ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Tiếp cận quá trình trong phân tích chính sách tài nguyên và môi trường

Ngày đăng: 14 | 11 | 2018

Trên thế giới, khoa học nghiên cứu về chính sách công và phân tích chính sách với tư cách là một lĩnh vực khoa học xã hội, dựa trên những nguyên tắc kinh tế học, xã hội học, luật học và những chuyên ngành hàn lâm đã được hình thành từ lâu. Việc nghiên cứu các phương pháp phân tích chính sách và áp dụng trong ngành tài nguyên và môi trường có ý nghĩa rất quan trọng, tuy nhiên câu hỏi tiếp cận và sử dụng các công cụ/phương pháp phân tích chính sách trong quá trình phân tích chính sách ngành tài nguyên và môi trường như thế nào chưa được làm rõ trên cơ sở tiếp cận hoạch định chính sách như một quá trình. Việc xác định các phương pháp phân tích hay công cụ phù hợp có thể sử dụng hiệu quả cho từng khâu trong quá trình hoạch định chính sách cần được xem xét như một hướng tiếp cận mới. Bài viết xem xét các phương pháp phân tích chính sách định lượng và định tính và đánh giá sự phù hợp trong công tác hoạch định chính sách ngành tài nguyên và môi trường.Cách tiếp cận theo quá trình giúp khả năng ứng dụng của các phân tích chính sách được rõ ràng và sử dụng hiệu quả, phù hợp cho từng giai đoạn.

1. Đặt vấn đề

Khoa học nghiên cứu về chính sách công và phân tích chính sách với tư cách là một lĩnh vực khoa học xã hội, dựa trên những nguyên tắc kinh tế học, xã hội học, luật học và những chuyên ngành hàn lâm đã được hình thành từ lâu. Phân tích chính sách nói chung và phân tích chính sách tài nguyên và môi trường nói riêng tại Việt Nam vẫn là một vấn đề tranh luận do các đặc thù của ngành tài nguyên và môi trường, cũng như cách tiếp cận trong việc sử dụng các phương pháp phân tích.

Việc nghiên cứu các phương pháp phân tích chính sách và áp dụng trong ngành tài nguyên và môi trường có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm trả lời các câu hỏi: Phương pháp/công cụ nào thường được sử dụng trong phân tích chính sách? Quá trình phân tích chính sách gồm những bước phân tích nào, mục đích của các bước phân tích này? Tiếp cận và sử dụng các công cụ/phương pháp phân tích chính sách trong quá trình phân tích chính sách ngành tài nguyên và môi trường như thế nào?Trả lời các câu hỏi trên đòi hỏi cần phân tích cả về lý luận và thực tiễn, đặc thù của quá trình hoạch định xây dựng chính sách. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi khái quát kết quả nghiên cứu lý luận bước đầu và đề xuất áp dụng một số phương pháp phân tích chính sách hiệu quả trong tình hình quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường hiện nay. Các nội dung chính được thảo luận trong bài viết tập trung vào các cách tiếp cận trong nghiên cứu chính sách công, chính sách ngành tài nguyên và môi trường; các phương pháp phân tích chính sách định lượng và định tính và khả năng áp dụng trong quá trình hoạch định chính sách ngành tài nguyên và môi trường; và tổng hợp đề xuất áp dụng các phương pháp phân tích chính sách trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

2. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài được nghiên cứu dựa trên cách tiếp cận hệ thống cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế để từ đó phân tích, áp dụng vào tình hình Việt Nam. Các phương pháp nghiên cứu chủ yếu được sử dụng để giải quyết các vấn đề đã đặt ra là: (i) Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: Nghiên cứu các học thuyết về cơ sở khoa học của chính sách và phân tích chính sách; (ii) Phương pháp nghiên cứu phân tích tổng hợp: Nghiên cứu thực tiễn về phân tích chính sách tài nguyên và môi trường, nhằm đánh giá khả năng áp dụng các phương pháp/công cụ phân tích chính sách trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong nước; (iii) Phương pháp chuyên gia: tham vấn chuyên gia về nội dung nghiên cứu. Hình 1 mô tả tổng quan phương pháp nghiên cứu.

