TIN TỨC-SỰ KIỆN

Đốn mía non, thiệt đủ đường

Ngày đăng: 24 | 01 | 2013

Dù chưa đến thời điểm thu hoạch rộ nhưng nhiều nông dân ở Long An vẫn ồ ạt đốn mía, dẫn đến nhà máy quá tải. Nhiều ghe mía xếp hàng cả tuần mới lên cân khiến mía giảm phẩm cấp nghiêm trọng…

Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, vụ này, toàn tỉnh có hơn 13.000ha mía, nhiều nhất là huyện Bến Lức với 8.700ha. Dù phải qua Tết Nguyên đán mới đến vụ thu mua nhưng người dân đã “tranh thủ” đốn gần 50% rồi rồng rắn chở đến Nhà máy Đường NIVL (huyện Bến Lức) kiếm tiền tiêu tết.
Cây mía đã bắt đầu lên xốp vì 7 ngày chưa được lên cân.
 
Rồng rắn chờ cân
Ông Nguyễn Văn Lâm - chủ ghe 20 tấn ở Bến Lức cho biết, ông sống bằng nghề chở thuê. Vụ mía năm ngoái, cứ ghe vừa cặp bến là mía lên nhà máy ngay. Còn hiện nay, ghe ông đậu đã 3 ngày vẫn chưa tới lượt cân. “Ai cũng phải bốc số. Có ghe bốc tới số 700 rồi, mà mỗi ngày nhà máy chỉ cấp phép 150 – 170 ghe nên chúng tôi cứ xếp hàng rồng rắn mà chờ” – ông Lâm nói.
Nhiều chủ ghe gần nhà máy, sau khi bốc số đã dong ghe về nhà nằm chờ. Các chủ ghe ở xa thì trải chiếu ngủ luôn trên ghe, ăn uống sinh hoạt đều trông chờ vào các ghe bán hàng rong.
Ông Trần Văn Luận - thương lái thu mua mía cho biết, mía sau khi đốn xong thời gian từ ruộng lên ghe rồi về nhà máy mất khoảng 2 ngày. Do không được cân liền, chờ thêm 3 – 5 ngày nên ghe nào cũng bốc mùi như rượu vì đường trong cây mía lên men. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều ghe mía nằm chờ quá lâu, thân mía chuyển sang màu đỏ, chua như giấm.
Ông Luận cho biết, ngoài xuống chữ đường, trung bình mỗi ghe 20 tấn sẽ “teo” mất 1 tấn do mía bốc hơi. Đây là lý do khiến thương lái mua mía tại ruộng với giá thấp hơn nhà máy khá xa để “bù lỗ”. Ông Đặng Văn Xây - một thương lái tại địa phương đã có 10 năm thu mua mía cho biết, giá mía thu tại nhà máy hiện là 980.000 đồng/tấn đối với mía đạt 10 chữ đường.
Thế nhưng, do mía chưa chín tới, lại giảm phẩm cấp do không kịp cân nên chỉ còn 7-8 chữ, chưa tính mỗi tấn phải trừ đi 50.000 đồng tiền tạp chất nên giá mía xuống thấp. “Nông dân đốn thì tụi tui mua thôi, nhưng giá tại ruộng dưới 600.000 đồng/tấn mới mua được” – ông Xây nói.
Nông dân và nhà máy đều thiệt
Vừa thu hoạch 40ha mía với năng suất 80 tấn/ha, thế nhưng anh Nguyễn Văn Minh ở xã Lương Hòa vẫn rầu rĩ khi trong tay là cuốn sổ nợ gần nửa tỷ đồng. “Bình quân mỗi ha mía bỏ khoảng 50 triệu tiền đầu tư ban đầu, chưa kể tiền thuê đất 14 triệu đồng/ha. Năm nay, thương lái mua mía tại ruộng với giá từ 550.000 - 600.000 đồng/tấn. Lấy năng suất bình quân là 80 tấn/ha thì nông dân chỉ từ hòa tới lỗ” – anh Minh than.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, diện tích trồng mía toàn khu vực ĐBSCL niên vụ 2012-2013 là 51.800ha, tăng so với niên vụ trước hơn 200ha. Trong đó, tỉnh Hậu Giang có diện tích trồng mía lớn nhất với hơn 14.000ha, Long An gần 13.000ha.
Ông Đặng Thanh Như- Trưởng phòng Nguyên liệu Nhà máy Đường NIVl thông tin, ngoài các vùng nguyên liệu chính của nhà máy ở miền đông, miền tây, áp lực mía tại Long An mỗi ngày khoảng 6.000 tấn. Trong khi đó với cây mía tại địa phương nhà máy chỉ có thể thu mua cao nhất khoảng 4.500 tấn/ngày.
Để góp phần giải quyết tình trạng mía ùn ứ, nhà máy đã tăng cấp phép từ 150 phép lên 170 phép/ngày nhưng vẫn không xuể. Cũng theo ông Như, hiện nay do đường sản xuất ra không bán được nên nhà máy đành chấp nhận vi phạm hợp đồng và còn nợ nông dân gần 50 tỷ đồng. Những ngày qua, trước bức xúc của người dân nhà máy cũng đã thế chấp đường tại một số ngân hàng để vay tiền, cố gắng trả hết cho dân trước Tết Nguyên đán.
Theo ông Lê Minh Đức, ngành nông nghiệp đã kiểm tra và phát hiện Công ty NIVL còn tồn đọng lượng đường khá lớn chưa bán được. Tuy nhiên, do công ty này có hợp đồng bao tiêu với dân và cam kết giá thu mua nên thương lái cứ ùn ùn chở mía tới nhà máy “ép mua” dẫn đến hiện tượng quá tải. “Chúng tôi đề nghị bà con nông dân nên chờ qua Tết Nguyên đán hãy đốn mía, vì vụ ép kéo dài đến tháng 5.2013 nhà máy mới ngừng thu mua theo hợp đồng. Nếu cứ đốn mía non như hiện nay, cả nông dân và nhà máy đều bị thiệt hại” – ông Đức nói.
Theo Nông thôn ngày nay
 

NỘI DUNG KHÁC

Dứt khoát không cho nhập lại nội tạng trắng

24-1-2013

Ông Lê Quốc Dung - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, phải dứt khoát không cho nhập nội tạng được.

Chương trình 135 giai đoạn II: 80% người dân hài lòng về chất lượng công trình

24-1-2013

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 -2010 (Chương trình 135 giai đoạn II) đã được triển khai trên địa bàn 1.958 xã; 3.274 thôn, bản đặc biệt khó khăn của 369/690 huyện thuộc 50/63 tỉnh.

Công đoàn IPSARD tổ chức lớp học trang điểm cho chị em phụ nữ

21-1-2013

Nhân dịp chào mừng Tết Nguyên đán Quý Tỵ, BCH Công đoàn IPSARD đã tổ chức khóa học trang điểm cho chị em phụ nữ là công đoàn viên của Viện. Lớp học được tổ chức lúc 12h30’ thứ 2 ngày 21 tháng 01 năm 2013 tại phòng họp Viện.

Vụ đông xuân lạ và hành động của chúng ta

11-1-2013

Ông Quách Ngọc Ân - nguyên Phó Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm đã bày tỏ với NNVN những đối sách ứng phó cho một vụ đông xuân có nhiều diễn biến lạ như năm nay…

Đề xuất dừng quy hoạch phát triển kho chứa lúa

11-1-2013

Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT) đã đề xuất Bộ NNPTNT dừng cấp phép xây kho chứa trong thời gian tới.

Ưu tiên vốn cho sản xuất nông nghiệp

11-1-2013

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản chỉ đạo Bộ NNPTNT tập trung thực hiện công tác quy hoạch, tái cơ cấu ngành... để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngành nông nghiệp.

Đề nghị cho nhập khẩu nội tạng trắng

10-1-2013

Bộ NNPTNT vừa có công văn số 79/BNN-HTQT đề nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu trở lại các sản phẩm nội tạng động vật trắng.

Tháo gỡ nghịch lý trong nông nghiệp

10-1-2013

Cho rằng các khâu mắt xích trong nền sản xuất nông nghiệp đều "có vấn đề", từ chính sách, người nông dân, doanh nghiệp đến thị trường xuất khẩu, GS Võ Tòng Xuân bàn giải pháp tái cấu trúc lại.

Vụ đông xuân 2013: Khuyến khích SX-XK gạo cao cấp

9-1-2013

Xuất khẩu gạo trong quý 1/2013 có thể sẽ chững lại tương tự quý 1 năm ngoái. Tuy nhiên, trong năm nay việc mở rộng sản xuất-XK các loại gạo phẩm cấp cao, đặc biệt là gạo thơm sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho ngành lúa gạo.

Sản xuất lúa thắng lợi

9-1-2013

Trong nông nghiệp ở nước ta, lúa là ngành sản xuất thắng lợi lớn, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới: Nông dân vẫn nghèo

9-1-2013

Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu gạo kỷ lục với 7,72 triệu tấn đạt giá trị hơn 3,45 tỷ USD. Nước ta xuất khẩu gạo đứng hàng nhất nhì thế giới nhưng nông dân trồng lúa vẫn nghèo. Nghịch lý này đã và đang tồn tại từ nhiều năm qua.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

17-12-2012

Hội thảo: Quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất và kinh doanh rau quả ở quy mô nhỏ.