TIN TỨC-SỰ KIỆN

Chuyện động trời ở lò giống gia cầm lớn nhất nước

Ngày đăng: 13 | 07 | 2011

Huyện Phú Xuyên (Hà Nội) xưa nay được xem là lò ấp và bán giống gia cầm lớn nhất nước. PV NNVN đã đột nhập lò giống khổng lồ này và chứng kiến những chuyện động trời.

Ồ ạt “nhập tịch” giống Tàu
Nếu chỉ đơn thuần việc nhập trứng từ các địa phương về ấp thành con giống để xuất bán, chắc chắn Phú Xuyên không thể sản sinh ra nhiều đại gia đến thế. Ở đây, việc nhập lậu giống gia cầm Trung Quốc trở thành mánh lới làm ăn sinh lợi khổng lồ. 
Nhập lậu như đi chợ 
Đại Xuyên, lò giống gia cầm lớn nhất nước hiện nay vốn là một trong những xã nghèo của huyện Phú Xuyên. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm qua vùng quê này thay đổi chóng mặt bởi không ít gia đình phất lên từ dịch vụ ấp nở giống gia cầm, thuỷ cầm,… Nhà lầu mọc lên từ các đại gia giống gia cầm, chủ lò làm ăn nhỏ lẻ xưa kia giờ đi xe hàng trăm triệu đồng để giao dịch. Nghề ấp giống ăn nên làm ra nên nhà nhà rủ nhau mua lò ấp, đầu tư hàng trăm triệu đồng. Đã có lúc người ta gọi Đại Xuyên là làng nghề ấp giống gia cầm.
Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT) đóng ở xã Đại Xuyên là cái nôi chính danh cung cấp nguồn giống khổng lồ. Nhưng độ vài năm trở lại đây bị lép vế bởi lượng giống từ Trung Quốc trôi nổi từ các hộ kinh doanh ngay trong thủ phủ giống gia cầm Phú Xuyên. Ông Nguyễn Đức Trọng, Giám đốc Trung tâm thống kê: “Mỗi tuần trung tâm xuất khoảng 20- 25 ngàn con giống. Nhưng nếu đem con số này so với lượng giống trôi nổi từ những hộ kinh doanh xung quanh trung tâm thì chỉ bằng khoảng 1/5”. 
Cách nhận biết giống Trung Quốc với giống Việt Nam cũng không phải  khó. Theo ông Trọng, chỉ cần nhìn vào hệ thống khay đựng trứng và hộp nhốt gà, vịt, ngan ngỗng bằng Inox, dài rộng 80x40, cao khoảng 20 cm, có hai quai xách thì nhất định được thu gom từ Trung Quốc về. Các giống gia cầm Trung Quốc nhập lậu thời gian qua đổ bộ vào Phú Xuyên nhiều đến mức các cán bộ ở Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên nắm rõ lịch từng ngày những chuyến xe tải rầm rập kéo về đổ giống. Cứ thứ 3 và thứ 6 hàng tuần những chiếc xe tải mang BKS khắp mọi nơi ồ ạt chở trứng, giống gia cầm về Phú Xuyên khiến cánh buôn và các chủ lò ấp quy định đấy là chợ phiên. Vào hai ngày này cần mua bao nhiêu giống đều “OK” hết.  
Sáng thứ 6 (8/7), PV NNVN có mặt ở trung tâm xã Đại Xuyên đúng vào thời điểm của một phiên chợ giống như thế. Dọc quốc lộ 1A cũ và từng con hẻm trong xã tấp nập các xe tải đổ giống, tấp nập cảnh nông dân về lấy giống chở đi. Những chiếc xe tải này chở giống Trung Quốc về nhập cho các lò giống ở Đại Xuyên. Một chủ lò ấp tiết lộ, cánh tài xế xe tải dùng nhiều biển số thay đổi liên tục, chở hàng từ các cửa khẩu về nhập cho các chủ lò ấp “xử lý”. Những chiếc xe này hầu hết đều chở những chiếc khay, lồng “made in Tàu” như lời ông Trọng phân tích.  
Quy trình “nhập tịch” giống gia cầm Tàu bắt đầu từ các đầu nậu ở cửa khẩu. Đội quân này gom hàng rồi vận chuyển bằng xe tải về đổ vào Phú Xuyên. Hầu hết xe tải đều dùng BKS giả. Tùy vào thời điểm mà các lò ấp chọn trứng hay con giống đã nở. Tuy nhiên, dù là loại gì thì số giống này đều được dán mác “vịt Đại Xuyên” rồi xuất đi các địa phương. Nói cách khác, người ta lợi dụng mác làng ấp trứng gia cầm Đại Xuyên để hợp thức hóa giống gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc, có giá mua về cực rẻ. 
