TIN TỨC-SỰ KIỆN

Thủ tướng: Phải bãi bỏ ngay những quy định, thể chế ràng buộc sự phát triển

Ngày đăng: 26 | 12 | 2016

Sáng 26/12, tại Hà Nội, dự Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2016 và triền khai kế hoạch 2017 của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải bãi bỏ ngay những quy định, thể chế ràng buộc sự phát triển, “đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ một cách vô lý”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Sau khi biểu dương những thành quả của ngành nông nghiệp đạt được trong năm nay, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2016, thiên tai xảy ra nhiều và nặng nề làm cho nước ta thiệt hại khoảng 1,7 tỷ USD (gần 1% GDP). Riêng đợt lũ lụt vừa qua ở 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên làm thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng.

Đánh giá nông nghiệp, nông thôn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh, đóng góp lớn cho an sinh xã hội, Thủ tướng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập của nông nghiệp, nông thôn cần khắc phục thời gian tới. Đó là hạn điền, “sản xuất li ti trong nông nghiệp còn phổ biến”. Doanh nghiệp trong nông nghiệp, hợp tác xã còn nhiều yếu kém. Khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn nhiều vấn đề. Lao động nông thôn còn quá lớn, năng suất lao động thấp. Tình trạng an toàn thực phẩm, đầu vào trong nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, giống còn nhiều vấn đề bất cập, chưa quản lý tốt. Hệ thống thủy lợi, nhất là các kênh dẫn, hồ chứa xuống cấp, nguy hiểm và lãng phí nước, mà theo Thủ tướng, đây là những quả bom nguy hiểm đang treo trên đầu người dân.

Đề cập đến tình trạng phá rừng còn phổ biến, Thủ tướng nhắc lại chủ trương kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và yêu cầu mở đợt tấn công liên tục vào hành vi phá hoại rừng, xử lý nghiêm vi phạm.

Đặt vấn đề tầm nhìn về nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, trước hết, nông nghiệp là một thế mạnh của nước ta trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bên mạnh thế mạnh về du lịch và công nghệ thông tin. Đây là một lợi thế so sánh mà theo Thủ tướng, có phát huy được hay không là dựa phần lớn vào hệ thống ngành nông nghiệp.

Nông nghiệp Việt Nam cần chú trọng giá trị hơn là sản lượng thô, không có thương hiệu. Với điều kiện “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, phải phát triển nông nghiệp toàn diện hơn, đầu tư mạnh hơn cho lâm nghiệp, thủy hải sản, không chỉ dựa vào cây lúa.

Chế biến cá tra xuất khẩu

Nền nông nghiệp Việt Nam phải ứng phó được tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt; đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, hướng về xuất khẩu và phục vụ nhân dân. Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ, hướng tới giá trị cao hơn; giải quyết trực tiếp an sinh xã hội.

Về các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trước tiên phải khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là với những cơ sở hạ tầng thiết yếu, quan trọng. Thủ tướng yêu cầu tổ chức một vụ Đông Xuân đặc biệt ở vùng bị thiên tai, địa phương phải vào cuộc quyết liệt để bảo đảm vụ Đông Xuân muộn này giành thắng lợi. Bên cạnh đó, phải lo Tết cho vùng thiên tai, không được để người dân đứt bữa, đói cơm.

Thủ tướng nhấn mạnh phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng và giá trị, không chạy theo sản lượng và số lượng. “Vừa phải lắng nghe người nông dân, vừa phải nghiên cứu xu hướng của thời đại trong phát triển nông nghiệp”, Thủ tướng chia sẻ. Đối với các địa phương, ngay sau hội nghị này, phải xây dựng kế hoạch cụ thể về tổ chức triển khai quyết liệt tái cơ cấu nông nghiệp với yêu cầu “không được tái cơ cấu trên giấy, tái cơ cấu nửa vời”.

Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo các hình thức phù hợp. Phát triển mạnh công nghệ chế biến, nâng cao giá trị. Khai thác mạnh hơn những cơ hội từ hội nhập quốc tế. Tiếp tục đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt nâng cao năng lực phòng chống, chống chịu với thiên tai. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, bảo đảm môi trường sống cho người dân ở nông thôn.

Cho rằng cả hệ thống chính trị phải quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng nhấn mạnh, Giám đốc Sở NN&PTNT phải là người giỏi, Trưởng phòng Nông nghiệp các huyện phải là người thao lược về nông nghiệp để đưa các địa phương đi lên.

Toàn cảnh hội nghị

“Những thể chế nào, chính sách nào mà ràng buộc nông nghiệp, nông thôn không phát triển được, hoặc chậm phát triển, Thủ tướng yêu cầu bãi bỏ, nhất là những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì càng phải bãi bỏ sớm, còn những việc thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, của Trung ương, của Quốc hội thì báo cáo sớm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về các kiến nghị cụ thể của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng cơ bản đồng ý. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tăng hạn mức; sửa quy định về tài sản thế chấp, cho phép doanh nghiệp được sử dụng tài sản là nhà lưới, nhà kính được hình thành trong quá trình đầu tư làm tài sản thế chấp.

