ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Chiến lược tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu - Yêu cầu bức thiết của công tác quản lý nhà nước

Ngày đăng: 14 | 11 | 2018

Biến đổi khí hậu cùng với suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường là những thách thức lớn của nhân loại trong thế kỷ 21. Nhiều Điều ước quốc tế đã được Việt Nam cam kết thực hiện nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng quản lý tài nguyên, môi trường. Trong đó, phần lớn các văn bản đều có đề cập đến công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động thực tiễn trong vấn đề này.

Cụ thể là:

Về biến đổi khí hậu: Trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu có quy định về trách nhiệm của các bên tham gia: “Truyền thông đại chúng về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu; phát triển các chương trình quốc gia hoặc hợp tác quốc tế về giáo dục bồi dưỡng nhận thức của công chúng về biến đổi khí hậu và tác động của nó”.

Về bảo vệ tài nguyên: Trong Công ước chống sa mạc hoá của Liên hiệp quốc có quy định về nghĩa vụ chung của các bên tham gia: (1) Tăng cường nhận thức và sự tham gia của người dân đặc biệt là phụ nữ và thanh niên trong công tác phòng chống sa mạc hoá; (2) Các bên sẽ hợp tác thực hiện các chương trình giáo dục dân chúng về nguyên nhân và hậu quả của sa mạc hoá.

Về bảo vệ môi trường: Trong Công ước đa dạng sinh học, các bên tham gia đã cam kết thực hiện biện pháp chung: “Thúc đẩy và khuyến khích sự hiểu biết về tầm quan trọng và các biện pháp cần thiết phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và đưa các chủ đề này vào chương trình giáo dục”. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học là: “Các bên tham gia sẽ tăng cường và tạo điều kiện thuận lợi nâng cao nhận thức, giáo dục và sự tham gia của cộng đồng liên quan đến chuyển giao, xử lý và sử dụng an toàn các sinh vật biến đổi gen, có liên quan đến bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, có quan tâm đến các rủi ro đối với sức khoẻ con người”.

Bên cạnh việc sớm tham gia các Điều ước quốc tế trong lĩnh vực này, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách trực tiếp đề cập và xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 24-NQ/TW (ngày 03 tháng 6 năm 2013) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Trong đó, một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu là “Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm các giải pháp công trình và phi công trình. Hiện nay, các giải pháp công trình chưa khả thi nên giải pháp phi công trình được coi là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội được xác định là một trong những giải pháp quyết định.

Đẩy mạnh việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ (NQ 08/NQ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2014) về thực hiện Nghị quyết 24/NQ-TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định số 1213/QĐ-BTNMT ngày 24 tháng 6 năm 2014 về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 08/NQ-CP, tiếp đó ngày 29 tháng 10 năm 2014 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định số 2397/QĐ-BTNMT về việc thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Ngoài ra, trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đều có một điểm chung trong nhóm giải pháp, đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội liên quan đến các chủ đề về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Có thể thấy, hiện nay đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được ban hành, tuy nhiên để các quy định đó được thực hiện và đi vào cuộc sống, cần phải triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nâng cao nhận thức chung trong toàn xã hội, biến nhận thức thành những hành động đúng đắn, phù hợp.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Các Bộ, ngành đã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, điển hình là: cuộc thi ý tưởng sáng tạo mô hình sinh thái đa mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu (phòng chống giảm nhẹ thiên tai, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường); làm phim tài liệu truyền hình, xây dựng chuyên mục điểm trên báo in, phát thanh, truyền hình. Đặc biệt, Chương trình biên soạn tài liệu lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu vào các môn học chính khóa của cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng hiện đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng.

Nhiều địa phương đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu nhân dịp tổ chức Giờ Trái đất, Ngày khí tượng và nước thế giới, Ngày môi trường thế giới... Các chủ trương, giải pháp của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ tài nguyên đã được tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng đến toàn thể nhân dân.

