TIN TỨC-SỰ KIỆN

Người chăn nuôi lỗ... phát hoảng

Ngày đăng: 07 | 10 | 2011

Đầu tháng 8/2011, NNVN từng phản ánh người chăn nuôi lãi lớn vì giá thịt sốt điên sốt đảo. Vậy nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ hơn một tháng trở lại đây, thị trường thịt như bị “sặc nước” khi liên tục lao dốc không phanh. Nông dân thì ngơ ngác như từ thiên đường rơi xuống địa ngục.

Người chăn nuôi cho rằng, việc can thiệp hạ nhiệt giá thịt thời gian qua quá “mạnh tay”
Lỗ dưới 1 triệu đồng/con là may mắn!
Còn nhớ hồi tháng 6, tháng 7/2011, giá lợn hơi siêu nạc tại miền Bắc xuất chuồng có giai đoạn leo lên đến 69 – 70 nghìn đồng/kg. Nhiều ông chủ trang trại còn lùng sục loại lợn nhỡ, tầm 40 – 50kg về nuôi vỗ béo “cấp tốc” để bán thịt kiếm lời. Thế nhưng đùng một cái, từ cuối tháng 8/2011 đến nay, giá lợn hơi bỗng dưng tụt dốc từ mức 67 – 68 nghìn đồng/kg xuống dưới 60 nghìn đồng/kg.  
Tại vựa chăn nuôi lớn nhất tỉnh Hà Nam là xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục) - nơi thường xuyên duy trì đàn lợn thịt khổng lổ trên 30 vạn con đã không còn cảnh thương lái sục sạo như thời điểm cách đây một vài tháng. Thống kê mới nhất của UBND xã Ngọc Lũ, trong vòng 2 tháng trở lại đây, mặc dù tình hình dịch bệnh khá yên ắng nhưng tổng đàn lợn thịt trong xã đã giảm ít nhất 3 – 5 nghìn con so với bình thường. Nguyên nhân chính là do người chăn nuôi bị lỗ quá nặng, phải giảm đàn hoặc thậm chí bỏ chuồng trống. 
Anh Nguyễn Văn Quyết (xóm 1, xã Ngọc Lũ) - một chủ trang trại thường xuyên duy trì 400 - 500 đầu lợn thịt  cho biết, giá lợn thịt siêu nạc xuất tại chuồng hiện đã giảm xuống chỉ còn 53 – 54 nghìn đồng/kg, và khả năng sẽ khó tăng trở lại trong thời gian tới. Anh Quyết tính toán: giai đoạn giá thịt lợn thượng đỉnh, giá lợn giống Tam Đảo siêu nạc cũng điên đảo theo, có thời điểm đã leo lên tới 88 – 89 nghìn đồng/kg. Tính ra, một con lợn giống siêu nạc có trọng lượng trung bình 40 - 45kg, riêng tiền giống đã lên tới khoảng 3,5 – 4 triệu đồng.  
Anh Quyết hạch toán: Với cỡ lợn xuất chuồng phổ biến khoảng 100kg, nghĩa là cần phải tăng thêm 70kg trọng lượng. Tính chi phí bình quân từ lúc vào giống đến lúc xuất chuồng, để tăng 1kg trọng lượng thịt phải mất từ 3 – 3,2kg thức ăn, nghĩa là chi phí thức ăn cho một đầu lợn đến lúc xuất chuồng phải vào khoảng 210 – 230kg, đem nhân với giá thức ăn hiện tại khoảng 11 - 12 nghìn đồng/kg sẽ tốn khoảng hơn 2,5 triệu đồng. Nếu cộng cả chi phí điện nước, phòng dịch thì những hộ nào vào lứa giống cách đây 3 tháng – đúng vào thời điểm giá thịt lợn đang “sốc” sẽ phải chi ít nhất 6,5 triệu đồng/con cho tới lúc xuất chuồng. Với giá lợn xuất chuồng hiện đang ở mức 53 – 54 nghìn đồng/kg, nghĩa là hộ nào lỗ dưới 1 triệu đồng/con là may mắn.
Chỉ cho tôi sang trang trại anh Nguyễn Văn Bích ở cùng thôn, anh Quyết bảo: “Tôi may mắn cuối tháng trước còn xuất trót lọt 500 con lợn thịt, giá được 56 – 57 nghìn đồng/kg nên xem như hòa vốn, không có công. Chứ như hộ anh Bích, mới xuất chuồng gần 200 con cách đây vài ngày, giá chỉ có 54 nghìn đồng/kg. Nghe đâu bảo lỗ 130 triệu, nhưng còn bảo như thế là may, chứ nhiều hộ khác lỗ nặng hơn”.
