ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Xuất khẩu gạo đang sáng trở lại

Ngày đăng: 21 | 07 | 2014

Thái Lan đang tạm ngừng xuất khẩu (XK) gạo, sản lượng thu hoạch lúa ở Ấn Độ giảm mạnh; trong khi đó Philippines, Malaysia, Indonesia, Srilanca và Bangladesh đều đang tăng mua gạo của Việt Nam. Đó là những tin vui cho XK gạo của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm. Hiện vẫn còn 2 triệu tấn theo các hợp đồng đã ký chưa xuất đi, khiến các thương lái và doanh nghiệp (DN) đang ra sức mua vét gạo.

Tiêu thụ lúa gạo lâm vào tình thế khó khăn suốt gần 2 năm qua. Trong 6 tháng đầu năm 2014, XK gạo của nước ta giảm 9,9% về khối lượng và8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng bước sang tháng 7, rất nhiều tin vui đã đến với ngành hàng này. 

Diễn biến thị trường thế giới có lợi cho Việt Nam

Chính quyền quân sự Thái Lan vừa hạ lệnh tạm ngừng XK gạo để kiểm tra 1.800 kho gạo của nước này sau khi Bộ Tài chính Thái Lan báo cáo rằng bị mất 2,9 triệu tấn gạo trong các kho. Sau khi nắm quyền đến nay, giới quân sự Thái Lan đã hoàn tất việc trả khoản nợ khổng lồ gần 3 tỷ USD mà 800.000 hộ nông dân nước này đã chờ đợi kể từ tháng 10/2013. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền hiện nay đã có thể chấm dứt việc bán gạo dự trữ với bất cứ giá nào mà Chính phủ tạm quyền đã tuyên bố trước đó. Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà XK gạo Thái Lan, các yếu tố nói trên sẽ đẩy giá gạo XK của nước này tăng nhanh trong vòng 2 tháng tới. 

Ấn Độ cũng đang giãn tiến độ XK gạo, bởi sản lượng thu hoạch ở nước này trong năm nay giảm mạnh so với những năm trước. Mới đây, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định đưa khẩn cấp 5 triệu tấn gạo dự trữ ra thị trường trong nước, một quyết định chưa từng có từ năm 2008 trở lại đây. Nguyên nhân bởi giá lúa gạo của Ấn Độ đang leo thang, khiến lạm phát trở nên gay gắt. Cơ quan thời tiết của Ấn Độ xác nhận, El’Nino cũng bắt đầu xuất hiện tại Ấn Độ, gây ra sự lo ngại bao trùm đất nước có diện tích lúa lớn nhất thế giới nhưng hệ thống thuỷ lợi lại rất bất cập. Năm 2014, lượng mưa ở Ấn Độ giảm tới 65% so với mọi năm, nên diện tích trồng vụ lúa mùa năm nay của nước này giảm 35% so với năm 2013.

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích ngành hàng lúa gạo, nhận định: “Sự cộng hưởng của những diễn biến cùng chiều về giảm sản lượng XK lúa gạo ở Ấn Độ và Thái Lan chắc chắn sẽ là nguồn động lực thúc đẩy các quốc gia có nhu cầu nhanh chóng tăng nhập khẩu để dự trữ. Đây chính là cơ hội để XK gạo Việt Nam gặp thuận lợi trong ngắn hạn”. 

Những ngày đầu quý III/2014, XK gạo Việt Nam đón nhận tín hiệu khởi sắc nhờ hợp đồng mới từ Malaysia và Philippines. Việt Nam vừa ký hợp đồng xuất khẩu 200.000 tấn gạo trắng 5% tấm cho Malaysia với giá 410 USD/tấn (FOB), thời gian giao hàng từ tháng 7-8/2014. Tháng 4/2014, Philippines đã ký hợp đồng nhập khẩu 800.000 tấn gạo Việt Nam sau một cuộc đấu thầu mở. Ngày 5/7/2014 vừa qua, Philippines bất ngờ thông báo mời Việt Nam đấu thầu 250.000 tấn gạo bổ sung và còn cho biết sẽ mua thêm gạo từ nay tới cuối năm. Mới đây, một quan chức chính phủ nước này cho biết, Philippines đã từ bỏ mục tiêu tự cung tự cấp lúa gạo hoàn toàn và họ sẽ tiếp tục mở cửa thị trường nhập khẩu cho tới năm 2016. Đây là tin vui đối với các nước XK gạo, nhất là Việt Nam, nước đang bán 1,5 triệu tấn gạo cho Philippines. Kế hoạch tự cung tự cấp hoàn toàn lúa gạo của Philippines đặt ra hồi đầu năm 2013 đến nay ngày càng trở nên xa vời sau những đợt thiên tai như hạn hán hay bão lũ, trong đó có cơn bão Haiyan hồi năm ngoái. Hiện, giá gạo tại Philippines đã bị đẩy lên mức cao kỷ lục. 

