ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Giải pháp quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu lĩnh vực Giao thông vận tải

Ngày đăng: 25 | 03 | 2024

 Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW (được ban hành tại Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 và Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/1/2021), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã xây dựng và ban hành các văn bản để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực GTVT.

       1. Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của đảng trong Nghị quyết

    Theo đó, Bộ đã thực hiện lồng ghép bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trong xây dựng và sửa đổi, bổ sung 04 Luật chuyên ngành GTVT (Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Luật Đường sắt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa).

    Nghiên cứu, đề xuất tham gia 05 điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường của Tổ chức Hàng hải quốc tế (Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra; Công ước quốc tế về kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại của tàu).

    Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 văn bản, bao gồm: Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; Nghị định số 82/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 của Chính phủ quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/05/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu; Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT.

    Xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành: 20 thông tư quy định về công tác bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong GTVT và quy định việc kiểm tra, chứng nhận về bảo vệ môi trường đối với phương tiện GTVT; 19 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định mức tiêu chuẩn khí thải và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tàu biển, phương tiện thủy nội địa, tàu bay và 03 tiêu chuẩn cơ sở.

    Ban hành 03 chỉ thị về chủ động ứng phó BĐKH, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong ngành (Chỉ thị số 02/CT-BGTVT ngày 18/02/2014 về chủ động ứng phó BĐKH, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong ngành GTVT; Chỉ thị số 07/CT-BGTVT ngày 03/8/2016 về việc đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường GTVT; Chỉ thị số 10/CT-BGTVT ngày 07/10/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động GTVT).

    2. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH

    2.1. Về ứng phó với biến đổi khí hậu:

    Thực hiện lồng ghép yếu tố ứng phó với BĐKH vào các quy hoạch của ngành theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Bảo vệ môi trường.

    Phối hợp với các nhà tài trợ thực hiện lồng ghép thích ứng với BĐKH trong một số dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao độ cao trình bến cảng; nâng dự phòng tĩnh không cầu đường bộ; hạn chế tối đa tác động thay đổi dòng chảy, chống sạt lở, sụt trượt, cản lũ trên một số đoạn, tuyến quốc lộ.

    Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại đến 9 chỗ ngồi; dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện; quy định về quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí COtừ tàu bay trong hoạt động hàng không dân dụng; quy định về hiệu quả năng lượng đối với tàu biển; sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng trong khai thác cảng hàng không, cảng biển, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; ứng dụng các giải pháp tiết kiệm nhiên liệu trong khai thác tàu bay; thúc đẩy phát triển vận tải ven biển.

    Các tỉnh, thành phố đã thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và xe taxi; tại thời điểm báo cáo tổng kết, cả nước có  9.471 xe ô tô khách thành phố (trong đó có 683 xe sử dụng nhiên liệu sạch khí tự nhiên nén (CNG) chiếm 7,2%, 213 xe điện, 8.575 xe sử dụng nhiên liệu diesel); có 1723 xe taxi điện.

Tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông, kết nối mạng lưới giao thông hiện đại, tiện lợi và đô thị văn minh

    Thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong ngành GTVT định kỳ 02 năm một lần; nghiên cứu xây dựng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong GTVT đến năm 2030.

    Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế với GIZ, JICA, WB, ADB, UNDP để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH và xây dựng các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong GTVT.

    2.2. Về quản lý tài nguyên:

    Sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý sử dụng đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông lĩnh vực đường bộ, sắt, hàng không.

     hỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện việc kiểm tra, sắp xếp xử lý diện tích nhà đất các đơn vị trực thuộc Bộ tại các tỉnh/thành phố.

    Rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong lĩnh vực giao thông giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025 và tham gia thẩm định các quy hoạch sử dụng đất các tỉnh/thành phố.

    Hướng dẫn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, điều chỉnh diện tích đất sử dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.

    Triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thi hành chính sách pháp luật về khoáng sản; hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện các quy định của pháp luật về khai thác nguyên vật liệu xây dựng trong hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Quy định về công tác quản lý các dự án nạo vét, duy tu thường xuyên trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa có liên quan tới các thủ tục về khoáng sản tận thu cát, sỏi.

    Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, vật liệu mới có khả năng thích ứng với BĐKH; nghiên cứu sử dụng vật liệu tái chế (xỉ thép làm móng mặt đường; phụ gia tái chế từ nhựa sử dụng trong hỗn hợp BTN nóng), tái sử dụng đất đào, bùn cát nạo vét trong đầu tư xây dựng và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác nghiên cứu sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên vật liệu trong công trình giao thông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình giao thông.