Hình 1. Phương pháp nghiên cứu được áp dụng

3. Kết quả và bàn luận

Đến nay, có nhiều khái niệm về phân tích chính sách đã được trình bày. Theo Walter Williams (1971) “Phân tích chính sách là quá trình tổng hợp thông tin để sản sinh ra một công thức cho các quyết định chính sách, đồng thời cũng là quá trình xác định những thông tin cần thiết về chính sách trong tương lai” (William Dunn, Phân tích chính sách công, Prentice Hall, 1981). William Dunn đưa ra định nghĩa như sau: “Phân tích chính sách là một ngành khoa học xã hội ứng dụng, sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu và lập luận để tạo ra và truyền đạt những thông tin có liên quan đến lĩnh vực chính sách - thứ có thể được sử dụng trong quá trình chính trị để giải quyết các vấn đề xã hội” (William Dunn, sđd). Carl V. Patton định nghĩa “Phân tích chính sách là quy trình mà qua đó chúng ta xác định và đánh giá những chương trình hay chính sách lựa chọn nhằm mục đích làm giảm hoặc giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội”. Dù có những điểm khác nhau, nhưng các chuyên gia đều cho rằng, phân tích chính sách là hoạt động quan trọng và cần thiết trong chu trình chính sách, giúp tăng cường và cải thiện chất lượng các chính sách được ban hành và thực thi trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp hơn với nhiều vấn đề có quan hệ với nhau.

Chu trình chính sách là một chu trình liên tục, không bao giờ ngừng nghỉ, với nhiều hoạt động tiếp diễn theo thời gian, từ khi phát hiện vấn đề chính sách cho đến khi vấn đề được giải quyết thông qua những can thiệp của nhà nước vào hoạt động của các đối tượng. Trong đó, phân tích chính sách không phải là một giai đoạn mà là một hoạt động hỗ trợ cho các giai đoạn của chu trình chính sách. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi thống nhất quan điểm chu trình chính sách được thực hiện với những nội dung công việc cơ bản sau: (1) Xác định vấn đề chính sách; (2) Hình thành chính sách; (3) Xây dựng chính sách; (4) Thực hiện chính sách; (5) Đánh giá thực hiện chính sách.

Có nhiều phương pháp phân tích chính sách khác nhau, trong đó có thể tiếp cận theo phương pháp định tính và định lượng (việc phân chia hai nhóm phương pháp chỉ mang tính chất tương đối). Việc sử dụng các phương pháp phân tích này có thể đơn lẻ hoặc kết hợp, phù hợp với mục đích và các bước trong một chu trình chính sách.

Theo định tính, các phương pháp phân tích thường được sử dụng như phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp tham vấn chuyên gia, phương pháp phân tích theo nhu cầu, phương pháp nghiên cứu điển hình, phương pháp phân tích theo mục tiêu, phương pháp phân tích đánh giá tác động.

Phương pháp nghiên cứu tài liệu: đây là phương pháp phổ biến nhất, được thực hiện với hầu hết các nghiên cứu phân tích chính sách. Phương pháp này tập trung vào việc phân tích các nội dung chính sách đã được văn bản hóa trong các tài liệu. Nội dung đánh giá cũng được thực hiện dựa trên những phản ánh về chính sách cũng như các nghiên cứu tham khảo qua các phương tiện truyền thông, các văn bản tài liệu chính thống và phi chính thống. Để thực hiện phân tích, cần biết khai thác tài liệu, các nguồn tài liệu chính thống sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác hơn.Đồng thời, cần xem xét đánh giá trên các góc độ khác nhau, thông qua các ý kiến trái chiều.

