TIN TỨC-SỰ KIỆN

Kinh doanh cá thể trốn đăng ký: Xây dựng chỉ số môi trường kinh doanh cá thể

Ngày đăng: 09 | 12 | 2011

Theo Viện Chiến lược chính sách NN-PTNT (Ipsard), trong số hơn 1 triệu hộ kinh doanh cá thể (KDCT) ở khu vực nông thôn của cả nước, hiện có tới 72,5% số hộ chưa đăng ký kinh doanh, gây thất thu rất lớn về thuế môn bài cho nhà nước. Hộ KDCT chưa đăng ký tuy trốn được thuế môn bài, nhưng họ tốn khá nhiều tiền cho các khoản phí không chính thức. Vì vậy nhà nước, các địa phương cần phải đổi mới cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các hộ đăng ký kinh doanh.

Ngày 8/12/2012, Viện Ipsard tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Điều tra thí điểm đánh giá môi trường đầu tư cho các hộ kinh doanh các thể (KDCT) tại khu vực nông thôn”.
Trình bày bác cáo tại Hội thảo
 
Ông Dương Ngọc Thí, Phó viện trưởng Viện Ipsard nhận định: Từ nhiều năm nay, VCCI hàng năm thường đánh giá và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh CPI, nhưng chỉ số này chủ yếu khảo sát triên cơ sở môi trường đầu tư, hoạt động đối với các doanh nghiệp. Trong khi đó, các hộ KDCT cũng đóng vài trò vô cùng quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng thời cũng đóng góp đáng kể vào nguồn thu nhân sách cho nhà nước. Hộ KDCT là mạng lưới rộng lớn nhất trong khối kinh doanh (hiện cả nước có tới hơn 1 triệu hộ tham gia), phát triển về tận những vùng khó khăn mà các đối tượng kinh doanh khác không đáp ứng được, qua đó giúp cân đối thương mại và phát triển kinh tế địa phương. Chính vì vậy, Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Agroinfo) thuộc Viện Ipsard nghiên cứu nhằm xây dựng chỉ số môi trường kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể (FI) cấp tỉnh và cấp huyện, thông qua đó tác động các địa phương cải tiến chính sách để tạo thuận lợi hơn cho KDCT. Chỉ số FI được thiết lập trên cơ sở đánh giá 9 chỉ số thành phần: tiếp cận về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận nguồn lao động, tiếp cận thị trường đầu ra, tiếp cận cơ sở hạ tầng, chỉ số gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, mức độ minh bạch về thông tin, hỗ trợ của các cơ quan chức năng đối với sự phát triển của hộ KDCT.
Kết quả khảo sát cho thấy, ước lượng điểm FI dao động từ 57,3-69,5. Trong đó tỉnh Thái Bình (69,5), Hà Nam (68,5) và Cà Mau (67,7) là 3 tỉnh có ước lượng điểm của FI cao nhất nước trong khi thấp nhất là Lai Châu, Bình Dương và Đắc Nông. Đặc biệt, FI của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lại nằm trong nhóm thấp nhất. Nguyên nhân là do tại 2 thành phố này, các cơ quan chức năng dành nhiều sự quan tâm cho doanh nghiệp hơn bên cạnh đó là do có sự cạnh tranh lớn từ khối doanh nghiệp cũng như giữa các hộ kinh doanh với nhau. Nghiên cứu cũng chỉ rõ hiện trình độ học vấn của các chủ hộ kinh doanh còn thấp, quy mô kinh doanh còn nhỏ, sử dụng ít lao động và chủ yếu là lao động gia đình. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có, tỷ lệ vốn vay chiếm rất nhỏ. Khảo sát cho thấy, vốn trung bình của mỗi hộ KDCT là 224 triệu đồng (không kể tài sản cố định), trong đó vốn chủ sở hữu bình quân 93,1 triệu đồng; vốn đi vay chỉ khoảng 25,2 triệu đồng/hộ. Mặt bằng kinh doanh còn hạn chế, chủ yếu sử dụng đất đai sẵn có của hộ vào kinh doanh. Bình quân mỗi hộ KDCT có 2,1 lao động, trong đó 0,5 lao động là thuê ngoài. Doanh thu bình quân mỗi hộ đạt 32,1 triệu đồng/tháng, lợi nhuận đạt 12,8 triệu đồng/tháng. Trong số các tỉnh nông thôn (tức là không tính các TP Hà Nội, Tp HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng) thì Đắc Lắc là địa phương có thu nhập bình quân của hộ KDCT ở mức cao nhất, lên tới 28 triệu đồng/hộ/tháng. Trong khi các tỉnh cỡ trung bình như Cần Thơ, Phú Thọ chỉ đạt khoảng 7 triệu đồng/hộ/tháng. Năm 2011, có 86,9% số hộ KDCT muốn giữ quy mô kinh doanh hiện tại; 10,7% số hộ muốn mở rộng kinh doanh và 1,7% số hộ KDCT phải đóng cửa việc kinh doanh.
Ông Trần Đại Nghĩa phát biểu tại Hội thảo
 