Hàng năm, các ngành và các địa phương đều tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông môi trường; phối hợp với các bên liên quan đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng. Đến nay, đã có nhiều cơ quan, tổ chức ký kết nghị quyết liên tịch với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đẩy mạnh các hoạt động phối hợp hành động bảo vệ môi trường, bao gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên minh các Hợp tác xã Viêt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam.

Qua công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức,các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân đã có những nhận thức ban đầu về biến đổi khí hậu; nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và từng bước hình thành ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tuy nhiên, nhận thức chung của toàn xã hội hiện nay vẫn còn một số hạn chế tồn tại.

Trong ứng phó với biến đổi khí hậu: Các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân vẫn chưa có nhận thức đầy đủ, toàn diện về biến đổi khí hậu và tầm quan trọng của công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu thường được gắn liền với các hiện tượng thiên tai, bão, lũ xảy ra hàng năm và đôi khi gắn với cả những thiên tai không có liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu như động đất, sóng thần, do đó công tác ứng phó mới chỉ tập trung vào các biện pháp công trình và tâm lý trông chờ vào ngân sách nhà nước, vào tài trợ và đầu tư nước ngoài. Nhận thức về biến đổi khí hậu của cộng đồng còn hạn chế và phiến diện, mới chỉ quan tâm đến các tác động tiêu cực mà chưa quan tâm đến nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu để có những hành động đúng đắn thông qua việc chuyển đổi lối sống, mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo định hướng các-bon thấp, tăng trưởng xanh.

Trong bảo vệ tài nguyên: Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân còn chưa cao, chưa đánh giá đúng vị trí, vai trò của tài nguyên đối với sự phát triển của đất nước, chưa xem xét lợi ích tổng thể và hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, chưa tính đến tác động của biến đổi khí hậu và yêu cầu của bảo vệ môi trường; chưa coi tài nguyên là nguồn vốn, tài sản cần được định giá, lượng giá. Mô hình phát triển còn nặng về khai thác, sử dụng cạn kiệt, thiếu bền vững; chưa quan tâm thỏa đáng đến phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu mới và tái chế chất thải.

Trong bảo vệ môi trường: Các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với sự nghiệp phát triển bền vững đất nước; còn tồn tại khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động, giữa cam kết và thực hiện; thể hiện trong việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong chỉ đạo, điều hành, tư tưởng “ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ các yêu cầu bảo vệ môi trường” vẫn còn phổ biến ở nhiều cấp ủy và lãnh đạo chính quyền các cấp. Ý thức về bảo vệ môi trường vẫn chưa thành thói quen, nếp sống của đa số dân cư. Một bộ phận nhân dân chưa bỏ được thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như: sử dụng quá nhiều túi ni-lông, than tổ ong, vứt rác, chất thải, xác súc vật bừa bãi ở nơi công cộng, nguồn nước. Ý thức của các hộ sản xuất kinh doanh về chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao, để xảy ra nhiều vụ việc khiến người dân bức xúc. Trong nông nghiệp, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất không đúng quy định còn diễn ra phổ biến. Ý thức bảo vệ môi trường của một số lớn doanh nghiệp còn thấp, chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của cơ quan, đơn vị mình; vẫn chủ yếu chạy theo mục tiêu lợi nhuận, coi nhẹ yếu tố bảo vệ môi trường; để xảy ra nhiều vụ việc nghiệm trọng không những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sinh kế của người dân mà còn hủy hoại tài nguyên và môi trường tự nhiên, điển hình như vụ công ty Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải, vụ gây ô nhiễm môi trường biển của công ty Formosa, vụ gây ô nhiễm môi trường trên sông Bưởi của nhà máy mía đường Hòa Bình...

Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền vẫn bị xem nhẹ và đùn đẩy cho các cơ quan báo chí, truyền thông, nhưng các cơ quan này cũng chưa tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục; việc tiếp cận thông tin về các nội dung cần tuyên truyền còn hạn chế; các phương thức tuyên truyền chưa đa dạng và chưa được khai thác hiệu quả, các cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa có đủ kiến thức chuyên môn nhất định. Hơn nữa, thực trạng công tác tuyên truyền còn mang nặng tính hình thức và rời rạc, chưa xác định rõ nội dung, hình thức và phương tiện phù hợp để tuyên truyền cho từng nhóm đối tượng cụ thể trong xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên nhưngnguyên nhân chủ yếu là do khốilượng thông tin về bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là rất lớn, đòi hỏi trình độ và kiến thức chuyên môn nhất định, do đó cần phải có thời gian và cách thức để lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng, vùng miền;các chủ trương, giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường được nêu ở quá nhiều văn kiện, qua nhiềuthời kỳ khác nhau nên rất khó được tuyên truyền, phổ biến một cách toàn diện, đồng bộ, thông suốt, gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận, cập nhật thông tin để nâng cao nhận thức.

Từ những nhận định trên, có thể thấy việc xây dựng một Chiến lược riêng với những quan điểm, mục tiêu và giải pháp cụ thể cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng bức thiết cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Phạm Kim Long, Trịnh Thị Hải Yến
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Bài viết đã được đăng tại Tạp chí Tài nguyên và Môi trường kỳ 1 tháng 5/2018

 

NỘI DUNG KHÁC

Tiếp cận quá trình trong phân tích chính sách tài nguyên và môi trường

14-11-2018

Trên thế giới, khoa học nghiên cứu về chính sách công và phân tích chính sách với tư cách là một lĩnh vực khoa học xã hội, dựa trên những nguyên tắc kinh tế học, xã hội học, luật học và những chuyên ngành hàn lâm đã được hình thành từ lâu. Việc nghiên cứu các phương pháp phân tích chính sách và áp dụng trong ngành tài nguyên và môi trường có ý nghĩa rất quan trọng, tuy nhiên câu hỏi tiếp cận và sử dụng các công cụ/phương pháp phân tích chính sách trong quá trình phân tích chính sách ngành tài nguyên và môi trường như thế nào chưa được làm rõ trên cơ sở tiếp cận hoạch định chính sách như một quá trình. Việc xác định các phương pháp phân tích hay công cụ phù hợp có thể sử dụng hiệu quả cho từng khâu trong quá trình hoạch định chính sách cần được xem xét như một hướng tiếp cận mới. Bài viết xem xét các phương pháp phân tích chính sách định lượng và định tính và đánh giá sự phù hợp trong công tác hoạch định chính sách ngành tài nguyên và môi trường.Cách tiếp cận theo quá trình giúp khả năng ứng dụng của các phân tích chính sách được rõ ràng và sử dụng hiệu quả, phù hợp cho từng giai đoạn.

Ứng dụng cách tiếp cận foresight trong xây dựng chính sách quản lý tài nguyên và môi trường của Việt Nam

7-12-2018

Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề môi trường và tài nguyên nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng. Vì vậy, trước bối cảnh như hiện nay, công tác quản lý cần phải có những định hướng trước mắt cũng như dài hạn trong xây dựng chiến lược, chính sách, muốn vậy cần phải làm tốt công tác dự báo. Khác với cách tiếp cận khép kín của dự báo truyền thống, cách tiếp cận dự báo dài hạn (foresight) được xem như là cách thức giao tiếp, trao đổi và thỏa thuận giữa các thành phần khác nhau trong xã hội, từ đó phát hiện ra những giá trị khoa học, kinh tế, văn hóa và xã hội có đóng góp lớn cho xã hội chung trong tương lai, đồng thời tích hợp được trong quá trình dự báo các vấn đề cần thảo luận, đánh giá, phân tích, đề xuất chính sách thành một quá trình tổng hợp, liên ngành. Hiện nay, công tác dự báo chính sách của Việt Nam chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Do vậy, đây có thể được coi là cách tiếp cận mới hỗ trợ công tác dự báo trong xây dựng chiến lược ngành tài nguyên và môi trường.