Phương pháp chuyên gia có thể xem như một phương pháp quan sát gián tiếp. “Chuyên gia” ở đây được hiểu theo một nghĩa rất rộng. Họ có thể là các nhà nghiên cứu, có thể là những nhà hoạt động thực tiễn hoặc người dân. Trong phương pháp chuyên gia, người nghiên cứu sử dụng phương pháp phỏng vấn, điều tra bằng bảng hỏi, hoặc mở hội nghị để thảo luận... Mỗi phương pháp đều có những ưu việt và nhược điểm, tuỳ tình huống mà vận dụng linh hoạt và hiệu quả. Phỏng vấn thường được sử dụng để phát hiện các vấn đề của chính sách. Phỏng vấn sâu là để tiếp tục làm rõ những vấn đề chính sách đã được phát hiện ở bước phỏng vấn. Trong cả hai trường hợp, việc chọn mẫu để phỏng vấn và đặt câu hỏi phỏng vấn đóng một vai trò rất quan trọng. Khi chọn mẫu cần chú ý để mẫu đủ mang tính đại diện, nhưng phải đảm bảo tính ngẫu nhiên trong lựa chọn, không chọn một cách cố ý theo tình cảm chủ quan. Trong điều tra với bảng hỏi, các điểm quan trọng cần lưu ý là cách thiết kế câu hỏi nhằm phát hiện vấn đề liên quan tới chính sách cần điều tra (đặt câu hỏi); cách đặt giả thuyết điều tra; Chọn mẫu điều tra; Chọn kỹ thuật điều tra; Chọn phương pháp xử lý kết quả điều tra và thực hiện. Kết quả của phương pháp chuyên gia cũng có thể đưa ra những thông tin mang tính định lượng trong một số trường hợp cụ thể.

Phương pháp phân tích theo nhu cầu là phương pháp đưa ra các câu hỏi quan trọng về nhu cầu mà chính sách đang cố gắng hướng tới và đáp ứng nhu cầu đó. Bằng cách đối chiếu chính sách và kết quả thực hiện (hoặc kết quả được mong đợi) với chính sách đang được người dân yêu cầu trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhà phân tích đưa ra những kết luận và lựa chọn thích hợp để đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi chính sách.

Phân tích theo nhu cầu thường được tiến hành trong giai đoạn đầu tiên của chu trình chính sách: hình thành chính sách mới hay sửa đổi chính sách, cùng với việc xác định các mục tiêu chính sách. Trong trường hợp dùng để đưa ra những gợi ý sửa đổi chính sách, phân tích nhu cầu được tiến hành trong khi chính sách cũ đang được thực hiện và nảy sinh nhu cầu mới từ phía nhà quản lý, cơ quan thực thi, đối tượng thụ hưởng chính sách.

Phương pháp phân tích theo nghiên cứu điển hình nhằm xem xét các yếu tố về đối tượng nghiên cứu được xem là khác biệt hoàn toàn so với các đối tượng khác. Các thông tin thu được trong phân tích rất phong phú, cho phép đánh giá phân tích các chính sách ở các khía cạnh bất thường. Trong khi tiến hành phân tích theo nghiên cứu điển hình, lưu ý rằng một số dữ liệu thu thập được có thể là định lượng, chẳng hạn như số lượng các trường hợp tuân thủ tại thời điểm khác nhau trong ngày. Nghiên cứu điển hình không nhất thiết phải sử dụng dữ liệu định tính duy nhất. Nhìn chung, các nghiên cứu điển hình thường được coi là một biện pháp kỹ thuật định tính, nhưng chúng có thể chứa các thông tin định lượng. Một nghiên cứu điển hình cho nhiều thông tin về quá trình và kết quả, và những cách thức tồn tại, phát triển của chính sách. Nó cũng cho một số thông tin về tác động tổng thể của chính sách. Cách khắc phục sự hạn chế về phạm vi trong nghiên cứu điển hình là phải làm nhiều nghiên cứu điển hình để so sánh kết quả, xác định những điểm tương đồng và khác biệt trong việc thực hiện. Nghiên cứu so sánh này được thực hiện để làm rõ những tác động mà chính sách thể hiện.Nghiên cứu điển hình là một phương pháp khá toàn diện và mô phỏng được nhiều nhất các tác động của chính sách.

