TIN TỨC-SỰ KIỆN

Lúa gạo Việt Nam và những con số

Ngày đăng: 02 | 02 | 2012

Gạo là lương thực quan trọng nhất ở Việt Nam. Nó cũng là nguồn lương thực quan trọng nhất cho hơn nửa loài người, nhất là ở các nước Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á.

Với người Việt dù bất cứ ở đâu, “ăn cơm” chỉ việc ăn nói chung gồm nhiều thứ chứ không chỉ có cơm. Cơm, gạo, thóc, lúa là những từ thuần Việt và đã gắn với lịch sử, với cuộc sống của người Việt từ ngàn đời nay.
Từ ĐBSCL, qua miền Trung, đến đồng bằng Bắc Bộ và lên tận rẻo cao, người Việt dù thuộc sắc tộc nào cũng đều biết trồng lúa. Và lúa, gạo sẽ còn gắn với người Việt lâu dài, dù với sự phát triển, có thể người Việt sẽ tiêu thụ ngày càng ít gạo đi, dù số lao động trực tiếp làm ra lúa gạo có giảm đi.
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đứng đầu thế giới về hạt tiêu và hạt điều, gạo đứng thứ 5 cùng với cao su và đậu đỗ. Việt Nam có 24 mặt hàng nông nghiệp thực phẩm đứng hàng từ 1 đến 10 thế giới (37 mặt hàng đứng từ hàng 1 đến 20) cho thấy vai trò của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Xét về sản lượng gạo, năm 2009 Việt Nam đứng thứ 5 sau Trung Quốc (197 triệu tấn), Ấn Độ (131 triệu tấn), Indonesia (64 triệu tấn) và Banglades (45 triệu tấn).
Xét về thứ hạng trong nước, theo sản lượng, gạo là sản phẩm nông nhiệp hàng đầu của Việt Nam với tổng sản lượng (năm 2009) là 38,9 triệu tấn, tính ra tiền là 10,4 tỷ USD. Năm 2011 Bộ NNPTNT dự tính sản lượng gạo Việt Nam là 42 triệu tấn. Năm 2009 Việt Nam xuất khẩu 5,969 triệu tấn gạo (chiếm 15,35% sản lượng) và năm 2011 chắc đạt 7 triệu tấn gạo xuất khẩu.
Thái Lan tuy đứng thứ 7 thế giới về sản lượng (năm 2009: 31,5 triệu tấn, sau Myanmar 32,7 triệu tấn) nhưng đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo (Việt Nam xếp thứ 2).
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 1995 là 1,988 triệu tấn và đến năm 2010 là 6,886 triệu tấn (năm 2011 chắc chắn vượt 7 triệu tấn!). Có thể thấy lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 16 năm qua đã tăng gần 3,5 lần và đóng góp không nhỏ cho xuất khẩu của Việt Nam (năm 2010 đạt 3,23 tỷ USD chiếm 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước).
Nhắc tới những con số trên, nếu nhìn lại 25-30 năm trước, những năm cuối 1970 và các năm 1980, khi cả nước thiếu gạo ăn và mãi đến 1988 Việt Nam vẫn cần nhập khẩu 0,45 triệu tấn gạo, rồi người nông dân thực sự giành lại được quyền tự do sản xuất của mình và 2 năm sau, năm 1990 Việt Nam đã có thể xuất khẩu 1 triệu tấn gạo, chúng ta có thể thấy sức sống của người nông dân Việt Nam mạnh mẽ đến thế nào nếu không bị chính sách sai lầm cản trở. Nếu chính sách của Nhà nước thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động của bà con nông dân thì thành tích lúa gạo của Việt Nam còn cao hơn nữa.
Các nước công nghiệp có tỷ lệ lao động nông nghiệp trên tổng lao động rất nhỏ. Tỷ lệ giảm nhanh nhưng sản lượng tuyệt đối vẫn tăng đáng kể.
Năm 2010, tỷ lệ lao động nông nghiệp là 17% ở Ba Lan, 12,7% ở Malaysia, 5,2% ở Hàn Quốc, 2,22% ở Nhật Bản và 2% ở Pháp. Tỷ lệ này ở ta là 63,2%! Muốn trở thành nước công nghiệp hiện đại chí ít sau 30 năm nữa chúng ta cần có cơ cấu lao động nông nghiệp cỡ 10% khoảng như ở Malaysia hiện nay!
Quốc hội bàn cố làm sao giữ cho được 3,8 triệu ha diện tích trồng lúa. Nếu giữ được 3,8 triệu ha trong tương lai 25-30 năm có lẽ chỉ cần 10-20 nghìn trang trại trồng lúa quy mô lớn (từ vài trăm đến 1.000 ha/trang trại) với số lao động từ vài chục đến vài trăm người một trang trại. Nói cách khác số lao động sản xuất lúa hàng hóa sẽ chỉ còn cỡ 2-3 triệu người.
Không có số liệu lao động làm lúa gạo, nhưng có thể dự cảm từ con số lao động năm 2010 trong nông nghiệp là 29,63 triệu trong tổng số 46,91 triệu lao động (theo FAO), thì có thể thấy thách thức là vô cùng to lớn.
Số lao động nông nghiệp là 29,63 triệu và mức tăng là 1,22%/năm. Đấy là các số liệu xuất phát. Hãy xét vài kịch bản phát triển.
Giả sử, mức tăng lao động không đổi và mỗi năm chuyển được 1 triệu lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, thì sau 30 năm số lao động trong nông nghiệp sẽ còn 6,87 triệu (khi đó tổng lao động sẽ là 68,3 triệu), nói cách khác lao động nông nghiệp sẽ chiếm 10,47%. Nếu mỗi năm chỉ chuyển được 0,5 triệu lao động khỏi nông nghiệp, thì sau 30 năm vẫn còn 24,08 triệu lao động nông nghiệp (chiếm 36,75% tổng lao động).
Nếu mức tăng lao động giảm được xuống 1%/năm, và số lao động rút ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp vẫn là 1 triệu/năm (0,5 triệu/năm), thì sau 30 năm số lao động nông nghiệp còn 6,09 triệu chiếm 9,73% lao động (22,82 triệu chiếm 36,45% lao động).
Có thể thấy giảm tốc độ tăng lao động cũng có tác động đáng kể, nhưng việc chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ vẫn phải là nhiệm vụ chính. Với việc rút 1 triệu lao động khỏi lĩnh vực nông nghiệp, thì Việt Nam cần 30 năm mới đạt tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống cỡ 10% (mức tương tự như của Malaysia hiện nay), còn rút 0,5 triệu/năm thì sau 30 năm nữa vẫn chưa thể gọi là có cơ cấu lao động của một nền kinh tế hiện đại.
Cần hết sức nỗ lực mới có thể làm được và phải làm nếu muốn đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến! Có chính sách ra sao để giúp bà con nông dân tiến hành sự chuyển đổi vĩ đại này là trách nhiệm hết sức lớn đối với Nhà nước và toàn xã hội.
TS Nguyễn Quang A
Theo Nông thôn ngày nay
 