    2.3. Về bảo vệ môi trường:

    - Bảo vệ môi trường trong xây dựng chiến lược, quy hoạch và dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông:

    Bộ đã lập, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cho các chiến lược, dự án quy hoạch phát triển GTVT do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các quy hoạch cấp ngành khác đã được lồng ghép nội dung đánh giá môi trường chiến lược trong hồ sơ quy hoạch theo quy định pháp luật.

    Các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đều được lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2013-2022, Bộ GTVT đã thẩm định, phê duyệt 216 báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền.

    Tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2017, hàng năm, Bộ GTVT đã thực hiện kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ dự án và các nhà đầu tư tuân thủ công tác bảo vệ môi trường theo các nội dung đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

     Kiểm soát phát thải từ hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới: (i) Kiểm tra, chứng nhận về khí thải đối với xe cơ giới theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg, số 49/2011/QĐ-TTg và số 16/2019/QĐ-TTg); xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3, mức 4, mức 5 đối với xe mô tô hai bánh, xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; (ii) rà soát, cập nhật các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm đối với tàu biển, phương tiện thủy nội địa; thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu, nước thải, rác thải, chất lỏng độc hại và khí thải đối với các phương tiện này theo quy định pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận về khí thải động cơ tàu bay, tiếng ồn tàu bay theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế; (iii) kiểm tra, chứng nhận về bảo vệ môi trường đối với đầu máy, toa xe theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017.

    - Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ GTVT: (i) Chỉ đạo xử lý dứt điểm 08 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; (ii) Đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong ngành GTVT theo yêu cầu tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ; (iii) Hướng dẫn các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải, công nghiệp và y tế GTVT tổ chức thu gom, phân loại, lưu giữ và đã ký hợp đồng với các tổ chức có chức năng để vận chuyển, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; vận hành hệ thống xử lý nước thải và tổ chức quan trắc môi trường định kỳ; (iv) Giám sát hoạt động tiếp nhận, chuyển xử lý dầu thải, nước lẫn dầu từ tàu biển tại các cảng biển, qua đó bước đầu đảm bảo công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại các vùng nước cảng biển; (v) Thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền 24 đề án bảo vệ môi trường chi tiết cho các cảng hàng không, cảng biển, cảng thủy nội địa và cơ sở y tế GTVT.

    Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW kết quả đạt được như sau: (i) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác môi trường GTVT được ban hành đã đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý, phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao chất lượng công tác môi trường GTVT; (ii) Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, sử dụng tài nguyên trong GTVT đã được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật liên quan; (iii) Cơ bản đã lồng ghép các yếu tố BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, dự án đầu tư trong các lĩnh vực ngành GTVT; (iv) Bước đầu thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện môi trường; việc kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới ngày càng được tăng cường, mức tiêu chuẩn khí thải áp dụng ngày càng nâng cao. (v) Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong công tác môi trường đã tiếp tục được quan tâm, phát triển. Tích cực triển khai thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ, vật liệu mới, kết quả nghiên cứu trong công tác xây dựng, bảo trì công trình giao thông; (vi) Nhận thức về công tác môi trường của toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành GTVT đã được nâng lên; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên của các cơ quan, đơn vị đã được nâng cao.

    2.4. Bài học kinh nghiệm:

    Qua thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

    Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và đội ngũ cán bộ, công chức ngành GTVT.

    Hai là, chủ động, kịp thời xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật liên quan để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW.

    Ba là, huy động sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị bao gồm cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ Trung ương tới địa phương tạo khối đoàn kết và phát huy sức mạnh tập thể.

    Bốn là, thường xuyên nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.

    3. Đề xuất, kiến nghị về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong thời gian tới

    Về mục tiêu

    Về ứng phó với biến đổi khí hậu: (i) Lồng ghép ứng phó với BĐKH trong cập nhật, xây dựng mới 100% quy hoạch phát triển GTVT; từng bước nâng cao khả năng chống chịu BĐKH đối với kết cấu hạ tầng GTVT, nhất là tại khu vực miền núi và đồng bằng sông Cửu Long; (ii) Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động GTVT, góp phần vào mục tiêu giảm 15,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) của quốc gia. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm từng bước thực hiện cam kết phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

    Về quản lý tài nguyên: Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong các hoạt động của ngành GTVT; tiếp tục thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng trong GTVT theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng điện, năng lượng xanh.

