THỊ TRƯỜNG

Cảnh báo việc giảm giá xuất khẩu cá tra

Ngày đăng: 23 | 04 | 2012

Hiện, do tồn kho lớn và đói vốn nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đã thi nhau chào bán sản phẩm giá thấp, nhất là tại 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ và EU. Điều này không chỉ dễ đẩy các doanh nghiệp vi phạm luật pháp của các nước nhập khẩu, rơi vào vòng kiện tụng, mà còn khiến “con cá vàng” của thủy sản Việt Nam dần mất đi hình ảnh và uy tín.

Hiện cá tra Việt Nam đang bị cảnh báo vì việc giảm giá bán và tỉ lệ mạ băng quá cao
Dễ rơi vào vòng kiện tụng
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra quí 1/2012 đạt hơn 161.000 tấn, với giá trị hơn 421 triệu đô la, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2011.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện, giá cá tra Việt Nam được các nhà nhập khẩu chào mua cũng như ngay chính bản thân một số doanh nghiệp Việt Nam chào bán đang có xu hướng giảm.
Báo cáo của VASEP cho thấy, Mỹ là thị trường được doanh nghiệp cá tra Việt Nam chào giá bán giảm nhiều nhất, đặc biệt là sau Hội chợ thủy sản quốc tế Boston. Lý do giảm giá là do doanh nghiệp đói vốn, trong khi lượng hàng tồn kho lớn, ít nhất phải 2 tháng nữa mới tiêu thụ hết.
Tình trạng trên thật sự đáng báo động đối với các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nói chung bởi, hiện cá tra Việt Nam vẫn đang bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá, đặc biệt trong các kỳ POR8 và POR9 (xem xét hành chính) tiếp theo nếu như giá không giữ được bằng hoặc cao hơn so với mức giá của kỳ POR7 vừa qua.
Cũng theo số liệu của VASEP, tính đến giữa tháng 3/2012, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn của cá tra Việt Nam với giá trị đạt 60,6 triệu đô la, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng giá trị nhập khẩu tháng 2 đạt 26,3 triệu đô la, tăng 138,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng so với 20,3 triệu độ la của tháng 1/2012.
Tuy nhiên, việc Mỹ nhập khẩu cá tra Việt Nam tăng chỉ phản ánh một phần nhu cầu đang tăng tại thị trường này. Nếu nhìn nhận theo một khía cạnh khác, sẽ thấy cùng với sự gia tăng của kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam thì lượng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ cũng tăng theo.
VASEP ước đoán, hiện số doanh nghiệp xuất sang Mỹ đã tăng gấp đôi so với khoảng 1 - 2 năm trước nên khiến giá chào bán của các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng giảm dần cũng như nhiều nhà nhập khẩu đã tìm cách hạ giá mua cho dù nhu cầu cá tra tại thị trường này vẫn đang rất tốt.
Cảnh báo mất hình ảnh và uy tín tại EU
Theo số liệu của VASEP, tính đến giữa tháng 3/2012, tuy giá trị giảm 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái thì EU vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam với gần 88 triệu đô la.
Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là hiện nay do việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đua nhau giảm giá bán trên thị trường, cạnh tranh không lành mạnh đã làm cho hình ảnh cá tra Việt Nam ngày càng đi xuống.
Không chỉ bị cảnh báo về việc giảm giá cá tra, mới đây theo thông tin từ Hiệp hội Nhập khẩu Mỹ (NFI), vấn nạn mạ băng (đóng tuyết) khiến hàm lượng nước trong cá tra Việt Nam vượt mức cho phép đang gây ra nhiều tranh luận tại Mỹ.
Các nhà nhập khẩu Mỹ cho rằng, tỉ lệ tăng trọng bằng mạ băng của cá tra Việt Nam không chỉ dừng lại ở mức 20% như quy định mà nhiều lô hàng đã tăng tới 40%.
Ông Jean-Charles Diener - Giám đốc Công ty Ofco Sourcing (một nhà nhập khẩu và phân phối cá tra Việt Nam tại châu Âu) đã đưa ra lời cảnh báo rằng, việc cá tra Việt Nam liên tục giảm giá bán trong thời gian qua đã làm mất hình ảnh và uy tín của tại thị trường châu Âu.
“Không phải giá thấp là người nhập khẩu thích vì họ phải cạnh tranh khốc liệt với nhau, rất khó kiếm lời khi luôn có người bán rẻ hơn. Do đó, các nhà nhập khẩu phải hạn chế nhập khẩu cá tra Việt Nam bằng những chiến dịch bôi xấu cá tra ngày càng có tổ chức và mạnh mẽ hơn” - ông Jean-Charles Diener khẳng định.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/nongsan/tintucthitruong/75320/Canh-bao-viec-giam-gia-xuat-khau-ca-tra.html

NỘI DUNG KHÁC

Loay hoay với bảo hiểm trên tôm nuôi

20-4-2012

Ở khu vực ĐBSCL, sau hơn 1 năm thực hiện, nhiều địa phương mới đang loay hoay tập huấn cán bộ, khảo sát địa bàn, còn nông dân dè dặt tiếp cận.

Thả nổi chất lượng nông sản

19-4-2012

Mặc dù là một nước nông nghiệp, có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, mang lại giá trị kim ngạch khá cao nhưng do sản xuất thủ công, manh mún nên chúng ta đang tỏ ra yếu kém trong việc kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu, thời gian gần đây liên tục có các lô hàng nông sản bị trả về. Trong khi đó, nông sản nhập khẩu cũng đang làm nhiều người dân lo lắng vì không có một hàng rào đủ mạnh để kiểm soát về chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngành mía đường trước nguy cơ thua lỗ

19-4-2012

Những năm gần đây, bài toán về cung cầu, giá cả, cơ chế của ngành mía đường đã được bàn thảo nhiều, nhưng đến giờ, việc nhập và xuất khẩu đường vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, bởi doanh nghiệp (DN) tiêu thụ thì chỉ muốn nhập, còn DN sản xuất thì chỉ muốn xuất khẩu.

Giá nông sản giảm đồng loạt: Rẻ vẫn ế

17-4-2012

Cuối tháng 3 vừa qua các chuyên gia kinh tế dự báo tháng 4 sẽ có một đợt tăng giá mạnh do tác động của giá xăng dầu và nhiều chi phí đầu vào... Tuy nhiên, tình hình thị trường hiện nay đang cho thấy diễn biến trái ngược.

Thị trường gạo xuất khẩu đang thuận cho Việt Nam?

17-4-2012

Trong tháng 3/2012, giá lương thực toàn cầu đã tăng.

Nông sản Việt xuất khẩu: Vẫn còn kiểu làm ăn chụp giật

17-4-2012

Chữ “tín” của nông sản Việt chưa thực sự đứng vững trên trường quốc tế, bởi chúng ta đã nhận được cảnh báo về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xuất khẩu cà phê năm 2012 dự báo giảm cả về lượng và giá trị

16-4-2012

Bộ Nông nghiệp và Phát trển Nông thôn vừa đưa ra dự báo, khối lượng xuất khẩu cà phê của năm 2012 có thể đạt mức 1,15 triệu tấn với trị giá khoảng 2,36 tỷ USD, giảm 7,2%về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị xuất khẩu so với năm 2011 do hạn chế về nguồn cung trong nước, trong khi giá cà phê thế giới có chiều hướng đi xuống vào thời gian tới.

Quyết định về việc: "Ban hành Chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí 2012"

14-3-2012

Quyết định về việc: "Ban hành Chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí 2012"

Quyết định về việc "Ban hành Kế hoạch phòng chống tham nhũng 2012"

15-2-2012

Quyết định về việc "Ban hành Kế hoạch phòng chống tham nhũng 2012"

Cà phê nhân ở Tây Nguyên có thể đạt sản lượng từ 1 triệu tấn trở lên

11-4-2012

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nếu thời tiết thuận lợi như hiện nay, niên vụ 2012 – 2013, các tỉnh Tây Nguyên có khả năng đạt sản lượng từ 1 triệu tấn cà phê nhân trở lên.

Dự báo khối lượng cao su xuất khẩu năm 2012 có thể đạt 930 ngàn tấn

11-4-2012

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đưa ra dự báo khối lượng cao su xuất khẩu của năm nay có thể đạt con số hơn 930 ngàn tấn, tăng khoảng 50 ngàn tấn so với con số dự báo trước đó do khối lượng xuất khẩu những đầu năm lớn hơn nhiều so với ước tính.

Thu mua tạm trữ, giá lúa vẫn giảm: VFA tính sai sản lượng thực tế?

11-4-2012

Mặc dù Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố đã thu mua tạm trữ được 700.000 tấn gạo, song thực tế, đến thời điểm này, giá lúa gạo tại ĐBSCL vẫn giảm, nhiều nơi nông dân vẫn không thể bán được lúa.