Chúng tôi ngược lên khu chợ đầu mối thu mua lợn thịt lớn nhất tỉnh Hà Nam tại khu vực xã An Nội (huyện Bình Lục). Lợn theo chân thương lái tứ phương đổ về như nêm. Anh Cù Văn Quang, một chủ lò thu mua tại đây nhận định, việc giá lợn hơi tụt mạnh tới 10 – 13 giá trong thời gian qua là bởi nay đang vào thời điểm xuất chuồng “nước rút” của các lứa lợn vào giống cách đây 3 tháng (giai đoạn giá thịt “sốt” nhất). Hiện tại, lượng lợn thịt về đây mỗi ngày đã lên tới 50 – 60 tấn, tăng tới 40 – 50% so với bình thường.  
Anh Quang cho biết thêm, lợn từ các tỉnh phía Nam, đặc biệt là “lợn sạch” của Cty Chăn nuôi CP cũng đang nườm nượp chở ra tiêu thụ phía Bắc với giá chỉ có 56 – 57 nghìn đồng/kg nên lợn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở phía Bắc đang rất khó tiêu thụ. “Lợn tập trung về đây, ngoài tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc thì 30% là xuất đi Trung Quốc. Với lượng hàng tuồn về chợ quá nhiều như hiện tại, nếu không có nguồn xuất đi Trung Quốc thì khả năng giá lợn hơi còn giảm xuống dưới 50 nghìn/kg chứ chả chơi” – anh Quang nhận định.  
Mời “nhậu” mới bán được gà 
Anh Trần Văn Hùng – chủ trại gà thịt xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng, Hải Dương):
Trang trại tôi thường xuyên duy trì 5 – 7 nghìn gà thịt. Các lứa gà xuất chuồng thời điểm này đều phải chịu giá giống lúc vào lên tới 28 – 29 nghìn đồng/con – tương đương với 1kg gà thịt hiện nay. Tính ra, mỗi con gà trắng xuất chuồng 3kg, chúng tôi lỗ khoảng 15 – 17 nghìn đồng/con.
Việc giá thịt tụt mạnh như thế, tôi chỉ nghe phong thanh trên đài báo nói là do đồng ý cho NK thịt từ nước ngoài về để kiềm chế giá. Tôi chẳng hiểu nhà nước kiềm chế giá thế nào, nhưng kiềm giá mà tới mức để nông dân lỗ… chổng vó như thế thì có vẻ mạnh tay quá.
Chung số phận với như dân nuôi lợn, những ông chủ trang trại nuôi gà thịt hiện cũng đang sống dở chết dở vì giá gà rẻ như cho mà chẳng thương lái nào thèm rước đi. Anh Nguyễn Tiến Thạo, một chủ trại gà có hơn 1.000 gà thịt tại xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng, Hải Dương) kể như mếu: cuối tháng 6/2011, giá gà đỏ xuất chuồng cỡ 2kg/con lên tới 58 – 60 nghìn đồng/kg nên các trang trại gà thịt trong xã ầm ầm vào giống. 
Giá gà giống lúc đó lên tới 10 nghìn đồng/con, cao hơn 2- 3 nghìn đồng/con so với bình thường. Với giá giống đó, cộng tiền thức ăn thì chi phí cho mỗi đầu gà thịt tới lúc xuất chuồng phải đội lên tới 47-48 nghìn đồng/con. Thế mà đùng một cái, tới đầu tháng 9 vừa rồi, lúc lứa gà nhà tôi chuẩn bị xuất chuồng thì giá gà thịt tụt xuống chỉ còn 45 nghìn đồng/kg. Tính ra mỗi con gà đã lỗ tới 3 – 5 nghìn đồng.  
Tai hại nhất là gà tới tuổi xuất chuồng nhưng chẳng thương thương lái nào thèm tới mua, hoặc mỗi lần chỉ lấy hàng nhỏ giọt 50 – 70 con, mà thậm chí anh Thạo còn phải ỉ ôi mời họ uống bia thì họ mới chịu mua. Thế nên đàn gà chỉ có 500 con nhưng phải mang ra chợ lẻ, bán ròng rã cả tháng trời mới hết, có con gà thịt quá tuổi, còn đẻ trứng sòn sòn. Trong vòng 1 tháng đó, gà chỉ tăng 1 – 200 gram trọng lượng/con, nhưng mỗi ngày vẫn phải nuôi “báo cô”, cho chúng ăn cám như thường.
“Lỗ vì giá gà hạ thì ít thôi, nhưng lỗ vì tiền cám nuôi phải “báo cô” cho gà quá tuổi xuất chuồng mới nhiều. Tổng cộng lứa vừa rồi, tôi lỗ hơn 10 triệu. Thế là còn ít vì tôi nuôi bé. Chứ như trại của ông Hùng, chuyên nuôi gà trắng, giá bây giờ chỉ còn 29 – 30 nghìn đồng/kg. Nghe bảo tuần trước mới xuất 7.000 con, lỗ gần 100 triệu”, anh Nguyễn Tiến Thạo nói như thở hắt ra.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
 