Quản lý chất thải rắn ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp

3-9-2019

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, phát sinh chất thải rắn (CTR) ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề môi trường bức xúc. Gần đây, Chính phủ đã yêu cầu giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) làm cơ quan đầu mối thống nhất quản lý về chất thải rắn. Bài báo này giới thiệu tổng quan về công tác quản lý chất thải rắn ở nước ta và đề xuất một số định hướng giải pháp trong thời gian tới.

Chiến lược, chính sách biển của một số nước trong khu vực Biển Đông và tác động đối với Việt Nam

11-9-2019

Mở đầu Khi loài người bước vào thế kỉ 21, thực tế cho thấy rằng các chiến lược, chính sách quản lý tổng hợp biển ngày càng trở nên cần thiết để sử dụng, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển. Hầu hết các quốc gia đã có những chính sách cụ thể để quản lý hiệu quả, sử dụng bền vững biển. Trong đó tập trung các hướng phổ biến: một là xây dựng tầm nhìn tổng hợp, toàn diện trong công tác quản lý biển, đại dương và khu vực đới bờ trong quyền tài phán quốc gia, hai là phát triển hài hòa với các luật, chính sách liên quan đến biển đã có, ba là thúc đẩy phát triển bền vững biển và đới bờ, bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái và bốn là đưa ra các định hướng hướng dẫn để điều phối, giúp gắn kết hài hòa quyết định, hành động của các cơ quan ban ngành liên quan đến biển… mới thực sự phát triển trong những năm gần đây.

Các mô hình kinh tế tuần hoàn Việt Nam: Cơ hội định hướng phát triển

4-10-2019

1. Mở đầu Các mô hình phát triển kinh tế truyền thống - kinh tế tuyến tính (Linear Economy), dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, thông qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường, với các mô hình này dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình “ kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn”, trong đó tài nguyên đầu vào, chất thải, khí thải và năng lượng được tối thiểu hóa ngay từ trong quy trình sản xuất và tiêu dùng từ thiết kế, bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tân trang và tái chế lâu dài dựa trên động lực kinh tế, hướng đến một nền kinh tế phát thải bằng không.

Ô nhiễm môi trường biển Việt Nam - thực trạng và khuyến nghị

14-11-2019

Ngày nay, xu hướng cạn kiệt của các nguồn tài nguyên đất liền ngày càng đẩy mạnh khuynh hướng tiến ra biển, khai thác biển và làm giàu từ biển. Cùng với những đóng góp to lớn từ khai thác tài nguyên biển vào quá trình phát triển chung của đất nước, môi trường biển ở nhiều khu vực đang đứng trước nhiều thách thức. Ô nhiễm biển đến mức báo động đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia. Bài viết này trình bày thực trạng các vấn đề môi trường biển đang đối mặt hiện nay ở nước ta và tổng kết một số khuyến nghị về hướng giải pháp cụ thể nhằm hướng đến quản lý bền vững và bảo vệ môi trường biển.

Factors that affect land values and the development of land value maps for strenthening policy making in Vietnam: The case study of non-agricultural land in Quang Ninh province, Vietnam

3-12-2019

This study is a part of National Science and Technology Program on climate change response, natural resources and environment management from 2016 to 2020. The overall objectives of the study are: re-systemizing the classical and modern theories as well as identifying the factors affecting the land values in Vietnam; developing procedures and methods of mapping suitable land value areas in order to support the Government in policy making and regulating land use rights market in Vietnam. The results have classified three groups of factors that have impacts on land values in Vietnam. In particular, based on the successful test results in Quang Ninh Province, Vietnam, the research team discussed issues relating to land management institutions, issues of prices, land values in the context of applying the universal ownership regime to land and developing a socialist-oriented market economy in Vietnam. These results show that “the use of value theory and the development of land value maps helps the Government effectively manage and regulate land use rights market in Vietnam. Keywords: land value, value zone map, non-agricultural land, Quang Ninh province, climate change.

