ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Luật Đất đai năm 2024: Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai theo hướng minh bạch và đơn giản hóa

Ngày đăng: 08 | 03 | 2024

Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính (CCHC), giảm phiền hà, tiêu cực. 

    Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai. Có cơ chế đầu tư, chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ, công chức ngành quản lý đất đai; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại”. Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, khắc phục các tồn tại hạn chế và đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai, Luật Đất đai năm 2024 đã dành 1 Chương để quy định về nội dung này nhằm đẩy mạnh CCHC theo hướng minh bạch và đơn giản hóa, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

    Thực trạng CCHC trong lĩnh vực đất đai

    Tổng kết thực tiễn việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 31/10/2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Riêng về cải cách TTHC, số lượng TTHC đã giảm 30 thủ tục đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp; giảm 9 thủ tục đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp. Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi Luật Đất đai, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều thủ tục liên quan đến giao đất, cho thuê đất, đăng ký, cấp giấy chứng nhận… theo hướng bãi bỏ những thủ tục, công việc không cần thiết; rút ngắn thời gian thực hiện; giảm số lượng bộ hồ sơ, thành phần hồ sơ phải nộp, quy định luân chuyển hồ sơ điện tử giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế, kho bạc trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; liên thông thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất; thẩm định điều kiện giao đất cho thuê đất đối với các dự án đầu tư. Triển khai trên thực tế, thời gian thực hiện các thủ tục cơ bản được bảo đảm đúng quy định và giảm so với trước đây. Về công bố bộ TTHC trong lĩnh vực đất đai, ngày 28/4/2023, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký Quyết định số 1085/QĐ-BTNMT về việc công bố TTHC được sửa đổi, bổ sung; TTHC bị bãi bỏ trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Trên cơ sở bộ TTHC do Bộ TN&MT công bố, các địa phương tiến hành công bố bộ TTHC tại địa phương. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố công bố bộ TTHC tại địa phương. CCHC trong lĩnh vực đất đai được coi trọng, trình tự thủ tục đã được đơn giản hóa, thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn, phương thức thực hiện TTHC được đa dạng hóa và chuyển dần từ trực tiếp sang trực tuyến, từng bước đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, còn các TTHC khác giao Chính phủ quy định các TTHC trong lĩnh vực đất đai. Trong quá trình giải quyết các TTHC về đất đai như giao đất, cho thuê đất; chuyển mục đích sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất... nhiều thủ tục khác có liên quan được thực hiện trước đó hoặc đồng thời (chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư, xây dựng, tài chính...) nhưng cơ quan giải quyết TTHC về đất đai phải chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả cuối cùng, dẫn đến làm tăng thời gian giải quyết thủ tục, không minh bạch trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, gây tâm lý né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc. Bên cạnh đó, một số TTHC quan trọng về đất đai liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp như thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất không được quy định trình tự tại Luật tạo ra nguy cơ phát sinh các thủ tục phụ tại các văn bản hướng dẫn thi hành dẫn đến làm tăng thời gian giải quyết thủ tục, không minh bạch trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, gây tâm lý né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng cho rằng “CCHC trong quản lý đất đai còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”.

