Ngày đăng:
13 | 05 | 2023
Ngày 12/5/2023, tại Trụ sở Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, TS Mai Thanh Dung – Phó Viện trưởng cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Viện đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI). Đại diện METI, ông Hideki - Giám đốc Tuần hoàn Tài nguyên quốc tế, Phòng KTTH và sử dụng hiệu quả tài nguyên bày tỏ mong muốn cơ hội hợp tác giữa METI và ISPONRE.
Chất thải điện tử đang trở thành dòng chất thải gia tăng nhanh nhất thế giới với nhiều lý do như số lượng thiết bị điện tử được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn, vòng đời ngắn hơn và các sản phẩm điện tử khi hư hỏng ít được sửa chữa mà thay bằng mua mới. Chất thải điện tử là một vấn đề lớn ở Việt Nam. Lượng chất thải điện tử đang gia tăng nhanh chóng và còn đa dạng về chủng loại. Chất thải điện tử được xếp vào nhóm chất thải nguy hại; trong chất thải điện tử có chứa rất nhiều hợp chất khác nhau trong đó có nhiều chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhưng bên cạnh đó, vì có chứa thành phần kim loại quý, hiếm, chất thải điện tử cũng đồng thời là một nguồn "tài nguyên" to lớn nếu có giải pháp thu gom, tái chế hiệu quả.
ISPONRE tiếp đại diện METI về lĩnh vực Chất thải điện tử
Tại buổi làm việc, Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung cho biết hiện nay ISPONRE đang xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia về Kinh tế tuần hoàn và dự kiến báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2023. Các hướng dẫn kỹ thuật đang được dự thảo và bám theo các ngành trọng tâm, trong đó có xem xét đến ngành sản xuất thiết bị điện điện tử. Trước Luật Bảo vệ Môi trường 2020 cũng đã có quy định về trách nhiệm thu hồi các sản phẩm thải bỏ bao gồm chất thải điện tử của các nhà sản xuất, nhập khẩu, tuy nhiên, việc thực thi quy định này chưa hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là do thiếu quy định về tỉ lệ tái chế và quy cách tái chế đối với các sản phẩm thải bỏ. Điều này đã được quy định rõ tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp đang nỗ lực chuẩn bị để triển khai thực hiện quy định trách nhiệm tái chế của các nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất thải điện tử theo lộ trình quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020 từ 01/01/2025. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chất thải điện tử hiện chủ yếu được thu gom và tái chế ở khu vực phi chính thức với công nghệ lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường. Nhật bản có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ISPONRE mong muốn Nhật Bản có những hoạt động hỗ trợ trong việc chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường năng lực về quản lý chất thải điện tử cho Việt Nam.
Ông Hideki chia sẻ các quy định của Nhật Bản về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải, trong đó Chính phủ Nhật Bản đã ban hành đạo luật tái chế thiết bị điện điện tử dân dung. Theo đó, người phát thải phải trả phí xử lý chất thải, đơn vị thu gom có trách nhiệm thu gom và chuyển đến cơ sở tái chế. Các nhà sản xuất và các bên liên quan trong thu gom, tái chế, xử lý chất thải điện tử đều phải có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý. Ông Hideki nhất trí với việc tổ chức chuyến đi thực tế học tập kinh nghiệm về quản lý chất thải điện tử và kinh tế tuần hoàn tại Nhật Bản, đề xuất một số hoạt động tăng cường năng lực cho Việt Nam như tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, cử các chuyên gia môi trường của Nhật Bản sang Việt Nam,…
Kết thúc buổi làm việc, hai bên đều bày tỏ mong muốn sớm triển khai các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.
Trung tâm Tư vấn, Đào tạo, Dịch vụ tài nguyên và môi trường