ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Ngày đăng: 04 | 04 | 2024

 Trước sức ép môi trường đang gia tăng, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý, xử lý mới đủ sức giải quyết các vấn đề môi trường do phát sinh rác thải hiện nay đang đặt ra.

    1. Quy định pháp luật về phân loại CTRSH

    Tại Điểm a Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại CTRSH tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định. Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định: CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:

    a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế.

    b) Chất thải thực phẩm.

    c) CTRSH khác.

    Khoản 3 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này vào các bao bì để chuyển giao như sau:

    a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH;

    b) Chất thải thực phẩm và CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

    Khoản 4 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh CTRSH sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện quản lý như sau:

    a) Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

    b) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH.

    c) Chất thải thực phẩm không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH.

    d) CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH.

    Tại Khoản 2 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của CTRSH khác theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 75 của Luật này. Khoản 5 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chuyển CTRSH đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH.

    Khoản 4 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ CTRSH theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao CTRSH cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

    2. Ý nghĩa của việc phân loại CTRSH tại nguồn

    * Ý nghĩa của việc phân loại CTRSH tại nguồn:

    - Phân loại CTRSH tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến.

    - Phân loại CTRSH tại nguồn góp phần giảm thiểu ô nhiễm.

    - Phân loại CTRSH tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường.

    - Phân loại CTRSH tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

    - Phân loại CTRSH tại nguồn làm giảm lượng tỷ lệ chất thải rắn trơ chôn lấp - tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô nhiễm môi trường.

    - Tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng - tận dụng, tiết kiệm tài nguyên; mang lợi ích kinh tế cho gia đình; gây quỹ cho hoạt động cộng đồng.

    - Là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội, đối với thành phố.

    * Tác hại của việc không phân loại CTRSH tại nguồn:

    - Khối lượng CTRSH cần xử lý lớn.

    - Hỗn hợp CTRSH chưa phân loại rất khó xử lý hiệu quả.

    - Diện tích đất cần sử dụng để xử lý CTRSH bằng công nghệ chôn lấp tăng nhanh.

    - Không tận dụng được tài nguyên từ nguồn CTRSH, ví dụ như: chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng giúp tiết kiệm khai thác nguyên liệu tự nhiên; chất thải thực phẩm làm phân compost và các CTRSH còn lại có thể đốt thu năng lượng.

    - Gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí.

    - Tốn nhiều chi phí xử lý, cải tạo đất để sử dụng lại sau khi đóng cửa bãi chôn lấp.

    3. Hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn

    Tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: CTRSH (hay còn gọi là rác) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:

    - Rác có khả năng tái sử dụng, tái chế

    - Rác thực phẩm.

    - Rác sinh hoạt khác.

* Rác thực phẩm

    - Rác thực phẩm bao gồm rác nhà bếp (thức ăn thừa;  rau quả, trái cây hư hỏng; vỏ trứng, sò, ốc; bã trà, bã cà phê; cành hoa; rác vườn (cỏ, hoa lá, cành cây nhỏ; xác động vật nhỏ,...). 

    - Bỏ rác vào thùng chứa màu xanh hoặc túi (bọc) màu trong, màu xanh.  Nếu bỏ rác vào túi phải đánh dấu trên túi đựng rác để phân biệt trước khi bàn giao cho đơn vị thu gom.

    - Các việc nên làm: Loại bỏ nước (nếu có) trong rác thực phẩm để giảm khối lượng,  hạn chế mùi hôi và côn trùng phát sinh trong quá trình lưu trữ; Tận dụng thức ăn thừa làm thức ăn cho vật nuôi; Có thể tự ủ phân hữu cơ từ rác thực phẩm tại nhà để bón cho cây trồng

* Rác sinh hoạt khác

    - Rác sinh hoạt khác bao gồm các vật dụng đựng thức ăn bị nhiễm bẩn (túi ni lông, hộp xốp, hộp nhựa), vỏ bánh kẹo, đầu lọc thuốc lá, các loại giấy có cán màng, giấy than, giấy ảnh, bông băng y tế tại gia đình, băng, giấy, tã vệ sinh; đồ bằng gốm sứ, thủy tinh; vải sợi, quần áo, khăn, giày dép cũ rách, găng tay cao su, thú nhồi bông, đồ da cũ; đồ chơi, mút xốp, ô dù, vật dụng bằng nhựa cứng, văn phòng phẩm, đĩa CD, DVD,…

    - Bỏ rác vào thùng chứa màu xám hoặc túi (bọc) màu tối, màu xám. Đây là nhóm rác sau khi thu gom được đưa về khu xử lý rác để chôn lấp hợp vệ sinh.