Tổng quan về quản lý chất thải rắn trên thế giới và một số giải pháp cho Việt Nam

16-12-2019

Cùng với sự gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, chất thải rắn (CTR) đang gia tăng cả về khối lượng và chủng loại. Ở nước ta, công tác quản lý CTR còn nhiều bất cập như tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt nông thôn còn chưa cao; CTR sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; tỷ lệ tái chế còn thấp; phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh… (Thắng N.T và cộng sự, 2019). Quản lý CTR yếu kém đã trở thành vấn đề nổi cộm, bức xúc ở nhiều địa phương thời gian qua như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ngãi…, đặt ra nhu cầu bức thiết phải có các giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới. Bài viết này có mục đích cung cấp tổng quan chung về tình hình quản lý CTR trên thế giới, để có sự so sánh, nhìn nhận về thực trạng quản lý CTR ở nước ta hiện nay. Từ đó, có thể đề xuất những giải pháp cải thiện và tăng cường công tác quản lý CTR trong thời gian tới.

Cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

1-1-2020

1. Mở đầu Trải qua một quá trình phát triển của kinh tế thế giới từ nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, lên công nghiệp, công nghiệp hiện đại và hướng đến nền kinh tế số, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đạt được những thành tựu to lớn, tuy nhiên cùng với đó là sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng. Để khắc phục những vấn đề này nhằm đảm bảo cho kinh tế phát triển ổn định, không thiếu hụt nguồn cung cấp đầu vào cho hệ thống kinh tế và giảm thiểu tối đa chất thải đưa ra môi trường, hướng đến một nền kinh tế không có chất thải, chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính (Linear Economy), dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên thiên nhiên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, thông qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường sang kinh tế tuần hoàn (Circular Economy), dựa trên nguyên lý chất thải đầu ra của hoạt động kinh tế sẽ được thu hồi trở lại đầu vào cho hệ thống kinh tế dưới dạng tài nguyên và không phát thải ra môi trường.

Một số định hướng chiến lược về bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời gian tới

2-2-2020

Nhân loại đang bước sang một thập niên mới của thế kỷ 21 trong bối cảnh chiến tranh thương mại, cạnh tranh nước lớn và cách mạng công nghiệp 4.0. Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gia tăng, xu hướng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên tiếp tục tiếp diễn. Ở nước ta, tăng trưởng kinh tế trong vài năm gần đây đạt được kết quả khá cao, xấp xỉ 7%/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, dự kiến 50% dân số sẽ thuộc diện tầng lớp trung lưu vào năm 2035 (OECD, 2019). Tuy nhiên, ô nhiễm, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên và BĐKH gia tăng sẽ vẫn là các thách thức lớn đối với sự phát triển của đất nước. Cùng với cộng đồng quốc tế, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục chủ trương phát triển nhanh và bền vững với cam kết thực hiện thành công 17 mục tiêu PTBV đến 2030 và Thỏa thuận Pari về BĐKH.

Tiếp cận trong đánh giá sức chịu tải của môi trường không khí và hướng áp dụng cho Việt Nam

11-3-2021

Ô nhiễm không khí đang là vấn đề bức xúc, là thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới do các tác động lớn đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Vấn đề ô nhiễm không khí đã và đang trở thành mối nguy cơ lớn ảnh hưởng tới phát triển bền vững của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc quản lý, nâng cao chất lượng không khí là hết sức quan trọng, không chỉ giảm được tác động có hại đến sức khỏe con người mà còn giúp phát triển kinh tế, xã hội đạt hiệu quả cao hơn.

Các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

6-2-2023

Theo ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường), nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên (TNTN) của Thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của Trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường thiên nhiên. Thực tế đó dẫn đến yêu cầu cấp bách phải tìm ra mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững hơn về sử dụng TNTN, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Nhận thấy lợi ích lâu dài của kinh tế tuần hoàn (KTTH) nên nhiều nước trên Thế giới đã chuyển đổi nền kinh tế của mình từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH, từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh.