TIN TỨC-SỰ KIỆN

Sản xuất lúa gạo: Cần loại bỏ lợi ích nhóm

Ngày đăng: 04 | 02 | 2013

Năm vừa qua, Việt Nam xuất hơn 7,7 triệu tấn gạo, dù tạo ra danh tiếng trên thương trường nhưng lĩnh vực xuất khẩu gạo của ta vẫn tồn tại một nghịch lý: sản lượng nhiều nhưng người trồng lúa vẫn thua lỗ.

Nông dân... vẫn thua
Bốn năm qua (từ năm 2008-2012), sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta tăng lên hơn 65%, bình quân tăng 16%/năm, trong khi tổng doanh thu từ xuất khẩu gạo chỉ tăng 29,5%, xấp xỉ 7,5%/năm, như vậy là mức chênh lệch gấp hơn 2 lần so với bình quân tăng xuất khẩu hàng năm. Điều đó chứng tỏ, giá trị gia tăng của sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam còn thấp và đối tượng gánh chịu hệ lụy đó không phải là doanh nghiệp (DN) mà là người nông dân.
Thực tế thấy, gạo xuất khẩu có giá thấp thì đương nhiên khi mua thóc của nông dân, DN cũng mua ở mức thấp. Trong cùng thời điểm và sản phẩm có phẩm cấp như nhau, thế mà chẳng hiểu vì sao gạo Việt Nam xuất khẩu luôn có giá thấp hơn các đối thủ khác.
Nhìn lại năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 7,72 triệu tấn gạo, tăng 615.000 tấn so với năm 2011 nhưng tổng doanh thu lại thấp hơn tới hơn 200 triệu USD. Khoản tiền bị “âm” khổng lồ đó đã làm hàng triệu người dân trồng lúa trở thành nạn nhân của xuất khẩu gạo giá thấp. Như vậy, hiệu quả kinh tế mà xuất khẩu gạo năm 2012 đã lộ rõ sự thụt lùi so với trước.
Sở dĩ có điều này chủ yếu là do các DN xuất khẩu gạo mải mê chạy theo số lượng hơn là tạo ra hiệu quả cho người trồng lúa. Nên biết rằng trong năm 2012, Thái Lan chấp nhận mua lúa của dân và để tồn kho gần 13 triệu tấn gạo chứ không tham xuất khẩu bằng mọi giá. Trước đây cũng như hiện nay, trong xuất khẩu gạo, Thái Lan luôn vì mục tiêu tạo lợi nhuận cho người trồng lúa, nhằm đảm bảo cho đời sống của họ - một bộ phận chiếm phần đông dân số.
Cần loại bỏ dần lợi ích nhóm
Vừa qua, hãng tin Reuters dẫn số liệu cho thấy, gạo trắng loại 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 410 - 415 USD/tấn, giảm so với mức 420 USD/tấn của tuần đầu tiên trong tháng 1/2013.
Trước thực tế đó, các chuyên gia đã chỉ ra ít nhất 3 yếu tố khiến giá gạo không “ngoi” lên được, đó là chất lượng gạo Việt Nam chưa cao, gạo Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế và sự cạnh tranh của các cường quốc gạo khác. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ chốt nhất và có lẽ là “cội nguồn” của 3 nguyên nhân trên chính là một “mắt xích thừa” trong quy trình sản xuất, cung ứng lúa gạo ở Việt Nam, đó là lợi ích nhóm của thương lái, đặc biệt là thương lái Trung Quốc.
Hiện nay, nhiều thương lái đang hoạt động trên tất cả các cánh đồng lớn nhỏ ở Việt Nam, trong đó có một bộ phận không nhỏ thương lái Trung Quốc có ý định đầu cơ gạo khi các vụ mùa về. Thực trạng này phản ánh mức độ liên kết yếu kém giữa DN và nông dân nước ta, đồng thời cho thấy sự hạn chế trong vai trò quản lý, điều phối chung của Nhà nước ở mô hình liên kết “4 nhà”. Và thương lái cũng là yếu tố khiến chất lượng, thương hiệu và sức cạnh tranh của gạo Việt giảm, trong đó hệ luỵ cuối cùng là giá thu mua lúa gạo của nông dân thấp.
Đầu tiên phải kể đến là các chiêu “phá hoại” của thương lái Trung Quốc khiến gạo Việt mang “tiếng xấu”, đó là mua gạo được sản xuất từ các giống lúa cũ, lạc hậu, năng suất thấp với giá cao, nhằm kích thích người dân quay về các giống lúa vốn đã bị Nhà nước đưa vào danh sách loại bỏ. Nhiều trường hợp thương lái Trung Quốc còn mua “gạo độn” tạp nham với giá cao, sau đó xuất khẩu ra nước ngoài với nhãn mác gạo Việt, khiến thương hiệu gạo Việt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và khi đó, sức cạnh tranh của gạo Việt với các sản phẩm gạo có tiếng như Thái Lan sẽ trở nên yếu kém.
Ngoài ra, khi thương lái Trung Quốc xuất hiện, nhóm lợi ích trung gian này sẽ thu một lượng thặng dư không nhỏ từ mức chêch lệch giá khi bán cho DN xuất khẩu. Vô hình trung, liên kết DN-nông dân không chỉ bị đứt gãy mà cả 2 “nhà” đều mất đi lượng chi phí trung gian không cần thiết cho thương lái, đồng thời còn tạo kẽ hở cho gạo Việt “chảy máu” liên tục. Ngay cả khi Chính phủ ban hành quy định thu mua lúa gạo tăng 30% về giá thì bản chất của một nền nông nghiệp giá rẻ vẫn chưa có gì thay đổi.
Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc xem lại việc triển khai thực hiện liên kết “4 nhà” nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho nền sản xuất lúa gạo trong dài hạn.
Tại Hội nghị tổng kết sản xuất lúa năm 2012, kế hoạch năm 2013 và đẩy mạnh phát triển cánh đồng mẫu lớn tổ chức tại Kiên Giang mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, năm 2012, diện tích sản xuất lúa của cả nước đạt khoảng 7,760 triệu hecta, tăng 117.000ha so với năm 2011. Tổng sản lượng ước đạt khoảng 43,96 triệu tấn, tăng 1,64 triệu tấn.
Sau 2 năm thực hiện chương trình cánh đồng mẫu lớn, các địa phương trong cả nước đã triển khai được hơn 78.600ha lúa, trong đó các tỉnh phía Nam đạt 59.800ha. Qua đánh giá thấy, lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT định hướng xây dựng cánh đồng mẫu lớn thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu quy mô 1 triệu hecta; xây dựng thương hiệu lúa gạo theo VietGAP.
 