* Rác tái chế

    - Rác tái chế bao gồm các loại đồ đựng bằng nhựa (chai, bình, ống, can, thùng, hộp, khay đựng…); túi ni lông, các vật dụng bằng nhựa khác; giấy vở, sách báo, tạp chí, thùng carton, giấy gói, hộp sữa, tờ rơi, hộp bánh kẹo…; vỏ lon bia, nước ngọt, hộp sữa thiếc, nồi chảo, móc kim loại, vật dụng bằng kim loại…

    - Thu gom vào túi/ thùng riêng để bán phế liệu hoặc giao cho đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt.

    Ngoài ra, căn cứ điểm 2 và điểm 6, Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường 2020 còn quy định về chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và rác thải cồng kềnh:

    - Rác thải cồng kềnh: là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây. các hộ dân chủ động liên hệ đơn vị thu gom để thỏa thuận thu gom vận chuyển.

    - Chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động sinh hoạt: pin, bình đựng hóa chất tẩy rửa, bình xịt côn trùng thải; bóng đèn, thiết bị điện tử, gia dụng hư hỏng. Đây là nhóm rác sau khi thu gom sẽ được đưa về cơ sở có chức năng xử lý để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường hoặc điểm thu hồi chất thải nguy hại tại địa phương.

    4. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTRSH

    Xác định vai trò, sứ mệnh quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước Trung ương về bảo vệ môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, thể chế trong lĩnh vực môi trường liên quan đến quản lý  chất thải nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTRSH; trong đó   đã phân định rõ các nhóm chất thải theo nguồn gốc phát sinh và đặc tính để có các quy định quản lý phù hợp; hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý nhằm thu hút các nguồn lực, thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực quản lý, xử lý CTRSH…

    Việc quản lý CTRSH là vấn đề phải thựchiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiềucấp, nhiều ngành, của người dân, doanh nghiệp cùng toàn xã hội. Để nâng caohiệu quả quản lý CTRSH, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý và quản lý CTRSH; rà soát, phân công trách nhiệm cụ thể của các cơ quan chuyên môn của địa phương trong quản lý CTRSH đảm bảo thống nhất trên toàn quốc; thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dânđầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy…

    Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộngđồng về quản lý CTRSH và chất thải nhựa; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân; Trao đổi, tham quan, học tập kinh nghiệm trong triển khai công tác quản lý CTRSH…

Hồng Nhung

(Theo tapchimoitruong.vn)

 

NỘI DUNG KHÁC

Thi hành các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Luật Đất đai năm 2024

5-4-2024

Luật Đất đai 2024 đã quy định một số nội dung mới đối với công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì việc cụ thể hóa một số quy định pháp luật cũng như có các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả là rất cần thiết.

Những điểm mới và một số kiến nghị, đề xuất nhằm thực thi hiệu quả Luật Đất đai năm 2024

9-4-2024

 Ngày 18/1/2024, tại kỳ họp bất thường lần 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025, điều này có ý nghĩa chính trị to lớn, thể hiện sự thống nhất về quan điểm, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ trong việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp (DN), cử tri và nhân dân cả nước. Luật Đất đai năm 2024 ghi nhận nhiều điểm mới nổi bật, được kỳ vọng sẽ làm tăng tính thị trường, góp phần hài hòa lợi ích và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

Khai thác cát ngoài khơi - Phát triển kinh tế bền vững

10-4-2024

Hiện nay, nhu cầu sử dụng cát làm vật liệu xây dựng đang tăng lên rất cao, gây ra tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng công trình. Để khắc phục tình trạng này, khai thác cát ngoài khơi là giải pháp tối ưu giúp phát triển kinh tế bền vững và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Những nội dung trọng tâm và các yêu cầu, nhiệm vụ chủ yếu để triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2023

11-4-2024

 Luật Tài nguyên nước (TNN) năm 2023 quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng TNN; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua vào kỳ họp thứ 6 ngày 27/11/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Bài viết đề cập đến những điểm mới, nội dung trọng tâm và các yêu cầu, nhiệm vụ, công việc chủ yếu cần tiến hành đối với Luật TNN năm 2023.

