Ngày đăng:
06 | 12 | 2023
Ngày 6/12/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn góp ý, hoàn thiện dự thảo Đề án quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên và Hướng dẫn kỹ thuật về quản lý bảo vệ môi trường đối với các khu di sản thiên nhiên. Hội thảo được tổ chức nhằm nhận được nhiều ý kiến hay, bổ ích, góp phần tích cực cho việc hoàn thiện dự thảo Đề án quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên và Hướng dẫn kỹ thuật về quản lý bảo vệ môi trường đối với các khu di sản thiên nhiên nhằm xây dựng hành lang pháp lý và tạo sự quản lý thống nhất trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên ở Việt Nam. TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và ông Lê Văn Hữu, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã đến dự và chủ trì Hội thảo. Hội thảo còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học.
Toàn cảnh Hội thảo
Hiện nay, hệ thống các di sản thiên nhiên (DSTN) không chỉ cung cấp các giá trị kinh tế, môi trường mà còn là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô giá của đất nước, tạo sức hút không nhỏ đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thiếu các biện pháp quản lý môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có thể khiến các khu vực này phải đối mặt với nhiều nguy cơ mai một bản sắc, môi trường ô nhiễm, quá tải du khách so với sức chứa, gây tổn hại đến các khu di sản thiên nhiên.
Nhằm giải quyết, ngăn chặn nguy cơ mất cân bằng, vượt ngưỡng chịu đựng của các hệ sinh thái, suy giảm giá trị của cảnh quan thiên nhiên và lấp đầy khoảng trống pháp luật hiện hành, Luật bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 và các văn bản hướng dẫn đã quy định nội dung về đối tượng DSTN, quản lý và(BVMT đối với DSTN. Các nội dung quản lý và BVMT DSTN được xây dựng trên cơ sở rà soát quy định của các luật, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết (Công ước về Đa dạng sinh học, Công ước Ramsar, Công ước Di sản thế giới) và yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Các quy định này không chỉ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ, bảo tồn các giá trị cốt lõi của tự nhiên, tạo cơ chế thuận lợi cho việc đầu tư, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở tiếp cận hệ sinh thái, phát triển vốn tự nhiên, mà còn góp phần phát huy giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã yêu cầu “Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Trong bối cảnh đó, từ năm 2021, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường và Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được giao thực hiện Nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát và xây dựng quy định bảo vệ môi trường đối với các di sản thiên nhiên, công viên địa chất và các khu dự trữ sinh quyển”. Hướng dẫn kỹ thuật này là một trong các sản phẩm chính, có mục đích cung cấp hướng dẫn kỹ thuật cụ thể để quản lý và BVMT các DSTN. Hướng dẫn kỹ thuật được xây dựng dựa trên các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, đồng thời có tham khảo các hướng dẫn quốc tế.
Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ tài nguyên và môi trường