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2013/1/38844.html

NỘI DUNG KHÁC

Hội nghị Cán bộ công chức và người lao động IPSARD năm 2012

6-2-2013

Ngày 6/2/2012, tại Hội trường Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, đã tiến hành Hội nghị Cán bộ công chức và người lao động năm 2012. Về dự Hội nghị có toàn thể CBCC và người lao động trong Viện.

IPSARD tổ chức gặp mặt các cán bộ hưu trí 2013

5-2-2013

Trong không khí chào mừng ngày thành lập Đảng 03-02 và xuân Quý Tỵ 2013, sáng nay, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật với các cán bộ hưu trí (đã từng làm việc tại Viện Kinh tế nông nghiệp Việt Nam - tiền thân của Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT).

Hiệu quả sản xuất cánh đồng mẫu lớn

24-1-2013

ĐBSCL là vùng trồng lúa quan trọng nhất cả nước. Mặc dù năng suất và sản lượng lúa gia tăng, nhưng cuộc sống của người nông dân vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng lúa.

Gỡ mớ bùng nhùng nông lâm trường

24-1-2013

Thực trạng nông lâm trường vẫn là một bài toán khó, ở nhiều địa phương chẳng khác nào mớ bòng bong. Tàn dư của cách làm cũ, thiếu chính sách, thiếu tiền, thiếu chế tài khiến nhiều nông lâm trường chỉ còn vỏ bọc, bên trong đã chết lâm sàng. Nói như thế nhưng không có nghĩa tất cả, loạt bài này chúng tôi xin đăng tải những lời giải, những cách làm tạo nên sự khác biệt ở tỉnh Tuyên Quang, một trong những địa phương nhiều nông lâm trường nhất cả nước.

Đốn mía non, thiệt đủ đường

24-1-2013

Dù chưa đến thời điểm thu hoạch rộ nhưng nhiều nông dân ở Long An vẫn ồ ạt đốn mía, dẫn đến nhà máy quá tải. Nhiều ghe mía xếp hàng cả tuần mới lên cân khiến mía giảm phẩm cấp nghiêm trọng…

Dứt khoát không cho nhập lại nội tạng trắng

24-1-2013

Ông Lê Quốc Dung - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, phải dứt khoát không cho nhập nội tạng được.

Chương trình 135 giai đoạn II: 80% người dân hài lòng về chất lượng công trình

24-1-2013

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 -2010 (Chương trình 135 giai đoạn II) đã được triển khai trên địa bàn 1.958 xã; 3.274 thôn, bản đặc biệt khó khăn của 369/690 huyện thuộc 50/63 tỉnh.

Công đoàn IPSARD tổ chức lớp học trang điểm cho chị em phụ nữ

21-1-2013

Nhân dịp chào mừng Tết Nguyên đán Quý Tỵ, BCH Công đoàn IPSARD đã tổ chức khóa học trang điểm cho chị em phụ nữ là công đoàn viên của Viện. Lớp học được tổ chức lúc 12h30’ thứ 2 ngày 21 tháng 01 năm 2013 tại phòng họp Viện.

Vụ đông xuân lạ và hành động của chúng ta

11-1-2013

Ông Quách Ngọc Ân - nguyên Phó Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm đã bày tỏ với NNVN những đối sách ứng phó cho một vụ đông xuân có nhiều diễn biến lạ như năm nay…

Đề xuất dừng quy hoạch phát triển kho chứa lúa

11-1-2013

Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT) đã đề xuất Bộ NNPTNT dừng cấp phép xây kho chứa trong thời gian tới.

Ưu tiên vốn cho sản xuất nông nghiệp

11-1-2013

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản chỉ đạo Bộ NNPTNT tập trung thực hiện công tác quy hoạch, tái cơ cấu ngành... để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngành nông nghiệp.

Đề nghị cho nhập khẩu nội tạng trắng

10-1-2013

Bộ NNPTNT vừa có công văn số 79/BNN-HTQT đề nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu trở lại các sản phẩm nội tạng động vật trắng.