Phân nửa là giống "hổ lốn" 
Vì sao giống gia cầm Trung Quốc đổ bộ và chiếm lĩnh ở lò giống gia cầm lớn nhất nước? Chúng tôi vào một lò ấp có tên Hoàng Thủy của một đại gia làm nghề ấp giống gia cầm lâu năm nằm ngay cạnh cổng Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên. Cơ sở ấp này có gần chục lò ấp, gà, vịt đủ các loại lúc nhúc, la liệt khắp căn nhà rộng tới 200m2. Mỗi lò ấp có giá gần 20 triệu đồng, chủ lò cũng không ngần ngại khoe cơ sở của mình đang "vào guồng" nhờ giống vịt “super Tàu” lên cơn sốt. Hiện tại loại vịt này có giá  khoảng 20 ngàn/con giống, dù giá cao hơn một số loại trong nước nhưng “bao nhiêu cũng hết”.  
Theo lời trần tình của chủ lò ấp này giống Trung Quốc “sốt” mấy năm nay là do nhu cầu tăng cao, các lò ấp trong nước không đáp ứng nổi. Hơn nữa, giá trôi nổi bao giờ cũng thấp hơn giá “hàng Việt Nam chất lượng cao” của Trung tâm chừng 30- 40% nên dễ dàng trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các đại lý và người nuôi. Bởi tâm lý hiện nay chăn nuôi đang trúng, giá thực phẩm cao nên người chăn nuôi cứ thấy giá giống rẻ là ham, tìm cách rước về nuôi hòng kiếm lời một cách nhanh nhất. Còn ở góc độ các chủ lò ấp loại giống này có nguồn cung vô tận, sinh lợi nhiều nên các chủ lò không thể bỏ qua cơ hội làm ăn.
Chẳng ai thống kê nổi một ngày Đại Xuyên xuất đi bao nhiêu giống gia cầm hổ lốn nhờ công nghệ trà trộn này. Nhưng ở khâu “đầu vào” thì ông Trọng khẳng định ít nhất phân nửa số giống ở Đại Xuyên chắc chắn được “chế” từ giống Trung Quốc vì trong nước không thể lấy đâu ra nhiều giống đến thế. Công nghệ hô biến này khiến Phú Xuyên sản sinh ra nhiều đại gia nhờ kiểu làm ăn mánh lới, chụp giựt. Thậm chí, những đầu nậu giống gia cầm còn căn cho trứng nở ngay khi vừa đổ về Phú Xuyên.
Tại khu vực Cầu Giẽ có hẳn một điểm trung chuyển giống gia cầm có nguồn gốc từ Trung Quốc đi tiêu thụ. Theo đó, khách hàng muốn mua chỉ cần gọi điện và gửi tiền. Chủ lò đưa hàng ra tập kết rồi gửi cho xe khách.
“Những loại giống này chỉ nở một ngày sau đã to như nắm tay rồi. Nếu là giống Việt Nam ấp thì không thể to thế được, các chủ lò ấp cũng không có chỗ mà nuôi cho nó lớn như thế. Nhưng hầu hết người dân đều không biết. Cứ thấy rẻ là họ mua thôi. Nói là rẻ nhưng thực tế các chủ lò “ăn” chênh lệch nhiều lắm rồi. Giống Trung Quốc nhập lậu chẳng ai biết giá gốc là bao nhiêu nhưng chắc chắn phải lãi nhiều người ta mới làm ồ ạt thế”, ông Trọng ngao ngán.
Giống gia cầm đang lên cơn sốt nên ở Đại Xuyên, “hàng” không bao giờ tồn kho. Không chỉ các tỉnh lân cận như Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc… chuộng “giống lạ” này mà các tỉnh phía Nam cũng đặt với số lượng có khi lên đến hàng triệu con. Cuối ngày chợ phiên, PV vào một số cơ sở ấp giống khác như Sơn Quy, Sơn Dũng… để tìm mua gia cầm giống nhưng đều đã hết. Các chủ lò bảo muốn mua thì phải đặt hàng trước. Còn bình thường, cứ ấp xong là xuất đi hết.
Tìm hiểu một số người đến đặt mua giống chúng tôi được biết, những loại giống gia cầm Trung Quốc chỉ có thể nhận biết khi còn nằm trong khay “made in Tàu”, còn khi đã vào lò ấp có trời mới biết đấy là giống trôi nổi hay không. Biết là biết thế nhưng điểm ưu việt nhất của giống gia cầm Trung Quốc là đầu tư rẻ và trọng lượng thường lớn hơn các loại giống trong nước nên người ta bất chấp các nguy cơ về dịch bệnh rình rập để lao vào.  
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/81028/Default.aspx

NỘI DUNG KHÁC

Sử dụng công nghệ mới nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long

12-7-2011

Theo các nhà khoa học, tổn thất sau thu hoạch lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay vẫn còn khá cao, khoảng 13,7%, tương đương thiệt hại 635 triệu USD/năm. Trong số này, chiếm cao nhất là khâu phơi sấy mất 4,2%, thu hoạch 3%, xay xát 3%, bảo quản 2,6%, vận chuyển 0,9%. Bên cạnh đó, tổn thất các phụ phẩm khác của lúa gạo vào khoảng 50%…

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

12-7-2011

Ngày 11/7, Thường trực Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị, có lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Giải ngân hơn 1.900 tỷ đồng đầu tư nông nghiệp

12-7-2011

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 6/2011, khối lượng thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn ngân sách tập trung trong ngành nông nghiệp ước đạt ước đạt 1.912,8 tỷ đồng, bằng 52,09% kế hoạch năm.

SXNN 6 tháng cuối năm: Chuyển từ số lượng sang chất lượng và hiệu quả

11-7-2011

Mặc dù được dự báo là khó đạt các mục tiêu đề ra do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường, thị trường nhiều biến động, song với những gì đạt được trong 6 tháng đầu năm 2011, một lần nữa cho thấy, sản xuất nông nghiệp vẫn luôn thể hiện được khả năng "bật" của mình trong gian khó, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Nông dân đề nghị VFA chỉ nên tìm đầu ra cho hạt gạo

30-6-2011

Thời điểm VFA thu mua tạm trữ (15/7-30/8) là cao điểm thu hoạch lúa hè thu, trong khi hợp đồng xuất khẩu đã ký rất hạn chế, chắc chắn giá lúa sẽ đi xuống.

Các nhà nhập khẩu Mỹ phản đối quy tắc an toàn cá tra mới

30-6-2011

Nhà nhập khẩu lo ngại quy chế đề xuất mới sẽ làm giảm nguồn cung cấp cá nhập khẩu, làm giá tăng cao đối với các nhà bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng.

Tái khởi động bảo hiểm nông nghiệp

30-6-2011

Người nông dân kỳ vọng BHNN sẽ giúp họ phần nào giảm bớt gánh nặng rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh.

Cấm nhập thực vật không đăng ký xuất khẩu

30-6-2011

Đến 1.7, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cho dừng nhập các lô hàng vào VN nếu không có đăng ký.

Nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2011: Vượt khó đi lên

30-6-2011

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhìn chung, 6 tháng đầu năm, thời tiết ít thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc đã ảnh hưởng đến việc gieo cấy vụ Đông xuân.

Miền Bắc thu hoạch lúa chậm, miền Nam lúa được giá

30-6-2011

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, do thời tiết bất lợi nên tiến độ thu hoạch lúa Đông Xuân (ĐX) tại miền Bắc chậm hơn nhiều so với cùng kỳ, điều này cũng ảnh hưởng tới việc gieo cấy lúa vụ Hè Thu (HT) ở một số địa phương.

Việt Nam tham gia Hội chợ Chè quốc tế tại Hàn Quốc

30-6-2011

Để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trà nổi tiếng của các công ty Việt Nam đến với người tiêu dùng nước sở tại, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc tham gia trưng bày các ấn phẩm và sản phẩm trà mẫu và các thông tin liên quan tại Hội chợ Chè quốc tế QuangJu 2011 (Gwangju International Tea Fair 2011) vừa diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Kim Dae Jung, Thành phố Quang Ju-Hàn Quốc từ ngày 23 đến 26/06.

Mỹ ra quyết định về thuế chống bán phá giá cá tra của Việt Nam

30-6-2011

Bangladesh được chọn là quốc gia thứ 3 để tính toán biên độ phá giá cá tra Việt Nam.