Phương pháp phân tích theo mục tiêu là một trong những phương pháp được sử dụng trong quá trình phân tích chính sách tài nguyên và môi trường. Chuyên gia phân tích chính sách không biết những tuyên bố công khai (hay ẩn ý) về mục tiêu, mục đích của chính sách. Điều này được thực hiện bằng cách lựa chọn một chuyên gia sàng lọc để đảm bảo người phân tích không tiếp cận được với mục tiêu của chính sách. Việc sàng lọc đánh giá này được thiết kế nhằm kiểm soát yếu tố chủ quan trong khi xem xét phân tích các mục tiêu của chính sách, đặc biệt quan trọng khi các yếu tố chủ quan đó có thể gây ảnh hưởng xấu, làm nhiễu khả năng phân tích tính đúng - sai của chính sách. Mặc dù phân tích theo mục tiêu đã được sử dụng trong hơn nửa thế kỷ, các tài liệu về chúng vẫn còn thưa thớt và phần lớn nặng về lý thuyết trong khi phương pháp này vẫn đang được sử dụng trên thực tế.

Phương pháp phân tích đánh giá tác động là cách kiểm định xem liệu các mục tiêu của một chính sách đã được triển khai có đạt được hay không nhờ cách tiếp cận định lượng và thực chứng chứ không phải chuẩn tắc. Để quyết định triển khai chính sách xã hội nào, cần phải hiểu rõ mối quan hệ nhân quả tồn tại giữa hành động can thiệp và kết quả của nó. Chỉ có thể đánh giá chính xác mối quan hệ nhân quả này nếu ta có được một “kịch bản đối chứng”: điều gì có thể sẽ xảy ra đối với những đối tượng thụ hưởng của chương trình hay của chính sách nếu hoạt động can thiệp này không được thực hiện.

Cách tiếp cận thứ hai là phân tích định lượng, có thể kể đến các phương pháp thường được sử dụng như khảo sát, điều tra, phân tích thử nghiệm, phân tích hiệu quả chi phí, phân tích đa tiêu chí...

Phương pháp khảo sát, điều tra - còn được gọi là phương pháp kiến tạo xã hội. Đây là một phương pháp hiệu quả để phân tích chính sách. Bản chất phương pháp này là quan sát hoặc tự mình trải nghiệm để nhận dạng những tác động của chính sách, những tác động trực tiếp, nối tiếp, kế tiếp và gián tiếp của chính sách. Phương pháp này đòi hỏi người làm chính sách phải biết nhạy cảm trước mỗi biến động của xã hội, dù rất nhỏ, để từ đó suy luận ra những tác động tiêu cực hay tích cực của các chính sách. Có thể sử dụng nhiều phương pháp để nhận dạng như khảo sát thực địa, điều tra xã hội. Khảo sát chính sách không giống như khảo sát thị trường. Khảo sát biến đổi xã hội là một công việc rất khó khăn. Trước hết cần dựa trên những cơ sở lý thuyết về biến đổi xã hội chẳng hạn, quan sát tập quán, mức sống, lối sống, văn hoá ứng xử của cộng đồng, để từ đó đưa ra những phán đoán về chính sách và các kết quả thực thi chính sách.

Phương pháp phân tích thử nghiệm bao gồm các phương pháp quan sát, thí nghiệm, thực nghiệm. Thử nghiệm được tiến hành để tìm hiểu tác động của một can thiệp cụ thể vào một biến nào đó. Bằng phương tiện của một thử nghiệm, có thể cung cấp bằng chứng thuyết phục về mối quan hệ giữa một can thiệp và tác động. Như vậy, phương pháp thử nghiệm rất thích hợp để trả lời các câu hỏi đánh giá, trong đó nguyên nhân đóng vai trò trung tâm. Trong bối cảnh các phân tích chính sách trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, một thử nghiệm được thiết kế để cung cấp nhận định sâu sắc về tác động của chính sách, do đó, thử nghiệm là một phương pháp tiếp cận truyền thống có hiệu quả.

Phương pháp phân tích hiệu quả - chi phí là phân tích mở rộng của phân tích tài chính, được sử dụng chủ yếu bởi các chính phủ và cơ quan quốc tế để xem xét một dự án hay chính sách có làm tăng phúc lợi cộng đồng hay không (Frances Perkins, Practical Cost Benefit Analysis: Basic Concepts and Applications, 1994). Anthony E. Boardman cũng giải thích: Phương pháp phân tích hiệu quả - chi phí là một phương pháp đánh giá chính sách, trong đó giá trị của tất cả các kết quả chính sách đối với mọi thành viên trong xã hội nói chungđược lượng hóa bằng tiền. Lợi ích xã hội ròng là thước đo giá trị của chính sách (Anthony E. Boardman và cộng sự, Cost - Analysis: Concepts and Practices, 2001). Như vậy, có thể hiểu, đây là một phương pháp thường được tiến hành trong quá trình ra quyết định nên chấp nhận hay loại bỏ một chính sách kinh tế - xã hội dựa trên tính hiệu quả của nó, hoặc quyết định lựa chọn giữa hai hay nhiều các chính sách có tính chất loại trừ lẫn nhau.

