TIN TỨC-SỰ KIỆN

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh

Ngày đăng: 17 | 04 | 2024

Ngày 17/4/2024, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh”, với mong muốn Diễn đàn là nơi trao đổi, chia sẻ, lắng nghe giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tiếp tục cụ thể hóa các hành động về chính sách cũng như các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi xanh nền kinh tế của Việt Nam. Tham dự Diễn đàn có Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cùng đại diện các Bộ, ngành ở Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học và diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp. Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ cũng đã tham dự và đóng góp ý kiến tại Diễn đàn. Qua Diễn đàn, có thể thấy bên cạnh chủ trương, chính sách của Nhà nước, thì các doanh nghiệp cũng cần phải thấy rõ được bối cảnh, thách thức cũng như cơ hội trong phát triển xanh để tự xác định, dự liệu chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án của chính doanh nghiệp mình để nắm bắt được cơ hội, vượt qua được những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh, có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

AKST7355
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn
AKST7405
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn

Tăng trưởng xanh, chuyển dịch xanh đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, được thể hiện thông qua các chiến lược quốc gia và khung khổ pháp lý, cụ thể như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 cũng như Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 qua Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.

AKST7369

Nghị quyết số 29–NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực.

Phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đang là đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. 

AKST7378
Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ cũng đã tham dự và đóng góp ý kiến tại Diễn đàn

Tuy nhiên chuyển dịch phát triển theo hướng xanh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với Việt Nam. Nếu không giải quyết kịp thời, tới đây những rào cản về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Các quốc gia trên thế giới đã và sẽ đưa ra những rào cản về môi trường, về khí hậu. Những quy tắc như vậy sẽ là rào cản lớn để hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.

AKST7373
Quang cảnh Diễn đàn

AKST7384

 

Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ TN&MT

      

 

NỘI DUNG KHÁC

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) tiếp đoàn cán bộ Chương trình Chuyển đổi bền vững, thích ứng khí hậu và đại dương (COAST) của Vương Quốc Anh

23-4-2024

Ngày 22/4/2024, tại Trụ sở Viện, Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ cùng một số cán bộ thuộc Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) đã có buổi tiếp đoàn cán bộ Chương trình Chuyển đổi bền vững, thích ứng khí hậu và đại dương (COAST) của Vương Quốc Anh. Phía COAST gồm có đại diện Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, Quỹ Hành tinh Xanh, Khối thịnh vượng chung và Phát triển. Chương trình này là một Hợp phần của Quỹ Hành tinh xanh, giá trị 500 triệu bảng Anh. Quỹ Hành tinh Xanh (BPF) trị giá 500 triệu bảng Anh của Vương quốc Anh được thành lập vào năm 2021 để hỗ trợ các nước đang phát triển bảo vệ môi trường biển và giảm nghèo. BPF là một danh mục các chương trình song phương và đa phương hoạt động trên toàn cầu. Danh mục đầu tư của BPF tập trung vào bảy lĩnh vực: i) hỗ trợ các nước đang phát triển thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển (MPA), ii) tăng cường quản lý nghề cá quy mô lớn, iii) giải quyết nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không được kiểm soát và không báo cáo, iv) tăng cường đầu tư vào bảo vệ và khôi phục môi trường sống ven biển và biển, v) hỗ trợ năng suất và khả năng phục hồi khí hậu của nghề cá thủ công, vi) mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản bền vững và vii) giải quyết ô nhiễm biển.

Thương mại điện tử bền vững: Phải giảm rác thải nhựa

25-4-2024

Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam tăng trưởng nhanh dẫn tới việc sử dụng ngày càng lớn bao bì và vật liệu nhựa, gây tác động tiêu cực đến môi trường. Chính vì vậy, cần có giải pháp đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, giảm mức độ sử dụng, tăng tỷ lệ thu gom, tái sử dụng, tái chế bao bì, vật liệu nhựa, góp phần phát triển TMĐT bền vững. Theo báo cáo chất thải nhựa bao bì từ TMĐT tại Việt Nam, quy mô thị trường bán lẻ hàng hóa trực tuyến năm 2023 của Việt Nam ước tính khoảng 17,3 tỷ USD với tổng số gói, kiện hàng hoá là 1,84 tỷ USD. Đồng thời, quy mô của dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ ước đạt trên 1,4 tỷ USD. Ước tính năm 2023, TMĐT ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn. Như vậy, quy mô sử dụng bao bì với thành phần vật liệu, dụng cụ nhựa trong đóng gói rất cao. Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm thì đến năm 2030, lượng rác thải nhựa từ TMĐT sẽ lên tới 800 nghìn tấn.