    Điểm mới về CCHC trong Luật Đất đai năm 2024

    Từ thực tiễn trên cho thấy, đẩy mạnh thực hiện CCHC trong công tác quản lý ở lĩnh vực đất đai là rất cần thiết. Sự minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý và cung cấp thông tin giúp cho hệ thống quản lý đất đai đáp ứng được những yêu cầu trong quá trình phát triển kinh tế và xây dựng đất nước, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt hơn quyền tiếp cận đất đai, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian giải quyết, gắn với rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai năm 2024 tiếp tục kế thừa quy định Luật năm 2013 giao Chính phủ quy định các TTHC trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, Luật vừa thông qua đã dành một Chương (Chương XIV) quy định TTHC về đất đai gồm có 7 điều (Từ Điều 223 - 229). So với Luật Đất đai năm 2013, nội dung Chương này đã sửa đổi, bổ sung thêm 4 điều (ngoài 3 điều đã được quy định trước đây gồm các nội dung quy định TTHC về đất đai, công khai TTHC về đất đai và thực hiện TTHC về đất đai) gồm: (i) Các TTHC về đất đai, (ii) Công bố, công khai TTHC về đất đai; (iii) Trách nhiệm thực hiện TTHC về đất đai), đó là, bổ sung nguyên tắc thực hiện TTHC về đất đai; Trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá QSDĐ, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá QSDĐ. Quy định các TTHC về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đảm bảo đồng bộ với Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu; đặc biệt là trình tự, thủ tục giao đất, thuê đất có mặt nước ven biển, thực hiện dự án lấn biển, công trình ngầm. Đối với tác động về TTHC, nhiều ý kiến nhận định, giải pháp này sẽ giữ tính ổn định, đáp ứng yêu cầu CCHC trong từng giai đoạn, phù hợp với Chính phủ điện tử trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo sự linh hoạt và mang lại lợi ích cho cả người quản lý và người sử dụng đất. Đối với tác động đối với hệ thống pháp luật, về cơ bản, giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, tuy nhiên cần thống nhất với pháp luật về tiếp cận thông tin, giao dịch điện tử và an toàn mạng.

    Lần đầu tiên, nguyên tắc thực hiện TTHC về đất đai được quy định rõ ràng trong Luật Đất đai sửa đổi. Cụ thể, thực hiện TTHC về đất đai cần đảm bảo 5 nguyên tắc gồm: “1. Bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, chính xác giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết TTHC. 2. Bảo đảm phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, lồng ghép trong việc giải quyết TTHC về đất đai, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền góp phần cải cách TTHC. 3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thực hiện TTHC về đất đai chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đã nộp. 4. Các TTHC về đất đai được thực hiện bằng hình thức trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử và có giá trị pháp lý như nhau. 5. Cơ quan giải quyết TTHC về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật, không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó”. Trong đó nhấn mạnh, các TTHC về đất đai được thực hiện bằng hình thức trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử và có giá trị pháp lý như nhau; Cơ quan giải quyết TTHC về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật. Việc quy định trong Luật đã làm rõ về hình thức nộp hồ sơ để đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và ứng dụng công nghệ bao gồm hình thức nộp trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường điện tử đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; sẽ giúp cho doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc tra cứu thông tin, dịch vụ công các ngành, lĩnh vực, các địa phương; theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết TTHC; thực hiện TTHC mọi lúc, mọi nơi; thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện TTHC; dịch vụ công; Rút gọn quy trình và thời gian giải quyết TTHC; Nâng cao tính minh bạch trong giải quyết TTHC; Mở rộng các kênh giao tiếp công dân; Tăng cường các hoạt động hỗ trợ công dân… Ví dụ, liên quan đến thủ tục cấp sổ đỏ, có rất nhiều quy định đã và sẽ tiếp tục được cải tiến nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Chẳng hạn, dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia đã được triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Người dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện tất cả các bước mà trước đây phải làm trực tiếp: nhận thông báo thuế tại bộ phận một cửa, nộp tiền tại ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước, đến bộ phận một cửa để nộp lại chứng từ. Sau các bước thực hiện qua mạng như trên, cán bộ một cửa và cán bộ đất đai tiếp tục thẩm định, cấp sổ đỏ cho người dân. Như vậy, việc thực hiện các thủ tục bằng hình thức trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm được ít nhất 1 ngày cộng với 4 lần đi lại. Thay vì phải đến Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, người dân được quyền thỏa thuận với phía văn phòng đăng ký về thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ cũng như trả kết quả giải quyết thủ tục, miễn là không quá thời gian do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh quy định. Điều này vừa giúp thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho người dân, vừa giúp giảm áp lực của các cơ quan tiếp nhận hồ sơ, từ đó có tác động tốt đến xã hội. Ngoài ra, để làm rõ hơn nội dung này, Luật cũng đã bổ sung ở Chương XII về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với các quy định về trách nhiệm, thời gian các Bộ, ngành và địa phương đưa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành, khai thác; quy định kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành có liên quan và quy định về dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử về đất đai nhằm tạo công cụ để người dân, doanh nghiệp có thể truy xuất, kiểm tra quá trình giải quyết TTHC về đất đai của cơ quan giải quyết thủ tục trên môi trường điện tử.

