TIN TỨC-SỰ KIỆN

Bức tranh nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực

Ngày đăng: 11 | 01 | 2012

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực nông thôn và nông nghiệp. Nhờ đó, kinh tế- xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn từng bước đổi thay và ngày càng phát triển.

Nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực
Kết cấu hạ tầng nông thôn không ngừng được hoàn thiện
Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo chính thức về kết quả sơ bộ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011. Theo đó, thời gian qua, một trong những thành tựu nổi bật trong xây dựng và phát triển khu vực nông thôn là kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện cả về chiều rộng và chiều sâu, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển.
Cụ thể, mạng lưới điện đến các xã được đầu tư, mở rộng. Nếu năm 1994 cả nước mới có 60,4% số xã và 50% số thôn có điện, năm 2006 các con số tương ứng là 98,9% và 92,4% thì đến năm 2011 có tới 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện. Đến năm 2011, cả nước chỉ còn 16 xã ở vùng hải đảo, biên giới, vùng cao chưa có điện. Đây là một nội dung quan trọng trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ nhằm cải thiện điều kiện sống, sức khỏe, phát triển sản xuất và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nông thôn.
Mạng lưới thông tin, văn hoá, thể thao nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân. Đến năm 2011 đã có 81,5% số xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn; 38,7% số xã có nhà văn hoá xã; 48% xã có sân thể thao xã…
Tiếp tục thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", hệ thống giao thông nông thôn đã phát triển về số lượng và nâng cấp về chất lượng. Đến 1/7/2011 cả nước có 8.940 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, chiếm 98,6% tổng số xã (năm 1994 là 87,9%, năm 2001 là 94,5%, và năm 2006 là 96,9%).
Đến nay, 5/6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước có trên 99% số xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, chỉ còn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt mức thấp nhất (93,1%). Cả nước có 8.803 xã (chiếm 97,1%) có đường ô tô đi lại được quanh năm (năm 2006 là 93,6%) và 7.917 xã (chiếm 87,3%) đường ô tô được nhựa, bê tông hóa (năm 2006 là 70,1%). Đáng chú ý là hệ thống giao thông đến cấp thôn được chú trọng phát triển mạnh với 89,5% số thôn ô tô có thể đi đến. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi về hạ tầng cho sản xuất và sinh hoạt của cư dân nông thôn.
Việc cung cấp nước sạch cũng có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tính đến năm 2011 cả nước có 45,5% số xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tăng 9% so với năm 2006. Vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện với 18,3% số xã có xây hệ thống thoát nước thải chung (năm 2006 chỉ có 12,2%), 8,4% số thôn có xây hệ thống thoát nước thải chung và 3,5% số xã có tổ chức (hoặc thuê) thu gom rác thải, 22,4% số thôn có tổ chức (hoặc thuê) thu gom rác thải.
Hệ thống y tế, giáo dục tiếp tục phát triển
Trong những năm qua, hệ thống trường học, giáo dục mầm non ở nông thôn tiếp tục được mở rộng và phát triển: Đến năm 2011 có 9.029 xã (99,5%) có trường tiểu học; 93,2% số xã có trường trung học cơ sở; 12,9% số xã có trường trung học phổ thông; 96,6% số xã có trường mẫu giáo/mầm non.
Cùng với sự phát triển của hệ thống trường học tại cấp xã, các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo phát triển, mở rộng đến cấp thôn, đến nay có 45,5% số thôn có lớp mẫu giáo; 15,6% số thôn có nhà trẻ.
Năm 2011 có 9.016 xã (99,39%) có trạm y tế, 7055 xã (bằng 77,8%) đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Để phục vụ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng nông thôn tốt hơn, hệ thống y tế cơ sở tiếp tục được chú ý và mở rộng đến cấp thôn. Theo kết quả điều tra, đến năm 2011 có 94,2% số thôn có cán bộ y tế thôn (năm 2006 có 89,2%).
Cùng với việc mở rộng mạng lưới y tế của Nhà nước, hệ thống khám, chữa bệnh tư nhân đã hình thành, góp phần quan trọng vào chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Đến nay, cả nước có 33,2% số xã có cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn và 68,5% xã có cơ sở kinh doanh thuốc tây y…
Trong những năm qua, các chính sách xã hội, dân sinh cũng luôn được chú trọng. Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, khu vực nông thôn có trên 250 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 1,6% được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà năm 2010, trong đó vùng có tỷ lệ hỗ trợ cao là vùng Trung du miền núi phía Bắc (3,4%), Tây Nguyên (2,8%). Trong năm 2010, khu vực nông thôn có 3,35 triệu hộ, chiếm tỷ lệ 21,7% được vay vốn ưu đãi theo các chương trình, dự án….
Vẫn còn nhiều tồn tại...
Vẫn còn nhiều tồn tại
Theo đánh giá sơ bộ của cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, bên cạnh những thành tựu đạt được nêu trên, nông thôn nước ta vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần được tiếp tục quan tâm giải quyết. Điển hình vấn đề về vệ sinh môi trường là lĩnh vực có nhiều bất cập nhất. Hiện cả nước mới chỉ có 18,3% số xã và 8,4% số thôn có xây dựng hệ thống thoát nước thải chung cũng như mới có 43,5% số xã và 22,4% số thôn có tổ chức (hoặc thuê) thu gom rác thải… Sự kém phát triển về hạ tầng hệ thống nước thải và dịch vụ về thu gom rác thải xảy ra ở các vùng trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, trái ngược với tình hình ở đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.
Việc đầu tư về kết cấu hạ tầng nông thôn tuy đã được chú trọng giải quyết song chưa đều giữa các vùng, các địa phương. Điển hình là về điện khí hoá, mặc dù số thôn sử dụng điện tăng rất nhanh ở miền núi, nhưng cho đến nay vẫn còn một số tỉnh miền núi phía Bắc tỷ lệ thôn chưa có điện còn khá cao như Lai Châu là 29,2%. Tỷ lệ này ở Điện Biên là 24,9%, Cao Bằng là 22,3% và Hà Giang là 19,2%,…
Về giao thông nông thôn, ở nhiều địa phương hệ thống đường đến thôn còn nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền núi phía Bắc, còn nhiều tỉnh có gần 1/3 số thôn ô tô không thể đến được thôn (như Cà Mau, Bạc Liêu, TP Cần Thơ, Lai Châu, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng).
Việc phát triển thư viện xã diễn ra rất chậm: Năm 2011 chỉ có 10% số xã có thư viện, tăng 3% trong 10 năm gần đây và 0,5% trong 5 năm trở lại đây. Việc phát triển, mở rộng hệ thống nhà trẻ, lớp mẫu giáo, hệ thống dịch vụ y tế tư nhân đến cấp thôn vẫn còn hạn chế và phát triển không đồng đều giữa các vùng, các địa phương,...
Ngoài ra, cơ cấu ngành nghề của hộ nông thôn đã có sự chuyển dịch rõ nét song vẫn không đều giữa các vùng. Cùng với đó, tốc độ chuyển dịch ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp còn rất chênh lệch giữa các vùng. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là những vùng chuyển dịch rất chậm trong 5 năm qua. Tỷ trọng các hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc chỉ tăng từ 11,3% lên 16,6%, vùng Tây Nguyên từ 10,2% lên 12,3%. Điểm đáng lưu ý là ở vùng Tây Nguyên tỷ trọng hộ công nghiệp và hộ thương nghiệp hầu như không thay đổi. Đây cũng là những vùng mà các hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm đa số (trên 80%).
Tuy tốc độ tăng vốn tích luỹ bình quân 1 hộ tương đối đồng đều giữa các vùng nhưng mức độ chênh lệch về tích lũy giữa các vùng ngày càng tăng. Vùng Đông Nam Bộ có mức tích lũy cao nhất với mức tích lũy bình quân 24,2 triệu đồng/hộ; trong khi đó vùng Trung du miền núi phía Bắc chỉ đạt mức tích luỹ bình quân 9,1 triệu đồng/hộ….
Những tồn tại, bất cập trên đây đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh về thực trạng cũng như những vấn đề đặt ra trong nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản hiện nay ở nước ta. Để khắc phục những tồn tại này, đòi hỏi hơn nữa sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và của toàn xã hội trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của cư dân nông thôn trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=500338

NỘI DUNG KHÁC

Những bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới

11-1-2012

Được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ nhiệt tình của toàn dân. Từ thực tiễn triển khai Chương trình đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh việc triển khai xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo.