Họp Kỹ thuật tham vấn kết quả Kiểm kê KNK cho 3 thành phố Huế, Hà Giang, Vĩnh Yên

25-4-2024

Trong khuôn khổ Dự án “Lồng ghép chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II” (gọi tắt là Dự án Thành phố Xanh, ngày 25/4/2024, tại trụ sở Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Ban quản lý dự án (QLDA) tổ chức họp Kỹ thuật tham vấn kết quả Kiểm kê KNK cho 3 thành phố Huế, Hà Giang, Vĩnh Yên. Mục tiêu của Dự án nhằm tăng cường năng lực thể chế bảo vệ môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu phục vụ phát triển xanh các đô thị này. Dự án được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tham dự cuộc họp Ban Lãnh đạo quản lý Dự án, các thành viên nhóm chuyên gia. Cuộc họp do Phó Viện trưởng, Phó Giám đốc Dự án Nguyễn Trung Thắng chủ trì.

Ứng dụng công nghệ dự báo tiềm năng nước ngầm

25-4-2024

Nhóm các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã hợp tác nghiên cứu ứng dụng học máy dựa trên mô hình lai để dự báo tiềm năng nước ngầm vùng Bắc Trung Bộ nhằm góp phần quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. Nguồn nước ngầm (nước dưới đất) vô cùng quý giá, có tác dụng lớn trong việc cung cấp nước cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, trước sức ép về tăng trưởng kinh tế, dân số tăng nhanh, ô nhiễm môi trường… khiến nguồn nước đang dần bị suy giảm và cạn kiệt. Theo kết quả nghiên cứu của Hội Địa chất thủy văn Việt Nam cho thấy, mỗi năm mực nước ngầm của Đồng bằng sông Cửu Long tụt giảm 40cm, kéo theo lún sụt mặt đất, tạo điều kiện cho nước biển dâng cao, mặn nhập sâu. Nếu như trước đây, giếng khoan cần độ sâu khoảng 100m là có thể khai thác được nguồn nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thì nay phải khoan sâu gấp đôi.

Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới

25-4-2024

Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này. Theo nghiên cứu mới nhất của TS. Nguyễn Thuý Quỳnh – Khoa Kinh tế Quốc tế, Đại học Ngoại Thương và cộng sự về “Thực trạng hoạt động quản lý rác thải điện tử ở một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” cho thấy, rác thải điện tử vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ tại các nước Đông Nam Á. Đây là những thiết bị điện tử đã qua sử dụng và sắp hết thời gian sử dụng, bị loại bỏ hoặc đưa vào tái chế, bao gồm các loại thiết bị bất kỳ, được sản xuất, kinh doanh với mạch điện hay các cấu phần điện tử với nguồn điện hay pin. Trong rác thải điện tử có chứa rất nhiều kim loại nặng, hầu hết các thiết bị điện tử đều chứa các nguyên tố độc hại cao như: Chì, thuỷ ngân, các chất chống cháy,… Sau khi bị hỏng hoặc không được sử dụng và bị thải bỏ ra môi trường, các chất độc hại trong rác thải điện tử sẽ thấm vào lòng đất, đặc biệt là những tháng mùa hè khi nhiệt độ tăng cao.

Bộ Công Thương hoàn thành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp

2-5-2024

Tin từ Văn phòng Bộ Công Thương, cơ quan này vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (cơ chế DPPA). Triển khai nhiệm vụ tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 9/4/2024, Bộ Công Thương đã ký quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA). Theo báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực, tính đến ngày 25/4, Ban soạn thảo, Tổ biên tập nhận được văn bản góp ý của 30 đơn vị. Trên cơ sở ý kiến góp ý, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã nghiên cứu tiếp thu giải trình Dự thảo 2 Nghị định quy định cơ chế DPPA theo hướng rút gọn, hoàn thiện hồ sơ thẩm định (Tờ trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định; Dự thảo 3 Nghị định quy định cơ chế DPPA; Báo cáo Chính phủ đánh giá tác động của chính sách; Bảng tổng hợp tổng hợp các góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung và giải trình của Bộ Công Thương) gửi Bộ Tư pháp, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chi bộ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới

4-5-2024

Thực hiện Quyết định của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ TN&MT, ngày 3/5/2024, tại Hà Nội, trong không khí hào hùng của toàn Đảng, toàn dân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2024), Chi bộ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường long trọng tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới cho hai quần chúng ưu tú Nguyễn Anh Tuấn và Lê Nam. Tại buổi Lễ, thay mặt Chi bộ, đồng chí Mai Thanh Dung, Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã trao Quyết định kết nạp Đảng cho hai đồng chí Nguyễn Anh Tuấn (Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế) và Lê Nam (Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu) sau một thời gian phấn đấu, rèn luyện đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hai đảng viên mới đã tuyên thệ, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí đảng viên đi trước đã luôn quan tâm, dìu dắt những lớp đảng viên kế cận và xin hứa sẽ nỗ lực không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon

6-5-2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13 /CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Chỉ thị khẳng định, việc trao đổi, mua bán tín chỉ các-bon và kết quả giảm phát thải khí nhà kính cần bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và người dân, doanh nghiệp và các đối tác tham gia. Thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải. Triển khai thực hiện NDC là trách nhiệm của các quốc gia để thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp. Để bảo đảm thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 theo NDC và đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực; phát triển thị trường các-bon và các cơ chế quản lý tín chỉ các-bon là rất cấp thiết.

Tập trung thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

8-5-2024

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 202/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban, tại kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Thông báo, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Cơ quan Thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia, các Bộ, ngành và 28 địa phương có biển trong việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đúng - Đủ - Sạch trong chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường

8-5-2024

Bộ TN&MT đã thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số theo tinh thần “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hoá các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số. Về tình hình, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến Quý I/2024, Bộ TN&MT đã ban hành 8 quyết định về chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong ngành TN&MT; đang tiếp tục triển khai hoàn thiện, trình Bộ trưởng Bộ TN&MT xem xét, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật bảo đảm cơ sở pháp lý phục vụ CĐS, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ngành TN&MT. Cùng với đó, thực hiện xây dựng, hoàn thiện các nội dung về CĐS, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL), dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử… trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các Luật mới được ban hành.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường làm việc với Ngân hàng Thế giới về Tăng trưởng Xanh của Việt Nam

14-5-2024

Ngày 10/5/2024, tại trụ sở Viện, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) đã có buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) về Tăng trưởng Xanh của Việt Nam. Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ cùng các cán bộ thuộc Viện - đại diện ISPONRE tiếp đại diện của WB. Về phía WB có ông Muthukumara S. Mani, Chuyên gia Kinh tế môi trường cao cấp, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp cùng một số chuyên gia tư vấn cao cấp và nhà phân tích kinh tế. Ngân hàng Thế giới đã và đang tiến hành các hoạt động hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong tiến trình thực hiện cơ chế, chính sách và đầu tư nhằm giúp chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và đạt được vị thế thu nhập cao vào năm 2045. Điều này bao gồm những hỗ trợ trong việc xây dựng và thực hiện các Chiến lược và Kế hoạch hành động liên quan tới tăng trưởng xanh; hỗ trợ thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 (được công bố tại COP26 năm 2021); và Chiến lược và Kế hoạch tổng thể của Chính phủ nhằm phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018).

Tọa đàm Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5: Phát triển thị trường các bon để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam

14-5-2024

Ngày 14/5/2024, nhân dịp chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Tọa đàm “Phát triển thị trường các-bon để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam”. Tọa đàm do PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng và TS. Mai Thanh Dung -  Phó Viện trưởng đồng chủ trì cùng với sự tham gia của toàn thể nghiên cứu viên đang công tác tại Viện. Khách mời tham dự Tọa đàm có PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, TS. Nguyễn Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ và đại diện Viện Khoa học Tài nguyên nước, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam…  Ngày KH&CN Việt Nam được Quốc hội thống nhất thông qua và được ghi trong Luật KH&CN năm 2013. Đây là dịp để tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN, đồng thời nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy sự đam mê sáng tạo của đội ngũ khoa học và công nghệ Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời để các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN trình diễn, giới thiệu thành tựu nghiên cứu, sáng tạo KH&CN với công chúng, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách mới về KH&CN, giới thiệu rộng rãi về thành tựu ở trong và ngoài nước…