    Về bảo vệ môi trường: (i) 100% quy hoạch phát triển GTVT được đánh giá môi trường chiến lược theo quy định; 100% dự án đầu tư, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định; (ii) Kiểm soát cơ bản được nguồn gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải, hàng không.

    Nhiệm vụ, giải pháp:

    Tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và đội ngũ cán bộ, công chức ngành GTVT; nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ công chức tham mưu, thực thi chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với BĐKH tại Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

    Chủ động rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kiểm soát phát thải các loại chất thải từ hoạt động của phương tiện, thiết bị GTVT trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành GTVT.

    Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu đối với kết cấu hạ tầng GTVT; nâng cao năng lực quản lý, giảm phát thải khí nhà kính trong ngành GTVT.

    Chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong GTVT.

    Tăng cường bảo vệ môi trường trong công tác quy hoạch, đầu tư phát triển và bảo trì kết cấu hạ tầng GTVT; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên trong các hoạt động của ngành GTVT; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc kết hợp phổ biến, tuyên truyền thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công tác ứng phó với BĐKH trong hoạt động đầu tư xây dựng và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ GTVT.

    Tiếp tục tăng cường hợp tác, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, kết nối với các chương trình quốc tế và khu vực, trao đổi thông tin, thiết lập mạng lưới đối tác song phương và đa phương về BĐKH trong giao thông vận tải; trên cơ sở đó tranh thủ sự giúp đỡ của các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế để xây dựng năng lực và triển khai áp dụng các giải pháp ứng phó với BĐKH.

    Thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ GTVT xanh.

    Một số đề xuất, kiến nghị

    Một là, để thực hiện được việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính theo đúng mục tiêu đề ra tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, cần có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành và địa phương liên quan và nguồn lực tài chính rất lớn từ trong nước và quốc tế, nhà nước và tư nhân; do đó, đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai.

    Hai là, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những biện pháp ưu tiên để giảm phát thải khí nhà kính; do đó, đối với các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang là biện pháp "khuyến khích" cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét để ban hành theo hình thức "bắt buộc" và bổ sung các quy định mới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thực thi. 

    Ba là, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức các cấp để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước mới về ứng phó với BĐKH đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải ròng khí nhà kính của Việt Nam bằng "0" vào năm 2050.

    Bốn là, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh, phát triển giao thông phi cơ giới tại địa phương, đặc biệt là tại các thành phố lớn; TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần tập trung phát triển phương thức vận tải hành khách công cộng nhanh, khối lượng lớn.

Trần Ánh Dương

Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải

(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2023)

    Tài liệu tham khảo

- Báo cáo số 90-BC/BCSĐ ngày 25/5/2023 của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI)

   

NỘI DUNG KHÁC

Hướng dẫn quy trình, phương pháp và mẫu báo cáo thực hiện kiểm toán môi trường tại Việt Nam

25-3-2024

Thực hiện kiểm toán môi trường (KTMT) được xem là công cụ quản lý môi trường hiệu quả của các doanh nghiệp sản xuất. Bên cạnh đó, KTMT cũng dược xem là kênh thông tin đáng tin cậy, cung cấp cho cơ quan quản lý về tình hình quản lý môi trường của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, mặc dù nội dung KTMT đã được một số tổ chức, đơn vị thực hiện, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật chung nhất làm tài liệu để tham khảo. Do vậy, trong một số trường hợp, các nội dung KTMT chủ yếu đang được lồng ghép vào các cuộc kiểm toán tài chính hay quy trình thanh tra, kiểm tra.

Vai trò của lĩnh vực năng lượng đóng góp giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát ròng bằng “0” vào năm 2050

25-3-2024

 Năng lượng đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) (gọi tắt là Nghị quyết số 24-NQ/TW), lĩnh vực năng lượng được định hướng phát triển trên quan điểm: “Chú trọng phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT)”. Nghị quyết đã nêu ra nhiệm vụ cụ thể là “Thúc đẩy, phát triển, sử dụng năng lượng mới, NLTT, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống, đẩy mạnh đầu tư phát triển và sử dụng năng lượng mới, NLTT; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng mới, NLTT trong tổng năng lượng quốc gia; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển năng lượng mới, NLTT; đẩy mạnh hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên từ bên ngoài, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nước; phát triển sản xuất các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới để thay thế các loại tài nguyên truyền thống”.