Phương pháp phân tích đa tiêu chí (MCA) là phương pháp đánh giá các giải pháp thay thế khác nhau dựa trên một số tiêu chí, và kết hợp các đánh giá riêng rẽ vào một đánh giá tổng thể (J.S. Dodgson và cộng sự, Multi-criteria analysis: a manual, 2009). Trong phương pháp này, mục tiêu mong muốn và các thuộc tính (hoặc các chỉ số tương ứng) được xác định cụ thể. Việc đo lường các chỉ số này thường dựa trên một phân tích định lượng (thông qua tính điểm, xếp hạng và đánh trọng số) dựa trên các nhóm và tiêu chí tác động. Trong phân tích chính sách tài nguyên và môi trường, đây là phương pháp được sử dụng đã từ lâu và ngày càng được phổ biến, hoàn thiện hơn do có nhiều ưu điểm và đáp ứng được nhu cầu về đánh giá chính sách trong quá trình phát triển bền vững.

Việc lựa chọn các phương pháp phân tích chính sách tùy thuộc mục tiêu, yêu cầu của từng hoạt động phân tích chính sách cụ thể, cũng như điều kiện về chuyên gia, trang thiết bị và cơ sở vật chất thực hiện nghiên cứu.

4. Phân tích theo chu trình chính sách của ngành tài nguyên và môi trường

Như vậy có thể thấy các phương pháp phân tích chính sách định tính hay định lượng đã được áp dụng trong công tác xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của các ngành, lĩnh vực khác nhau. Đối với ngành tài nguyên và môi trường, các đối tượng tác động của chính sách bao gồm các tài nguyên, các định chế môi trường, pháp nhân hoặc chủ thể trong xã hội. Việc áp dụng các phương pháp phân tích sẽ rõ ràng hơn khi xem xét các giai đoạn của chu trình chính sách. Các giai đoạn này như đã đề cập, sẽ gồm (1) Xác định vấn đề chính sách; (2) Hình thành chính sách; (3) Xây dựng chính sách; (4) Thực hiện chính sách; (5) Đánh giá thực hiện chính sách.

Trong chu trình chính sách, hoạt động phân tích chính sách thường xuyên diễn ra và các phương pháp phân tích chính sách được sử dụng theo nhiều cách khác nhau để cho ra kết quả phân tích đáng tin cậy nhất. Ngoài những phương pháp phân tích kể trên, thực tế một số phương pháp hay công cụ phân tích khác cũng thường được sử dụng, như phân tích SWOT, phân tích đánh giá chi phí thực hiện, chi phí tuân thủ, dự báo tác động (RIA). Trong hình 2, các phương pháp được đề xuất theo chu trình chính sách ngành tài nguyên môi trường theo 5 bước (A) Xác định vấn đề chính sách; (B) Hình thành chính sách; (C) Xây dựng chính sách; (D) Thực hiện chính sách; (E) Đánh giá thực hiện chính sách. Các phương pháp này có thể được thực hiện đơn lẻ hoặc kết hợp, theo mục đích phân tích của mỗi giai đoạn chu trình chính sách.

5. Kết luận

Việc áp dụng các phương pháp phân tích theo chu trình chính sách, cụ thể với ngành tài nguyên và môi trường giúp phân biệt rõ ràng mục đích, phạm vi và hiệu quả của mỗi phương pháp phân tích. Các phương pháp này cần được xem xét áp dụng đồng bộ, phối hợp để làm rõ các mục tiêu phân tích tại mỗi giai đoạn của chu trình chính sách.

