TIN TỨC-SỰ KIỆN

Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới

Ngày đăng: 25 | 04 | 2024

Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này. Theo nghiên cứu mới nhất của TS. Nguyễn Thuý Quỳnh – Khoa Kinh tế Quốc tế, Đại học Ngoại Thương và cộng sự về “Thực trạng hoạt động quản lý rác thải điện tử ở một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” cho thấy, rác thải điện tử vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ tại các nước Đông Nam Á. Đây là những thiết bị điện tử đã qua sử dụng và sắp hết thời gian sử dụng, bị loại bỏ hoặc đưa vào tái chế, bao gồm các loại thiết bị bất kỳ, được sản xuất, kinh doanh với mạch điện hay các cấu phần điện tử với nguồn điện hay pin. Trong rác thải điện tử có chứa rất nhiều kim loại nặng, hầu hết các thiết bị điện tử đều chứa các nguyên tố độc hại cao như: Chì, thuỷ ngân, các chất chống cháy,… Sau khi bị hỏng hoặc không được sử dụng và bị thải bỏ ra môi trường, các chất độc hại trong rác thải điện tử sẽ thấm vào lòng đất, đặc biệt là những tháng mùa hè khi nhiệt độ tăng cao.

Rác thải điện tử chứa nhiều kim loại nặng

Khi chất thải điện tử tiếp xúc với nhiệt thông qua quá trình đun, đốt cháy bằng lò đốt tại chỗ để xử lý tại bãi chôn lấp thông thường, các hoá chất độc hại này sẽ được giải phóng vào không khí, gây hại cho bầu khí quyển. Hoặc khi những chất liệu độc hại này ngấm vào nước ngầm, có thể gây ảnh hưởng nguy hại đến cả động vật trên cạn và dưới biển. Đây được xem là một trong những tác động môi trường lớn nhất của rác thải điện tử.

Tại Việt Nam, rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng nhanh chóng, tỷ lệ tái chế rác thải điện tử vẫn còn rất thấp, phần lớn bị chôn vùi trong lòng đất hoặc được thu gom bởi các cá nhân thu gom vật liệu, sửa chữa thiết bị. Phần còn lại rác điện tử (sau khi lấy vật liệu, linh kiện) cũng sẽ bị thải bỏ ra môi trường, với nhiều thành phần độc hại, không thể phân huỷ sinh học. Việc này cũng khiến cho các doanh nghiệp không muốn thu hồi rác thải điện tử để tái chế, do hầu hết chỉ còn lại những linh kiện đòi hỏi công nghệ và chi phí cao để xử lý.

rac thai dien tu
Việt Nam cần áp dụng bài học kinh nghiệm trong xử lý rác thải điện tử từ nước ngoài

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng được những hệ thống quản lý rác thải tương đối tốt, vừa tăng khả năng tái chế vật liệu từ rác thải điện tử, vừa hạn chế được tác động tiêu cực của rác thải điện tử đến môi trường và sức khoẻ con người.

Đơn cử, Đức đã thực hiện Chỉ thị WEEE với mục đích thiết lập các quy định hài hòa của Châu Âu về rác thải điện tử. Cơ chế “phân chia trách nhiệm sản phẩm” đã được thiết lập ở Đức cho các hoạt động xử lý rác thải điện tử. Điều này có nghĩa, các nghĩa vụ chính đối với việc xử lý chất thải điện tử thuộc về các công ty tái chế khu vực công và các nhà sản xuẩ thiết bị điện tử.

Các công ty tái chế khu vực công phải thành lập các trung tâm tái chế chất thải điện tử và chấp nhận miễn phí các chất thải đó tại các trung tâm này. Cơ chế này được thực hiện tại khoảng 2400 trung tâm tái chế. Các nhà sản xuất có thể tự do cung cấp các cơ chế tái chế riêng của họ.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất có trách nhiệm xử lý đúng cách rác thải điện tử được đưa đến các cơ sở đó và chịu toàn bộ chi phí tài chính cho việc quản lý sản phẩm do thải bỏ các thiết bị điện tử này. Chỉ thị WEEE được đặt ra, đã hạn chế nhiều việc sản xuất các sản phẩm chứa chì, thuỷ ngân, cadium, crom,… trong các thiết bị điện tử. Đồng thời, tỷ lệ phục hồi, tái chế cho các thiết bị không thể tái sử dụng nằm trong khoảng 75 đến 85%, tuỳ thuộc vào loại thiết bị, trong khi tỷ lệ tái chế mục tiêu cho các thiết bị đó nằm trong khoảng từ 55 – 80%. Đức đã tuân thủ tất cả các mức mục tiêu này kể từ năm 2007.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Mặc dù chưa có quy định cụ thể đối với chất thải điện tử nhưng Việt Nam đã có các chính sách, quy định về quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, như Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, mục tiêu tầm nhìn đến 2050, Chiến lược quốc gia bảo vệ môi trường tầm nhìn đến năm 2030,…