NỘI DUNG KHÁC

“Con tàu”nông thôn mới đã vào đường ray!

2-2-2012

Theo ông Nguyễn Đăng Khoa - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, chúng ta đã hoàn thành công tác chuẩn bị để “đưa được con tàu NTM vào đường ray” và những năm tới đây, chúng ta sẽ còn phải nỗ lực rất lớn để thúc đẩy “đoàn tàu” về đích sớm.

Năm 2012 cần đào tạo nghề cho 600.000 lao động nông thôn

2-2-2012

Đó là một yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2012.

Sản xuất lúa theo GAP: Thành tựu và những tồn tại

2-2-2012

Ở ĐBSCL những năm qua, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) tuy còn gặp nhiều khó khăn và đang còn mới mẻ đối với nông dân, nhưng đã có một số vùng có kết quả và đạt tiêu chuẩn được công nhận.

Sản xuất lâm nghiệp năm 2011: Nỗ lực vượt khó

2-2-2012

Khép lại năm 2011, sản xuất lâm nghiệp được đánh giá là có nhiều thuận lợi, song cũng không ít những khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng, sản xuất lâm nghiệp năm 2011 vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Giá trị sản xuất lâm nghiệp của cả nước năm 2011 đạt 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2010.

Đảm bảo đủ nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2012

2-2-2012

Tổng cục Thủy lợi cho biết: Sau thời gian lấy nước gieo cấy đợt 1 từ 5 giờ ngày 18/1 đến 18 giờ ngày 22/1, diện tích có nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2012 mới chỉ đạt hơn 40%, từ sau ngày 22/1 đến nay, các tỉnh vẫn tận dụng nguồn nước để tiếp tục lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân.

Nông nghiệp Việt Nam được đề cao tại Diễn đàn Davos 2012

1-2-2012

Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 42 (WEF-42) đang diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ), Việt Nam đã được nêu lên như một điển hình xuất sắc cho việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở các nước đang phát triển.

Sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”: Cần gặp dân, đối thoại với dân

12-1-2012

Sáng 11.1, tại Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo TƯ thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Đề án.

Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế

11-1-2012

Những năm qua, Chính phủ đã tích cực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn thấp do đây là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro…. Giải pháp để đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp đang là bài toán khó đối với ngành nông nghiệp hiện nay.

Bức tranh nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực

11-1-2012

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực nông thôn và nông nghiệp. Nhờ đó, kinh tế- xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn từng bước đổi thay và ngày càng phát triển.

Những bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới

11-1-2012

Được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ nhiệt tình của toàn dân. Từ thực tiễn triển khai Chương trình đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh việc triển khai xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo.

Giao đất - Không thể thích là thu hồi

11-1-2012

Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với gia đình ông Đoàn Văn Vươn, dẫn đến vụ cưỡng chế ngày 5.1 đã bộc lộ rất nhiều vấn đề xung quanh thời hạn giao đất cho các chủ trang trại.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: Thu nhập của nông dân chưa tương xứng với sức bỏ ra

11-1-2012

Mặc dù sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2011 được mùa lớn, giá cao nhưng chính Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã thừa nhận, thu nhập của người nông dân vẫn chưa tương xứng với kết quả gia tăng đó.