Ngày đăng:
30 | 11 | 2023
Vừa qua, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Nghiên cứu đề xuất chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên địa chất, khoáng sản do ThS. Lương Thị Thùy Linh làm chủ nghiệm. Hội đồng do Phó Viện trưởng - TS. Mai Thanh Dung làm Chủ tịch Hội đồng. Mục tiêu của đề tài là cung cấp cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế về xã hội hóa, về huy động nguồn lực xã hội bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên địa chất, khoáng sản; Đánh giá được tổng quan thực trạng hệ thống và thực tiễn triển khai các chủ trương, chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên địa chất, khoáng sản. Đồng thời, đề xuất được chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong trong bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên địa chất, khoáng sản phục vụ sửa đổi Luật tài nguyên nước 2012 và Luật Khoáng sản 2010.
Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài NCKH cấp Bộ: Nghiên cứu đề xuất chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên địa chất, khoáng sản
Tài nguyên thiên nhiên là nguồn của cải vật chất nguyên khai được hình thành và tồn tại trong tự nhiên, là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của xã hội loài người. Suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường là những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21, đã, đang và sẽ làm thay đổi các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội, quá trình phát triển; đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh sinh thái, năng lượng, nước, lương thực, v.v. trên phạm vi toàn cầu.
Ở nước ta, tài nguyên đất bị chuyển đổi mục đích sử dụng, bị thoái hóa, bạc màu, rửa trôi, xói mòn, hoang mạc hóa diễn biến nhanh, ... Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước diễn biến phức tạp do khai thác, sử dụng không hợp lý. Nhiều loại khoáng sản bị khai thác bừa bãi, thiếu quy hoạch, chủ yếu để xuất khẩu thô. Độ che phủ của rừng có tăng nhưng chất lượng rừng suy giảm mạnh, đặc biệt là rừng nguyên sinh; rừng ngập mặn ven biển bị tàn phá quá phần nửa diện tích để nuôi trồng thủy sản. Nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức, suy giảm mạnh, đặc biệt vùng ven bờ, đe dọa nghiêm trọng nghề cá của ngư dân ven biển. Ô nhiễm môi trường diễn biến hết sức phức tạp và đang trong chiều hướng gia tăng. Đa dạng sinh học suy giảm mạnh do diện tích các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp mạnh, số loài hoang dã bị mất và đe dọa tuyệt chủng tăng nhanh, nhiều nguồn gen bị suy thoái, các loài ngoại lai xâm hạn, rủi ro từ sinh vật biến đổi gen đang đe dọa làm mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng ở nước ta.
Qua phân tích cho thấy trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung, bảo vệ tài nguyên nước nước, tài nguyên địa chất, khoáng sản nói riêng, là trách nhiệm là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Tuy nhiên, cách thức huy động nguồn lực, cơ chế, chính sách huy động các tố chức, cá nhân trong xã hội chưa phát huy hiệu quả, chưa rõ ràng.
Xuất phát từ những yêu cầu hoàn thiện pháp luật và thực trạng hoạt động huy động nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên địa chất, khoáng sản thời gian qua việc thực hiện Đề tài “Nghiên cứu đề xuất chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên địa chất.” tại thời điểm hiện nay thực sự cần thiết nhằm cung cấp luận cứ khoa học cũng như giải pháp để xây dựng, sửa đổi các quy định pháp luật nhằm phát huy tối đa nguồn lực xã hội để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản Việt Nam.
Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ tài nguyên và môi trường