Theo TS. Nguyễn Thuý Quỳnh – Khoa Kinh tế Quốc tế, Đại học Ngoại Thương, việc xử lý rác thải điện tử ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế và gặp một số bất cập. Đó là, do sự cạnh tranh của khu vực phi chính thức, khối lượng và chất lượng rác đầu vào không ổn định, khiến các công ty ngần ngại đầu tư vào các phương pháp thu hồi kim loại có giá trị từ rác thải điện tử; Việt Nam thiếu dự báo và kiểm kê rác thải điện tử chính thức; Hệ thống kiểm kê, quy trình và cơ sở dữ liệu về chất thải điện tử chưa được tạo ra và việc thu thập dữ liệu thống kê còn hạn chế.

24042023 Anh 5
Cần có giải pháp xử lý triệt để rác thải điện tử tại Việt Nam

Vì vậy, từ nghiên cứu trên, TS. Nguyễn Thuý Quỳnh đưa ra một số đề xuất xử lý rác thải điện tử tại Việt Nam dựa trên các bài học kinh nghiệm quốc tế như: Chính phủ nên ưu tiên chất thải điện tử và thực hiện các kế hoạch hành động để kiểm soát và quản lý nó. Chất thải điện tử phải được quản lý ngay tại thời điểm này khi sự gia tăng của nó đang được kiểm soát, để tạo một hệ thống quản lý chất thải điện tử chính thức bằng cách sử dụng mạng lưới thu gom không chính thức.

Chính phủ cần phải làm rõ các quy định hiện hành, xác định chất thải điện tử nguy hại và không nguy hại, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử. Đưa luật thu gom, xử lý chất thải điện tử vào phê duyệt dự án sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tuân thủ các nghĩa vụ xã hội và môi trường, do đó, các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và cộng đồng phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ xử lý chất thải điện tử tiên tiến, thân thiện với môi trường thông qua các quy định và ưu đãi ưu tiên.

Cùng các biện pháp quản lý doanh nghiệp, Chính phủ và các bộ ngành cần tích cực tuyên truyền cho người dân về sự nguy hại của rác thải điện tử đối với cuộc sống, môi trường xã hội và để người dân tham gia phân loại tại nguồn, tránh hoà trộn, thải ra môi trường gây ô nhiễm có hại cho không khí, đất và nước.

Đặc biệt, cần chú trọng áp dụng lối sống bền vững bằng cách thay đổi tiêu dùng, thúc đẩy lối sống bền vững, bảo vệ môi trường và tiến bộ xã hội; xây dựng một xã hội ít chất thải, các – bon thấp, hài hoà, thân thiện với môi trường.

Theo Monre

NỘI DUNG KHÁC

Bộ Công Thương hoàn thành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp

2-5-2024

Tin từ Văn phòng Bộ Công Thương, cơ quan này vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (cơ chế DPPA). Triển khai nhiệm vụ tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 9/4/2024, Bộ Công Thương đã ký quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA). Theo báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực, tính đến ngày 25/4, Ban soạn thảo, Tổ biên tập nhận được văn bản góp ý của 30 đơn vị. Trên cơ sở ý kiến góp ý, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã nghiên cứu tiếp thu giải trình Dự thảo 2 Nghị định quy định cơ chế DPPA theo hướng rút gọn, hoàn thiện hồ sơ thẩm định (Tờ trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định; Dự thảo 3 Nghị định quy định cơ chế DPPA; Báo cáo Chính phủ đánh giá tác động của chính sách; Bảng tổng hợp tổng hợp các góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung và giải trình của Bộ Công Thương) gửi Bộ Tư pháp, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chi bộ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới

4-5-2024

Thực hiện Quyết định của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ TN&MT, ngày 3/5/2024, tại Hà Nội, trong không khí hào hùng của toàn Đảng, toàn dân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2024), Chi bộ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường long trọng tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới cho hai quần chúng ưu tú Nguyễn Anh Tuấn và Lê Nam. Tại buổi Lễ, thay mặt Chi bộ, đồng chí Mai Thanh Dung, Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã trao Quyết định kết nạp Đảng cho hai đồng chí Nguyễn Anh Tuấn (Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế) và Lê Nam (Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu) sau một thời gian phấn đấu, rèn luyện đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hai đảng viên mới đã tuyên thệ, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí đảng viên đi trước đã luôn quan tâm, dìu dắt những lớp đảng viên kế cận và xin hứa sẽ nỗ lực không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon

6-5-2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13 /CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Chỉ thị khẳng định, việc trao đổi, mua bán tín chỉ các-bon và kết quả giảm phát thải khí nhà kính cần bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và người dân, doanh nghiệp và các đối tác tham gia. Thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải. Triển khai thực hiện NDC là trách nhiệm của các quốc gia để thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp. Để bảo đảm thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 theo NDC và đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực; phát triển thị trường các-bon và các cơ chế quản lý tín chỉ các-bon là rất cấp thiết.

