TIN TỨC-SỰ KIỆN

Tây Nguyên: Càphê... khát

Ngày đăng: 26 | 02 | 2013

Những ngày này, người dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn tưới đợt 2 cho cây càphê. Tuy nhiên, mực nước ở các sông, hồ, giếng đang xuống rất thấp, chưa kể nhiều dòng chảy nhỏ như kênh, suối cạn trơ đáy, khiến nhiều diện tích càphê đang “khát” trầm trọng.

Lao đao vì thiếu nước
Đắk Lắk hiện có 643 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có 516 hồ chứa, 81 đập dâng, 45 trạm bơm, 1 hệ thống đê bao, có nhiệm vụ tưới tiêu cho trên 25.000ha lúa đông xuân, gần 39.000ha lúa mùa, 45.000ha càphê cùng hàng nghìn hecta hoa màu các loại, song nguồn nước mới chỉ đáp ứng cho hơn 72% diện tích cây trồng trong tỉnh.
Lao đao vì thiếu nước
 
Anh Bùi Văn Nghĩa ở xã Ea Tân (huyện Krông Năng) cho biết, sau khi tập trung tưới xong đợt 1 thì mực nước ở hầu hết các đập chứa nước như Yên Khánh, Ea Đinh, Ea Chiên của địa phương đã vơi đi phân nửa. Do mùa khô, các mạch nước ngầm giảm mạnh, không kịp bù lại số lượng đã mất nên trong đợt tưới lần 2, nhiều diện tích càphê không còn đủ nước. Trong khi đó, mỗi niên vụ, người trồng phải tưới 3 - 4 đợt (cách nhau 20- 25 ngày), vì vậy, nếu tình trạng này tiếp diễn thì những đợt tưới sau, vấn đề nguồn nước sẽ thực sự nan giải.
Tại Đắk Nông, tính đến cuối tháng 12/2012, các địa phương trong tỉnh đã gieo trồng được gần 5.000ha cây vụ đông xuân các loại, trên tổng số hơn 10.000ha theo kế hoạch. Ngoài diện tích cây trồng ngắn ngày, vụ đông xuân cần nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi thì hiện nay, toàn tỉnh còn hàng nghìn hécta cây trồng lâu năm như càphê, hồ tiêu ở các huyện Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô… cần nước tưới. Tại những vùng có diện tích càphê lớn như Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Mil, Chư Jút…, nhiều nông dân đang tất bật tưới nước chống hạn cho cây. Ngoài công trình thủy lợi Đắk Goun, trên địa bàn huyện Đắk Mil còn có nhiều hồ chứa, công trình thủy nông khác cũng có khả năng không đáp ứng đủ nước cho cây trồng như công trình thủy lợi Đắk Ken, Vạn Xuân (thị trấn Đắk Mil), Đắk Loou (xã Đắk Lao)… Ông Lê Văn Sáu ở xã Đắk N’Drót (Đắk Mil) lo lắng: “Những năm trước, lượng nước tại công trình thủy lợi Đắk Goun khá dồi dào, cho đến tận cuối mùa khô mới cạn. Vậy mà bây giờ, chúng tôi mới tưới đợt 2 mà mực nước đã xuống rất thấp. Nếu thời tiết tiếp tục nắng kéo dài thì 2 đợt tưới còn lại không biết lấy nước ở đâu”. 
Nguồn nước khan hiếm, bà con cần áp dụng các biện pháp tưới cà phê tiết kiệm.
 
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil, tình trạng một số hồ, đập trên địa bàn không tích đủ nguồn nước sẽ khiến 221ha càphê có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ. Các công trình thủy lợi của tỉnh chỉ đáp ứng tưới khoảng 20.000ha càphê, như vậy, với hơn 56.000ha càphê còn lại, người dân phải chủ động lấy nước tưới từ các giếng khoan, sông, suối… So với năm 2006, mực nước ngầm trong khu vực sụt giảm khoảng 3 - 5m. Với độ sâu 40m, giếng khoan của nông dân trước đây có thể cung cấp đủ nước tưới cho 2-3ha càphê, nhưng nay lượng nước không đủ tưới cho 1ha.
Gian nan chống hạn
Để khắc phục khó khăn về nguồn nước tưới, bảo đảm càphê không bị khô héo và rụng quả, các địa phương đã huy động người dân tăng cường bơm nước, kịp thời đáp ứng nhu cầu tưới của bà con, đồng thời nạo vét kênh, mương và hồ chứa để trữ nước; phân chia, điều tiết lịch bơm để bảo đảm cho các sông, hồ, đập không bị kiệt nước; hướng dẫn thực hiện các biện pháp giữ ẩm cho cây…
Hiện, người trồng càphê ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn có thói quen tưới nhiều lần trong mùa khô, lượng nước cho mỗi lần lên tới 600 - 700 lít/gốc, gây lãng phí lớn. Ông Lê Rế, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Năng (Đắk Lắk) cho biết: “Huyện có trên 8.000ha/gần 26.000ha càphê đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng, việc tưới cho cây chủ yếu dựa vào nguồn nước từ các sông, hồ, suối và giếng nhưng đến nay nhiều nơi cũng cạn kiệt. Trước thực tế này, ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo các địa phương vận động người dân tiết kiệm nước, đồng thời tập trung đẩy mạnh các biện pháp khắc phục phù hợp với từng địa bàn như đào thêm giếng, nạo vét kênh mương… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
Nhiều địa phương ở Tây Nguyên cũng đã tăng cường bơm nước tại các trạm bơm, để kịp thời cung cấp nước tưới cho bà con; tiếp tục nạo vét kênh, mương và hồ chứa để trữ nước; phân chia, điều tiết lịch bơm để bảo đảm các sông, hồ, đập không bị kiệt nước; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp giữ ẩm cho cây… Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Tây Nguyên cũng thường xuyên chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, vận động người dân tiết kiệm nước, tập trung đẩy mạnh các biện pháp khắc phục hạn hán; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân về biện pháp tưới tiết kiệm nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho càphê trong niên vụ này.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2013/2/39312.html

