TIN TỨC-SỰ KIỆN

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Ngày đăng: 12 | 07 | 2011

Ngày 11/7, Thường trực Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị, có lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại Hội nghị, các thành viên Chính phủ và đại diện lãnh đạo các địa phương đã tập trung phân tích, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết, nhằm thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. 
Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ban, ngành tại đầu cầu Hà Nội.
 
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW (NQ 26) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngay sau khi NQ 26 được ban hành, các Bộ, ngành và địa phương đã tổ chức quán triệt Nghị quyết và triển khai chương trình hành động tới cán bộ, đảng viên. Đến nay đã có 100% cấp ủy đảng các cấp đã tổ chức quán triệt Nghị quyết.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Trong giai đoạn 2008-2010, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nông nghiệp, nông thôn đã vững vàng vượt qua khó khăn, duy trì được tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế-xã hội của đất nước. Năm 2009, nông nghiệp nước ta đạt mức tăng GDP là 1,83%, năm 2010 đạt 2,78%. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả giai đoạn 2006 – 2010 đạt 3,36%/năm, vượt mục tiêu 3,2%/năm của Đại hội Đảng X đề ra.
Tổng kim ngạch xuất khẩu các loại nông, lâm, thủy sản năm 2010 đạt 19,53 tỷ USD (tăng 3,46 tỷ USD so với năm 2008), vượt 81% so với mục tiêu Đại hội Đảng X đề ra (10,8 tỷ USD). Nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản có sức cạnh tranh cao, chiếm được vị thế quan trọng trên thị trường thế giới, đã có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là thủy sản, đồ gỗ, gạo, cao su, cà phê và hạt điều.
Cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực, đến năm 2010, trong khu vực nông thôn, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm xấp xỉ 60% cơ cấu kinh tế.
Hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn trong thời gian qua được chú trọng đầu tư. Riêng về giao thông nông thôn, trong 2 năm (2009 và năm 2010) đã mở mới được gần 7,5 nghìn km đường giao thông; nâng cấp 29,5 nghìn km; xây dựng được gần 3 nghìn cây cầu bê tông…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị.
 
Về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sau 2 năm triển khai thực hiện thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới cấp xã tại 11 xã điểm ở 11 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền đã dần dần hình thành được “hình hài” của mô hình nông thôn mới thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH trên thực tế theo cấp độ xã và thôn, bản ở các vùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện NQ 26 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về NQ và Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới còn chưa đầy đủ; nhiều cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống hoặc chưa tạo ra chuyển biến trên thực tế…
Tại Hội nghị, lãnh đạo một số địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Điện Biên, An Giang… chia sẻ những kinh nghiệm hay, những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện NQ 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các địa phương thời gian qua.
Các địa phương khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong việc tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng các nội dung của NQ 26 trong đó có quyết tâm xây dựng nông thôn mới với tiêu chí cụ thể đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Nhiều địa phương phấn đấu đạt cao hơn mục tiêu 20%, trong đó có Hà Nội quyết tâm thực hiện mục tiêu có 40% số xã đạt tiêu chuẩn về nông thôn mới vào năm 2015.
Các ý kiến tại Hội nghị đều cho rằng, NQ 26 mang tính toàn diện và đầy đủ nhất để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta từ trước đến nay, được dư luận trong và ngoài nước nhất là cư dân nông thôn tích cực đón nhận, kỳ vọng về một thời kỳ với tương lai phát triển mạnh mẽ.
Theo lãnh đạo các địa phương, một trong những khó khăn lớn nhất trong triển khai thực hiện NQ 26 là trình độ, năng lực của cán bộ, nhất là cán bộ ở cấp cơ sở còn hết sức hạn chế; nhiều địa phương đề nghị Trung ương hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quá trình triển khai thực hiện NQ. Có ý kiến đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp về đầu tư tại khu vực nông thôn nhằm tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân nông thôn. 
Các địa phương báo cáo trực tuyến.
 
