ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Giao đất 50 năm cho dân: Cú hích cho nông nghiệp

Ngày đăng: 26 | 06 | 2012

Chủ trương sửa đổi Luật Đất đai tới đây sẽ nâng thời hạn giao đất nông nghiệp lên thành 50 năm. Vậy thời hạn này liệu đã đáp ứng được kỳ vọng của nông dân và cần thực hiện giao đất như thế nào?

Tiến sĩ Vũ Trọng Bình- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. (Ảnh: AGROINFO)
Về vấn đề này, phóng viên NTNN đã phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Trọng Bình- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cần có quy hoạch trước khi giao đất
Ông có nhận định gì về mức thời hạn 50 năm và ý nghĩa của chủ trương này?
- Đây là chủ trương có ý nghĩa rất lớn, sẽ tạo “cú hích” trong đầu tư nông nghiệp. Nhưng cũng nên làm rõ: Vùng nông nghiệp nào có tính chiến lược quốc gia, an ninh lương thực, thì nên giao lâu dài hơn nữa. Những đối tượng thực sự là nông dân trực canh cũng nên mạnh dạn giao đất thời hạn lâu dài hơn cho họ.
Những vùng đất sẽ bị đô thị hóa và công nghiệp hóa trong tương lai, cần quy hoạch rõ để giao đất phù hợp với tiến trình này nhằm làm cho sự phát triển nông nghiệp, công nghiệp hài hòa hơn. Để khuyến khích sản xuất hàng hóa, nên nghiên cứu từng vùng, quy mô thế nào thì sẽ được giao từ 50 năm trở lên, từ đó thúc đẩy tích tụ ruộng đất.
Cần gắn chủ trương này với khuyến khích tích tụ ruộng đất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp.
Trước đây, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần bỏ hẳn hạn mức, thậm chí GS Đặng Hùng Võ đề nghị cần giao đất đến 99 năm hoặc có ý kiến cho rằng cần giao 70 năm. Vậy ông có nhận định gì về mốc 50 năm?
-Thời hạn giao đất phụ thuộc vào quy hoạch lãnh thổ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đô thị. Những vùng nông nghiệp lõi, quy hoạch ổn định, mang tính sống còn cho an ninh lương thực quốc gia, nên giao vĩnh viễn để người dân được tự do mua bán, chuyển nhượng và thừa kế. Cần có mốc giao đất khác nhau cho các vùng có chiến lược sử dụng đất khác nhau.
Theo ông, nếu giao 50 năm, liệu chúng ta đã có thể đáp ứng được chu kỳ sản xuất lâu dài, ổn định của người nông dân?
-Về nguyên tắc, giao đất càng dài thì sự ổn định hiệu quả của đầu tư nông nghiệp càng cao, cả về hạ tầng thủy lợi, điện, đường, đầu tư sản xuất và nhà đầu tư sẽ càng yên tâm đầu tư. Nhưng cũng chỉ nên giao đất lâu dài cho nhà đầu tư Việt Nam mà không nên giao đất lâu dài cho nhà đầu tư nước ngoài vì nông nghiệp liên quan nhiều đến lãnh thổ, an ninh quốc gia, an ninh lương thực…
Đối với vấn đề hạn mức, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng cho biết, sẽ nới lỏng hạn mức chuyển nhượng theo hướng tăng gấp 3-4 lần so với hiện tại. Như vậy, mỗi hộ dân cũng chỉ được giao tối đa không quá 15-20ha. Diện tích này tuy lớn hơn, song liệu trong 10 năm tới, hạn mức này có bị hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người nông dân?
-Thật ra, 15-20ha đã là rất lớn, vì có đến trên 99% nông dân chúng ta là có diện tích dưới 1ha. Cần làm rõ, sự khác biệt giữa chính sách nông nghiệp và chính sách nông dân. Nên ưu tiên nông dân sản xuất trực canh, có diện tích quy định theo từng vùng. Còn khi có diện tích lớn, đi thuê lao động, không trực tiếp sản xuất, thì lúc đó nên coi là doanh nghiệp nông nghiệp.
Việc mở rộng hạn điền sẽ giúp người dân tạo ra được các vùng sản xuất chuyên canh lớn.
Những đối tượng này có thể được hỗ trợ nhờ chính sách nông nghiệp, nhưng họ không còn là nông dân nên không nên hỗ trợ họ như nông dân. Việc giao đất, quy mô càng lớn, cần gắn với quá trình hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp.
Bởi quy mô càng lớn, thì quản lý và sản xuất phải càng hiện đại, đáp ứng các điều kiện sản xuất xanh và bền vững. Cần bắt đầu xây dựng một nền nông nghiệp có quản lý sản xuất trang trại, không thể để một trang trại 100ha cũng có trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm và quản lý Nhà nước như một nông dân có vài sào đất.
Không thể tách nông nghiệp và nông dân
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu rằng, những chính sách, cách làm về đất đai hiện nay như dồn điền, đổi thửa hay cánh đồng mẫu lớn chỉ là sáng kiến, cách làm của một vài địa phương, còn chúng ta vẫn thiếu một chiến lược tổng thể về đất đai. Như vậy, để những cách làm trên được cụ thể hóa bằng luật, theo ông, chúng ta cần "cởi trói" những gì?
-Cần quy hoạch rõ vùng sản xuất nông nghiệp lâu dài tại từng vùng, tiểu vùng, có thời hạn giao đất lâu dài gắn với chiến lược sử dụng đất nông nghiệp từng vùng, tiểu vùng đó và quyền sử dụng đất rõ ràng thì các nhà đầu tư và nông dân sẽ yên tâm đầu tư. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp cần có tính pháp lý cao, có những vùng vĩnh viễn, chỉ Chính phủ hoặc Quốc hội mới có quyền điều chỉnh. Khi điều chỉnh, chỉ các công trình phúc lợi, an ninh quốc phòng thì mới theo giá Chính phủ định, còn lại do thỏa thuận.
Dồn điền, đổi thửa và xây dựng cánh đồng mẫu lớn không thể thực hiện khi chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp từng vùng, tiểu vùng chưa cụ thể và có tính pháp lý cao theo từng thửa đất, giao đất chưa lâu dài và ổn định, việc cấp tín dụng, hỗ trợ về KHCN, quản lý chất lượng, marketing, xây dựng thương hiệu, phát triển chuỗi giá trị, cấp phép xây dựng nhà máy chế biến… chưa thật sự theo đúng quy hoạch của nông nghiệp.
Nước Mỹ, chỉ có 3 triệu nông dân, nhưng họ lại sở hữu hàng chục triệu ha đất nông nghiệp, có nhiều người sở hữu tới vài trăm ha. Liệu trong tương lai, Việt Nam có thể có những cá nhân sở hữu tới hàng trăm ha như thế được không?
- Không thể so sánh với nước Mỹ, sự so sánh này quá thiên lệch, vì họ có cả một nền công nghiệp, dịch vụ khổng lồ để thu hút việc làm. Nếu Việt Nam cũng làm như họ, có thể chúng ta cũng có một nền nông nghiệp hiện đại không kém gì họ, nhưng hàng triệu nông dân chúng ta sẽ làm gì.
Suy cho cùng, phát triển nông nghiệp cũng để phục vụ con người, và nông dân phải là người cần được quan tâm nhiều nhất. Vấn đề nông nghiệp chính là vấn đề nông dân, không thể tách vấn đề nông nghiệp ra khỏi vấn để nông dân.
“Quy mô đất đai càng lớn thì càng phải giám sát sản xuất chặt để hạn chế rủi ro, đảm bảo liên kết trong sản xuất. Những nông dân, doanh nghiệp nào không tuân thủ điều kiện cấp phép sản xuất đối với quy mô lớn, Nhà nước có thể rút giấy phép sản xuất và tổ chức đấu thầu cho nông dân, doanh nghiệp khác mua lại” - TS Vũ Trọng Bình
Tương lai, có thể một người sở hữu hàng trăm ha, nhưng liệu hiệu quả về tạo việc làm, chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng làm ra, khả năng cạnh tranh của sản phẩm của trang trại đó có hơn là 100ha mà do 100 hay 50 nông dân sở hữu không.
Vấn đề không phải là có một nền nông nghiệp hiện đại quy mô lớn, mà nền nông nghiệp đó tạo ra giá trị gia tăng cho ai, nông dân chúng ta có là chủ sở hữu nền nông nghiệp đó hay họ là người bị bần cùng hóa như nhiều nơi trên thế giới.
Chính sách giao đất, nên có sự đa dạng, mức độ theo từng vùng miền trên cơ sở nghiên cứu cụ thể về xu thế phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp. Chính sách giao đất lâu dài, cần gắn với quy hoạch pháp lý cao, các quy định quản lý phát triển nền nông nghiệp mới bền vững, cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, xanh.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/93840p1c34/giao-dat-50-nam-cho-dan-cu-hich-cho-nong-nghiep.htm

NỘI DUNG KHÁC

Cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản

22-6-2012

Ngành thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn đối với nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu thủy sản từ nay đến cuối năm 2012 được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường xuất khẩu nông sản

20-6-2012

Theo số liệu công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại cuộc họp báo chiều 19-6, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

VFA khuyến cáo tình trạng gian dối, ảnh hưởng chất lượng gạo

20-6-2012

Năm 2012, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quyết định đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gạo thơm với mục tiêu đề ra là 600.000 tấn, cao hơn năm ngoái 140 ngàn tấn.

Cứu nông dân và doanh nghiệp chế biến dừa Bến Tre

18-6-2012

Giá dừa khô đang giảm khoảng 70% so với năm trước, đẩy hàng nghìn hộ dân và hơn 100 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dừa tại Bến Tre lâm vào cảnh khốn khó. Nếu tình trạng này kéo dài, cây dừa – vốn là niềm tự hào và nguồn sống của người dân nơi đây có thể sẽ bị đốn hạ để thay thế bằng những cây trồng khác.

Cà phê Việt trước cơn bão FDI

18-6-2012

Hàng trăm doanh nghiệp nội địa chuyên kinh doanh cà phê xuất khẩu đã và đang phá sản, lụi tàn, vì nhiều hãng có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu cơ, lũng đoạn dần nguồn nguyên liệu mà Nhà nước cùng người dân dày công gây dựng...

Xuất hiện "xin-cho" chính sách nông nghiệp

11-6-2012

Trước đây, chính sách có thể sai hoặc thiếu, còn bây giờ có chuyện mua, xin- cho chính sách. Đây là một tình trạng mới, trước có thể chỉ là xin- cho chức quyền, còn bây giờ là xin- cho chính sách.

Xuất khẩu thủy sản gặp nhiều bất lợi

6-6-2012

Trong 5 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu thủy sản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2011. Xét về mặt giá trị, mức tăng trưởng trên là khả quan nhưng trước thực trạng khó khăn và nhiều bất cập khiến cho lợi nhuận của ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam sụt giảm.

Quy định làm khó người trồng rừng: Doanh nghiệp lo kẹt giữa “rừng thủ tục”

4-6-2012

Một số doanh nghiệp trồng rừng ở Quảng Ninh cho biết, họ nhìn thấy trước rất nhiều khó khăn, tốn kém khi phải thực hiện quy định tại Thông tư 01/2012 của Bộ NNPTNT.

Nhà máy đường Lam Sơn "dọa" giảm giá mua mía

4-6-2012

Ghi nhận của phóng viên NTNN tại các vùng nguyên liệu mía ở Thanh Hóa cho thấy, vào thời điểm này, giá mía đang xuống rất thấp, nhiều nông dân thậm chí không bán được mía.

Tăng cường các giải pháp để giữ vững vị thế của gạo Việt Nam

31-5-2012

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trở thành trung tâm gạo của thế giới, song để có thể tiếp tục đứng vững trên thị trường quốc tế, đòi hỏi phải áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng giá trị và uy tín của hạt gạo Việt Nam.

Giải quyết triệt để vấn đề đất đai: Tiền đề cho tái cơ cấu kinh tế

21-5-2012

Đất đai sử dụng lãng phí, ruộng đất manh mún, người sử dụng hiệu quả không có điều kiện tích tụ đất, khai thác tài nguyên tự nhiên quá mức cho phép, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... những vấn đề vướng mắc đang đặt ra cho công tác xây dựng luật, chính sách đất đai cần giải quyết triệt để nhằm tạo một trong những tiền đề cho tái cơ cấu nền kinh tế.

Hàng loạt doanh nghiệp thủy sản sắp phá sản: Sụp đổ dây chuyền

14-5-2012

Sau một thời gian phát triển “nóng” và được coi là đầu tàu kinh tế của khu vực ĐBSCL, hàng loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản đang phá sản, nợ nần chồng chất, không lối thoát.