NỘI DUNG KHÁC

Kết thúc lấy nước đổ ải đợt 3: Đảm bảo diện tích đất gieo cấy đã có nước

26-2-2013

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 5 ngày lấy nước cuối cùng trong đợt xả lần 3 để phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2012-2013, tính đến hết ngày 24/2 đã có gần 630.000 ha diện tích đất gieo cấy vụ Đông Xuân đã có nước, tương đương khoảng 99% tổng diện tích đất cần lấy nước đã có nước.

Hội nghị triển vọng ngành hàng cà phê 2013: Giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng

21-2-2013

Hội nghị sẽ được tổ chức vào ngày 10/3/2013 tại thành phố Buôn Ma Thuột do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp tổ chức.

Những dấu mốc của cà phê Việt

14-2-2013

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng cà phê xuất khẩu năm 2012 đạt 1,76 triệu tấn với kim ngạch 3,74 tỷ USD, tăng 40,3% về lượng và 36% về giá trị so năm 2011.

Hỗ trợ 100% lãi suất vay mua tạm trữ thóc, gạo

20-2-2013

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định mua tạm trữ một triệu tấn quy gạo trong vụ đông xuân năm 2012-2013 ở đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển hệ thống thủy lợi góp phần hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn

20-2-2013

Trong những năm qua, công tác đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Bước sang năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xác định, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa các công trình thủy lợi là một trong những hướng đi quan trọng để hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp

20-2-2013

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, với nỗ lực trong việc khuyến khích đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu mới của sản xuất trong tình hình hiện nay.

Sản xuất lúa gạo: Cần loại bỏ lợi ích nhóm

4-2-2013

Năm vừa qua, Việt Nam xuất hơn 7,7 triệu tấn gạo, dù tạo ra danh tiếng trên thương trường nhưng lĩnh vực xuất khẩu gạo của ta vẫn tồn tại một nghịch lý: sản lượng nhiều nhưng người trồng lúa vẫn thua lỗ.

Hội nghị Cán bộ công chức và người lao động IPSARD năm 2012

6-2-2013

Ngày 6/2/2012, tại Hội trường Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, đã tiến hành Hội nghị Cán bộ công chức và người lao động năm 2012. Về dự Hội nghị có toàn thể CBCC và người lao động trong Viện.

IPSARD tổ chức gặp mặt các cán bộ hưu trí 2013

5-2-2013

Trong không khí chào mừng ngày thành lập Đảng 03-02 và xuân Quý Tỵ 2013, sáng nay, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật với các cán bộ hưu trí (đã từng làm việc tại Viện Kinh tế nông nghiệp Việt Nam - tiền thân của Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT).

Hiệu quả sản xuất cánh đồng mẫu lớn

24-1-2013

ĐBSCL là vùng trồng lúa quan trọng nhất cả nước. Mặc dù năng suất và sản lượng lúa gia tăng, nhưng cuộc sống của người nông dân vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng lúa.

Gỡ mớ bùng nhùng nông lâm trường

24-1-2013

Thực trạng nông lâm trường vẫn là một bài toán khó, ở nhiều địa phương chẳng khác nào mớ bòng bong. Tàn dư của cách làm cũ, thiếu chính sách, thiếu tiền, thiếu chế tài khiến nhiều nông lâm trường chỉ còn vỏ bọc, bên trong đã chết lâm sàng. Nói như thế nhưng không có nghĩa tất cả, loạt bài này chúng tôi xin đăng tải những lời giải, những cách làm tạo nên sự khác biệt ở tỉnh Tuyên Quang, một trong những địa phương nhiều nông lâm trường nhất cả nước.

Đốn mía non, thiệt đủ đường

24-1-2013

Dù chưa đến thời điểm thu hoạch rộ nhưng nhiều nông dân ở Long An vẫn ồ ạt đốn mía, dẫn đến nhà máy quá tải. Nhiều ghe mía xếp hàng cả tuần mới lên cân khiến mía giảm phẩm cấp nghiêm trọng…