Thủ tướng cũng đồng ý việc sửa đổi chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP.

Về bổ sung vốn cho ngành nông nghiệp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thủ tướng đồng ý, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xem xét cụ thể vấn đề này.

Nhắc lại câu nói của Giáo sư Lương Định Của: “Có lao động cực nhọc, có đổ mồ hồi trên đồng mới thấu hiểu hết nỗi khổ của nông dân, mới biết nông dân cần gì mới nghiên cứu ra thứ gì có tính ứng dụng”, Thủ tướng cho rằng, “ngày hôm nay, câu nói ấy tiếp tục vang vọng trong con tim và khối óc của chúng ta khi nền nông nghiệp, người nông dân Việt Nam cũng như tất cả cán bộ làm nông nghiệp đều ý thức rõ ràng những thách thức mà chúng ta đang đối diện”.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ba điểm sáng lớn mà ngành đạt được năm 2016, là tăng trưởng được phục hồi sau 6 tháng tăng trưởng âm (tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%) năm 2016; xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015; vấn đề an toàn thực phẩm có chuyển biến căn bản, rõ nét, được cả hệ thống chính trị, xã hội đánh giá cao.

Năm 2017, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tăng trưởng ngành khoảng 2,5 – 2,8%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 32 – 32,5 tỷ USD. Bộ tiếp tục chọn đây là năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

NỘI DUNG KHÁC

Đối thoại thắng thắn cùng bộ trưởng

26-12-2016

Tại Hà Nội, ngành NN-PTNT tổ chức tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ 2017. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự, chỉ đạo hội nghị.

Tham gia chào giá cạnh tranh in và gia công lịch 2017

18-10-2016

Tham gia chào giá cạnh tranh in và gia công lịch 2017

Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2015-2016 và phương hướng niên vụ cà phê 2016-2017

17-12-2016

Do tác động của El-Nino, sản lượng cà phê Việt Nam trong niên vụ mới 2016-2017 dự báo sẽ sụt giảm 20-25% so với vụ trước, chỉ khoảng 1,3 triệu tấn.

Động lực từ miễn thuế đất nông nghiệp

14-11-2016

LTS: Thời gian miễn giảm tiền thuế đất nông nghiệp còn rất ngắn, chính vì vậy Quốc hội đang thảo luận là có tiếp tục miễn giảm nữa hay không. Nhưng rõ ràng, việc kéo dài thời gian miễn giảm tiền thuế đất có thể xem là một trong những động lực để thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Chính thức có gói tín dụng 50 - 60.000 tỷ cho nông nghiệp

20-12-2016

“Chính phủ quyết định dành một gói tín dụng lên tới 50 - 60 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất”. Sẽ có nhiều ngân hàng thương mại cùng được tham gia giải ngân gói tín dụng nông nghiệp có quy mô khá lớn này...

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xu hướng tất yếu

29-11-2016

Gần đây, đoàn cán bộ tỉnh Sóc Trăng cùng GS Võ Tòng Xuân sang Campuchia để học tập kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gạo của nước này. Sự việc có vẻ lạ, gây bất ngờ cho nhiều người.

Ai cũng nói tái cấu trúc nhưng làm không hề đơn giản

17-12-2016

Khái niệm tái cấu trúc đến nay có lẽ đã trở thành câu cửa miệng của nhiều lãnh đạo DNNN, nhưng thực sự tái cấu trúc như thế nào không hề đơn giản và nhiều nơi không biết bắt đầu từ đâu.

1.200 tỷ đồng làm chuỗi thực phẩm an toàn

19-12-2016

Một số doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài vừa bắt tay nhau để cùng thực hiện chuỗi thực phẩm sạch, an toàn và truy xuất nguồn gốc, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng.

Đừng để doanh nghiệp tự bơi: Tiếng nói người trong cuộc

19-12-2016

Quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững, tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vốn tín dụng,… là những kiến nghị của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thủ tướng: Phấn đấu sớm đưa Việt Nam thành một quốc gia hàng đầu về sản phẩm nông nghiệp

19-12-2016

Chiều 18/12, tại TPHCM, dự Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định dành gói tín dụng khoảng 50 – 60 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất.

Tái cơ cấu nông nghiệp: “Đòn bẩy” xóa hạn điền

14-12-2016

Quan niệm “tích tụ ruộng đất” một thời gian dài bị lên án, xếp xó… trong khi một hình thức khác đã hình thành, mang tính chất tinh vi hơn, thủ đoạn hơn và nhiều khi được hợp pháp hóa là “chiếm hữu đất đai”.

Tư duy mới cho lợi thế cũ

17-12-2016

Năm 2016 có gần 1.500 DN đầu tư vào nông nghiệp, tuy nhiên số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện mới chiếm từ 1% – 2% tổng số DN của cả nước. Vì vậy cần cơ chế khuyến khích thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam với trụ cột là các DN.