ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Nghiên cứu giám sát độ trong của nước biển vịnh Hạ Long sử dụng ảnh vệ tinh Landsat 8

Ngày đăng: 24 | 10 | 2018

Nghiên cứu này nhằm trình bày phương pháp tính toán độ trong của nước vịnh Hạ Long sử dụng dữ liệu thu được từ ảnh Landsat 8. Trong đó, các phép phân tích tuyến tính giữa phổ phản xạ đo được thực tế trên bề mặt nước hoặc phổ phản xạ của ảnh Landsat 8 và độ trong của nước vịnh đo cùng thời kỳ đều cho giá trị tương quan cao giữa giá trị độ sâu thấu quang đo bằng đĩa Secchi (thông số hiển thị độ trong của nước) của nước vịnh với phổ phản xạ của dải sóng đỏ ứng với phổ phản xạ thu được ở kênh 4 ảnh Landsat 8. Dựa vào mối quan hệ này, độ trong nước vịnh Hạ Long có thể tính toán sử dụng hàm số mũ của phổ phản xạ của kênh 4 của ảnh. Kết quả tính toán thử nghiệm thu được ở các ảnh vào các thời điểm khác nhau đều cho giá trị có độ chính xác cao so với thông số đo đạc thực tế được tiến hành bởi Ban Quản lý vịnh Hạ Long. Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng ảnh vệ tinh Landsat trong giám sát các thông số chất lượng môi trường nước vịnh Hạ Long, đặc biệt là độ trong của nước vịnh cho hiệu quả cao cả về chất lượng và kinh tế trong giám sát quản lý môi trường vịnh.

1. Giới thiệu chung

Vịnh Hạ Long là vùng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều lợi thế lớn trong phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt vịnh là nơi nổi tiếng về cảnh đẹp thiên nhiên và các giá trị di sản quý hiếm cần được bảo tồn. Từ sau năm 1994, khi vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, khu vực ven bờ vịnh như thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của các tỉnh phía Bắc, đã tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội vùng vịnh phát triển mạnh mẽ, điển hình là sự phát triển các ngành du lịch - dịch vụ, cảng biển, nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy… góp phần thay đổi nhanh chóng cảnh quan, môi trường, sinh thái của vùng ven bờ vịnh. Tuy nhiên, song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, sức ép từ các hoạt động phát triển lên môi trường vịnh ngày càng gia tăng, nổi bật là sự suy giảm chất lượng môi trường nước biển trong vịnh. Trong nhiều năm qua, các hoạt động nghiên cứu liên quan đến đánh giá, quản lý và giám sát chất lượng nước biển trong vịnh được triển khai mạnh mẽ, đặc biệt là kể từ năm 19955, khi Ban Quản lý vịnh Hạ Long được thành lập, môi trường nước của vịnh đã được đánh giá, đo đạc theo quý giúp cho bức tranh về hiện trạng môi trường vịnh thêm rõ ràng. Tuy nhiên, các kết quả đo đạc, giám sát của Ban Quản lý vịnh hiện nay đang được tiến hành ở một số điểm rải rác trên vịnh, chưa hiển thị rõ được sự thay đổi về mặt không gian của các thông số chất lượng nước, gây tốn kém thời gian và kinh phí cho công tác đi lại, đo đạc và phân tích mẫu khi tiến hành trên một diện tích lớn như không gian hiện nay của vùng vịnh được khảo sát. Chính vì vậy, xây dựng một phương pháp giám sát chất lượng nước của vịnh sử dụng các nguồn ảnh vệ tinh miễn phí là một trong những hướng nghiên cứu cấp thiết, giúp cho việc quản lý môi trường vịnh được nhanh chóng và giảm chi phí đo đạc thực tế.

Trong nghiên cứu này, độ trong của nước được định nghĩa là khả năng cho ánh sáng xuyên qua nước và thường được xác định bằng đĩa Secchi, hiển thị bằng kết quả độ sâu nhìn thấy của đĩa Secchi trong nước có đơn vị là cm (EPA, 2017) [4]. Độ trong là một đặc tính quang học của nước liên quan mật thiết đến các hợp phần khác có trong thể nước như tổng số lượng chất rắn lơ lửng (TSS) hoặc độ đục của nước. Độ sâu thấu quang là phương pháp phổ biến để đo độ trong nước được dựa trên các nguyên tắc tập trung ánh sáng [7] với công cụ đo là đĩa Secchi, được tạo ra bởi Pietro Angelo Secchi SJ năm 1865.