Phát triển đô thị bền vững, thân thiện với môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu

25-3-2024

    Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ ở nước ta, tính đến năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa đạt 42%. Tuy nhiên, việc phát triển đô thị nhanh cũng đã tạo ra gánh nặng lên môi trường. Bên cạnh đó, BĐKH đã gây ra nhiều rủi ro về thiên tai, vì vậy, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với BĐKH là mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Đổi mới quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2024

25-3-2024

​​​​​​​Đấu thầu nói chung và đấu thầu dự án có sử dụng đất nói riêng là hoạt động của nền kinh tế thị trường với nguyên tắc tiếp nhận mô hình kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và đất đai trở lên có giá trị. Đấu thầu các dự án có sử dụng đất sẽ hạn chế được tình trạng tham nhũng trong giao đất, cho thuê đất. Thông qua đấu thầu các dự án có sử dụng đất với các điều kiện ràng buộc chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ, nhiều đối tượng có cơ hội tiếp cận, đăng ký tham gia cũng sẽ cho phép lựa chọn được dự án sử dụng đất tham gia đấu thầu và nhà đầu tư có khả năng tốt nhất về kỹ thuật, về tài chính để thực hiện dự án cộng với yếu tố mặt bằng sẵn có, dự án sẽ được triển khai một cách nhanh chóng, thuận lợi, đem lại lợi ích cho cả Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện lựa chọn dự án sử dụng đất để thực hiện đấu thầu ở các địa phương còn có nhiều vấn đề như: Căn cứ để lựa chọn các dự án chưa được quy định cụ thể; sự phối hợp giữa cơ quan quản lý đất đai và các cơ quan có liên quan chưa được quy định rõ ràng; vướng mắc khi thực hiện các thủ tục về đất đai như: quản lý quỹ đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giá bồi thường về đất cho người sử dụng đất; hình thức sử dụng đất áp dụng cho chủ đầu tư;… Vì vậy, Luật Đất đai năm 2024 đã đổi mới các quy định của pháp luật đất đai về đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất; đảm bảo sự hài hòa lợi ích 3 bên (giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất) trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Một số đề xuất giảm thiểu sự cạnh tranh và xung đột về nước mặt tại lưu vực sông Cửu Long

25-3-2024

  Sông Cửu Long là một trong các lưu vực sông lớn của Việt Nam, chảy qua 13 tỉnh, thành phố, bao gồm: TP. Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang có diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu hecta với tổng lượng tài nguyên nước hàng năm khoảng 474 tỷ m3, trong đó lượng nước nội sinh từ mưa trên LVS Cửu Long khoảng 30 tỷ m3 và lượng nước từ thượng lưu chảy về LVS Cửu Long khoảng 441 tỷ m3, đóng góp khoảng 50% tổng sản lượng lúa gạo, 70% lượng trái cây của cả nước, 90% sản lượng gạo và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu, góp phần nuôi sống khoảng 40 triệu người ở các nước châu Á và châu Phi và là nơi sinh sống của trên 22% tổng dân số Việt Nam.

Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu giá quyền sử dụng đất theo giá đất thị trường ở Việt Nam hiện nay

27-3-2024

 Vấn đề xác định giá đất thị trường và đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất theo giá đất thị trường là bài toán nan giải và là một trong những nội dung luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của nhân dân khi sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Trong khuôn khổ bài viết này,  tác giả khái quát "giá đất thị trường" và thực trạng đấu thầu QSD đất theo giá đất thị trường, cũng như thực trạng ban hành và thực hiện quy định pháp luật về đấu giá QSD đất ở Việt Nam hiện nay. Tư đó, đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả đấu giá QSD đất theo giá đất thị trường ở Việt Nam hiện nay.

Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn: Các công cụ chính sách hiện nay ở Việt Nam và xu hướng quốc tế

27-3-2024

 Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, góp phần bảo vệ môi trường (BVMT), đem lại hiệu quả kinh tế. KTTH được xem là xu thế tất yếu của thời đại, có sự đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích tại bàn, phân tích chính sách hiện hành nhằm phân tích các công cụ chính sách, quy định pháp luật hiện hành về KTTH, từ đó khuyến khích xây dựng mô hình KTTH tại Việt Nam.

Thế chấp quyền khai thác khoáng sản: Kinh nghiệm của Trung Quốc và một số bài học cho Việt Nam

28-3-2024

Thế chấp tài sản là một biện pháp bảo đảm đặc biệt quan trọng, xuất hiện từ thời La Mã được ghi nhận trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Hoạt động khoáng sản ở Việt Nam thời gian qua cho thấy nhu cầu vay vốn của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản (KTKS) là rất lớn. Nhiều hợp đồng thế chấp quyền KTKS đã được xác lập kéo theo đó là những phát sinh về xử lý tài sản thế chấp. Hiện nay, còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về lý luận cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật về thế chấp quyền tài sản nói chung, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, quyền KTKS nói riêng. Quy định pháp luật của Việt Nam về thế chấp quyền tài sản, quyền KTKS chưa thống nhất gây ra những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện, áp dụng pháp luật. Trong phạm vi bài viết, tác giả nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc về chế định thế chấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản, qua đó rút ra bài học đối với Việt Nam.

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy thực thi chính sách tiêu dùng xanh tại Việt Nam

29-3-2024

Tiêu dùng xanh (TDX) đã trở thành xu hướng tất yếu ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt phổ biến tại các nước phát triển và lan tỏa mạnh mẽ sang những nước đang phát triển, có thu nhập ở mức trung bình trở lên. Sự hợp tác giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và các bên liên quan khác có thể mang lại giải pháp bền vững hơn trong hệ thống sản xuất - tiêu thụ, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề về môi trường. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành và thực thi chính sách TDX với nhiều hoạt động, chương trình cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp (DN) và cán bộ cơ quan nhà nước liên quan đến TDX, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ xanh hay mở rộng thị trường phân phối cho sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thực phẩm hữu cơ hoặc các sản phẩm xanh khác. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách TDX ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp trong thời gian tới, từ đó góp phần phát triển nền kinh tế xanh (KTX) và bền vững ở Việt Nam.

Một số nội dung sửa đổi, bổ sung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2024 và giải pháp triển khai thực hiện

1-4-2024

Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 05 ngày 18/01/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (sau đây gọi là Luật Đất đai năm 2024). Đạo luật này thay thế cho Luật Đất đai năm 2013, với 16 chương và 260 điều đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 18- NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII ngày 16/06/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao (sau đây gọi là Nghị quyết số 18- NQ/TW) với những sửa đổi, bổ sung về quản lý và sử dụng đất nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế pháp lý, khơi thông, phát huy nguồn lực đất đai; trong đó có những sửa đổi, bổ sung vể quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Để góp phần khẩn trương đưa Luật Đất đai năm 2024 nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực, bài viết đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu những sửa đổi, bổ sung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Luật Đất đai năm 2024 và đề xuất một số giải pháp triển khai thực hiện.

Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và Thoả thuận toàn cầu về nhựa: Tầm quan trọng của lực lượng phi chính thức ở Việt Nam

2-4-2024

 Tăng trưởng kinh tế thường gắn liền với gia tăng chất thải, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển - nơi các hoạt động sản xuất chủ yếu dựa vào sử dụng tài nguyên và lao động. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng kinh tế nhanh trong vòng hơn hai thập kỷ qua, đồng thời lượng chất thải phát sinh cũng gia tăng, lượng chất thải rắn đô thị được thu gom và chôn lấp khoảng 4,4 triệu tấn thì đến năm 2020, con số này đã tăng lên 11,9 triệu tấn. Để vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là giảm lượng chất thải rắn ra môi trường thông qua các giải pháp chính sách mới, Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung thêm các quy định mới về kinh tế tuần hoàn (Điều 142) và trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (Từ Điều 54 - 55) hay còn gọi là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR). EPR là vấn đề mới và khi thực hiện EPR có thể có những ảnh hưởng đến việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải ở Việt Nam. Thực tế hiện nay, hệ thống thu gom, vận chuyển và tái chế ở Việt Nam được thực hiện một phần bởi khối phi chính thức hay những người lao động tự do, cơ sở quy mô nhỏ trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Vì vậy, khi triển khai thực hiện cơ chế EPR sẽ có những tác động đến sự tham gia của lực lượng phi chính thức.

Điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023: Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi “sông chết”

3-4-2024

Sông chết là khái niệm để chỉ các dòng sông bị ô nhiễm nặng, không có khả năng tự làm sạch, ảnh hưởng lớn đến đời sống của cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội thuộc lưu vực sông. Hiện nay, ba lưu vực sông có tình trạng môi trường nước ô nhiễm nặng gồm: Sông Cầu, hệ thống sông Nhuệ - sông Đáy, sông Đồng Nai, nếu không có biện pháp xử lý ô nhiễm kịp thời thì trong tương lai, nguồn nước các con sông này không thể sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt.