HỘI THẢO

Hiệu quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Tân Hội

Ngày đăng: 10 | 02 | 2012

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã và đang được triển khai rộng khắp trên cả nước, nhiều mô hình nông thôn mới đang phát huy hiệu quả cao, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân nông thôn. Mô hình xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Hội (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những mô hình như thế.

Xã Tân Hội là đại diện duy nhất cho khu vực các tỉnh Tây Nguyên được Ban Bí thư Trung ương chọn làm mô hình điểm xây dựng nông thôn mới và được triển khai từ năm 2009. Ngoài Tân Hội, tỉnh Lâm Đồng đã chủ động chọn 11 xã làm điểm của tỉnh để triển khai thực hiện từ năm 2010 nhằm rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngay sau khi được lựa chọn làm xã thí điểm xây dựng nông thôn mới, xã Tân Hội đã thành lập Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới, tổ chức xây dựng đề án trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức nghiên cứu, quán triệt các quy định của Trung ương, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới đến tận thôn xóm và mọi người dân. Từ đó làm cho nhân dân hiểu rõ và đồng thuận về quan điểm xây dựng nông thôn mới là do nhân dân làm là chính.
Cùng với việc thành lập Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND xã Tân Hội và các xã nằm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh lên kế hoạch để thực hiện hoàn thành nhóm tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã nông thôn mới trên địa bàn.
Xác định nhu cầu về vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã nông thôn mới rất lớn chiếm từ 20 - 30% trên tổng vốn theo đề án được duyệt. Nếu chỉ dựa vào nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của Trung ương cho chương trình xây dựng nông thôn mới thì không đủ, đòi hỏi phải huy động, lồng ghép từ nhiều nguồn khác như nguồn ngân sách Trung ương đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn ngân sách địa phương tỉnh, huyện; nguồn vốn tín dụng; nguồn vốn huy động từ đóng góp của nhân dân và các thành phần kinh tế khác… Với thực tế đó, UBND tỉnh Lâm đồng đã bố trí và sử dụng các nguồn vốn theo hướng: Ưu tiên sử dụng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư theo các đề án như chương trình mục tiêu giáo dục, y tế, chương trình kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi… để bố trí đầu tư cho các công trình, dự án trên địa bàn xã.
Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trực tiếp trong chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới để đầu tư các hạng mục cứng theo quy định; nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện cùng với nguồn đóng góp của nhân dân sử dụng đầu tư cho các công trình có mức đầu tư không lớn như nâng cấp hồ chứa nước, xây dựng giao thông xã, thôn xóm, đường giao thông trục chính nội đồng, nhà sinh hoạt cộng đồng… Đồng thời, huy động các thành phần kinh tế đầu tư vào các công trình, dự án sản xuất kinh doanh như xây dựng chợ nông thôn, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ…
Với những nỗ lực trong công tác huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, trong 3 năm triển khai chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới xã Tân Hội đã huy động được 81.15 tỷ đồng tổng nguồn vốn thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng, trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình 29 tỷ đồng, chiếm 35,7 % tổng vốn thực hiện; Nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện đạt 5,05 tỷ đồng, chiếm 6,2 % tổng vốn thực hiện; Vốn đóng góp của nhân dân là 20,1 tỷ đồng; Nguồn vốn huy động khác đạt 6,5 tỷ đồng, chiếm 7,6 % ….