NỘI DUNG KHÁC

Liên kết công - tư trong nông nghiệp: Nông dân lợi nhất

7-10-2011

Hội thảo Triển vọng liên kết công - tư trong ngành nông nghiệp Việt Nam được Bộ Nông nghiệp &PTNT phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây nhận định: Việc triển khai mởi rộng các liên kết công – tư theo từng ngành hàng đang được xem là một tín hiệu mừng để ngành nông nghiệp Việt Nam đi vào quỹ đạo chuyên nghiệp.

Cần chính sách tài chính cho cá tra

6-10-2011

Trao đổi với PV, ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Vasep cho rằng, tình hình khan hiếm cá tra nguyên liệu đang ngày càng trở nên trầm trọng và để hóa giải khó khăn này thì DN và nông dân cần có những cái bắt tay thân thiện với nhau.

Thực phẩm biến đổi gene, lợi ít hại nhiều

6-10-2011

Theo nhiều chuyên gia, nếu trồng đại trà thực phẩm biến đổi gene thì một số lợi ích kinh tế có thể bị nguy hại, như người nông dân bị ép giá do lệ thuộc vào các công ty cung ứng giống, môi trường nông nghiệp bị biến đổi...

Thành lập Qũy hỗ trợ ngư dân gặp rủi ro trên biển

6-10-2011

Ngày 5/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghề cá Việt Nam (Tổng cục Thủy sản) tổ chức họp báo giới thiệu về thành lập “Quỹ hỗ trợ ngư dân gặp rủi ro trên biển” nhằm hỗ trợ cho ngư dân làm nghề khai thác thủy sản trên biển, các con tàu làm dịch vụ hậu cần trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa gặp rủi ro thiệt hại do thiên tai, do tàu thuyền nước ngoài bắt giữ, cướp phá tài sản.

Chưa coi trọng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản: Mất sân chơi, bài học nhãn tiền

6-10-2011

Khi doanh nghiệp, người dân còn thờ ơ với bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa như hiện nay thì thời gian tới sẽ còn nhiều nhãn hiệu nông sản Việt Nam rơi vào tay các công ty nước ngoài như số phận của nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Nông dân lao đao vì sắn

6-10-2011

Giá mì (sắn) lên cao ngất ngưởng trong năm trước đã khiến hàng nghìn nông dân Phú Yên, Quảng Ngãi đua nhau mở rộng diện tích. Tuy nhiên, những ngày mưa vừa qua, nhiều diện tích sắn có nguy cơ thối củ, trong khi việc tiêu thụ khó khăn khiến người trồng sắn lao đao.

Nông dân khốn đốn bởi lúa vụ 3

6-10-2011

Dư luận đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của ngành nông nghiệp khi khuyến khích nông dân xuống lúa vụ 3 vào đúng thời điểm có lũ.

Đề nghị ngân hàng hỗ trợ dân mua máy móc

6-10-2011

Trước bức xúc của nhiều nông dân, cơ sở sản xuất máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch về việc họ vẫn chưa được hỗ trợ vốn vay theo Quyết định 63 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam can thiệp.

Bộ NNPTNT hợp tác với 12 tập đoàn

6-10-2011

Để giúp các mặt hàng nông sản đi vào sản xuất hàng hóa lớn, Bộ NN&PTNT đã liên kết với 12 tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài.

Báo động đầu tư vào nông nghiệp liên tục giảm

6-10-2011

Trong mười năm qua, tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho nông nghiệp đã giảm từ 8% (trong năm 2001) xuống còn dưới 1% tổng nguồn vốn mà Việt Nam thu hút hằng năm. Và nếu so sánh với những giá trị đóng góp của ngành nông nghiệp trong những năm qua thì đây là một con số đáng báo động.

Hình thành xu hướng mới trong đầu tư nông nghiệp

6-10-2011

Hầu hết các chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp…có mặt tại hội thảo "Triển vọng liên kết công tư trong nông nghiệp Việt Nam", do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5/10 đều cho rằng, để hình thành mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần được "trao quyền" nhiều hơn.

Gần 100 triệu USD phát triển lâm nghiệp

5-10-2011

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1759 về việc đồng ý bổ sung vốn, điều chỉnh quy mô và kéo dài thời gian thực hiện Dự án "Phát triển ngành lâm nghiệp" như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.