Đối với vịnh Hạ Long, độ trong của nước là một thông số môi trường quan trọng để đánh giá quy hoạch các bãi tắm, phục hồi các rạn san hô, và quy hoạch cá lồng bè trong vịnh. Độ trong nước biển thấp làm giảm ánh sáng mặt trời xâm nhập vào trong nước biển qua đó ức chế sự tăng trưởng của thực vật phù du do hạn chế quang hợp, giảm sản xuất ôxy, dẫn đến nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học trong vịnh, đặc biệt là các hệ sinh thái quan trọng nhưng nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường như san hô, cỏ biển. Do vậy, để có thể kịp bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học ở vịnh, việc đánh giá nhanh và dự báo diễn biến độ trong là vô cùng cần thiết. Độ trong của nước là thông số quan trọng để đánh giá độ phú dưỡng cũng như chất lượng nước [2].

Trong những năm qua, công nghệ viễn thám, đặc biệt là dữ liệu ảnh vệ tinh Landsat đã được sử dụng và chứng minh là công cụ hiệu quả cả về kinh phí và kỹ thuật để giám sát độ trong của các thủy vực [5;9] do những ưu điểm về độ phân giải phổ và thời gian của dữ liệu, sự dễ dàng thu nhận và xử lý của nguồn thông tin. Theo đó, độ sâu thấu quang của nước thường được tính toán bằng các tỷ số.

Vệ tinh Landsat 8 là vệ tinh mới nhất của NASA và Cục địa chất Hoa Kỳ (USGS) được phóng lên quỹ đạo vào ngày 11/2/2013, được đánh giá là có hiệu quả cao trong nghiên cứu, giám sát chất lượng nước [10] đã tạo điều kiện cho việc giám sát độ trong của nước vịnh Hạ Long sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh được tiếp tục và hiện thực hóa. Tuy nhiên, phương pháp giám sát độ trong nước biển sử dụng ảnh Landsat 8, đặc biệt nước biển ven bờ như nước biển trong vịnh Hạ Long còn ít được đề cập do sự phân bố phức tạp của các hợp phần tạo màu như TSS, nồng độ chlorophyll-a (Chl-a), nồng độ chất hữu cơ hòa tan trong nước (CDOM) trong nước và sự thay đổi trong thiết kế dải kênh phổ ảnh so với các ảnh Landsat trước đó (Landsat 5 và 7). Nghiên cứu này được tiến hành nhằm xây dựng được phương trình tính toán độ trong của nước vịnh Hạ Long sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh Landsat 8 dựa vào mối quan hệ giữa đo độ sâu thấu quang và phổ phản xạ mặt nước đo đạc được vào tháng 5 năm 2016. Phương trình này được áp dụng cho các ảnh Landsat thu được gần thời kỳ đo đạc của Ban Quản lý vịnh Hạ Long để đánh giá độ sai số của của phương pháp. Từ đó, các sơ đồ phân bố độ sâu thấu quang của nước biển được thành lập tương ứng với thời điểm trong 4 quý của năm 2015 giúp hiểu rõ hơn hiện trạng và sự thay đổi của thông số độ trong nước vịnh theo mùa.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Đo đạc ngoài hiện trường

Độ trong của nước và phổ phản xạ bề mặt nước biển được đo đạc vào ngày 20/5/2017 tại 7 điểm phân bố rải rác trên vịnh như trong hình 1. Trong đó, độ trong của nước được đo trực tiếp tại vịnh bằng đĩa Secchi chuẩn (Model 58-B10) đường kính 20 cm của hãng Wildco (Hoa Kỳ) theo phương pháp của Lind (1979) [6]. Phổ phản xạ mặt nước vịnh được đo đồng thời tại các điểm đo độ sâu thấu quang theo phương pháp của Mueller (2003) [8] sử dụng máy đo bức xạ hiện trường GER 1500 của hãng SVC (Spectra Vista Corporation), Hoa Kỳ có dải sóng phân bố từ 350nm đến 1050nm, bước nhảy 1,5nm. Phổ phản xạ mặt nước đo được tại hiện trường sẽ được sử dụng để xác định mối quan hệ giữa phổ phản xạ mặt nước và độ trong của nước vịnh Hạ Long và làm cơ sở cho việc hiệu chỉnh khí quyển của ảnh vệ tinh Landsat và đánh giá độ chính xác của phương pháp viễn thám trong nghiên cứu độ trong nước biển.