Thương lái mua vét gạo, nông dân mừng

Lũy kế hợp đồng XK gạo mà Việt Nam đã ký với các đối tác tính đến hết tháng 6/2014 là 5,3 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hợp đồng tập trung chiếm khoảng 1,6 triệu tấn, tương đương 12% và hợp đồng thương mại chiếm hơn 3,4 triệu tấn, tương đương 88%. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả giao hàng trong 10 ngày đầu tháng 7/2014 đạt 179,017 ngàn tấn, trị giá FOB 80,585 triệu USD, trị giá CIF 84,199 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 10/7/2014, sản lượng XK gạo đã đạt 3,182 triệu tấn (chính ngạch). Như vậy, khối lượng hợp đồng XK đã ký nhưng chưa giao còn hơn 2 triệu tấn. Đó là chưa tính đến việc Philippines dự kiến mua thêm của Việt Nam 250.000 tấn và Indonesia, Sri Lanca, Bangladesh cũng đang đặt vấn đề mua gạo của Việt Nam. Lượng gạo còn tồn kho ở các doanh nghiệp hội viên VFA hiện chỉ khoảng 1 triệu tấn. Điều này có nghĩa, để thực hiện hết số lượng hợp đồng trên, ít nhất các doanh nghiệp phải mua thêm khoảng 1,2 triệu tấn gạo nữa, một con số khá lớn. Thực tế, do đang thiếu hụt nguồn cung để thực hiện các hợp đồng XK đã ký nên doanh nghiệp đang đẩy mạnh mua vào, thậm chí có hiện tượng doanh nghiệp “vét” gạo để phục vụ cho nhu cầu này.

Theo VFA, chỉ từ đầu tháng 7 đến nay, giá gạo nguyên liệu ở ĐBSCL đã tăng thêm 400 đồng/kg. Hiện, giá gạo thành phẩm ở ĐBSCL đang ở mức cao, gạo 5% tấm thành phẩm tại kho ở mức 8.200-8.300 đồng/kg, giá khi cặp mạn tàu khoảng 8.400-8.500 đồng/kg. Gạo thành phẩm 15% tấm ở mức 7.800 đồng/kg. Vào cuối tuần qua, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.400–5.500 đồng/kg, lúa hạt dài khoảng 5.500–5.600 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện các DN đang rất khó mua được gạo. Nhiều DN đang chạy đôn chạy đáo tìm mua gạo để XK mà không thể nào mua được. Hiện tại, lúa của nông dân chín đến đâu đều có thương lái đến mua tới đó, tiêu thụ cũng rất sôi động. Với người nông dân, việc khó mua gạo XK có thể là tin vui. Bởi theo nhận định của nhiều DN, giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL có thể còn tăng lên nữa hoặc ít ra là vẫn ở mức tốt, khi mà khu vực này đang vào thời điểm thu hoạch rộ vụ hè thu.

Thông tin từ các doanh nghiệp XK gạo tại ĐBSCL, so với thời điểm hồi đầu tuần, hiện giá chào XK gạo của Việt Nam tiếp tục tăng thêm 15 USD/tấn, lên mức 420-425 USD/tấn đối với loại 5% tấm và 365-375 USD/tấn đối với loại 25% tấm. Trong khi đó, giá chào XK gạo thơm Jasmine vẫn ổn định ở mức 575-585 USD/tấn. Theo nhận định của một số DN, XK gạo quý III/2014 của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn nhờ XK tiểu ngạch sang Trung Quốc vẫn ổn định và sự gia tăng khối lượng ở các hợp đồng tập trung. Nếu năm 2013 hợp đồng tập trung đạt chỉ khoảng 700.000 tấn, thì tới thời điểm này Việt Nam đã có trong tay hợp đồng tập trung khoảng 1,6 triệu tấn. Như vậy, khả năng lượng gạo XK năm nay sẽ bứt phá mạnh mẽ, nếu thuận lợi có thể vượt 7 triệu tấn.

Theo Kinh tế nông thôn

NỘI DUNG KHÁC

Đầu tư nông nghiệp: Chính sách tốt sẽ hút doanh nghiệp lớn

4-7-2014

Ông Jesus Madrazo, Phó chủ tịch Tập đoàn Monsanto, thành viên Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, cho rằng, thị trường nông nghiệp tại Việt Nam hiện có cơ hội tốt để đầu tư khi Chính phủ Việt Nam đang chú trọng đổi mới nông nghiệp.

Nghịch lý phân chia lợi nhuận trong chuỗi Sản xuất - kinh doanh cao su: Đe dọa sự phát triển bền vững

4-9-2013

Theo Báo cáo ngành hàng cao su của Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tình trạng mủ cao su giảm giá từ đầu năm đến nay khiến người trồng cao su tiểu điền và các nông trường lao đao. Thế nhưng, khối doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao su thì vẫn thu lãi “khủng”. Vì sao có nghịch lý này?

Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao: Doanh nghiệp phải đi đầu

4-9-2013

Ứng dụng công nghệ sinh học, tự động hoá, tin học hoá vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, an toàn, hiệu quả là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) ở nước ta còn manh mún, chưa có định hướng cụ thể và thiếu đồng bộ.

Đừng "mặc đồng phục" mô hình cho phát triển nông nghiệp

30-8-2013

Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, mỗi địa phương có đặc thù riêng, không được áp đặt một mô hình cho mọi nơ

Nghịch lý lợi nhuận chuỗi ngành hàng cao su

16-8-2013

Theo báo cáo ngành hàng cao su của Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình trạng rớt giá mủ cao su từ đầu năm đến nay đã khiến nông dân trồng cao su tiểu điền và các nông trường lao đao. Thế nhưng, khối doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao su lại thu lãi khủng.

Lận đận mối liên kết nông dân và doanh nghiệp

14-8-2013

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân (Quyết định 80/2002/QĐ-TTg) ra đời và thực thi hơn 10 năm nay nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Mục tiêu đề ra đến năm 2010 phải có hơn 50% khối lượng nông sản hàng hóa của nông dân được tiêu thụ thông qua hợp đồng với DN, thế nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng vẫn chưa tới 10%.

Xuất khẩu rau quả vào EU: Cần nỗ lực từ nhiều phía

14-8-2013

Xuất khẩu (XK) rau quả của Việt Nam vào EU đang có dấu hiệu giảm sút trong thời gian gần đây do yêu cầu về chất lượng ngày càng khắt khe.

Xuất khẩu hồ tiêu: Căng thẳng nguồn hàng

12-8-2013

Theo Bộ NNPTNT, khối lượng tiêu xuất khẩu 7 tháng từ đầu năm đã tăng 22,8% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong 5 tháng còn lại của năm 2013, dự báo nguồn cung hồ tiêu sẽ rất căng thẳng.

Hàng ngàn tỉ đồng cho vay “mất hút” trong các doanh nghiệp thủy sản

14-6-2013

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản tại Cà Mau làm ăn thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản, phải cơ cấu lại. Chuyện làm ăn thua lỗ của DN chế biến thủy sản được lý giải một cách hợp lý: Do ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, phía sau những lý giải “có lý, có tình” là hàng ngàn tỉ đồng vốn vay đang có nguy cơ không thể thu hồi được.

Chưa có ràng buộc giữa DN XK thủy sản và người nuôi

14-6-2013

Tại Hội nghị kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội Chế biến XK thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa tổ chức tại TP.HCM, ông Trương Dình Hòe, Tổng Thư ký Vasep cho hay, trong thời gian qua Vasep đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa DN và người nuôi thông qua việc thường xuyên trao đổi thông tin và hỗ trợ lẫn nhau giữa Vasep và các Hiệp hội, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh.

Dự kiến tăng giá điện từ 1.7: Doanh nghiệp nông thôn lo phát sốt

13-6-2013

Dù mới dự thảo giá điện cho sản xuất sẽ tăng từ 2-7%, song nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã "phát sốt" vì lo lắng.

Doanh nghiệp cà phê nguy cơ vỡ nợ hàng loạt

12-6-2013

Nhiều doanh nghiệp nguy cơ thua lỗ vì trót gom cà phê giá cao, nay đến hạn trả nợ ngân hàng buộc phải xuất khẩu với giá thấp.