    Tại Điều 228, các quy định mang tính nguyên tắc về TTHC về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ, thời gian cụ thể đối với từng TTHC nhằm đảm bảo sự thống nhất trong việc ban hành TTHC và tổ chức thực hiện. Giải pháp này giúp cho việc quy định mang tính nguyên tắc về TTHC về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo minh bạch trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và định hướng việc quy định chi tiết về hồ sơ, thời gian thực hiện TTHC trong văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất khi triển khai thực hiện. Đồng thời, việc giao Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, thời gian thực hiện TTHC đảm bảo sự linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế của xã hội và đáp ứng khả năng cải cách, cắt giảm TTHC trong bối cảnh chuyển đổi số. Đối với người dân và doanh nghiệp, giải pháp này góp phần đảm bảo TTHC được công khai, minh bạch ngay tại Luật để người dân và doanh nghiệp chủ động thực hiện. Về tác động đối với hệ thống pháp luật, khi thực hiện giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.

    Trong điều kiện đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì QSDĐ là một loại hàng hóa đặc biệt, phải được lưu thông trên thị trường bằng nhiều cách thức, trong đó có đấu giá như các loại tài sản khác. Đấu giá QSDĐ là phương thức giúp Nhà nước huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, xã hội. Trên cơ sở nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh giữa những người tham gia đấu giá, người trả giá cao nhất sẽ là người nhận được QSDĐ. Từ đấu giá QSDĐ đã tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, trường học, bệnh viện, trạm xá, nhà trẻ, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống thuỷ lợi, hệ thống điện, công viên, vườn hoa cây xanh… Điều 229 của Luật Đất đai năm 2024 đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá QSDĐ. Theo đó, việc chuẩn bị tổ chức thực hiện đấu giá QSDĐ được thực hiện như sau: Đơn vị đang được giao quản lý quỹ đất lập phương án đấu giá QSDĐ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá QSDĐ có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ của khu đất, thửa đất đấu giá, gửi đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai để trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định đấu giá QSDĐ; Cơ quan có chức năng quản lý đất đai tổ chức thực hiện việc xác định giá khởi điểm của khu đất, thửa đất đấu giá, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt; Căn cứ đề nghị của cơ quan có chức năng quản lý đất đai, UBND cấp có thẩm quyền quyết định đấu giá QSDĐ; Đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá QSDĐ có trách nhiệm tổ chức lựa chọn và ký hợp đồng thuê đơn vị, tổ chức thực hiện cuộc bán đấu giá QSDĐ. Trước đây, khi hình thức đấu giá QSDĐ để Nhà nước giao đất, cho thuê đất chưa xuất hiện, hoạt động giao đất, cho thuê đất của Nhà nước cho các tổ chức, cá nhân sử dụng chủ yếu mang tính chất hiện vật, bao cấp theo cơ chế “xin - cho” đã tạo điều kiện cho tình trạng tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai. Tham gia đấu giá QSDĐ, các chủ thể phải cạnh tranh để có đất sử dụng. Các chủ thể đủ điều kiện tham gia đấu giá đều được cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt. Trong đấu giá QSDĐ, với các trình tự, thủ tục được quy định rõ ràng trong Điều 229, từ quy hoạch quỹ đất để đấu giá đến trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá QSDĐ theo hướng công khai, minh bạch, góp phần hạn chế tối đa điều kiện làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong giao đất, cho thuê đất, trong quản lý, sử dụng đất.

    CCHC là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, đó là “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”. Tuy nhiên, lĩnh vực đất đai luôn là vấn đề nhạy cảm, nhiều hồ sơ, thủ tục; trong khi đó, để hoàn thiện, xác minh đúng, đủ một hồ sơ phải có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị. Vì vậy, để CCHC trong lĩnh vực đất đai thành công rất cần sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, nhất là sự chung tay của từng cán bộ, viên chức và mỗi người dân. Trên cơ sở Luật Đất đai vừa được ban hành, các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CCHC gắn với tuyên truyền các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; chủ động thực hiện CCHC gắn với các mục tiêu nhiệm vụ chính trị của ngành.

Đỗ Mạnh Hiển

Học viện Hành chính Quốc gia

(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Luật Đất đai số 45/2013/QH13.

2. Luật Đất đai số 31/2024/QH15.

 3. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

4. Quyết định số 1085/QĐ-BTNMT, ngày 28/4/2023 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc công bố TTHC được sửa đổi, bổ sung; TTHC bị bãi bỏ trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

NỘI DUNG KHÁC

Luật Đất đai năm 2024 và cơ hội hiện thực hóa các chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

12-3-2024

Trong hai thập kỷ qua, nhiều Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và văn bản thực thi chính sách của Chính phủ về đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được ban hành và triển khai. Luật Đất đai năm 2024 là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và góp phần hiện thực hóa các chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS. Bài viết này tập trung phân tích một số điểm nổi bật liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS được thể hiện trong Luật Đất đai năm 2024 và một số vấn đề cần làm rõ hơn nhằm đưa những quy định này vào thực tế cuộc sống.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thời gian tới

12-3-2024

Từ sau khi Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT (Nghị quyết số 24-NQ/TW) được ban hành, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn thiên nhiên (BTTN) và đa dạng sinh học (ĐDSH) tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế.

Đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

13-3-2024

Luật Đất đai 2024 đã dành 1 Chương là Chương V gồm 18 điều, từ Điều 60 đến Điều 77 quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đề xuất hệ số K cho xác định giá trị dịch vụ môi trường trong định giá rừng tại Việt Nam

15-3-2024

  Các hệ sinh thái rừng trên thế giới bao phủ 30% diện tích bề mặt Trái đất, đóng vai trò là nguồn cung cấp các giá trị và dịch vụ quan trọng, đa dạng cho xã hội loài người. Là môi sinh sống của hơn 80% các loài sinh vật trên cạn, các hệ sinh thái rừng hỗ trợ cho việc duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học. Rừng hấp thụ và lưu trữ các-bon từ khí quyển, góp phần điều chỉnh chu trình các-bon toàn cầu và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Các hệ sinh thái rừng khỏe mạnh tạo ra và bảo tồn đất, ổn định dòng chảy, ngăn ngừa suy thoái đất và sa mạc hóa, đồng thời giảm thiểu rủi ro do thiên tai như hạn hán, lũ lụt và lở đất. Bên cạnh đó, các hệ sinh thái rừng còn là nơi có giá trị thẩm mỹ, giải trí, tinh thần cao trong nhiều bối cảnh văn hóa và xã hội. Ngoài ra, rừng còn góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế bằng cách cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ cho nhu cầu hàng ngày và tạo thu nhập cho hàng triệu người (Micheal J. and Brian S., 2018).

Giải pháp quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu lĩnh vực Giao thông vận tải

25-3-2024

 Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW (được ban hành tại Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 và Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/1/2021), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã xây dựng và ban hành các văn bản để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực GTVT.

Hướng dẫn quy trình, phương pháp và mẫu báo cáo thực hiện kiểm toán môi trường tại Việt Nam

25-3-2024

Thực hiện kiểm toán môi trường (KTMT) được xem là công cụ quản lý môi trường hiệu quả của các doanh nghiệp sản xuất. Bên cạnh đó, KTMT cũng dược xem là kênh thông tin đáng tin cậy, cung cấp cho cơ quan quản lý về tình hình quản lý môi trường của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, mặc dù nội dung KTMT đã được một số tổ chức, đơn vị thực hiện, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật chung nhất làm tài liệu để tham khảo. Do vậy, trong một số trường hợp, các nội dung KTMT chủ yếu đang được lồng ghép vào các cuộc kiểm toán tài chính hay quy trình thanh tra, kiểm tra.

Vai trò của lĩnh vực năng lượng đóng góp giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát ròng bằng “0” vào năm 2050

25-3-2024

 Năng lượng đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) (gọi tắt là Nghị quyết số 24-NQ/TW), lĩnh vực năng lượng được định hướng phát triển trên quan điểm: “Chú trọng phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT)”. Nghị quyết đã nêu ra nhiệm vụ cụ thể là “Thúc đẩy, phát triển, sử dụng năng lượng mới, NLTT, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống, đẩy mạnh đầu tư phát triển và sử dụng năng lượng mới, NLTT; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng mới, NLTT trong tổng năng lượng quốc gia; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển năng lượng mới, NLTT; đẩy mạnh hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên từ bên ngoài, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nước; phát triển sản xuất các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới để thay thế các loại tài nguyên truyền thống”.

Phát triển đô thị bền vững, thân thiện với môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu

25-3-2024

    Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ ở nước ta, tính đến năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa đạt 42%. Tuy nhiên, việc phát triển đô thị nhanh cũng đã tạo ra gánh nặng lên môi trường. Bên cạnh đó, BĐKH đã gây ra nhiều rủi ro về thiên tai, vì vậy, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với BĐKH là mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Đổi mới quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2024

25-3-2024

​​​​​​​Đấu thầu nói chung và đấu thầu dự án có sử dụng đất nói riêng là hoạt động của nền kinh tế thị trường với nguyên tắc tiếp nhận mô hình kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và đất đai trở lên có giá trị. Đấu thầu các dự án có sử dụng đất sẽ hạn chế được tình trạng tham nhũng trong giao đất, cho thuê đất. Thông qua đấu thầu các dự án có sử dụng đất với các điều kiện ràng buộc chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ, nhiều đối tượng có cơ hội tiếp cận, đăng ký tham gia cũng sẽ cho phép lựa chọn được dự án sử dụng đất tham gia đấu thầu và nhà đầu tư có khả năng tốt nhất về kỹ thuật, về tài chính để thực hiện dự án cộng với yếu tố mặt bằng sẵn có, dự án sẽ được triển khai một cách nhanh chóng, thuận lợi, đem lại lợi ích cho cả Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện lựa chọn dự án sử dụng đất để thực hiện đấu thầu ở các địa phương còn có nhiều vấn đề như: Căn cứ để lựa chọn các dự án chưa được quy định cụ thể; sự phối hợp giữa cơ quan quản lý đất đai và các cơ quan có liên quan chưa được quy định rõ ràng; vướng mắc khi thực hiện các thủ tục về đất đai như: quản lý quỹ đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giá bồi thường về đất cho người sử dụng đất; hình thức sử dụng đất áp dụng cho chủ đầu tư;… Vì vậy, Luật Đất đai năm 2024 đã đổi mới các quy định của pháp luật đất đai về đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất; đảm bảo sự hài hòa lợi ích 3 bên (giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất) trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Một số đề xuất giảm thiểu sự cạnh tranh và xung đột về nước mặt tại lưu vực sông Cửu Long

25-3-2024

  Sông Cửu Long là một trong các lưu vực sông lớn của Việt Nam, chảy qua 13 tỉnh, thành phố, bao gồm: TP. Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang có diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu hecta với tổng lượng tài nguyên nước hàng năm khoảng 474 tỷ m3, trong đó lượng nước nội sinh từ mưa trên LVS Cửu Long khoảng 30 tỷ m3 và lượng nước từ thượng lưu chảy về LVS Cửu Long khoảng 441 tỷ m3, đóng góp khoảng 50% tổng sản lượng lúa gạo, 70% lượng trái cây của cả nước, 90% sản lượng gạo và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu, góp phần nuôi sống khoảng 40 triệu người ở các nước châu Á và châu Phi và là nơi sinh sống của trên 22% tổng dân số Việt Nam.

Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu giá quyền sử dụng đất theo giá đất thị trường ở Việt Nam hiện nay

27-3-2024

 Vấn đề xác định giá đất thị trường và đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất theo giá đất thị trường là bài toán nan giải và là một trong những nội dung luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của nhân dân khi sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Trong khuôn khổ bài viết này,  tác giả khái quát "giá đất thị trường" và thực trạng đấu thầu QSD đất theo giá đất thị trường, cũng như thực trạng ban hành và thực hiện quy định pháp luật về đấu giá QSD đất ở Việt Nam hiện nay. Tư đó, đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả đấu giá QSD đất theo giá đất thị trường ở Việt Nam hiện nay.

Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn: Các công cụ chính sách hiện nay ở Việt Nam và xu hướng quốc tế

27-3-2024

 Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, góp phần bảo vệ môi trường (BVMT), đem lại hiệu quả kinh tế. KTTH được xem là xu thế tất yếu của thời đại, có sự đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích tại bàn, phân tích chính sách hiện hành nhằm phân tích các công cụ chính sách, quy định pháp luật hiện hành về KTTH, từ đó khuyến khích xây dựng mô hình KTTH tại Việt Nam.