Tập trung thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

8-5-2024

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 202/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban, tại kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Thông báo, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Cơ quan Thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia, các Bộ, ngành và 28 địa phương có biển trong việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đúng - Đủ - Sạch trong chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường

8-5-2024

Bộ TN&MT đã thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số theo tinh thần “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hoá các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số. Về tình hình, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến Quý I/2024, Bộ TN&MT đã ban hành 8 quyết định về chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong ngành TN&MT; đang tiếp tục triển khai hoàn thiện, trình Bộ trưởng Bộ TN&MT xem xét, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật bảo đảm cơ sở pháp lý phục vụ CĐS, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ngành TN&MT. Cùng với đó, thực hiện xây dựng, hoàn thiện các nội dung về CĐS, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL), dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử… trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các Luật mới được ban hành.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường làm việc với Ngân hàng Thế giới về Tăng trưởng Xanh của Việt Nam

14-5-2024

Ngày 10/5/2024, tại trụ sở Viện, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) đã có buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) về Tăng trưởng Xanh của Việt Nam. Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ cùng các cán bộ thuộc Viện - đại diện ISPONRE tiếp đại diện của WB. Về phía WB có ông Muthukumara S. Mani, Chuyên gia Kinh tế môi trường cao cấp, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp cùng một số chuyên gia tư vấn cao cấp và nhà phân tích kinh tế. Ngân hàng Thế giới đã và đang tiến hành các hoạt động hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong tiến trình thực hiện cơ chế, chính sách và đầu tư nhằm giúp chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và đạt được vị thế thu nhập cao vào năm 2045. Điều này bao gồm những hỗ trợ trong việc xây dựng và thực hiện các Chiến lược và Kế hoạch hành động liên quan tới tăng trưởng xanh; hỗ trợ thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 (được công bố tại COP26 năm 2021); và Chiến lược và Kế hoạch tổng thể của Chính phủ nhằm phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018).

Tọa đàm Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5: Phát triển thị trường các bon để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam

14-5-2024

Ngày 14/5/2024, nhân dịp chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Tọa đàm “Phát triển thị trường các-bon để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam”. Tọa đàm do PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng và TS. Mai Thanh Dung -  Phó Viện trưởng đồng chủ trì cùng với sự tham gia của toàn thể nghiên cứu viên đang công tác tại Viện. Khách mời tham dự Tọa đàm có PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, TS. Nguyễn Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ và đại diện Viện Khoa học Tài nguyên nước, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam…  Ngày KH&CN Việt Nam được Quốc hội thống nhất thông qua và được ghi trong Luật KH&CN năm 2013. Đây là dịp để tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN, đồng thời nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy sự đam mê sáng tạo của đội ngũ khoa học và công nghệ Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời để các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN trình diễn, giới thiệu thành tựu nghiên cứu, sáng tạo KH&CN với công chúng, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách mới về KH&CN, giới thiệu rộng rãi về thành tựu ở trong và ngoài nước…

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024

20-5-2024

Với chủ đề “Be part of the Plan” - “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 (ngày 22 tháng 5) là lời kêu gọi các bên liên quan hãy cùng đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái”. Ngày 9/5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2693/BTNMT-TTTT gửi các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024. Theo đó, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 (ngày 22 tháng 5) được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Be part of the Plan” - “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”, là lời kêu gọi các bên liên quan hãy cùng đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái”. Thông điệp này cũng nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về Khung GBF và Hội nghị các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP16) sẽ diễn ra từ ngày 21 tháng 10 đến ngày 01 tháng 11 năm 2024 tại Thành phố Cali, Colombia.

Phát triển mạnh mẽ hơn thị trường các-bon

20-5-2024

Thị trường các-bon tồn tại theo hai hình thức, thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc. Giá giao dịch tín chỉ trên thị trường tự nguyện thường thấp hơn so với thị trường bắt buộc. Đối với thị trường các-bon tự nguyện phục vụ mục tiêu của doanh nghiệp, trên thực tế từ giữa những năm 2000 đến nay đã có nhiều doanh nghiệp cung cấp tín chỉ ra thế giới trên thị trường tự nguyện, đặc biệt là tín chỉ các-bon từ các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM). Đối với thị trường các-bon tuân thủ phục vụ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, hiện nay Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan đang triển khai các nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện pháp lý, quy định kỹ thuật và các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ thí điểm thị trường từ năm 2025 và tiến tới vận hành chính thức. Các hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon hay kết quả giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính ra nước ngoài từ năm 2021 trở đi có thể ảnh hưởng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia cam kết với cộng đồng quốc tế theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đặc biệt là các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính sử dụng ngân sách Nhà nước hay các biện pháp tăng hấp thụ các-bon từ rừng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu.

Mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa

20-5-2024

Theo cử tri tỉnh Tây Ninh, hiện nay, Luật Đất đai 2013 quy định cán bộ, công chức là những đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên sẽ không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Tuy nhiên, mức lương của cán bộ, công chức hiện nay khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng được sử dụng đất nông nghiệp, cụ thể là cán bộ công chức để họ có thể tăng gia sản xuất nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống. Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để tháo gỡ khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất trên đất trồng lúa trong thời gian qua, Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Hội nghị lần thứ năm khóa XIII đã thể hiện rõ quan điểm về mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn. Cùng với đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch, Luật Đất đai 2024 đã bỏ quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Tọa đàm chính sách: Sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam

22-5-2024

Ngày 22/5/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Tọa đàm chính sách về sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam. Tọa đàm do PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì. Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học và doanh nghiệp cùng cơ quan thông tấn, báo chí, đồng thời đạt được nhiều ý kiến tâm huyết, khách quan của các bên liên quan đối với kết quả của nghiên cứu. Đô thị hóa cùng với gia tăng dân số và phát triển kinh tế mạnh mẽ đang khiến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở Việt Nam gia tăng nhanh, ước tính đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm qua. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011, tổng lượng CTRSH phát sinh trên cả nước khoảng 44.400 tấn/ngày. Đến năm 2023, con số này đã tăng lên 67.877,34 tấn CTRSH/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh 38.143,05 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 56,19 %; khu vực nông thôn phát sinh 29.734,30 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 43,81 %. Để đối mặt với đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, lĩnh vực chất thải rắn cần được hiện đại hóa. Nhu cầu xử lý chất thải rắn (CTR) tại Việt Nam đang gia tăng đáng kể khi khối lượng CTR tăng lên cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống quản lý chất thải rắn (QLCTR) hiện tại đang gặp phải khó khăn do các nguyên nhân gồm thiếu các bãi chôn lấp CTR hợpp vệ sinh; thiếu phương pháp xử lý CTR tiên tiến và phù hợp và nguồn lực phân bổ cho công tác quản lý CTR vẫn còn hạn chế.

Đại hội Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2027

24-5-2024

Ngày 23/5/2024, Chi Đoàn Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (CLCSTN&MT) đã tổ chức Đại hội Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (TNCSHCM) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2027. Đến dự và chỉ đạo đại hội, về phía Đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có đồng chí Đặng Quốc Khánh – Bí thư Đoàn Bộ TN&MT. Về phía Chi ủy, Lãnh đạo Viện có đồng chí PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ – Phó Bí thư Chi bộ, Viện trưởng, đồng chí Lại Văn Mạnh – Chi ủy viên, đại diện Công đoàn Viện – Chủ tịch, Chánh Văn Phòng Nguyễn Ngọc Tú. Ngoài ra, Đại hội vinh dự có sự góp mặt của đại diện một số đơn vị Đoàn thuộc Bộ như: Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ và đặc biệt là sự có mặt đông đủ của toàn thể các đoàn viên thanh niên trong Viện. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn của đoàn viên, thanh niên Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thể hiện tinh thần đoàn kết, sáng tạo, bày tỏ khát vọng và quyết tâm cống hiến sức trẻ, trí tuệ cùng với tuổi trẻ góp phần vào quá trình phát triển Viện ngày càng vững mạnh. Tính đến hết tháng 05/2024, Chi đoàn Viện có tổng số 29 đoàn viên gồm cả trong biên chế và hợp đồng lao động (trong đó có 16 đoàn viên nam và 13 đoàn viên là nữ), 100% đoàn viên có trình độ từ Đại học trở lên, 17 đồng chí có trình độ thạc sĩ (chiếm 56,67%). Chi đoàn hiện có 9 đồng chí được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ban chấp hành (BCH) Chi đoàn trong nhiệm kỳ gồm 05 đồng chí, trong đó có 01 đồng chí Bí thư, 01 đồng chí Phó Bí thư và 03 đồng chí Ủy viên.