2.2. Phân tích ảnh vệ tinh

Dữ liệu ảnh vệ tinh được sử dụng trong nghiên cứu là ảnh Landsat 8/OLI được thu thập miễn phí tại địa chỉ của Cục địa chất Hoa Kỳ (https://earthexplorer.usgs.gov/). Ảnh vệ tinh thu tại path 126 và row 45 và chụp vùng vịnh Hạ Long được sử dụng trong nghiên cứu. Các ảnh sử dụng đều có độ che phủ mây dưới 10% và được hiệu chỉnh hình học và bức xạ theo phương pháp chuẩn của NASA [8]. Ảnh vệ tinh thu nhận trong 4 quý của năm 2014 và gần ngày khảo sát đo đạc (26/4/2017) được sử dụng trong nghiên cứu (bảng 1) sau khi đã được hiệu chỉnh hình học và bức xạ tiếp tục được hiệu chỉnh khí quyển sử dụng modul FLAASH trong phần mềm ENVI 5.3 cho vùng nước (over-water function). Đây là phương pháp đã được chứng minh có độ chính xác cao khi dùng ảnh Landsat 8 nghiên cứu chất lượng nước [10].

2.3. Phương pháp đánh giá độ chính xác

Để đánh giá mức độ chính xác, các kết quả tính toán được từ việc sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh sẽ được so sánh, đối chiếu với các số liệu theo các phương pháp khác đã được công bố trước đó. Cụ thể là độ trong của nước vịnh Hạ Long xác định được từ ảnh vệ tinh Landsat 8 thu được ở 4 quý năm 2015 sẽ được so sánh với kết quả quan trắc độ trong vịnh Hạ Long được công bố trong “Báo cáo hiện trạng môi trường vịnh Hạ Long năm 2015” được thực hiện bởi Ban Quản lý vịnh Hạ Long [1].

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Đặc tính quang học của nước vịnh Hạ Long đo vào tháng 5/2017

Kết quả đo độ trong bằng đĩa Secchi trong nước vịnh Hạ Long ngày 20/5/2017 tại 7 điểm đo (bảng 2) cho thấy độ trong dao động từ 0,2m đến 2,4m, trung bình là 1,3m, độ lệch chuẩn giữa các điểm đo là 0,67m. Từ các điểm đo thực tế trên vịnh (hình 11), cho thấy độ trong của vịnh Hạ Long biến động khá rõ theo không gian khu vực. Khu vực ven bờ như khu vực ven bờ vịnh Cửa Lục, ven bờ Hạ Long, ven bờ Bái Tử Long có độ trong thấp, độ trong dưới 0,5m, do các khu vực này là nơi tiếp nhận nguồn nước thải sinh hoạt, có các hoạt động chế biến, kinh doanh than nguyên nhân gây suy giảm độ trong của nước, điều này thể hiện rõ qua các kết quả đo tại vị trí TĐ1 và TĐ2. Trong khi đó, tại các đảo gần bờ thì có trong trung bình, độ trong khoảng 1m, như các điểm TĐ3, TĐ4, TĐ7. Các khu vực xa bờ, đặc biệt là vùng lõi của Di sản vịnh Hạ Long, do ít chịu tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nên thường có độ trong lớn hơn, độ trong trung bình khoảng trên 2m, thể hiện qua kết quả đo của các điểm TĐ5, TĐ6 và lân cận.

So sánh kết quả đo độ trong ngày 20/5/2017 với kết quả đo đạc độ trong bằng đĩa Secchi của Ban Quản lý vịnh Hạ Long cùng thời kỳ (quý 2) cho kết quả tương đối tương đồng. Cụ thể, cả hai kết quả đều cho thấy độ trong nước biển có giá trị tăng dần từ bờ ra các vùng biển xa bờ ở vịnh Hạ Long. Các kết quả đo độ trong của nước ở gần bờ khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long của cả các đợt đo đều cho thấy khu vực biển sát bờ nước có độ trong thấp, trong khi đó khu vực xa bờ thuộc vùng lõi khu Di sản vịnh Hạ Long thì nước luôn có độ trong cao.