Việc tiếp cận các phương pháp phân tích theo định lượng và định tính cho phép phân tích làm rõ hơn các tác động trong ngắn hạn hay dài hạn, tới các đối tượng chịu tác động cụ thể của chính sách, như các đối tượng về tài nguyên, môi trường, hay các thực thể xã hội.

Đề xuất áp dụng các phương pháp phân tích của nghiên cứu mang tính tương đối và khuyến nghị. Việc áp dụng thực tế cần xem xét rõ ràng mục đích phân tích, năng lực, và nguồn lực phù hợp.


TS. Nguyễn Tùng Lâm
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Tài liệu tham khảo

1. Agranoff, R. and Radin, B. (1991) ‘The comparative case study approach in public administration’, Research in Public Administration, vol 1, no 1, p. 203-231.

2. Ann Crabbé and Pieter Leroy, The Handbook of Environmental Policy Evaluation, 2008.

3. Anthony E. Boardman và cộng sự, Cost - Benefit Analysis: Concepts and Practices, 2001.

4. B. Guy Peter, Public Policy Instruments: Evaluating the Tools of Public Administration (New Horizons in Public Policy), 1999.

5. Carl V. Patton, David S. Sawicki và Jenifer J. Clark, Basis Methods of Policy Analysis and Planing, Pearson, 1993.

6. Daniel Lemer, Harold D. Lasswell, The Policy Sciences: Recent Developments in Scope and Method, Stanford University Press, University Microfilms International, 2002.

7. D. Campbell, J. Stanley, Experimental and Quasi-Experimental Designs for Research, 1968.

8. D. Stone, Polidy Pradox and Polical Reason, Foresman and Company, 1988.

9. D. Weimer và C. Vining, Policy Analysis: Concepts and Practices, Taylor & Francis, 2011.

10. Frances Perkins, Practical Cost Benefit Analysis: Basic Concepts and Applications, 1994.

11. G. Brewer và P.de Leon, The Foundations of Policy Analysis, Homewood, IL: Dorsey Press, 1983.

12. James Anderson, Public Policymaking, seventh edition, Cengage Learning, 2011

13. J. Dewey, How we think, Dover Publications INC., 1997

14. J.S. Dodgson và cộng sự, Multi-criteria analysis: a manual, 2009

15. Michal Ben-Gera, The Role of Ministries in the Policy System: Policy Development, Monitoring and Evaluation, paper prepared for SIGMA (Support for Improvement in Governance and Management), a joint initiative of the OECD and the EU, 2/2006.

16. Patton và cộng sự, Basic Methods of Policy Analysis and Planning, 2013.

17. Thomas Dye, Understanding Public Policy, Prentice Hall, 2002.

18. Walter Williams, Social policy research and analysis, American Elsevier Publishing Company, 1971

19. William Jenkin, Policy Analysis: A Political and Organisational Perspective, 1978.

20. William N. Dunn, Public Policy Anasalysis: An introduction, Pearson, 2008.

NỘI DUNG KHÁC

Ứng dụng cách tiếp cận foresight trong xây dựng chính sách quản lý tài nguyên và môi trường của Việt Nam

7-12-2018

Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề môi trường và tài nguyên nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng. Vì vậy, trước bối cảnh như hiện nay, công tác quản lý cần phải có những định hướng trước mắt cũng như dài hạn trong xây dựng chiến lược, chính sách, muốn vậy cần phải làm tốt công tác dự báo. Khác với cách tiếp cận khép kín của dự báo truyền thống, cách tiếp cận dự báo dài hạn (foresight) được xem như là cách thức giao tiếp, trao đổi và thỏa thuận giữa các thành phần khác nhau trong xã hội, từ đó phát hiện ra những giá trị khoa học, kinh tế, văn hóa và xã hội có đóng góp lớn cho xã hội chung trong tương lai, đồng thời tích hợp được trong quá trình dự báo các vấn đề cần thảo luận, đánh giá, phân tích, đề xuất chính sách thành một quá trình tổng hợp, liên ngành. Hiện nay, công tác dự báo chính sách của Việt Nam chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Do vậy, đây có thể được coi là cách tiếp cận mới hỗ trợ công tác dự báo trong xây dựng chiến lược ngành tài nguyên và môi trường.

