TIN TỨC-SỰ KIỆN

Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế

Ngày đăng: 11 | 01 | 2012

Những năm qua, Chính phủ đã tích cực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn thấp do đây là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro…. Giải pháp để đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp đang là bài toán khó đối với ngành nông nghiệp hiện nay.

Đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng
Tại lễ tổng kết hoạt động năm 2011 của ngành Nông nghiệp mới đây, theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách, hiện nay, đầu tư cho nông nghiệp của nước ta vẫn còn rất thấp. Tỉ lệ đầu tư cho nông nghiệp trong tổng vốn đầu tư xã hội những năm qua còn ít. Cụ thể, vào năm 2000, cách đây hơn 10 năm đầu tư cho nông nghiệp là 13,85%, đến năm 2005 thì tỉ trọng này là 7,50%năm, năm 2008 tỉ trọng này là hạ xuống còn 6,45% và 2009, đầu tư cho nông nghiệp chỉ còn 6,26% tổng đầu tư cho xã hội. Trong năm 2011, tổng vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu. Đầu tư cho nông nghiệp cứ giảm dần, giảm dần theo từng năm trong khi đó, đóng góp cho GDP hàng năm của ngành này luôn ở mức khoảng 20%.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua cũng ở mức thấp, cụ thể trong vòng 10 năm (2000 - 2010) đầu tư FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,3% FDI cả nước. Đây là mức quá thấp so với tiềm năng của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, năm vừa qua, đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 3% FDI cả nước. Dự kiến, năm 2012, vốn đầu tư cho nông nghiệp có tăng nhưng cũng chỉ đáp ứng 50 - 60% nhu cầu.
Nguyên nhân của thực trạng này, cũng theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng là do nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực rủi ro nhiều và phụ thuộc nhiều vào đất đai trong khi quỹ đất còn ít.
Không chỉ vốn đầu tư vào nông nghiệp còn khiêm tốn mà ngay cả việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp cũng chưa tương xứng với tiềm năng. Theo TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn rất khó khăn vì khu vực này yếu về cơ sở hạ tầng, về dịch vụ, thiếu lao động có tay nghề cao, quản lý tốt... Tỉ trọng đầu tư vào nông nghiệp thấp, trong khi ngành này luôn duy trì tốc độ tăng trưởng năm bình quân từ 3-4%/năm. Như vậy, nghĩa là đầu tư vào nông nghiệp đang giảm sút khiến chất lượng hạ tầng ngành nông nghiệp đi xuống… Nếu muốn thu hút đầu tư, tạo biến chuyển lớn trong đầu tư về nông nghiệp, nông thôn cần phải có chính sách đột phá nhiều hơn nữa.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điểm yếu lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam chính là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, cần phải khắc phục nhược điểm này, để làm sao có thể tập trung đất nông nghiệp thành một diện tích lớn và thời gian có quyền sử dụng đất dài hơn khoảng trên 50-100 năm… Cùng với đó, cần tạo các chính sách phù hợp giúp ngành nông nghiệp gia tăng giá trị xuất khẩu, có như vậy, mới thúc đẩy thu hút được đầu tư vào lĩnh vực này nhiều hơn.
Tăng cường các giải pháp để thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp
Theo đánh giá của các chuyên gia, triển khai đầu tư cho nông nghiệp đang đứng trước cơ hội mới. Rất nhiều nước đang phát triển tăng tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp trong nước và đầu tư phát triển nông nghiệp bên ngoài quốc gia.
Theo TS Đặng Kim Sơn, dự báo trong vòng 30 - 50 năm nữa, giá nông sản thế giới tiếp tục tăng. Điều đó khiến nông nghiệp trở thành lĩnh vực đầu tư có thể rất hiệu quả trong tương lai. Đây là hiện tượng 300 năm qua không hề có. Hiện nay, rất nhiều tổ chức xuyên quốc gia bắt đầu coi nông nghiệp là một ngành đầu tư có lợi, đang tính đến việc mua đất, thuê đất, hợp tác quốc tế… để đầu tư phát triển nông nghiệp bên ngoài quốc gia.
TS Đặng Kim Sơn cũng cho rằng: Việt Nam được đánh giá là một nước có lợi thế đặc biệt để phát triển nông nghiệp, nếu chúng ta nắm được cơ hội này, thay đổi cơ chế chính sách kịp thời, tiến hành nghiên cứu và có chính sách vận động đầu tư hợp lý, thì sẽ có thể thay đổi được tình hình phát triển nông nghiệp, tiến tới thay đổi kết cấu kinh tế của nước ta. TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, nông nghiệp có thể sẽ là hướng mới để đất nước chúng ta chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tiến vào công nghiệp hóa một cách vững bền.
Lịch sử cho thấy ngành nông nghiệp có đóng góp lớn đối với sự phát triển của đất nước. Mỗi khi đất nước khó khăn, nông nghiệp luôn là đòn bẩy, là cứu hộ cho toàn bộ nền kinh tế về xuất khẩu, giảm nhập siêu, tạo việc làm… Vì vậy, việc tăng cường đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng trong thời gian tới của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. 
Theo ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phát triển lâu dài ngành nông nghiệp phải khuyến khích đầu tư, tạo nên nguồn lực lớn vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để làm được điều này cần triển khai các biện pháp đồng bộ như: Vay vốn để đầu tư cho nông nghiệp được hưởng lãi suất thấp hơn, thủ tục cởi mở hơn, học hỏi những kinh nghiệm, những mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, vinh danh những nông dân chân chính đã làm giàu trên chính quê hương họ, mảnh đất họ đã đầu tư…
Cùng với đó, đầu tư vào nông nghiệp trong tình hình hiện nay là phải đầu tư theo hướng đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp, ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm; tích cực đầu tư và sản xuất các sản phẩm sạch, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, quy trình sản xuất theo chuẩn quốc tế... có như vậy, mới tạo được sự bền vững trong phát triển nông nghiệp.
Ngoài ra, cần có sự kết hợp mạnh mẽ giữa đầu tư của Nhà nước với công tác vận động, kêu gọi đầu tư để nâng tổng mức đầu tư xã hội vào lĩnh vực này để góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới…
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=500464