Hình 2 thể hiện phổ phản xạ của nước vịnh Hạ Long và giá trị độ trong đo bằng đĩa Secchi tương ứng tại mỗi điểm đo. Theo đó phổ phản xạ bề mặt của nước vịnh Hạ Long có: hai vùng giá trị cực đại (peaks) ở dải sóng từ 590mm đến 690mm và xung quanh bước sóng 820nm; hai điểm cực tiểu ở bước sóng 425mm và gần 750mm. Dựa trên phân bố kênh phổ Landsat 8 (hình 2), các kênh phổ tương ứng với vị trí của phổ phản xạ cực đại là kênh 3 (xanh lá) và kênh 4 (đỏ), trong khi các kênh 2 và kênh 1 gần với vị trí cực tiểu đầu tiên của phổ phản xạ mặt nước.

Độ trong của nước đo bằng đĩa Secchi tương quan nghịch với phổ phản xạ thu được của các kênh 3 và kênh 4 của ảnh Landsat 8. So sánhvới một số các kênh phổ và tỷ số phản xạ thường được sử dụng để tính toán độ trong của nước như: phổ phản xạ thu được ở dải sóng xanh lam đậm (deep blue: kênh 1, B1); xanh lam (blue: kênh 2, B2); xanh lục (green, kênh 3, B3); đỏ (red, kênh 3, B3); tỷ số kênh phổ đỏ trên xanh lục (kênh 4/kênh 3, B4/B3) và tỷ số kênh phổ xanh lục trên xanh lam (kênh 3/kênh 2, B3/B2) được thể hiện trong Hình 3. Kết quả so sánh cho thấy độ trong của nước vịnh Hạ Long tương quan cao nhất với phổ phản xạ thu được ở kênh phổ đỏ (kênh 4, B4) ảnh Landsat 8 với hệ số xác định r2= 0,83 (Hình 3d). Do đó, độ trong nước vịnh Hạ Long có thể tính toán được từ ảnh Landsat 8 sử dụng phổ phản xạ bề mặt thu được ở kênh phổ đỏ (kênh 4).

3.2. Phương trình tính toán độ trong nước biển từ ảnh Landsat 8

So sánh kết quả độ trong nước biển quan trắc được quý 1năm 2016 của Ban Quản vịnh Hạ Long và ảnh Landsat 8 chụp vào 02/01/2016 (ứng với quý 1 năm 2016) ở vịnh Hạ Long cho thấy kênh phổ đỏ của ảnh có giá trị tương quan cao nhất với độ trong nước biển (r2 = 0.72, Hình 4.a). Kết quả này một lần nữa khẳng định sự phù hợp của kênh phổ đỏ (kênh 4) của ảnh Landsat 8 cho tính toán độ trong nước biển.

Theo đó, độ trong của nước vịnh Hạ Long có thể được tính toán bằng kênh phổ 4 ảnh Landsat 8 và theo phương trình sau:

trong đó: y là độ sâu thấu quang đo bằng đĩa Secchi (m); x là giá trị phổ phản xạ của ảnh thu được ở kênh 4.

Để kiểm tra độ chính xác của phương trình (1), độ trong của nước vịnh Hạ Long tính toán từ ảnh vệ tinh Landsat 8 trong 4 quý năm 2015 sử dụng phương trình 1 được so sánh với kết quả quan trắc của Ban Quản lý vịnh Hạ Long [1] có kết quả như sau:

Theo hình 5 có thể thấy độ trong nước biển trung bình được tính toán từ ảnh vệ tinh Landsat 8 có giá trị khá tương đồng với kết quả quan trắc của Ban Quản lý vịnh Hạ Long trong quý 1, 2 và 3 năm 2015. Cụ thể kết quả trung bình độ trong phân tích từ ảnh vệ tinh ở giữa cầu Bãi Cháy (vị trí HL1 ở hình 6) là 1,25m so với kết quả quan trắc của Ban Quản lý là 1,3m chỉ sai khác 3,84%. Hay các vị trí có độ trong cao như ở cảng Hòn Nét (vị trí HL10 hình 6) kết quả độ trong trung bình bằng phương pháp xử lý ảnh vệ tinh là 3,35m trong khi kết quả quan trắc là 3m, sai khác chỉ là 7,69% (đối với quý 1, hình 5a). Tương tự, hình 5b cũng cho thấy độ trong trung bình được tính toán từ ảnh vệ tinh Landsat 8 có độ chính xác cao với kết quả quan trắc của Ban Quản lý vịnh Hạ Long trong quý 2 năm 2015 (sai số là 4,84% ở điểm HL5; 4,79% ở điểm HL10). Các kết quả so sánh này cho thấy việc sử dụng ảnh Landsat 8 hoàn toàn phù hợp và cho kết quả đáng tin cậy trong việc giám sát độ trong của nước vịnh Hạ Long.

3.3. Sự thay đổi độ trong của nước vịnh Hạ Long theo không gian và thời gian

Hình 6 biểu diễn sự phân bố độ trong của nước vịnh Hạ Long được tính toán từ ảnh Landsat 8 và phương trình 1 tại bốn thời điểm chụp ảnh của bốn quý năm 2015. Mức dao động độ trong trong nước biển là từ 0,4m đến 3,5m. Theo không gian, độ trong nước vịnh phân bố không đều và có sự biến đổi rõ rệt theo mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa (quý 2 và 3) các khu vực nước biển có độ trong thấp phân bố trải rộng từ các cửa sông, vùng ven bờ ra đến khu vực bảo vệ tuyệt đối của vịnh Hạ Long. Trái lại, vào mùa khô (quý 1 và 4) nước vịnh Hạ Long có độ trong cao trên toàn vịnh, chỉ các khu vực ven bờ và cửa sông như vịnh Cửa Lục, đới ven bờ biển Hạ Long và Bái Tử Long thường xuyên có độ trong thấp, trung bình khoảng từ 0,2 đến 1m. Các khu vực xa bờ ít chịu ảnh hưởng của các hoạt động phát triển như vùng bảo vệ tuyệt đối khu Di sản thế giới vịnh Hạ Long và vùng xa bờ vịnh Bái Tử Long thì có độ trong nước biển thường xuyên cao, trung bình đạt từ 2,5m đến 3,5m.

4. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy độ trong của nước biển vịnh Hạ Long hoàn toàn có thể tính toán từ độ phản xạ thu được ở kênh phổ đỏ (kênh 4) của ảnh vệ tinh Landsat 8 theo phương trình hồi quy tuyến tính hàm mũ. Bản đồ độ trong nước biển thu được tính toán từ ảnh Landsat 8 cho thấy nước vịnh Hạ Long có thể chia ra thành 3 khu vực theo độ trong: 1) Khu vực vịnh Cửa Lục và vùng ven bờ biển thường xuyên có độ trong thấp dao động từ 0,22m đến 1m; 2) Vùng chuyển tiếp giữa đới ven bờ đến hết phần trung tâm khu Di sản thế giới vịnh Hạ Long có độ trong trung bình dao động từ 1 m đến 2m; 3) Khu vực phía nam khu Di sản thế giới vịnh Hạ Long vẫn duy trì được độ trong nước biển cao dao động từ 3m đến 3,5m, đặc biệt là phần biển phía Đông đảo Cát Bà. Phân bố độ trong nước biển của vịnh Hạ Long biến đổi mạnh theo mùa: thấp trong mùa mưa (quý 2 và 3) và cao trong mùa khô (quý 1 và 4). Khu vực biển ngoài khơi và phía đông đảo Cát Bà độ trong của nước ít có sự thay đổi, phù hợp cho việc nuôi cấy, bảo tồn các loài san hô, cỏ biển.

Đặng Trung Tú
(Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường)
Nguyễn Thị Thu Hà
(Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội)

Bài viết đã được đăng tại Tạp chí Kinh tế môi trường số 11/2017


 

Tài liệu tham khảo

1. Ban Quản lý vịnh Hạ Long (2015), Báo cáo hiện trạng môi trường vịnh Hạ Long năm 2015.

2. Carlson, R.E. and J. Simpson, A coordinator’s Guide to Volunteer Lake Monitoring Methods, North American Lake Management Society, No. 1, (1996), 96.

3. Department of the Interior U.S. Geological Survey, Landsat 8 User Guide, 2014.

4. Environmental Protection Agency, https://www.epa.gov/national-aquatic-resource-surveys/indicators-water-clarity, 2010.

5. Le, C.; Hu, C.; Cannizzaro, J.; English, D.; Muller-Karger, F.; Lee, Z. Evaluation of chlorophyll-a remote sensing algorithms for an optically complex estuary. Remote Sens. Environ. 2013, 129, 75–89.

6. Lind, Owen, T, Handbook of Common Methods in Limnology St. Louis:C.V. Mosby Co,1979.

7. Mobley, C.D. Light and Water: Radiative Transfer in Natural Waters; Academic Press: New York, NY, USA, 1994.

8. Mueller, J. L.; Morel, A.; Frouin, R.; Davis, C.; Arnone, R.; Carder, K.; Lee, Z.P.; Steward, R.G.; Hooker, 461 S.; Mobley, C. D.; McLean S.; Holben, B.; Miller, M.; Pietras, C.; Knobelspiesse, K. D.; Fargion, G. S.; 462 Porter, J.; Voss, Ken. Volume III: Radiometric Measurements and Data Analysis Protocols. In Ocean 463 Optics Protocols For Satellite Ocean Color Sensor Validation, Revision 4; Mueller, J. L.; Giulietta, S. F.; 464 McClain C. R.; Eds, Publisher: Goddard Space Flight Space Center, Greenbelt, Maryland, 2003; 465 Volume 3.

9. Turner, D. Remote Sensing of Chlorophyll a Concentrations to Support the Deschutes Basin Lake and Reservoirs TMDLs; Department of Environmental Quality: Portland, OR, USA, 2010.

10. N.T.T. Ha, K. Koike, M.T. Nhuan, B.D. Canh, N.T.P. Thao and M. Parsons, Landsat 8/OLI Two Bands Ratio Algorithm for Chlorophyll-A Concentration Mapping in Hypertrophic Waters: An Application to West Lake in Hanoi (Vietnam),IEEE Journal of Selected Topics in Applied Earth Observations and Remote Sensing, vol. 10, no. 11, pp. 4919-4929, 2017. doi: 10.1109/JSTARS.2017.2739184.

NỘI DUNG KHÁC

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ nhằm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”

27-10-2018

Nghị quyết 24-NQ/TW sau khi ban hành đã được triển khai sâu rộng từ Trung ương đến địa phương; các chủ trương, chính sách của Nghị quyết đã được thể chế hóa; vai trò của khoa học và công nghệ (KHCN) trong việc triển khai Nghị quyết đã được khẳng định; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tài nguyên (QLTN) và bảo vệ môi trường (BVMT) đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định xét trong bối cảnh mới đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chính vì lý do đó, sau 5 năm triển khai Nghị quyết cần có sự đánh giá đầy đủ và toàn diện vai trò của KHCN trong việc thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, từ đó đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn, nhất là xét trong bối cảnh mới của cách mạng 4.0 và những biến đổi trên thế giới, những ứng dụng của KHCN cho phát triển kinh tế-xã hội.

Nâng cao hiệu quả chính sách khai thác khoáng sản trong hội nhập kinh tế quốc tế: Nhìn từ cộng đồng kinh tế ASEAN

2-11-2018

Tài nguyên khoáng sản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của con người. Trong tiến trình hội nhập kinh tế, ASEAN luôn tăng cường, đề cao vai trò hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản. AEC ra đời sẽ hứa hẹn tương lai ngành khai khoáng ở khu vực ngày càng trở nên bùng nổ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ sản xuất hàng hóa... Điều này sẽ tác động đến hoạt động khoáng sản của Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam cần phải thích ứng, nâng cao hiệu quả các chính sách khoáng sản.

Đề xuất Khung chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực phân tích chính sách quản lý tài nguyên và môi trường

8-11-2018

Ngành tài nguyên và môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường thông qua các chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là một loại chính sách công. Để có cơ sở cho việc xây dựng Khung chương trình phân tích chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm phục vụ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ ngành quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chúng tôi đã nghiên cứu, so sánh các chương trình phân tích chính sách công của một số cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. 

Đảm bảo an ninh môi trường ở Việt Nam: Vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết

13-11-2018

Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, vấn đề đảm bảo an ninh môi trường đã trở thành vấn đề toàn cầu, cần có sự hợp tác, chia sẻ giữa các quốc gia. Các thách thức an ninh môi trường không chỉ đe dọa an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh lương thực…, mà còn là một trong những nguy cơ lớn đe dọa an ninh quốc gia và sự tồn vong của nhân loại. Có thể thấy, chưa bao giờ vấn đề môi trường lại được đặt ra cấp bách đối với Việt Nam như hiện nay. Sự khan hiếm tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường ngày càng gia tăng có thể gây suy yếu nền kinh tế, làm trầm trọng thêm vấn đề đói nghèo, làm bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột. Nhiều học giả trong nước và trên thế giới đều thống nhất quan điểm về mối quan hệ giữa an ninh quốc gia và an ninh môi trường có tính hữu cơ, chặt chẽ, bởi vì về thực chất, an ninh môi trường là một thành tố thuộc an ninh phi truyền thống, một bộ phận cấu thành an ninh quốc gia. Vì vậy, đảm bảo an ninh môi trường chính là một phần quan trọng nhằm đảm bảo an ninh quốc gia trong thời đại mới.

Chiến lược tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu - Yêu cầu bức thiết của công tác quản lý nhà nước

14-11-2018

Biến đổi khí hậu cùng với suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường là những thách thức lớn của nhân loại trong thế kỷ 21. Nhiều Điều ước quốc tế đã được Việt Nam cam kết thực hiện nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng quản lý tài nguyên, môi trường. Trong đó, phần lớn các văn bản đều có đề cập đến công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động thực tiễn trong vấn đề này.

Tiếp cận quá trình trong phân tích chính sách tài nguyên và môi trường

14-11-2018

Trên thế giới, khoa học nghiên cứu về chính sách công và phân tích chính sách với tư cách là một lĩnh vực khoa học xã hội, dựa trên những nguyên tắc kinh tế học, xã hội học, luật học và những chuyên ngành hàn lâm đã được hình thành từ lâu. Việc nghiên cứu các phương pháp phân tích chính sách và áp dụng trong ngành tài nguyên và môi trường có ý nghĩa rất quan trọng, tuy nhiên câu hỏi tiếp cận và sử dụng các công cụ/phương pháp phân tích chính sách trong quá trình phân tích chính sách ngành tài nguyên và môi trường như thế nào chưa được làm rõ trên cơ sở tiếp cận hoạch định chính sách như một quá trình. Việc xác định các phương pháp phân tích hay công cụ phù hợp có thể sử dụng hiệu quả cho từng khâu trong quá trình hoạch định chính sách cần được xem xét như một hướng tiếp cận mới. Bài viết xem xét các phương pháp phân tích chính sách định lượng và định tính và đánh giá sự phù hợp trong công tác hoạch định chính sách ngành tài nguyên và môi trường.Cách tiếp cận theo quá trình giúp khả năng ứng dụng của các phân tích chính sách được rõ ràng và sử dụng hiệu quả, phù hợp cho từng giai đoạn.

Ứng dụng cách tiếp cận foresight trong xây dựng chính sách quản lý tài nguyên và môi trường của Việt Nam

7-12-2018

Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề môi trường và tài nguyên nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng. Vì vậy, trước bối cảnh như hiện nay, công tác quản lý cần phải có những định hướng trước mắt cũng như dài hạn trong xây dựng chiến lược, chính sách, muốn vậy cần phải làm tốt công tác dự báo. Khác với cách tiếp cận khép kín của dự báo truyền thống, cách tiếp cận dự báo dài hạn (foresight) được xem như là cách thức giao tiếp, trao đổi và thỏa thuận giữa các thành phần khác nhau trong xã hội, từ đó phát hiện ra những giá trị khoa học, kinh tế, văn hóa và xã hội có đóng góp lớn cho xã hội chung trong tương lai, đồng thời tích hợp được trong quá trình dự báo các vấn đề cần thảo luận, đánh giá, phân tích, đề xuất chính sách thành một quá trình tổng hợp, liên ngành. Hiện nay, công tác dự báo chính sách của Việt Nam chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Do vậy, đây có thể được coi là cách tiếp cận mới hỗ trợ công tác dự báo trong xây dựng chiến lược ngành tài nguyên và môi trường.

Quản lý chất thải rắn ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp

3-9-2019

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, phát sinh chất thải rắn (CTR) ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề môi trường bức xúc. Gần đây, Chính phủ đã yêu cầu giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) làm cơ quan đầu mối thống nhất quản lý về chất thải rắn. Bài báo này giới thiệu tổng quan về công tác quản lý chất thải rắn ở nước ta và đề xuất một số định hướng giải pháp trong thời gian tới.

Chiến lược, chính sách biển của một số nước trong khu vực Biển Đông và tác động đối với Việt Nam

11-9-2019

Mở đầu Khi loài người bước vào thế kỉ 21, thực tế cho thấy rằng các chiến lược, chính sách quản lý tổng hợp biển ngày càng trở nên cần thiết để sử dụng, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển. Hầu hết các quốc gia đã có những chính sách cụ thể để quản lý hiệu quả, sử dụng bền vững biển. Trong đó tập trung các hướng phổ biến: một là xây dựng tầm nhìn tổng hợp, toàn diện trong công tác quản lý biển, đại dương và khu vực đới bờ trong quyền tài phán quốc gia, hai là phát triển hài hòa với các luật, chính sách liên quan đến biển đã có, ba là thúc đẩy phát triển bền vững biển và đới bờ, bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái và bốn là đưa ra các định hướng hướng dẫn để điều phối, giúp gắn kết hài hòa quyết định, hành động của các cơ quan ban ngành liên quan đến biển… mới thực sự phát triển trong những năm gần đây.

Các mô hình kinh tế tuần hoàn Việt Nam: Cơ hội định hướng phát triển

4-10-2019

1. Mở đầu Các mô hình phát triển kinh tế truyền thống - kinh tế tuyến tính (Linear Economy), dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, thông qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường, với các mô hình này dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình “ kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn”, trong đó tài nguyên đầu vào, chất thải, khí thải và năng lượng được tối thiểu hóa ngay từ trong quy trình sản xuất và tiêu dùng từ thiết kế, bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tân trang và tái chế lâu dài dựa trên động lực kinh tế, hướng đến một nền kinh tế phát thải bằng không.

Ô nhiễm môi trường biển Việt Nam - thực trạng và khuyến nghị

14-11-2019

Ngày nay, xu hướng cạn kiệt của các nguồn tài nguyên đất liền ngày càng đẩy mạnh khuynh hướng tiến ra biển, khai thác biển và làm giàu từ biển. Cùng với những đóng góp to lớn từ khai thác tài nguyên biển vào quá trình phát triển chung của đất nước, môi trường biển ở nhiều khu vực đang đứng trước nhiều thách thức. Ô nhiễm biển đến mức báo động đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia. Bài viết này trình bày thực trạng các vấn đề môi trường biển đang đối mặt hiện nay ở nước ta và tổng kết một số khuyến nghị về hướng giải pháp cụ thể nhằm hướng đến quản lý bền vững và bảo vệ môi trường biển.

Factors that affect land values and the development of land value maps for strenthening policy making in Vietnam: The case study of non-agricultural land in Quang Ninh province, Vietnam

3-12-2019

This study is a part of National Science and Technology Program on climate change response, natural resources and environment management from 2016 to 2020. The overall objectives of the study are: re-systemizing the classical and modern theories as well as identifying the factors affecting the land values in Vietnam; developing procedures and methods of mapping suitable land value areas in order to support the Government in policy making and regulating land use rights market in Vietnam. The results have classified three groups of factors that have impacts on land values in Vietnam. In particular, based on the successful test results in Quang Ninh Province, Vietnam, the research team discussed issues relating to land management institutions, issues of prices, land values in the context of applying the universal ownership regime to land and developing a socialist-oriented market economy in Vietnam. These results show that “the use of value theory and the development of land value maps helps the Government effectively manage and regulate land use rights market in Vietnam. Keywords: land value, value zone map, non-agricultural land, Quang Ninh province, climate change.