Quản lý chất thải rắn ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp

3-9-2019

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, phát sinh chất thải rắn (CTR) ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề môi trường bức xúc. Gần đây, Chính phủ đã yêu cầu giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) làm cơ quan đầu mối thống nhất quản lý về chất thải rắn. Bài báo này giới thiệu tổng quan về công tác quản lý chất thải rắn ở nước ta và đề xuất một số định hướng giải pháp trong thời gian tới.

Chiến lược, chính sách biển của một số nước trong khu vực Biển Đông và tác động đối với Việt Nam

11-9-2019

Mở đầu Khi loài người bước vào thế kỉ 21, thực tế cho thấy rằng các chiến lược, chính sách quản lý tổng hợp biển ngày càng trở nên cần thiết để sử dụng, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển. Hầu hết các quốc gia đã có những chính sách cụ thể để quản lý hiệu quả, sử dụng bền vững biển. Trong đó tập trung các hướng phổ biến: một là xây dựng tầm nhìn tổng hợp, toàn diện trong công tác quản lý biển, đại dương và khu vực đới bờ trong quyền tài phán quốc gia, hai là phát triển hài hòa với các luật, chính sách liên quan đến biển đã có, ba là thúc đẩy phát triển bền vững biển và đới bờ, bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái và bốn là đưa ra các định hướng hướng dẫn để điều phối, giúp gắn kết hài hòa quyết định, hành động của các cơ quan ban ngành liên quan đến biển… mới thực sự phát triển trong những năm gần đây.

Các mô hình kinh tế tuần hoàn Việt Nam: Cơ hội định hướng phát triển

4-10-2019

1. Mở đầu Các mô hình phát triển kinh tế truyền thống - kinh tế tuyến tính (Linear Economy), dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, thông qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường, với các mô hình này dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình “ kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn”, trong đó tài nguyên đầu vào, chất thải, khí thải và năng lượng được tối thiểu hóa ngay từ trong quy trình sản xuất và tiêu dùng từ thiết kế, bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tân trang và tái chế lâu dài dựa trên động lực kinh tế, hướng đến một nền kinh tế phát thải bằng không.

Ô nhiễm môi trường biển Việt Nam - thực trạng và khuyến nghị

14-11-2019

Ngày nay, xu hướng cạn kiệt của các nguồn tài nguyên đất liền ngày càng đẩy mạnh khuynh hướng tiến ra biển, khai thác biển và làm giàu từ biển. Cùng với những đóng góp to lớn từ khai thác tài nguyên biển vào quá trình phát triển chung của đất nước, môi trường biển ở nhiều khu vực đang đứng trước nhiều thách thức. Ô nhiễm biển đến mức báo động đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia. Bài viết này trình bày thực trạng các vấn đề môi trường biển đang đối mặt hiện nay ở nước ta và tổng kết một số khuyến nghị về hướng giải pháp cụ thể nhằm hướng đến quản lý bền vững và bảo vệ môi trường biển.

Factors that affect land values and the development of land value maps for strenthening policy making in Vietnam: The case study of non-agricultural land in Quang Ninh province, Vietnam

3-12-2019

This study is a part of National Science and Technology Program on climate change response, natural resources and environment management from 2016 to 2020. The overall objectives of the study are: re-systemizing the classical and modern theories as well as identifying the factors affecting the land values in Vietnam; developing procedures and methods of mapping suitable land value areas in order to support the Government in policy making and regulating land use rights market in Vietnam. The results have classified three groups of factors that have impacts on land values in Vietnam. In particular, based on the successful test results in Quang Ninh Province, Vietnam, the research team discussed issues relating to land management institutions, issues of prices, land values in the context of applying the universal ownership regime to land and developing a socialist-oriented market economy in Vietnam. These results show that “the use of value theory and the development of land value maps helps the Government effectively manage and regulate land use rights market in Vietnam. Keywords: land value, value zone map, non-agricultural land, Quang Ninh province, climate change.