Giải quyết tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 2024

12-4-2024

 Kể từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường (đặc biệt trong những năm gần đây), tình hình tranh chấp đất đai (TCĐĐ) ngày càng tăng về số lượng lẫn tính chất phức tạp về nội dung. Do đó, pháp luật về giải quyết TCĐĐ ra đời nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giải quyết TCĐĐ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, một số quy định về giải quyết TCĐĐ trong Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ hạn chế, thiếu tính đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành trong hệ thống pháp luật. Do dó, Luật Đất đai năm 2024 đã có những sửa đổi, bổ sung về giải quyết TCĐĐ. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung phân tích những điểm mới về giải quyết TCĐĐ; qua đó chỉ ra những nội dung cần tiếp tục làm rõ để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác giải quyết TCĐĐ trong thời gian tới.

Một số đề xuất, khuyến nghị để hoàn thiện chính sách thuế tài nguyên

15-4-2024

Tài nguyên thiên nhiên là tài sản quan trọng của quốc gia và hầu hết là tài nguyên không tái tạo được, cần được quản lý, bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nhằm đáp ứng phát triển kinh tế bền vững trong quá trình hội nhập quốc tế. Chính sách thuế tài nguyên được xác định là một công cụ tài chính hiệu quả để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.

Đề án một triệu ha lúa giảm phát thải - Cơ hội và thách thức

16-4-2024

Ngành lúa gạo có vai trò quan trọng trong ổn định xã hội và đóng góp cho phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó, ngành lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 50% sản lượng lúa gạo và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, trái ngược với những thành công rực rỡ của ngành lúa gạo thì hiện nay, thu nhập của người nông dân trồng lúa là thấp nhất trong ngành nông nghiệp và ngành lúa gạo đang đóng góp lượng phát thải khí nhà kính (KNK) lớn nhất (khoảng 50% lượng phát thải KNK của ngành nông nghiệp). Nhiều hạn chế từ ngành sản xuất lúa gạo đã và đang giảm sự phát triển bền vững của ngành trong bối cảnh hiện tại.

Cần khắc phục ô nhiễm môi trường ở Việt Nam một cách quyết liệt và hiệu quả hơn

17-4-2024

Đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

Chính sách công nghiệp xanh hướng tới sự phát triển bền vững ở Việt Nam

21-4-2024

Công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp xanh, bảo đảm quá trình thực hiện có thể tối ưu hóa hiệu quả lợi ích từ cấp địa phương đến toàn bộ nền kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững.

Thị trường tín chỉ carbon: Lý luận và giải pháp

21-4-2024

Trong bối cảnh vận hành thị trường carbon dường như là tất yếu, việc cân nhắc đến tiềm năng phát triển thị trường carbon rừng của Việt Nam không chỉ là giải pháp đóng góp vào các mục tiêu giảm phát thải mà còn góp phần đem lại lợi ích kinh tế cho những người dân có sinh kế phụ thuộc vào rừng.

Nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam - Cơ hội và thách thức

22-4-2024

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra từ năm 2008, lúc đó trên thế giới nhận thấy sự cần thiết phải thúc đẩy kinh tế xanh và chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tháng 10/2008 đã đưa ra sáng kiến kinh tế xanh. Năm 2011, UNEP đưa ra định nghĩa về kinh tế xanh như sau: “Nền kinh tế xanh giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội”. Như vậy, một nền kinh tế xanh là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội.

Quản trị nguồn nhân lực xanh: Xu thế tất yếu cho mục tiêu phát triển bền vững

23-4-2024

Quản trị nguồn nhân lực là một trong những công việc quan trọng của quản lý tổ chức. Dưới góc độ bền vững, quản trị nguồn nhân lực xanh là yếu tố quan trọng nhất của sự bền vững. Bài viết này khái quát các hoạt động quản trị nguồn nhân lực xanh của các tổ chức, những hạn chế hoặc rào cản trong quản trị nguồn lực xanh, qua đó đề xuất một số sáng kiến tiềm năng cho các tổ chức xanh.