Theo ông Trần Đại Nghĩa, Phó Giám đốc Agroinfo khuyến nghị, Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ hoạt động của hộ kinh doanh như hỗ trợ trong việc tiếp cận với mặt bằng kinh doanh, nguồn vốn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các chính sách và chương trình hỗ trợ nâng cao hiểu biết về quy định pháp luật, nâng cao trình độ nghề nghiệp của các chủ cơ sở cũng rất cần thiết cho khu vực nông thôn. Trên thực tế cho thấy, môi trường kinh doanh của hộ kinh doanh thay đổi theo từng địa phương. Do vậy, các chính sách về môi trường kinh doanh cũng cần có sự linh hoạt phù hợp với địa phương mình. 
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đa số các hộ KDCT đều dừng lại ở quy mô rất nhỏ, khả năng kiếm lời rất thấp. Mặc dù được đánh giá là khu vực có tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng do vốn nhỏ, nên lợi nhuận kinh doanh của họ rất thấp. Các hộ KDCT rất khó khăn về mặt bằng. Nông thôn tuy rộng rãi về đất đai và luôn có chỉ số tiếp cận đất đai cao hơn nhiều so với thành thị. Thế nhưng hầu hết đất đai đó lại rất khó sử dụng làm mặt bằng để kinh doanh buôn bán. Ở TP rất khó kiếm mặt bằng, nhưng chỉ cần 20 m2 mặt phố là có thể kinh doanh rất tốt. Nhưng ở nông thôn, miền núi, nông dân có thể thuê cả ha đất, nhưng đó là đất ở trên đồi, xa đường xá, dân cư thưa thì không thể mở cửa hàng kinh doanh được. Vì vậy, phát triển nông thôn mới phải dành quỹ đất đáng cho hộ KDCT, quy hoạch những khu vực kinh doanh, xây dựng hạ tầng đường xá để các hộ kinh doanh thuận lợi. Khách hàng của các hộ KDCT ở khu vực nông thôn chủ yếu là nông dân. Họ cung cấp mọi hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng nhà cửa, thực phẩm, các loại vật tư nông nghiệp… đến nông dân. Vì vậy, công tác khuyến nông, khuyến công cũng cần sử dụng một phần quỹ để hỗ trợ hộ KDCT, vì khu vực này gián tiếp tác động đến sản xuất nông nghiệp. Cần khuyến khích các hộ KDCT kết nối với nhau thành các hiệp hội, CLB để họ hỗ trợ lẫn nhay cùng phát triển, kết nối giữa hộ KDCT với các doanh nghiệp, tạo thành chuỗi dịch vụ.
Báo cáo của Agroinfo cho biết, tỷ lệ hộ KDCT có đăng ký kinh doanh rất thấp, hiện chỉ đạt khoảng 27,5%. Ông Lê Khắc Triết, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn nêu vấn đề: Hộ không đăng ký kinh doanh tuy trốn được thuế môn bài, nhưng lại phải chi phí khoản tiền rất lớn cho các khoản phí không chính thức, các khoản tiêu cực phí cho cán bộ cấp xã. Việc có tới 72,5% số hộ, tương đương với gần 800 nghìn hộ KDCT không nộp thuế môn bài đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền thuế rất lớn. Vì vậy, Nhà nước cần phải tìm hiểu vì sao hộ KDCT không muốn đăng ký kinh doanh. Phải giảm thuế môn bài xuống làm sao để thấp hơn so với các chi phí không chính thức, đồng thời Nhà nước cần cải tiến cơ chế, chính sách sao cho thuận lợi hơn đối với các hộ đăng ký kinh doanh. Có như vậy, vừa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch, đồng thời tránh thất thu thuế cho Nhà nước.
Theo Chu Khôi – Thời báo Kinh tế Việt Nam ra ngày 09-12-2011

NỘI DUNG KHÁC

Phát triển hộ kinh doanh cá thể: Cần sự hỗ trợ của nhà nước

8-12-2011

Hộ kinh doanh cá thể được đánh giá là mô hình quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, giải quyết nhu cầu việc làm cho một số lượng không nhỏ lao động. Thế nhưng, có một thực tế là các hộ kinh doanh cá thể này vẫn chưa được đăng ký kinh doanh tại các địa phương và cũng rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi của môi trường kinh doanh đặc biệt là thay đổi về cơ chế chính sách.

Đừng để nông dân chèo xuồng ba lá ra biển lớn

1-12-2011

Khi sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn luôn lúng túng với việc “trồng cây gì, nuôi con gì” thì người nông dân vẫn mãi phải tự “bơi” một mình.

Phóng sự: "“Chính sách tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NNNT”

30-11-2011

Vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân chưa bao giờ được đề cao như hiện nay. Điều này được thể hiện qua nhiều chính sách nhằm vực dậy khu vực kinh tế vẫn còn nhiều tiềm năng này. Từ tháng 4/2010, Chính phủ có Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, thay thế cho Quyết định 67 đã không còn phù hợp sau 10 năm thực hiện.

Phóng sự: "“Tích tụ ruộng đất và sự ảnh hưởng tới cơ cấu lao động trong nông nghiệp”

22-11-2011

Hiện nay, tích tụ ruộng đất đang được nhiều doanh nghiệp NNNT thực hiện và mang lại hiệu quả bước đầu khá. Tuy nhiên, người dân mất tư liệu sản xuất sẽ được tái cơ cấu lao động như thế nào đang là dấu hỏi lớn cho nhà doanh nghiệp và các cấp ngành.

Phóng sự: "Tích tụ ruộng đất và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn"

14-11-2011

Vấn đề "tích tụ đất đai và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn" đang được sự quan tâm lớn của địa phương trong cả nước, cũng như các nhà hoạch định chính sách về nông nghiệp nông thôn.

Tọa đàm: "Môi trường đầu tư trong nông nghiệp"

28-10-2011

Ngành nông nghiệp nước ta đang gặp phải những thuận lợi và khó khăn nhất định. Nhà nước đã có những chính sách ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhưng có thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp?

Việt Nam - Mỹ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp

17-11-2011

Chiều 16/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát đã làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack về các vấn đề liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp. nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Cần thử nghiệm lập Quỹ Nông thôn mới

17-11-2011

Thừa Thiên-Huế là một trong những địa phương ở miền Trung rất tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Xin giới thiệu bài viết của ông Lê Trường Lưu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh về chương trình này.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường biện pháp bình ổn giá

17-11-2011

Với mục đích bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 2051/CT- TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc.

5.400 tỷ đồng cho khuyến nông: Thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn

17-11-2011

Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa đề xuất Chính phủ chi 5.400 tỷ đồng cho công tác khuyến nông trong 5 năm tới nhằm tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hình thành sản xuất hàng hóa quy mô lớn…

Áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản: Lợi ích lâu dài

17-11-2011

Trong bối cảnh nhiều quy định của các nhà nhập khẩu quốc tế làm người nuôi trồng thủy sản trong nước bối rối thì việc xây dựng và thực hiện Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, quá trình triển khai quy trình này không hề dễ dàng.

Cách nào thu hút đầu tư vào nông nghiệp?

15-11-2011

Là lĩnh vực luôn có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, song việc đầu tư nguồn lực của Nhà nước cũng như doanh nghiệp cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng. Làm thế nào để khu vực này thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp là câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý. Xin ghi lại một số "kế sách" của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.