Tổng quan về quản lý chất thải rắn trên thế giới và một số giải pháp cho Việt Nam

16-12-2019

Cùng với sự gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, chất thải rắn (CTR) đang gia tăng cả về khối lượng và chủng loại. Ở nước ta, công tác quản lý CTR còn nhiều bất cập như tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt nông thôn còn chưa cao; CTR sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; tỷ lệ tái chế còn thấp; phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh… (Thắng N.T và cộng sự, 2019). Quản lý CTR yếu kém đã trở thành vấn đề nổi cộm, bức xúc ở nhiều địa phương thời gian qua như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ngãi…, đặt ra nhu cầu bức thiết phải có các giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới. Bài viết này có mục đích cung cấp tổng quan chung về tình hình quản lý CTR trên thế giới, để có sự so sánh, nhìn nhận về thực trạng quản lý CTR ở nước ta hiện nay. Từ đó, có thể đề xuất những giải pháp cải thiện và tăng cường công tác quản lý CTR trong thời gian tới.

Cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

1-1-2020

1. Mở đầu Trải qua một quá trình phát triển của kinh tế thế giới từ nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, lên công nghiệp, công nghiệp hiện đại và hướng đến nền kinh tế số, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đạt được những thành tựu to lớn, tuy nhiên cùng với đó là sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng. Để khắc phục những vấn đề này nhằm đảm bảo cho kinh tế phát triển ổn định, không thiếu hụt nguồn cung cấp đầu vào cho hệ thống kinh tế và giảm thiểu tối đa chất thải đưa ra môi trường, hướng đến một nền kinh tế không có chất thải, chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính (Linear Economy), dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên thiên nhiên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, thông qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường sang kinh tế tuần hoàn (Circular Economy), dựa trên nguyên lý chất thải đầu ra của hoạt động kinh tế sẽ được thu hồi trở lại đầu vào cho hệ thống kinh tế dưới dạng tài nguyên và không phát thải ra môi trường.

Một số định hướng chiến lược về bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời gian tới

2-2-2020

Nhân loại đang bước sang một thập niên mới của thế kỷ 21 trong bối cảnh chiến tranh thương mại, cạnh tranh nước lớn và cách mạng công nghiệp 4.0. Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gia tăng, xu hướng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên tiếp tục tiếp diễn. Ở nước ta, tăng trưởng kinh tế trong vài năm gần đây đạt được kết quả khá cao, xấp xỉ 7%/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, dự kiến 50% dân số sẽ thuộc diện tầng lớp trung lưu vào năm 2035 (OECD, 2019). Tuy nhiên, ô nhiễm, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên và BĐKH gia tăng sẽ vẫn là các thách thức lớn đối với sự phát triển của đất nước. Cùng với cộng đồng quốc tế, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục chủ trương phát triển nhanh và bền vững với cam kết thực hiện thành công 17 mục tiêu PTBV đến 2030 và Thỏa thuận Pari về BĐKH.

Tiếp cận trong đánh giá sức chịu tải của môi trường không khí và hướng áp dụng cho Việt Nam

11-3-2021

Ô nhiễm không khí đang là vấn đề bức xúc, là thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới do các tác động lớn đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Vấn đề ô nhiễm không khí đã và đang trở thành mối nguy cơ lớn ảnh hưởng tới phát triển bền vững của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc quản lý, nâng cao chất lượng không khí là hết sức quan trọng, không chỉ giảm được tác động có hại đến sức khỏe con người mà còn giúp phát triển kinh tế, xã hội đạt hiệu quả cao hơn.

Các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

6-2-2023

Theo ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường), nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên (TNTN) của Thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của Trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường thiên nhiên. Thực tế đó dẫn đến yêu cầu cấp bách phải tìm ra mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững hơn về sử dụng TNTN, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Nhận thấy lợi ích lâu dài của kinh tế tuần hoàn (KTTH) nên nhiều nước trên Thế giới đã chuyển đổi nền kinh tế của mình từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH, từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh.

Khai thác hiệu quả đất ven biển vùng Nam Trung Bộ

6-2-2023

Thời gian qua, vùng đất ven biển các tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ bị xâm nhập mặn, ngập úng, khô hạn, hoang mạc hóa, bồi lấp cửa sông,... ảnh hưởng không nhỏ hoạt động sản xuất, môi trường sống của người dân. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu, tìm các giải pháp trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất.