Ngày đăng:
03 | 07 | 2018
Ngày 26/6/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội đồng tư vấn giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2018 cho ThS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Ban Khoáng sản và Tài nguyên nước thuộc Viện) chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhu cầu sử dụng nước (Demand Side Management), rút ra bài học cho quản lý nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tại khu vực đô thị của Việt Nam. Hội đồng do Phó Viện trưởng - TS.Mai Thanh Dung làm Chủ tịch.
Mục tiêu của đề tài là làm rõ cơ sở khoa học của phương thức quản lý nhu cầu sử dụng nước; Đề xuất giải pháp quản lý nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt khu vực đô thị nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước tại các đô thị, đáp ứng việc phân bổ đầy đủ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho người dân đô thị trước bối cảnh các đô thị đang trong tình trạng thiếu/khan hiếm nước.

Việt Nam trước đây được coi là quốc gia dồi dào về tài nguyên nước. Từ năm 2007, Tổ chức Khí tượng thế giới đã chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những quốc gia giàu có về nước và cảnh báo Việt Nam có nguy cơ thiếu hụt nước ngọt nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tổng trữ lượng nước mặt của Việt Nam khoảng 830-840 tỷ m3, trong đó khoảng 63% lượng nước là từ nước ngoài chảy vào nước ta. Tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa trên cả nước và nước dưới đất ở nhiều vùng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng do sự gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận thức được rằng cuộc khủng hoảng nước hiện nay hoàn toàn không chỉ do có ít nước để đáp ứng nhu cầu của người dân mà chính là cuộc khủng hoảng về quản lý nước. Chiến lược tài nguyên nước quốc gia đến năm 2020 đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm tính bền vững, hiệu quả trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, trong đó nhấn mạnh giải pháp thực hiện là quản lý tổng hợp tài nguyên nước, khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, và “chuyển từ phương thức quản lý hành chính, bao cấp, đáp ứng nhu cầu sang quản lý nhu cầu sử dụng nước”.
Theo chủ nhiệm, chuyển đổi phương thức quản lý từ quản lý cung sang quản lý cầu sẽ góp phần giúp cho các đô thị của Việt Nam chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước trong tương lai đồng thời góp phần hỗ trợ cho công tác bảo vệ môi trường nước và giúp các đối tượng sử dụng nước tiết kiệm chi phí khi giá điện và nước dần tăng. Đề tài cũng đã được Hội đồng thông qua và góp ý chỉnh sửa để đề tài được triển khai và hoàn thiện.
An Bình