Với việc huy động và lồng ghép các nguồn lực nêu trên đã góp phần cho xã Tân Hội đầu tư xây dựng hoàn thành cơ cở hạ tầng kinh tế-xã hội, đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, về hạ tầng giao thông, trong 3 năm đã xây dựng được 35/37 km tuyến đường giao thông của xã; về thủy lợi cũng đã nạo vét 3 hồ thủy lợi bằng nguồn vốn nông thôn mới, xây mới 1 hồ thủy lợi bằng vốn kiên cố hóa kênh mương; về giáo dục, bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu và trái phiếu Chính phủ đã đầu tư cho giáo dục, xã tân Hội đã được đầu tư xây dựng mới 2 trường học. Hoàn thành xây dựng mới và đầu tư trang thiết bị cho trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu về y tế.
Ngoài ra, trong 3 năm qua, từ nguồn vốn trên, xã Tân Hội cũng đã xây dựng mới 3 hội trường thôn, sửa chữa 5 hội trường thôn, bảo đảm 100% số thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; xây dựng 01 nhà văn hóa thể thao và sân bóng đá của xã.
Điều có ý nghĩa quan trọng tạo nên thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Tân Hội đó là việc áp dụng cơ chế thực hiện quản lý đầu tư và xây dựng công trình của địa phương này đã phát huy tối đa vai trò dân chủ của nhân dân. Người dân được bàn bạc, tự quyết định, tự mua vật tư, vật liệu, thuê sắm trang thiết bị phục vụ cho việc thi công, trực tiếp thi công công trình, vì vậy rất chủ động trong việc triển khai thực hiện, đồng thời chất lượng công trình được đảm bảo, vật tư không thất thoát, giá thành giảm. Cũng từ cách làm hiệu quả này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Đề án phát triển đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 với mục tiêu cụ thể và các giải pháp chính sách thực hiện công trình theo phương thức “nhân dân làm công trình, nhà nước hỗ trợ vật tư”.
Kết quả đạt được của xã điểm Tân Hội đã cho thấy những kinh nghiệm bước đầu trong xây dựng nông thôn mới. Để việc triển khai xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, trước tiên phải thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền tạo sự nhất trí, đồng thuận cao của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Nhất là phải tuyên truyền để mọi người dân quán triệt quan điểm xây dựng nông thôn mới “nhân làm là chính, Nhà nước hỗ trợ” và tổ chức thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, không trông chờ , ỉ lại vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Ngoài ra, phải thực hiện quy chế dân chủ cơ sở để cộng đồng dân cư tham gia bàn bạc thống nhất về quy chế quản lý nguồn lực, lựa chọn công trình, cơ chế đối ứng… đồng thời công khai các thủ tục chẩn bị đầu tư, quy trình thực hiện thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán, ban hành thiết kế, dự toán mẫu… để nhân dân giám sát và tham gia thực hiện. Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn và lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn ngân sách của địa phương, đóng góp của nhân dân và các thành phần kinh tế để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành với các cấp chính quyền huyện, xã cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong xây dựng nông thôn mới. Việc phối hợp chặt chẽ không chỉ góp phần tham mưu các cơ chế chính sách, bố trí nguồn lực, hướng dẫn thực hiện mà còn tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đạt các tiêu chí đã đề ra.
Được biết, thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Chương trình xây dựng nông thôn mới và triển khai trên toàn bộ 118 xã của tỉnh với mục tiêu đến 2015 có 41 xã (gồm Tân Hội, 11 xã điểm của tỉnh và 29 xã ưu tiên) đạt tiêu chí nông thôn mới và đến 2020 có 99 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Mong rằng với cách làm và những bài học kinh nghiệm thiết thực của xã Tân Hội, trong tương lai không xã tỉnh Lâm Đồng sẽ có thêm nhiều mô hình nông thôn mới hiệu quả hơh, góp phần đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân nơi đây.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=505523

NỘI DUNG KHÁC

Xã điểm Tam Phước khoác “áo mới”

9-2-2012

Tam Phước (Phú Ninh, Quảng Nam) là một trong 11 xã điểm được T.Ư chọn đại diện cho khu vực duyên hải Nam Trung Bộ để xây dựng mô hình xã nông thôn mới. Đến nay Tam Phước đã khoác lên mình một tấm áo mới…

Quảng Nam: Đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, nâng cao thu nhập cho người dân

9-2-2012

Quảng Nam là địa phương có sản xuất nông nghiệp chiếm chủ yếu, nhưng tình trạng đất nông nghiệp rất manh mún và phân tán. Trước thực tế này, công tác dồn điền đổi thửa, gắn với quy hoạch sản xuất hàng hóa đã được UBND tỉnh Quảng Nam quyết liệt triển khai, đến nay việc dồn điền đổi thửa đã và đang phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Hậu Giang: Đông Thạnh thoát nghèo nhờ cây trái

8-2-2012

Vào những ngày đầu năm mới này, về xã Đông Thạnh (huyện Châu Thành, Hậu Giang), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi bộ mặt nông thôn toàn xã được “lột xác” từng ngày.

Chăn nuôi bò sữa giúp Vĩnh Thịnh thoát nghèo

2-2-2012

Về xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc trong những ngày này, có thể nhận thấy, chưa bao giờ khát vọng thoát nghèo lại trỗi dậy mạnh mẽ như bây giờ. Với nỗ lực bền bỉ của người dân xã Vĩnh Thịnh, khát vọng ấy nay đã trở thành hiện thực. Cả làng, cả xã đã có thu nhập cao, ổn định nhờ mạnh dạn đưa bò sữa vào chăn nuôi.

Nghệ An: Kinh tế hợp tác xã có bước phát triển mới

2-2-2012

Năm 2011, toàn tỉnh Nghệ An phát triển mới được 28 hợp tác xã (HTX), trong đó có 2 HTX phi nông nghiệp được thành lập tại huyện vùng cao Kỳ Sơn, 4 HTX dịch vụ nông nghiệp mới được thành lập ở huyện Quế Phong, đưa tổng số HTX lên 830 đơn vị. Hầu hết các HTX hoạt động có lãi và đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 6,3 vạn lao động.

Hà Giang: Sản lượng chè búp tươi năm 2011 đạt gần 61.000 tấn

2-2-2012

Chè là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Hà Giang. Theo thống kê của ngành chức năng, trong năm 2011 năng suất chè bình quân đạt 38 tạ/ha và sản lượng chè búp tươi trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt gần 61.000 tấn.

Hợp tác xã sản xuất nấm, hướng liên kết hiệu quả của người trồng nấm tại Đà Nẵng

11-1-2012

Tại tổ 21, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), mới đây 22 hộ dân trên địa bàn đã góp vốn thành lập Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận. Đây là Hợp tác xã sản xuất, chế biến nấm thứ 7 trên địa bàn TP, qua đó góp phần để Đà Nẵng hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng cao với hai loại sản phẩm chủ yếu là hoa và nấm.

Bình Thuận: Tìm hướng xuất khẩu thanh long bền vững

11-1-2012

Bình Thuận hiện là “thủ phủ” thanh long của cả nước với tổng diện tích trên 15.500 ha, sản lượng bình quân hàng năm trên 350.000 tấn. Tuy nhiên, để có thị trường ổn định cho trái thanh long hiện nay vẫn đang là vấn đề khó, và điệp khúc được mùa mất giá lập lại thường xuyên với người nông dân.

Đồng Nai: Phát triển diện tích cây thanh long ruột đỏ

11-1-2012

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển diện tích cây thanh long ruột đỏ - một loại cây trồng đã được khảo nghiệm thành công tại huyện Trảng Bom, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3,8 lần so với trồng ngô và 6,5 lần so với trồng mía mà bà con nông dân ở đây đang sản xuất.

Các tỉnh Tây Nguyên để cà phê chín đều mới thu hoạch

17-11-2011

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2011-2012.

Triển vọng trồng thanh long ruột đỏ trên cao nguyên Lâm Đồng

17-11-2011

Vốn quen với trồng cà phê, dâu tằm từ lâu nay nhưng một số hộ dân ở xã Nam Hà (Lâm Hà, Lâm Đồng) đã mạnh dạn thử nghiệm một mô hình làm kinh tế khá mới. Đó là đưa thanh long ruột đỏ được trồng nhiều ở Bình Thuận và một số tỉnh ven biển khác về trồng tại địa phương.

Đồng Tháp: Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên cây lúa

17-11-2011

Nhằm hỗ trợ người sản xuất lúa khắc phục những thiệt hại tài chính do thiên tai, dịch bệnh gây ra, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa triển khai kế hoạch thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên cây lúa, giai đoạn 2011 – 2013.