ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Đề xuất giải pháp nâng chất lượng cho thủy sản xuất khẩu

Ngày đăng: 21 | 02 | 2012

Các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng cơ quan quản lý cần chú ý hơn đến khâu nuôi trồng và đánh bắt thủy sản để đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu, thay vì chỉ tập trung vào khâu chế biến, đồng thời giảm gánh nặng chi phí kiểm định cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang chỉ chăm chăm vào kiểm soát khâu chế biến ở các hệ thống nhà máy chế biến thủy sản mà lại buông lỏng khâu khai thác, nuôi trồng.
Đây là điều bất hợp lý, ông Dũng nói tại buổi làm việc giữa Vasep với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chiều ngày 20-2 tại TPHCM. Theo ông, hầu hết các nhà máy chế biến đều đang áp dụng các hệ thống giám sát quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, SQF và đều được các quốc gia nhập khẩu cử đoàn đến kiểm tra. Trong khi đó, khâu nuôi trồng lại đang có nhiều bất cập như thói quen sử dụng kháng sinh thiếu kiểm soát của người dân, bơm chích tạp chất trong nguyên liệu.
Chế biến cá tra tại nhà máy công ty Agifish
 
“Chúng ta nên làm quen với quản lý theo chuỗi sản xuất nhằm tránh để lọt sản phẩm kém chất lượng. Chế biến không thể độc lập với nuôi trồng và xuất khẩu”, ông Dũng nói.
Riêng trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá tra, lượng doanh nghiệp có đầu tư chuỗi sản xuất khép kín từ con giống, thức ăn đến nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, hình thức doanh nghiệp liên kết với các tổ cung ứng cá nguyên liệu cũng khá phổ biến.
Ông Dũng đánh giá 70% sản lượng cá tra xuất khẩu từ 2 hình thức trên và điều này có thể giúp giảm rủi ro về mặt chất lượng với cá tra. Đối với tôm, mặt hàng thủy sản dự báo có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam trong năm 2012 là 2,5 tỉ đô la Mỹ, lại khá phụ thuộc vào nguồn mua ngoài nên việc quản lý còn phức tạp.
Ông Phan Thanh Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hải Việt, Vũng Tàu thì cho rằng chi phí kiểm soát chất lượng, kiểm định đang làm đội giá thành xuất khẩu. Xuất khẩu tôm qua Nhật - một thị trường rất khó tính khiến doanh nghiệp phải tự đầu tư phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, chi phí lấy mẫu, kiểm định, cấp chứng nhận đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm do Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ NN&PTNN, một yêu cầu bắt buộc cho lô hàng xuất khẩu, vào khoảng 1 triệu đồng/lô cũng đang là gánh nặng lên doanh nghiệp.
Tương tự, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc công ty CP thủy sản Thuận Phước cho biết, nếu như doanh thu xuất khẩu năm 2011 của công ty ông là 70 triệu đô la Mỹ thì chi phí dành cho khâu kiểm tra và chứng nhận đã là 300.000 đô la Mỹ.  
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNN cho biết sẽ nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị để  giảm bớt gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu.
Ông Tiệp cũng thông tin thêm từ tháng 3 đến tháng 9-2012 Việt Nam sẽ tiếp nhiều đoàn quốc tế qua đánh giá, giám sát chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Chuyến công tác qua Việt Nam của đoàn Mỹ vào tháng 5 và Liên minh Châu âu vào tháng 9 là hoạt động định kỳ, trong khi đó đoàn của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc sang thanh tra 28 cơ sở sản xuất cá bò khô tẩm gia vị của nước ta xuất khẩu sang Hàn. Trong khi đó, đoàn công tác của phía Nga lại quan tâm đến thực trạng nhiễm vi sinh trong thủy sản xuất khẩu qua Nga.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết bộ sẽ tìm kiếm các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp duy trì và phát triển các thị trường xuất khẩu.
“Bộ sẽ tăng cường quản lý theo chuỗi, thống kê tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh, vật tư để đưa vào danh sách quản lý, xử lý khi có vi phạm. Đồng thời sẽ tiến hành phân loại doanh nghiệp theo mức độ khả năng quản lý chất lượng. Từ đó sẽ tăng cường kiểm soát với những doanh nghiệp không đáp ứng”, ông nhấn mạnh.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/nongsan/tintucthitruong/71650/De-xuat-giai-phap-nang-chat-luong-cho-thuy-san-xuat-khau.html

NỘI DUNG KHÁC

Giá lúa gạo giảm mạnh, doanh nghiệp bán cắt lỗ

21-2-2012

Tiếp tục đà suy giảm của tuần trước, trong những ngày đầu tuần này, giá lúa gạo nội địa lại có một đợt lao dốc mạnh. Điều này làm không ít thương lái, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo nội địa rơi vào cảnh lỗ lã và chấp nhận bán cắt lỗ.

Không thu phí, xuất khẩu cà phê sẽ tụt hạng?

21-2-2012

Theo VICOFA, việc DN lo ngại không thu được phí với tất cả các DN XK cà phê là đúng, nhưng VICOFA đang thuyết phục từng DN thành viên và việc thu phí sẽ được thực thi với tất cả các DN XK cà phê.

Tạo thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản

21-2-2012

Chiều 20/02, hội trường Văn phòng Bộ NN-PTNT tại TPHCM không còn chỗ trống khi Bộ trưởng Cao Đức Phát gặp gỡ doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.

XK nông - lâm - thủy sản tháng đầu năm: Những con số kém vui

15-2-2012

Tháng đầu tiên của năm mới 2012, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) của nước ta sụt giảm mạnh về giá trị kim ngạch. Đây là điều các chuyên gia đã nhận định hồi cuối năm ngoái.

Lối ra cho doanh nghiệp xuất khẩu: Tìm thị trường mới

15-2-2012

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh này, để tồn tại và phát triển, bên cạnh việc tiếp tục duy trì thị trường truyền thống, các DN đã nỗ lực mở cửa thị trường mới…

Sản xuất tăng tốc đầu năm - Gồng mình “vượt bão”

10-2-2012

Bất chấp tình hình kinh tế tiếp tục trầm lắng, nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn nỗ lực “vượt bão”. Hàng loạt đơn hàng được triển khai ngay từ những ngày đầu xuân, báo hiệu một năm dù có rất nhiều khó khăn, nhưng phải cố gắng vượt qua.

Sản xuất tăng tốc đầu năm - Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp

10-2-2012

Duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát và giảm nhập siêu là những mục tiêu đang được các doanh nghiệp, bộ ngành triển khai quyết liệt trong những tháng đầu năm 2012.

Độc quyền phân phối phân đạm

10-2-2012

Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) vừa trình Chính phủ về việc giao cho công ty con của tập đoàn này độc quyền phân phối đạm Cà Mau. Văn phòng Chính phủ đang yêu cầu các bộ liên quan và Hiệp hội Phân bón VN có ý kiến.

Năm 2012: Cơ hội vàng cho cá tra xuất ngoại?

10-2-2012

Nếu khủng hoảng kinh tế đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, thì các doanh nghiệp nuôi và chế biến cá tra lại nhận định năm 2012 là cơ hội vàng cho cá tra xuất ngoại.

Muối công nghiệp: Bộ nói đủ, doanh nghiệp kêu thiếu

9-2-2012

Hôm qua (8.2), Bộ NNPTNT đã công bố dự báo sản lượng muối công nghiệp sản xuất trong nước năm 2012 ước đạt khoảng 280.000 tấn, dư gần 70.000 tấn.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang vượt Thái Lan

9-2-2012

Nhật báo Dân tộc vừa đưa tin xuất khẩu gạo của Thái Lan trong tháng 1/2012 đã giảm mạnh 57,96% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn gần 387.750 tấn. Đây là mức thấp nhất trong khoảng 10 năm nay.

Lời giải cho thách thức kinh tế toàn cầu

9-2-2012

Cách đây vài năm, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới họp thường niên tại Davos, một sáng kiến quan trọng được đưa ra lấy tên là “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” với sự tham gia của nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều tổ chức phát triển của thế giới. Mục tiêu của sáng kiến này có thể tóm tắt là: trong 10 năm, cố gắng tăng sản lượng nông nghiệp lên 20% trong khi giảm 20% tỷ lệ đói nghèo và giảm 20% mức phát thải các- bon.