Giao đất - Không thể thích là thu hồi

11-1-2012

Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với gia đình ông Đoàn Văn Vươn, dẫn đến vụ cưỡng chế ngày 5.1 đã bộc lộ rất nhiều vấn đề xung quanh thời hạn giao đất cho các chủ trang trại.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: Thu nhập của nông dân chưa tương xứng với sức bỏ ra

11-1-2012

Mặc dù sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2011 được mùa lớn, giá cao nhưng chính Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã thừa nhận, thu nhập của người nông dân vẫn chưa tương xứng với kết quả gia tăng đó.

Nông dân sản xuất nông nghiệp: Vẫn chủ yếu lấy công làm lãi

11-1-2012

"Chi phí đầu vào cao, trong khi hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa thực sự đến tay nông dân đã khiến cho lợi nhuận của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp còn đang ở mức thấp nhất”.

Giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề Việt Nam

20-12-2011

Sáng nay, 20/12, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD) phối hợp với trường Đại học quốc gia Úc (ANU) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả của dự án ngiên cứu “Làng nghề bền vững: Giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề Việt Nam”.

Cần cải thiện môi trường kinh doanh cho hộ cá thể

9-12-2011

Đó là khuyến nghị của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD) và Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương (IRC), thông qua đề tài “Điều tra thí điểm đánh giá môi trường đầu tư cho các hộ kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh tại một số địa phương” được công bố ngày 8.12.

Đầu tư cho phát triển kinh tế hộ ở nông thôn còn thấp

8-12-2011

Ngày 8-12, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị thông báo kết quả nghiên cứu "Điều tra thí điểm đánh giá môi trường đầu tư cho các hộ kinh doanh (FI) nông thôn chưa đăng ký kinh doanh tại một số địa phương - năm thứ 2".

“PCI” từ các hộ kinh doanh cá thế

8-12-2011

Môi trường kinh doanh đối với các hộ kinh doanh cá thể có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của mỗi địa phương.

Xây dựng chỉ số môi trường đầu tư cấp tỉnh và huyện cho hộ kinh doanh

8-12-2011

Theo kết quả nghiên cứu “Điều tra thí điểm đánh giá môi trường đầu tư cho các hộ kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh tại một số địa phương – năm thứ 2” được Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT công bố vào sáng nay (8/12) tại Hà Nội thì những tỉnh phát triển vừa phải có môi trường đầu tư cho hộ kinh doanh cao hơn các tỉnh phát triển.

Kinh doanh cá thể trốn đăng ký: Xây dựng chỉ số môi trường kinh doanh cá thể

9-12-2011

Theo Viện Chiến lược chính sách NN-PTNT (Ipsard), trong số hơn 1 triệu hộ kinh doanh cá thể (KDCT) ở khu vực nông thôn của cả nước, hiện có tới 72,5% số hộ chưa đăng ký kinh doanh, gây thất thu rất lớn về thuế môn bài cho nhà nước. Hộ KDCT chưa đăng ký tuy trốn được thuế môn bài, nhưng họ tốn khá nhiều tiền cho các khoản phí không chính thức. Vì vậy nhà nước, các địa phương cần phải đổi mới cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các hộ đăng ký kinh doanh.

Phát triển hộ kinh doanh cá thể: Cần sự hỗ trợ của nhà nước

8-12-2011

Hộ kinh doanh cá thể được đánh giá là mô hình quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, giải quyết nhu cầu việc làm cho một số lượng không nhỏ lao động. Thế nhưng, có một thực tế là các hộ kinh doanh cá thể này vẫn chưa được đăng ký kinh doanh tại các địa phương và cũng rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi của môi trường kinh doanh đặc biệt là thay đổi về cơ chế chính sách.

Đừng để nông dân chèo xuồng ba lá ra biển lớn

1-12-2011

Khi sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn luôn lúng túng với việc “trồng cây gì, nuôi con gì” thì người nông dân vẫn mãi phải tự “bơi” một mình.