NỘI DUNG KHÁC

Bức tranh nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực

11-1-2012

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực nông thôn và nông nghiệp. Nhờ đó, kinh tế- xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn từng bước đổi thay và ngày càng phát triển.

Những bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới

11-1-2012

Được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ nhiệt tình của toàn dân. Từ thực tiễn triển khai Chương trình đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh việc triển khai xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo.

Giao đất - Không thể thích là thu hồi

11-1-2012

Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với gia đình ông Đoàn Văn Vươn, dẫn đến vụ cưỡng chế ngày 5.1 đã bộc lộ rất nhiều vấn đề xung quanh thời hạn giao đất cho các chủ trang trại.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: Thu nhập của nông dân chưa tương xứng với sức bỏ ra

11-1-2012

Mặc dù sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2011 được mùa lớn, giá cao nhưng chính Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã thừa nhận, thu nhập của người nông dân vẫn chưa tương xứng với kết quả gia tăng đó.

Nông dân sản xuất nông nghiệp: Vẫn chủ yếu lấy công làm lãi

11-1-2012

"Chi phí đầu vào cao, trong khi hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa thực sự đến tay nông dân đã khiến cho lợi nhuận của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp còn đang ở mức thấp nhất”.

Giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề Việt Nam

20-12-2011

Sáng nay, 20/12, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD) phối hợp với trường Đại học quốc gia Úc (ANU) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả của dự án ngiên cứu “Làng nghề bền vững: Giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề Việt Nam”.

Cần cải thiện môi trường kinh doanh cho hộ cá thể

9-12-2011

Đó là khuyến nghị của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD) và Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương (IRC), thông qua đề tài “Điều tra thí điểm đánh giá môi trường đầu tư cho các hộ kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh tại một số địa phương” được công bố ngày 8.12.

Đầu tư cho phát triển kinh tế hộ ở nông thôn còn thấp

8-12-2011

Ngày 8-12, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị thông báo kết quả nghiên cứu "Điều tra thí điểm đánh giá môi trường đầu tư cho các hộ kinh doanh (FI) nông thôn chưa đăng ký kinh doanh tại một số địa phương - năm thứ 2".

“PCI” từ các hộ kinh doanh cá thế

8-12-2011

Môi trường kinh doanh đối với các hộ kinh doanh cá thể có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của mỗi địa phương.

Xây dựng chỉ số môi trường đầu tư cấp tỉnh và huyện cho hộ kinh doanh

8-12-2011

Theo kết quả nghiên cứu “Điều tra thí điểm đánh giá môi trường đầu tư cho các hộ kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh tại một số địa phương – năm thứ 2” được Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT công bố vào sáng nay (8/12) tại Hà Nội thì những tỉnh phát triển vừa phải có môi trường đầu tư cho hộ kinh doanh cao hơn các tỉnh phát triển.

Kinh doanh cá thể trốn đăng ký: Xây dựng chỉ số môi trường kinh doanh cá thể

9-12-2011

Theo Viện Chiến lược chính sách NN-PTNT (Ipsard), trong số hơn 1 triệu hộ kinh doanh cá thể (KDCT) ở khu vực nông thôn của cả nước, hiện có tới 72,5% số hộ chưa đăng ký kinh doanh, gây thất thu rất lớn về thuế môn bài cho nhà nước. Hộ KDCT chưa đăng ký tuy trốn được thuế môn bài, nhưng họ tốn khá nhiều tiền cho các khoản phí không chính thức. Vì vậy nhà nước, các địa phương cần phải đổi mới cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các hộ đăng ký kinh doanh.

Phát triển hộ kinh doanh cá thể: Cần sự hỗ trợ của nhà nước

8-12-2011

Hộ kinh doanh cá thể được đánh giá là mô hình quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, giải quyết nhu cầu việc làm cho một số lượng không nhỏ lao động. Thế nhưng, có một thực tế là các hộ kinh doanh cá thể này vẫn chưa được đăng ký kinh doanh tại các địa phương và cũng rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi của môi trường kinh doanh đặc biệt là thay đổi về cơ chế chính sách.