TIN TỨC-SỰ KIỆN

Nắng nóng Địa Trung Hải có thể tăng gấp 100 lần

Ngày đăng: 17 | 05 | 2023

Tổ chức World Weather Attribution vừa công bố 2 nghiên cứu khoa học cho thấy, biến đổi khí hậu khiến hạn hán tàn khốc ở vùng Sừng châu Phi và nhiệt độ kỷ lục trong tháng 4 ở Tây Địa Trung Hải có khả năng cao hơn ít nhất 100 lần. Các nghiên cứu đã làm tăng thêm bằng chứng về tác động nghiêm trọng của khí nhà kính đối với kinh tế - xã hội, như được nhấn mạnh trong các báo cáo Tình trạng Khí hậu Toàn cầu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO). World Weather Attribution, tổ chức tập hợp các nhà khoa học liên kết với cộng đồng WMO cho biết sức nóng tháng 4 ở Bồ Đào Nha, Ma-rốc và Algeria gần như không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu.

Sóng nhiệt Địa Trung Hải

Vào cuối tháng 4, một số khu vực phía Tây Nam Châu Âu và Bắc Phi đã trải qua một đợt nắng nóng lớn mang đến nhiệt độ cao chưa từng được ghi nhận trước đây ở khu vực vào thời điểm này trong năm, với nhiệt độ lên tới 36,9 - 41 độ C ở 4 quốc gia. Sóng nhiệt này đã phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ với biên độ lớn, trong bối cảnh hạn hán dữ dội.

Tiến sĩ Fatima Driouech, Phó Giáo sư tại Đại học Bách khoa Mohammed VI (Ma-rốc) cho biết: “Đợt nắng nóng gay gắt xảy ra sau đợt hạn hán kéo dài nhiều năm đã có từ trước, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước ở các khu vực Tây Địa Trung Hải và đe dọa năng suất cây trồng năm 2023. Khi trái đất nóng lên, những vấn đề này sẽ trở nên thường xuyên hơn và đòi hỏi phải lập kế hoạch dài hạn, bao gồm thực hiện các mô hình nông nghiệp bền vững và chính sách quản lý nước hiệu quả”.

Để định lượng tác động của biến đổi khí hậu đối với nhiệt độ gia tăng, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu thời tiết và mô phỏng mô hình máy tính để so sánh khí hậu ngày nay, sau khi trái đất nóng lên khoảng 1,2 độ C kể từ cuối những năm 1800, với khí hậu trước đây.

Các nhà khoa học đã xem xét mức trung bình của nhiệt độ tối đa trong 3 ngày liên tiếp trong tháng 4 trên khắp miền Nam Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hầu hết Ma-rốc và phần phía Tây Bắc Algeria. Họ phát hiện biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng có khả năng xảy ra cao hơn ít nhất 100 lần, với nhiệt độ nóng hơn tới 3,5 độ C so với khi không có biến đổi khí hậu.

"Theo các phân tích khác về nhiệt độ cực đoan ở châu Âu, nhiệt độ cực đoan đang tăng nhanh hơn trong khu vực so với dự đoán của các mô hình khí hậu, một vấn đề hiện đang được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng và các hiện tượng như thế này sẽ thường xuyên và nghiêm trọng hơn cho đến khi việc phát thải khí nhà kính nói chung dừng lại", các nhà nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu trên do 10 nhà nghiên cứu thuộc tổ chức World Weather Attribution thực hiện. Họ là các nhà khoa học từ các trường đại học và cơ quan khí tượng ở Pháp, Ma-rốc, Hà Lan và Vương quốc Anh.

Hạn hán kéo dài ở vùng sừng Châu Phi

Một nghiên cứu khác vừa được World Weather Attribution công bố cũng cho thấy đợt hạn hán kéo dài nhiều năm đã tấn công vùng sừng Châu Phi, một trong những khu vực nghèo khó nhất thế giới và gây ra tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng cho hơn 4 triệu người.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét liệu biến đổi khí hậu do con người gây ra có phải là nguyên nhân khiến lượng mưa thấp hay không và cũng xem xét vai trò của nhiệt độ. Liên quan đến vùng Sừng châu Phi, tổ chức này cho hay hạn hán nghiêm trọng hơn do lượng mưa thấp và lượng bốc hơi gia tăng do nhiệt độ cao hơn trong một thế giới hiện đang nóng hơn gần 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các nhà khoa học của World Weather Attribution cho biết: “Biến đổi khí hậu đã làm cho tình hình hạn hán hiện nay trở nên nghiêm trọng hơn và có nhiều khả năng xảy ra hơn. Theo ước tính, những đợt hạn hán như vậy có khả năng xảy ra cao hơn khoảng 100 lần”.

Sự mong manh và xung đột, cũng như thời gian hạn hán kéo dài càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là đối với người dân ở Somalia. Hơn nữa, mức độ nghiêm trọng của các tác động liên quan đến thời gian hạn hán kéo dài cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về sự chuẩn bị của các cơ quan ứng phó hạn hán của chính phủ các nước và viện trợ quốc tế trong tương lai.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

NỘI DUNG KHÁC

Cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh cho các dự án carbon thấp tại Việt Nam

17-5-2023

Vương quốc Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch năng lượng từ những dự án carbon thấp thông qua Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu tại Việt Nam (CFA). 9 dự án của Việt Nam đã được chọn để tham gia Chương trình này. Từ ngày 15 – 16/5/2023, Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ireland, hợp tác với PwC tổ chức Chương trình “Thúc đẩy tài chính khí hậu” (CFA) tại Việt Nam. Chương trình nhằm hỗ trợ 9 nền kinh tế mới nổi (bao gồm cả Việt Nam) xây dựng hệ thống các dự án carbon thấp có tiềm năng huy động được vốn đầu tư để thực hiện. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ Vương quốc Anh để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26, đồng thời hỗ trợ triển khai Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng công bằng tại Việt Nam (V-JETP) được công bố vào tháng 12/2022.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo Hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ 18/5/2023

17-5-2023

Ngày 18 tháng 5 hàng năm đã được Quốc hội khóa XIII thống nhất chọn là Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam tại kỳ họp thứ 5 (quy định tại Điều 7, Luật KH&CN sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2013 - Luật số 29/2013/QH13) nhằm nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp KH&CN, tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam. Chủ đề của ngày KH&CN Việt Nam 2023 là “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia”. Dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của Bộ TN&MT, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo khoa học chào mừng Ngày KH&CN 2023. Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ nghiên cứu của Viện và một số các đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ.

Hội thảo tham vấn Kế hoạch triển khai dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" tại Ninh Bình

17-5-2023

Sáng 17/5, tại Ninh Bình, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức Hội thảo tham vấn Kế hoạch triển khai dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" tại Ninh Bình. Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" được được tài trợ bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), triển khai trong 18 tháng bắt đầu từ tháng 1/2023, thực hiện thí điểm ở 2 tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình, lãnh đạo một số địa phương, đại diện các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức nghiệm thu đánh giá nhiệm vụ nghiên cứu khoa học "Giải pháp nâng cao chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

18-5-2023

Ngày 18/05/2023, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức nghiệm thu đánh giá nhiệm vụ nghiên cứu khoa học "Giải pháp nâng cao chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai

22-5-2023

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 535/QĐ-TTg ngày 20/5/2023 phê duyệt Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (Đề án). Mục tiêu của Đề án là nâng cao hiểu biết và kỹ năng ứng phó sự cố, thiên tai (ƯPSCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cho cộng đồng; tăng cường tính chuyên nghiệp cho lực lượng chuyên trách và tính chủ động cho lực lượng tại chỗ; từng bước nâng cao hiệu quả ƯPSCTT và TKCN, giảm thiểu tổn thất về người và vật chất, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Đến năm 2030 hoàn thành 40% nội dung Đề án; đến năm 2045 hoàn thành Đề án.

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5: Hướng tới “Sống hài hòa với thiên nhiên”

22-5-2023

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “From Agreement to Action: Build Back Biodiversity” – “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học”. Chủ đề nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050.

Quốc hội bầu Đồng chí Đặng Quốc Khánh giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

23-5-2023

Chiều 22/5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, với 91,90% đại biểu Quốc hội tán thành, đồng chí Đặng Quốc Khánh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang  đã được Quốc hội bầu, phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026.

Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất

24-5-2023

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Cụ thể, phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất gồm: Phế liệu sắt, thép, gang; phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic); phế liệu giấy; phế liệu thủy tinh; phế liệu kim loại màu.

Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

27-5-2023

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Hồ sơ dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Ủy ban KH,CN&MT tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Chiều 25/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau khi nghe tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi do Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh trình bày, Quốc hội đã nghe Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) của Quốc hội.

Đại hội Công đoàn Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028

27-5-2023

Ngày 26 tháng 5 năm 2023, được sự đồng ý của Chi ủy Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; Ban chấp hành Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chấp hành Công đoàn Viện đã tổ chức Đại hội Công đoàn lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028. Đại hội diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham dự của bà Vũ Thị Mai Lan - Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Ban chấp hành Công đoàn một số Công đoàn cơ sở trực thuộc Bộ, Chi ủy Viện, Lãnh đạo và toàn thể công đoàn viên thuộc Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.

Viện CLCSTN&MT thành lập Tổ công tác phục vụ Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của BCHTW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

29-5-2023

Ngày 29/5/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức họp Tổ công tác phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tổ công tác có trách nhiệm giúp Tổ Biên tập tổng hợp và xây dựng báo cáo đánh giá được tình hình triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sau 10 năm thực hiện. Đồng thời, đề xuất được định hướng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong 10 năm tới và tầm nhìn đến 2050.

Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam"

1-6-2023

Ngày 1/6/2023, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Môi trường và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam". Đây là sự kiện mang đến nhiều thông điệp môi trường quan trọng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2023 với chủ đề "Đánh bại ô nhiễm nhựa" (Beat plastic polution). TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã đến dự và tham gia Tọa đàm.