Hội nghị xác định mục tiêu tổng quát đề ra trong giai đoạn 2011 – 2015 là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; từng bước xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại. Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2015 là đưa tỷ trọng nông nghiệp trong tổng GDP cả nước đạt 17-18%; hàng năm đào tạo 1 triệu lao động nông thôn; thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 1,8-2 lần so với năm 2010; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đạt khoảng 20%...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: NQ 26 đã thể hiện rõ tầm chiến lược trong công tác xây dựng và phát triển nông thôn, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Sau gần 3 năm thực hiện NQ 26, diện mạo nông thôn cả nước đã có nhiều thay đổi tích cực. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tăng lên trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn.
Để tiếp tục đưa NQ 26 vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát 8 nhóm giải pháp trong NQ 26; nội dung, tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo để từ đó, căn cứ đặc thù từng địa phương, xây dựng kế hoạch hành động. Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương tự cân đối và có cơ chế huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong huy động vốn, cần chú ý kết hợp hài hòa giữa nguồn ngân sách của Trung ương với tận dụng nguồn lực trong dân và đóng góp của doanh nghiệp. Đặc biệt, phải tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất cả về nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ, trong đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, gắn với cơ khí hóa, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm.
Các cấp, ngành, địa phương cần đặc biệt lưu ý đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ, dân trí cho người dân nông thôn. Song song với đào tạo phổ thông, đại học, cần đa dạng hóa hơn nữa việc đào tạo nghề để tạo tiền đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thoát nghèo. Bên cạnh đó, ở mỗi địa phương, cũng cần tăng cường, củng cố công tác xây dựng, phát triển hệ thống chính trị cơ sở để giữ vững an ninh nông thôn, đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần thường xuyên tổ chức sơ kết, cân đối, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương để thúc đẩy hiệu quả của công tác hết sức quan trọng này./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30701&cn_id=468089

NỘI DUNG KHÁC

Giải ngân hơn 1.900 tỷ đồng đầu tư nông nghiệp

12-7-2011

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 6/2011, khối lượng thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn ngân sách tập trung trong ngành nông nghiệp ước đạt ước đạt 1.912,8 tỷ đồng, bằng 52,09% kế hoạch năm.

SXNN 6 tháng cuối năm: Chuyển từ số lượng sang chất lượng và hiệu quả

11-7-2011

Mặc dù được dự báo là khó đạt các mục tiêu đề ra do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường, thị trường nhiều biến động, song với những gì đạt được trong 6 tháng đầu năm 2011, một lần nữa cho thấy, sản xuất nông nghiệp vẫn luôn thể hiện được khả năng "bật" của mình trong gian khó, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Nông dân đề nghị VFA chỉ nên tìm đầu ra cho hạt gạo

30-6-2011

Thời điểm VFA thu mua tạm trữ (15/7-30/8) là cao điểm thu hoạch lúa hè thu, trong khi hợp đồng xuất khẩu đã ký rất hạn chế, chắc chắn giá lúa sẽ đi xuống.

Các nhà nhập khẩu Mỹ phản đối quy tắc an toàn cá tra mới

30-6-2011

Nhà nhập khẩu lo ngại quy chế đề xuất mới sẽ làm giảm nguồn cung cấp cá nhập khẩu, làm giá tăng cao đối với các nhà bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng.

Tái khởi động bảo hiểm nông nghiệp

30-6-2011

Người nông dân kỳ vọng BHNN sẽ giúp họ phần nào giảm bớt gánh nặng rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh.

Cấm nhập thực vật không đăng ký xuất khẩu

30-6-2011

Đến 1.7, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cho dừng nhập các lô hàng vào VN nếu không có đăng ký.

Nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2011: Vượt khó đi lên

30-6-2011

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhìn chung, 6 tháng đầu năm, thời tiết ít thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc đã ảnh hưởng đến việc gieo cấy vụ Đông xuân.

Miền Bắc thu hoạch lúa chậm, miền Nam lúa được giá

30-6-2011

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, do thời tiết bất lợi nên tiến độ thu hoạch lúa Đông Xuân (ĐX) tại miền Bắc chậm hơn nhiều so với cùng kỳ, điều này cũng ảnh hưởng tới việc gieo cấy lúa vụ Hè Thu (HT) ở một số địa phương.

Việt Nam tham gia Hội chợ Chè quốc tế tại Hàn Quốc

30-6-2011

Để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trà nổi tiếng của các công ty Việt Nam đến với người tiêu dùng nước sở tại, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc tham gia trưng bày các ấn phẩm và sản phẩm trà mẫu và các thông tin liên quan tại Hội chợ Chè quốc tế QuangJu 2011 (Gwangju International Tea Fair 2011) vừa diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Kim Dae Jung, Thành phố Quang Ju-Hàn Quốc từ ngày 23 đến 26/06.

Mỹ ra quyết định về thuế chống bán phá giá cá tra của Việt Nam

30-6-2011

Bangladesh được chọn là quốc gia thứ 3 để tính toán biên độ phá giá cá tra Việt Nam.

Còn nhiều bất cập trong việc thực hiện dự án 5 triệu hecta rừng

30-6-2011

Tuy dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng đạt được những kết quả nhất định nhưng theo đánh giá của nhiều cơ quan chức năng, dự án vẫn tồn tại nhiều bất cập, thậm chí nhiều hạng mục không hoàn thành.

Trồng rừng hướng tới nền kinh tế xanh

30-6-2011

Mỗi năm, thế giới phải chi rất nhiều tiền cho công tác trồng và bảo vệ rừng. Vấn đề đặt ra hiện nay đó là làm sao để rừng phải mang lại thật nhiều giá trị kinh tế cho con người, xóa đói nghèo.