềm chế lạm phát, nhân đó Tổng cục thống kê cũng trình luôn là trong kế hoạch sắp tới nên tính theo bình quân năm theo thông lệ quốc tế. Vì ta hay dùng chỉ số tháng mười hai để kiểm soát lạm phát không phù hợp quốc tế. Chỉ mỗi tháng mười hai so với năm trước gọi là cả năm thì không phù hợp. Chính phủ đồng ý từ nay sử dụng chỉ số bình quân năm.

Khách hàng chọn mua thịt bò tại chợ Bến Thành, Q.1, TP.HCM

* Nếu dùng chỉ số bình quân năm thấp hơn hẳn so với con số cũ thì các chính sách tín dụng, tỉ giá hối đoái có thể sẽ khác hẳn. Theo ông, dùng cách tính mới có ảnh hưởng các chính sách kinh tế không?

- Chỉ số giá tiêu dùng hơn 8% là rất cao chứ không phải thấp. Từ nhiều tháng qua chính sách tiền tệ đã có siết chặt rồi. Trong chính phủ có họp bàn về nguyên nhân do giá thế giới tăng, dịch bệnh, bão lụt. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng các nước khác cũng chịu những nguyên nhân khách quan này nhưng tại sao VN lạm phát lại cao hơn.

Điều này đặt vấn đề phải xem lại chính sách quản lý. Năm nay, Chính phủ phải tăng giá một số vật tư đầu vào của sản xuất như than, điện, xăng dầu theo lộ trình giảm bớt bao cấp khi hội nhập quốc tế. Lộ trình đúng nhưng có thể thời điểm không thích hợp. Với xăng dầu, khi chính phủ buông trợ giá thì nảy ra câu chuyện chưa có công ty cạnh tranh, mà là công ty có tính chất độc quyền...

* Theo ông, ai hưởng lợi và người nào chịu thiệt do tăng giá ?

- Tất cả người tiêu dùng bị thiệt rồi, giống như bị đánh thuế "lạm phát" vậy. Người chịu thiệt nặng nhất là người làm công hưởng lương, người về hưu. Có ý kiến rằng nông dân cũng bán được hàng và được giá nên không chịu thiệt nhiều.

* Ông có dự báo thế nào về giá cả trong dịp tết?

- Theo qui luật, tháng một và tháng hai giá cả bao giờ cũng tăng cao so với cả năm. Tháng 1-2008 lại bắt đầu tăng lương. Năm nay tháng mười hai tăng đột biến lên tới 2,91% nên tháng một sẽ không tăng quá nhiều nữa. Chúng tôi dự đoán tháng 1-2008 có thể tăng 1,8%. Tháng 2-2008 là tháng tết nên dự báo giá cả có thể tăng tới 3%.

* Tại sao giá cả tháng mười hai lại tăng đột biến như vậy?

- Do hứng trọn tăng giá xăng dầu, nhiều cơ quan giải ngân cuối năm, tiêu dùng lớn.

* Một số chuyên gia băn khoăn về độ tin cậy của các dữ liệu giá cả do Tổng cục thống kê đưa ra vì tổng cục chỉ lấy được số liệu ở trung tâm các tỉnh, không lấy được nhiều số liệu từ các vùng nông thôn?

- Trong "rổ" 494 mặt hàng chúng tôi thu thập dữ liệu, điều tra viên tại các tỉnh thu thập số liệu về giá cả những mặt hàng hay biến động như lương thực, vật liệu xây dựng ba lần một tháng. Đối với những mặt hàng ít biến động hơn như tivi, tủ lạnh thì một tháng một lần. Chúng tôi thu thập số liệu ở cả nông thôn và thành thị. Nhưng không đến được xã mà chỉ đến chợ huyện thôi. Việc thu thập giá của chúng tôi dựa theo tài liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) áp dụng cho tất cả các nước.

* Vậy chính thức năm 2008 thì chính phủ sẽ dùng chỉ số giá tiêu dùng nào?

- Từ năm sau, sẽ chính thức dùng chỉ số bình quân năm. Chỉ số tháng mười hai dùng để đánh giá trượt giá với tiền tiết kiệm, đồng đôla, định giá tài sản, muốn biết xu hướng giá năm nay thế nào dùng dãy số các tháng trước xem tốc độ tăng giá. Con số bình quân năm được dùng để kiểm soát lạm phát năm. Việc dùng con số bình quân năm là phù hợp với thông lệ quốc tế.

NỘI DUNG KHÁC

Doanh nghiệp nhà nước nợ xấu: Xử lý cách nào?

25-12-2007

Theo TS Nguyễn Quang A thì các DNNN nợ đọng, nợ xấu kéo dài, đang bên bờ vực phá sản... chính là hệ lụy của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp. Còn theo một chuyên gia kinh tế khác thì các DN này là những "người khổng lồ" yếu bóng vía và đang làm kinh tế tụt hậu.

Nghĩ về “bàn tay vô hình”

25-12-2007

Theo Adam Smith, nhà kinh tế học thế kỷ XVIII thì có một "bàn tay vô hình" thúc đẩy sự vận hành của nền kinh tế thị trường theo quy luật cung cầu và quy luật giá trị, biến những tính toán riêng về lợi ích của từng người thành những lợi ích chung cho xã hội.

Nghiên cứu chính sách: “Chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai”

24-12-2007

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một viện nghiên cứu chính sách độc lập ra đời, tập hợp những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu của đất nước.

Sẽ rất sôi động, nếu…

19-12-2007

“Nếu chấp nhận phản biện xã hội thì cấp lãnh đạo phải từ bỏ phong cách lãnh đạo bằng mệnh lệnh, áp đặt và cần xác định vai trò là người quản lý, điều hành xã hội dân sự thì mới có thể chấp nhận được sự phản bác, thậm chí là sự chỉ trích của dư luận xã hội”.

Sau một năm vào WTO: Bài học là... công tác chuẩn bị!

18-12-2007

Việt Nam chưa thực sự chuẩn bị tốt các điều kiện để gia nhập tốt ngay từ đầu. Vì vậy, VN đã để tuột mất nhiều cơ hội.

Adam Smith - Cha đẻ của kinh tế học

18-12-2007

Mặc dù trước Adam Smith đã có nhiều người viết về các vấn đề và nguyên lý kinh tế , nhưng hầu hết mọi người đều coi ông là cha đẻ của kinh tế học. Ông là người đầu tiên nhìn thấy lợi ích từ việc cạnh trạnh và lập luận ủng hộ các chính sách thúc đẩy cạnh tranh bằng cách giảm sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế và tránh độc quyền.

Thu hút trí thức Việt kiều không thể như “bắt cóc bỏ đĩa”

14-12-2007

“VN luôn tự hào là đất nước trẻ, nhưng tôi nói thật, dân số 100 triệu người sẽ là quá mức đối với mảnh đất này rồi. Dân số VN không thể trẻ mãi được, và vấn đề cấp thiết hiện nay là chính sách đào tạo nhân lực tay nghề cho tương lai” ông Nguyễn Hoài Bắc – Giám đốc Công ty Cổ phần PT&T Đại Sơn, chủ đầu tư cơ sở Trung cấp nghề Việt - Mỹ với số vốn đầu tư 11 triệu USD - trăn trở với câu chuyện “trồng người” tại VN.

Nông dân vẫn chưa quen với WTO

14-12-2007

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư (KHĐT) và Bộ Công Thương với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (QH) tại cuộc họp ngày 13-12, sau một năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kinh tế VN đã có những bước phát triển khởi sắc.

Nhà cải cách Kim Ngọc - cha đẻ khoán 10 (phần 2)

13-12-2007

Tôi gặp lại bà Lê Thị Liên sau 27 năm. Mặt đất thì vẫn thế, nhưng mỗi đường qua, lối đến trước thì xuôi nay đã ngược. Cây mọc, cây đốn cụt. Nhà xây nơi lấn ra, chỗ thụt vào. Khúc ngõ lầy thụt rải gạch vụn, đã là con đường lát bê-tông im lìm dưới hàng cây hoa sữa, hương vương thẫn thờ gió thu.

Nhà cải cách Kim Ngọc - cha đẻ khoán 10 (phần 1)

13-12-2007

Kim Ngọc- tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh 10 tháng 10 năm 1917, tại xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Mất ngày 26 tháng 5 năm 1979.

Ông Kim Ngọc có bị kỷ luật, tù tội?

13-12-2007

Xung quanh việc ông Kim Ngọc bị “kỷ luật” có khá nhiều dư luận. Người ta đồn rằng ông đã từng bị bỏ tù oan vì làm khoán hộ, rồi chết trong tù. Cũng có người kể rằng, khi ông Kim Ngọc đã bị mất chức Bí thư Tỉnh uỷ và nằm viện, một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng lúc ấy vào thăm, ông Kim Ngọc nằm quay mặt vào tường không tiếp chuyện...

Kim Ngọc và số phận của “khoán chui”

13-12-2007

Thời kỳ Đổi Mới ở nước ta được mở đầu bằng những chính sách mang tính đột phá trong nông nghiệp, nông thôn. Sự hình thành của những chính sách này là một quá trình lịch sử, gắn liền với vai trò của quần chúng nhân dân mọi miền đất nước nói chung và vai trò của những cá nhân cụ thể. Bắt đầu từ tháng 12/2006, chuyên mục "Nhân vật" sẽ lần lượt giới thiệu những cá nhân đã được thực tế lịch sử ghi nhận là có những đóng góp nhất định trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Các thông tin, tư liệu được tổng hợp, tham khảo từ nhiều nguồn đã được công bố chính thức. Nhân vật đầu tiên mà chúng tôi muốn giới thiệu là ông Kim Ngọc nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc với sự kiện "khoán hộ" trong những năm 60 của thế kỷ trước.